ã 6 năm trôi qua kể từ khi cuộc phiêu lưu của Harry Potter chính thức dừng lại trên màn ảnh rộng. Hình ảnh bộ ba đứng ở sân ga 9¾, nhìn đoàn tàu chầm chậm lao về phía trước giống như một lời tạm biệt với tuổi thơ của cả một thế hệ.

Và ngày hôm nay, hàng triệu fan hâm mộ của thế giới phép thuật đã lại một lần nữa được quay trở về miền đất của tuổi thơ, khi "Fantastic Beasts and Where to Find Them" – sau bao ngày chờ đợi – đã chính thức ra rạp. Tôi biết chắc chắn rằng, với tất cả những ai đã từng lớn lên với những tập truyện và cả những phần phim – khi logo của Warner Bros. hiện lên trên tông màu đen quen thuộc, và đặc biệt là tiếng nhạc dập dìu đặc trưng của Harry Potter trong cảnh mở đầu "Fantastic Beasts" – sẽ có một cảm giác xúc động, như thể một đứa trẻ đi xa được trở về nhà.

Fantastic Beasts and where to find them - Chuyến phiêu lưu tiếp theo dành cho người hâm mộ Harry Potter. (Artwork: Movie Pilot).

Đúng như vậy, sau 6 năm dài, cuối cùng tất cả chúng ta cũng lại được cùng nhau quay ngược thời gian, trở về với những xúc cảm phấn khích, khi được một lần nữa nhìn lại thế giới phép thuật dù là chỉ trong tưởng tượng, nhưng ai cũng coi là nhà.

háng 2/2016, tôi đặt chân tới thành phố Edinburgh của Scotland trong tiết trời rét buốt. Mặc cho trời tuyết rơi ngày một dày đặc, tôi vẫn cố lần mò theo bản đồ để tới quán cafe The Elephant House. Nơi đây chính là quán cafe mà hai thập niên trước, một bà mẹ đơn thân người Anh đã tìm tới trong lúc rảnh rỗi để ngồi viết sách. Khi ấy, bà phải tiết kiệm cho cuộc sống tới mức chọn mua một cốc cafe để nhâm nhi và ngồi lỳ ở quán cả ngày thay vì ở nhà do chi phí bật ga sưởi ấm quá tốn kém. Người phụ nữ ấy chính là J.K. Rowling - tác giả của bộ sách Harry Potter mà sau này đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới.

Ở ngay cửa quán The Elephant House là dòng chữ "Nơi Harry Potter chào đời" được viết đầy hãnh diện bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung Quốc. Và để có thể chụp hình kỷ niệm với quán cafe xinh xắn này, tôi đã phải đợi tới khoảng năm lượt du khách thì mới tới lượt mình. Giống như tôi, những "Potterhead" (Người hâm mộ Harry Potter) từ khắp thế giới khi đặt chân tới Edinburgh đều phải tìm tới The Elephant House, như một cách hoài niệm lại tuổi thơ lớn lên cùng Harry Potter. Cảnh tượng này tôi cũng đã bắt gặp trước đó khi từ London tới Edinburgh. Tại ga tàu King's Cross mà fan Harry Potter Việt Nam thường nhớ tới với cái tên "Ngã tư Vua", tôi cũng đã bắt gặp một đoàn người nối đuôi nhau chờ chụp ảnh kỷ niệm ở sân ga 9¾.

Chiếc đũa thần của Harry rọi đến đâu, nơi đấy trở thành mỏ vàng đem lại lợi nhuận khổng lồ. (Artwork: Movie Pilot).

Nếu như trong thần thoại Hy Lạp, nhân vật vua Midas có khả năng kỳ lạ là biến mọi thứ ông chạm vào thành vàng thì ở thế giới hiện đại, chiếc đũa thần của Harry Potter cũng có năng lực tương tự. Bất kỳ nơi nào chiếc đũa phép của cậu rọi tới đều trở thành những mỏ vàng đem lại lợi nhuận khổng lồ, từ những trang sách, màn ảnh rộng, sân khấu kịch, đồ lưu niệm cho tới công viên chủ đề ... Theo tờ Time ước tính thì thương hiệu Harry Potter có giá trị lên tới 25 tỷ USD!

Muốn nhìn sức hút của Harry Potter lớn đến đâu, hãy nhìn cách người hâm mộ rồng rắn xếp hàng chờ ở cửa nhà sách lúc nửa đêm để được trở thành những người đầu tiên được cầm trên tay tập truyện mới nhất về cậu bé phù thủy. Không ít trường hợp cả gia đình có 4 người thì mỗi người mua một quyển sách để có thể thoải mái đọc ngay mà không phải tranh giành với ai. Theo thống kê, có khoảng gần 500 triệu cuốn sách Harry Potter đã được bán ra trên toàn cầu với 73 thứ tiếng được dịch.

Tia sét trên trán và cặp kính cận tròn đã trở thành hình ảnh biểu tượng của Harry Potter nói riêng, và thế giới Phép thuật nói chung. (Artwork: Movie Pilot).

Không chỉ gây sốt ở mảng văn học, mỗi bộ phim Harry Potter khi ra rạp đều trở thành hiện tượng. Trước khi tập cuối "Harry Potter and the Deadly Hallow 2" được ra mắt, tạp chí danh tiếng Entertainment Weekly còn dành hẳn một chuyên san hơn 50 trang để nói về Harry Potter. Ở ngay trang bìa là hình ảnh nam diễn viên Daniel Radcliffe khi đóng Harry lần đầu tiên, kèm theo dòng chữ "Thank You, Harry" (Cảm ơn Harry).

Rồi tới ngày phim công chiếu lần đầu, khoảng 8000 người hâm mộ đã đội mưa tầm tã ở quảng trường Trafalgar ở London để chờ đón những ngôi sao Daniel Radcliffe, Rupert Grint và Emma Watson xuất hiện trên thảm đỏ. Với những "Potterhead", họ sẽ mãi là bộ ba Harry, Ron và Hermione đã bước ra từ những trang sách đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của cả một thế hệ. Đối với những fan hâm mộ, nhìn thấy bộ ba diễn viên này không đơn thuần chỉ là nhìn thấy người nổi tiếng. Mà nhìn thấy họ, còn là nhìn thấy một phần tuổi thơ của mình, với những người bạn mình cùng mình lớn lên sau cả một chặng đường dài, và nói lời tạm biệt đầy tiếc nuối sau khi đã có cùng nhau những cuộc phiêu lưu tuyệt vời.

uối năm 2000, Harry Potter lần đầu đến với độc giả Việt Nam qua phần dịch của cô Lý Lan. Ở thời điểm ấy, Harry Potter đã ra tới tập bốn ở nước ngoài và được báo chí rầm rộ đề cập như một hiện tượng văn học. Cậu bé phù thủy đến Việt Nam vào thời điểm mà Internet còn là thứ xa xỉ chứ chưa nói tới việc smartphone, những trò chơi điện tử, mạng wifi và 3G được phổ cập tràn lan như hiện nay. Khi đó, đọc truyện vẫn là một trong những cách giải trí hàng đầu của học sinh hay sinh viên. Và giữa một rừng truyện tranh Nhật Bản, Harry Potter xuất hiện như một làn gió mới, đem lại thêm lựa chọn cho đám học sinh thời bấy giờ.

Thay vì được phát hành thành nguyên cuốn, Harry Potter lại được chia thành từng tập truyện nhỏ xinh với giá 4.500 Đồng/quyển, kèm theo lời giới thiệu đằng sau "Từ 7 đến 77 tuổi - Harry Potter - Bộ sách dành cho mọi lứa tuổi". Bên trong mỗi trang sách, những cái tên tiếng Anh còn được cẩn thận dạy cách phiên âm dễ thương ở cuối trang, như Harry (Ha-ri), Hermione (Hà-mi-nhon) hay trường Hogwarts (Học-vợt).

Và những ai đã trót tìm đọc Harry Potter vì tò mò để rồi bị cuốn hút vì hành trình bước vào thế giới ma thuật ấy như tôi, việc phải đợi cả tuần để được ra sạp báo mua tập truyện mới quả chẳng khác gì cực hình. Một may mắn cho tôi khi ấy là việc xin tiền mẹ để mua Harry Potter (truyện chữ) vẫn dễ dàng hơn rất nhiều nếu so với việc mua truyện tranh. Cố gắng làm bài tập chăm chỉ, được điểm tốt để được mua truyện có lẽ là câu chuyện của nhiều đứa trẻ thời ấy chứ không chỉ riêng gì tôi. Mỗi tập truyện đều được đọc ngấu nghiến ngay khi vừa mua, để rồi đọc đi đọc lại theo năm tháng để hồi tưởng lại mỗi khi một phần mới hay một tập phim chuẩn bị được ra mắt cho đến khi sách dần ngả màu thời gian.

Thứ làm đám trẻ chúng tôi say mê Harry Potter và thế giới phép thuật là… gần như tất cả. Cùng tới trường học nhưng thay vì phải ngồi tính toán và viết chữ, học sinh của Hogwart lại được học những môn nghe đã thấy mê như Độc dược, Chăm sóc sinh vật huyền bí, và ai lại không muốn học Biến hình cơ chứ? Và thậm chí, chỉ riêng việc học ở Hogwart cũng đã là một niềm sung sướng, khi mà toà lâu đài không chỉ có các lớp học, nhà ăn hay khu ký túc, mà còn ẩn chứa hàng trăm nghìn câu chuyện và điều bí ẩn chưa được khám phá hết. Chưa hết đâu, bạn có chắc rằng, không có đứa trẻ nào lại không từng thử nghĩ mình sẽ được phân vào Nhà nào: Gryffindor, Ravenclaw, Hufflebuff hay Slytherin ... dựa trên mô tả của Chiếc mũ phân loại cơ chứ?

Mà không chỉ có Hogwarts là kỳ diệu, thế giới phù thủy còn rộng lớn hơn thế với hàng trăm điều hấp dẫn những đứa trẻ. Bé tí thì thích ăn thử Chocolate ếch để sưu tập thẻ, thích ăn Kẹo dẻo đủ vị để xem mình có ăn phải vị thối tai hay không, lớn hơn chút thì tưởng tượng ra cái vị ấm ấm ngậy ngậy của Bia bơ ở làng Hogsmeade trong ngày đông giá lạnh, dạo bước ở Hẻm xéo để mua đồ chơi khăm ở tiệm của Fred và George hay thử Bùa yêu để lấy lòng cô nàng mình thích... Harry Potter dành cho mọi lứa tuổi là vì thế, bởi mỗi mùa hè qua khi Harry lên một lớp và bước vào một cuộc phiêu lưu mới, người đọc cũng dần trưởng thành theo từng năm tháng.

Sau khi ra từng tập đến hết phần thứ tư là "Harry Potter and the Goblet of Fire" thì cũng là lúc độc giả Việt Nam bắt kịp độc giả thế giới. Và thế là bắt đầu những tháng ngày mòn mỏi đợi và ngóng tin từ tác giả Rowling. Từ những chi tiết trong truyện cho tới ngày phát hành tập sách tiếp theo đều trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên những forum Internet giờ đã bắt đầu lớn mạnh. Rồi khi mỗi tập truyện mới ra mắt, trong khi dịch giả Lý Lan chạy đua với thời gian để cho ra đời bản tiếng Việt kịp tiến độ thì những "Potterhead" cũng đành truyền tay nhau những chương sách tự dịch để thỏa cơn ghiền.

Sau khi Harry Potter dần trở nên quen thuộc với những độc giả tại Việt Nam thì trên thế giới, người ta cũng bắt đầu chuyển thể loạt sách này thành phim vào năm 2001. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu thấy hình của bộ ba Radcliffe-Grint-Watson trạc tuổi mình trên bìa tạp chí và chắc mẩm rằng sẽ chẳng có những lựa chọn nào hoàn hảo hơn. Mà ở Việt Nam khi đó, muốn xem phim bom tấn cùng thời điểm với trên thế giới cũng chẳng khác gì yêu cầu dân Muggle làm phép thuật. Kết quả là mãi khoảng gần một năm sau khi "Harry Potter and the Sorcerer's Stone" được công chiếu, tôi mới được xem bộ phim trên đĩa DVD.

Bảy cuốn sách (từ 2000 tới 2007) và tám tập phim (từ 2001 tới 2011) là quá đủ để Harry Potter trở thành một nhân vật gắn bó với tuổi trưởng thành cả một thế hệ. Chẳng thế mà khi diễn viên Alan Rickman qua đời hồi đầu năm nay, tôi bắt gặp trên newsfeed Facebook mình vô vàn lời chia sẻ những kỷ niệm của bạn bè về "thầy Snape", dù cho Rickman còn nhiều vai diễn nổi tiếng khác. Và khi tới rạp xem "Fantastic Beasts and Where to Find Them", tôi đã bắt gặp nhiều "Potterhead" giống như mình, hào hứng trước những tình tiết mới, và lặng đi khi nhận ra những chi tiết gợi nhớ đến Harry Potter được đan cài khéo léo, mà chỉ những ai đã thuộc làu truyện và xem đi xem lại 7 phần phim, mới có thể nhận ra.

Và có lẽ, cũng chỉ có duy nhất Harry Potter là loạt truyện/ phim mà người ta có thể xem đi xem lại không biết chán. Nó gần như là một nơi để chúng ta trở về, để nương náu, để gặp lại những người bạn xưa và biết đâu đấy, trong lần đọc truyện hay xem lại phim này, ta lại khám phá ra một bí mật mới, một chi tiết mới. Hoặc đơn giản, chỉ đơn giản là cảm giác thân thương, ấm cúng mỗi khi giở lại từng trang sách, hay lắng nghe đoạn nhạc dạo đầu phim. Giống như J.K. Rowling đã từng nói trong buổi công chiếu phần cuối của Harry Potter and the Deadly Hallows: “Dù là qua những trang sách hay bằng những bộ phim, Hogwart sẽ luôn ở đó – chào đón các bạn trở về nhà”.

Trong lời giới thiệu của tập truyện nhỏ Harry Potter đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam, dịch giả Lý Lan đã giới thiệu: "Cũng như cậu bé bay Peter Pan hay Alice ở Xứ sở thần tiên, hay Siêu-nhân, Harry Potter giúp chúng ta mở rộng trí tưởng tượng, thỏa mãn mong muốn sáng tạo, bay nhảy, khẳng định những giá trị nhân bản và bảo vệ chân lý. Harry Potter là một Ngộ Không kiểu Anh của thế giới công nghiệp hiện đại. Harry Potter được trẻ em khắp thế giới yêu mến vì đó là sự lương thiện trong sáng hồn nhiên trẻ thơ mà thế lực Hắc Ám không thể nào tiêu diệt được. Harry Potter sẽ cùng các em lớn lên, sẽ chiến thắng, nổi tiếng và vĩ đại."

Bài viết
Thịnh Joey
Thiết kế
Tố Linh, Quân NH, V.