5 dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang thụt lùi trong học tập

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 11:21 13/08/2023

Cha mẹ nên chú ý xem con mình xuất hiện những vấn đề này hay không và có biện pháp xử lý theo tình trạng cụ thể của trẻ.

Khi con đến tuổi đi học, các bậc phụ huynh luôn trăn trở về chuyện phải làm thế nào để con học giỏi, không tụt lại phía sau so với bạn bè đồng trang lứa. Để có giải pháp cải thiện kịp thời, cha mẹ cần đồng hành và phát hiện kịp thời những dấu hiệu cảnh báo về sự thụt lùi trong học tập của trẻ.

Nếu con có 5 dấu hiệu này, phụ huynh cần lưu tâm:

5 dấu hiệu chứng tỏ trẻ đang thụt lùi trong học tập - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Không ngừng phàn nàn về giáo viên: Chú ý điều chỉnh tâm lý

Khi một đứa trẻ bắt đầu phàn nàn công khai về giáo viên, cha mẹ cần chú ý. Sự không hài lòng trong lòng có thể khiến trẻ mất hứng thú, không muốn đến lớp học, điều này sẽ ảnh hưởng đến điểm số.

Giải pháp: Giao tiếp để hiểu sự bất mãn của trẻ, từ đó hướng dẫn trẻ học cách hiểu và tôn trọng giáo viên. Nếu vấn đề thực sự do giáo viên gây ra, phụ huynh nên chủ động trao đổi với giáo viên và nhà trường từ góc độ bảo vệ quyền học tập của trẻ em.

2. Quá quan tâm thắng thua: Có cái nhìn đúng đắn về được và mất

Trẻ em có sự cạnh tranh là tốt, tuy nhiên nếu nói quá nhiều về thắng thua trong kỳ thi và có cảm xúc cực độ trước kết quả, điều này cho thấy chúng quá quan tâm đến được và thua. Cứ tiếp tục như vậy, các em không dám thử và sợ thất bại, những trở ngại này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình học tập và trưởng thành.

Giải pháp: Giúp các em hiểu kỳ thi không phải là tiêu chí duy nhất để đánh giá thành bại, quá trình trải nghiệm còn là chìa khóa thành công. Dạy trẻ tập trung vào sự tiến bộ, học bài học từ những thất bại. Hướng dẫn trẻ đặt mục tiêu hợp lý, học cách điều chỉnh tâm lý và hỗ trợ trẻ cải thiện thành tích.

3. Ám ảnh trước những bài toán khó: Phát triển tư duy thích ứng

Rất nhiều trẻ em đã mắc phải hội chứng "sợ hãi Toán học" dẫn đến tình trạng học kém và sa sút tinh thần, ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và cảm xúc.

Giải pháp: Phụ huynh và nhà trường giúp trẻ thiết lập một phương pháp học tập cân bằng và có chiều sâu. Hãy thử mọi cách khi mới bắt đầu kể cả những phần thưởng. Bắt đầu với những bài tập Toán thú vị phù hợp với cấp lớp và trình độ của con, và đặt ra một phần thưởng từ nhỏ đến lớn nếu con giải được bài Toán ấy.

Thay vì ép con luyện đi luyện lại những dạng Toán nâng cao, bất chấp khả năng của trẻ đến đâu thì hãy cho con học toán theo kiểu… ăn buffet, trong Toán có hàng chục phân môn, hãy cho con chọn những phần con yêu thích trước. Khi con đã nắm vững kiến thức cơ bản, phát triển khả năng giải quyết vấn đề và sự tự tin, lúc này cha mẹ có thể giới thiệu các dạng Toán khó dần.

4. Không khơi dậy được hứng thú học tập: Tăng cường động lực cho trẻ

Hứng thú học tập giảm sút, biểu hiện là không thể tập trung vào việc học nhưng khi bắt tay vào việc khác lại tràn đầy năng lượng. Tình trạng này cho thấy trẻ có thể gặp khó khăn trong học tập và mất tập trung.

Giải pháp: Tìm hiểu sâu về sở thích và vấn đề của trẻ, chú ý đến thành tích của trẻ trong các hoạt động ngoại khóa, khen ngợi, động viên thay vì cấm đoán. Nuôi dưỡng sự nhiệt tình học tập của trẻ trong cuộc sống gia đình, xây dựng kế hoạch học tập thú vị và đầy thử thách, đồng hành cùng trẻ luyện tập.

Cha mẹ có thể mời các bạn xuất sắc giao lưu với trẻ để kích thích tinh thần cạnh tranh và khao khát tiếp thu tri thức của con mình.

5. Tư duy cứng nhắc: Học linh hoạt và sáng tạo

Một số trẻ có xu hướng rơi vào "bẫy" ghi nhớ vẹt và tư duy cứng nhắc trong quá trình học. Phương pháp này có thể mang lại hiệu quả tốt ở những năm đầu tiên, nhưng khi trẻ lên các cấp lớn hơn, các vấn đề lần lượt xuất hiện.

Giải pháp: Trau dồi khả năng sáng tạo của trẻ, nhắc nhở trẻ phản ứng linh hoạt với các vấn đề khác nhau trong lớp học và tìm ra các phương pháp giải quyết đa dạng và thú vị. Dạy con các chiến lược và kỹ thuật học tập hiệu quả như liên tưởng, phân tích, quy nạp,... Tăng cường khả năng thích ứng với môi trường học tập luôn thay đổi thông qua các bài tập thực hành.

Khuyến khích trẻ làm phong phú thêm nội dung tự học trong thời gian rảnh rỗi như xem các buổi biểu diễn mới lạ, độc đáo; đọc sách phong phú và đa dạng; khám phá các khái niệm khoa học,...

Lưu ý rằng quá trình cải thiện thành tích học tập cần kiên nhẫn và có thời gian. Trong khi chú ý đến tiến độ học tập, cha mẹ cũng nên quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con. Duy trì thái độ tích cực và vui vẻ, khuyến khích trẻ dũng cảm đối mặt với những thất bại, cùng nhau theo đuổi sự tiến bộ và thành công.