6 điều tân cử nhân cần biết để đối mặt với công việc và cuộc sống

Đại Tếu, Theo Trí Thức Trẻ 00:09 03/12/2017

Không có cái gọi là "cân bằng công việc - cuộc sống". Trong những khoảng thời gian nhất định của cuộc đời, bạn cần xác định được điều gì quan trọng và được ưu tiên.

Việc làm đầu tiên đừng quan trọng lương hãy "đánh" vào kinh nghiệm

Mới ra trường, công việc đầu tiên bạn tìm kiếm không nhất thiết phải là công việc sẽ được trả lương cao chót vót hoặc ở các công ty hàng đầu trên thị trường. Hãy tìm kiếm kinh nghiệm, những cơ hội được làm việc với những người tuyệt vời mà bạn có thể học hỏi được từ họ những kỹ năng cốt lõi. Nơi đó có cơ hội để bạn phát triến trong ít nhất 3 năm, đồng thời đây cũng là khoảng thời gian mà nếu bạn thành công trong công việc bạn sẽ cải thiện được "thương hiệu" cá nhân của mình.

Không có cái gọi là "cân bằng công việc - cuộc sống" 

6 điều tân cử nhân cần biết để đối mặt với công việc và cuộc sống - Ảnh 1.

Nếu bạn muốn làm việc với những người đầy kinh nghiệm, giải quyết những vấn đề khó khăn và phát triển hơn trong công việc, bạn không thể có "sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống". Nếu đang ở giai đoạn khởi đầu một công việc hay đang tìm hướng đi mới cho sự nghiệp - tại thời điểm đó công việc là cuộc sống của bạn. Tất nhiên bạn vẫn có thể tham gia một vài hoạt động giải trí, vui chơi bạn bè... nhưng đừng quá đòi hỏi sự cân bằng ở đây. Trong những khoảng thời gian nhất định của cuộc đời, bạn cần xác định được điều gì quan trọng và được ưu tiên.

"Làm việc mà bạn yêu thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời mình"

Hãy trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn, hãy tìm ra thứ gì đó thúc đẩy bạn tốt hơn, hãy đắm mình vào nó và trên hết là làm việc với những thứ mà bạn say mê. Không nhất thiết bạn phải làm đúng công việc mà bạn đã học. Khi ra trường, mỗi người có một ngả rẽ khác nhau miễn là bạn làm nó với sự tích cực. Và khi cả con tim - khối óc của bạn đặt trọn vào một công việc, thành công sẽ cách bạn không xa.

Đừng sợ thất bại

Bước chân ra khỏi giảng đường đại học, bắt đầu một hành trình xin việc, mọi thứ không đơn giản như bạn nghĩ. Công việc đúng chuyên ngành thì cạnh tranh cao hoặc mức lương không phù hợp. Thu nhập ổn định một chút thì lại trái ngành trái nghề. Và quan trọng là bạn có thể sẽ gặp thất bại trong công cuộc đầu tiên của mình. Nguyên nhân của việc này có thể đến từ bạn, từ sếp, từ môi trường xung quanh... Nhưng cũng đừng quá buồn và thất vọng nếu điều đó xảy ra, cái gì cũng có hai mặt.

6 điều tân cử nhân cần biết để đối mặt với công việc và cuộc sống - Ảnh 2.

Sau thất bại ít nhất bạn có thể trả lời cho "n" câu hỏi vì sao của mình. Vì sao bạn chưa hòa hợp được với đồng nghiệp? Vì sao bạn cố gắng làm rất nhiều nhưng không nhận được sự công nhận của cấp trên?... Và tin tôi đi, lần thất bại này sẽ cho bạn những bài học, những trải nghiệm thực tế giúp ích cho quá trình làm việc về sau.

Không ảo tưởng sức mạnh

Kết quả học tập tốt, bảng điểm đẹp với tấm bằng hạng cao... bạn luôn tự tin cho rằng có những thứ đó thì đương nhiên mình "biết tuốt". Điều này nhiều khi dẫn đến thái độ tự tin "quá đà" mà quên mất rằng lý thuyết chỉ mãi là lý thuyết nếu bạn không vận dụng nó vào thực tiễn. Bởi lẽ đó, đừng vội ỷ vào những kiến thức mà mình đã học, tự tin về ngôi trường mình đã tốt nghiệp... nhà tuyển dụng đánh giá nhân sự ở khả năng thực tế, hiệu quả công việc chứ không phải những tấm bằng, chứng chỉ đang được xếp ở kho hồ sơ.

"Trên con đường thành công không có dấu chân của người lười biếng"

Sau tất cả, nếu muốn có được thành công, muốn có cho mình một công việc tốt, ổn định lâu dài thì bạn phải tránh xa căn bệnh "lười biếng". Trong quá trình học tập cũng như làm việc, tân cử nhân cần phải chủ động học hỏi, nâng cao kĩ năng cho bản thân để thích nghi với môi trường công việc. Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ điều gì. Bản thân không chiến thắng được sự lười biếng, ỷ lại của chính mình thì bạn sẽ thua cuộc ở mọi "mặt trận" chứ không riêng gì vấn đề tìm kiếm việc làm.