7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 18:11 17/05/2017

“King Arthur: Legend of the Sword” trở thành nỗi thất vọng lớn nhất từ đầu mùa hè năm nay.

Tác phẩm được kỳ vọng là bom tấn của mùa hè năm nay King Arthur: Legend of the Sword với kinh phí khủng lên tới 175 triệu đô thậm chí còn phải chịu lép vế trước bộ phim hài nhảm 42 triệu đô của Amy Schumer trong tuần đầu tiên ra mắt. Tính sơ sơ cứ với đà này, Guy Ritchie và các đồng đội sẽ khiến Warner Bros./Time Warner Inc., Village Roadshow và RatPac-Dune mất khoảng 150 triệu đô với một bộ phim có cả voi chiến, mãng xà, pháp sư lẫn cao thủ kungfu.

Đây là điều không ai mong muốn, nhất là khi mùa phim hè năm nay được dự đoán là sẽ còn cạnh tranh khốc liệt và khó đoán hơn nữa. Có nhiều lí do dẫn tới việc vua Arthur ngã ngựa tại phòng vé, nhưng chung quy lại thì có một số nguyên nhân chính như sau.

Vai diễn "quá khổ" với Charlie Hunnam

7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé - Ảnh 1.

Hollywood vẫn đang đỏ mắt tìm kẻ kế thừa ngai vương soái ca phim hành động mà Tom Cruise (sắp) để lại trên màn ảnh rộng. Trong khi những Hugh Jackman và Chris Hemsworth đều đã già đi trông thấy, thế hệ ngôi sao trẻ vẫn chưa có ai đủ tầm trở thành một tài tử đúng nghĩa.

Rõ ràng với vai vua Arthur, Charlie Hunnam cho thấy anh chưa sẵn sàng trở thành một Brad Pitt thứ hai. Kết quả là, nếu bạn có được những tài năng thực sự, bạn có Robin Hood: Prince of Thieves hay Sherlock Holmes. Còn không, người ta sẽ được xem những The Phantom, John Carter, Battleship hoặc Robocop.

Chúng tôi thích Batman không có nghĩa là chúng tôi thích vua Arthur

7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé - Ảnh 2.

Thành công của những Batman (Tim Burton) hay Batman Begins của Christopher Nolan không đại diện cho nhu cầu của khán giả được thấy toàn bộ những hình tượng điện ảnh ăn khách thế kỉ trước sống lại trên màn ảnh. Đây là một lỗi mà không chỉ Warner Bros. mà còn Universal (đốt hết vào phim làm lại về Robin Hood 7 năm trước) hay Walt Disney (John Carter, Lone Ranger)… mắc phải.

Có chuyện gì thì kể luôn đi

(Một trong những) vấn đề của King Arthur, Jem and the Holograms, Fantastic Four, Pan hay Robin Hood là mất quá nhiều thời gian để xây dựng phần tiền truyện trong khi câu chuyện chính thì xem đến mỏi cả mắt vẫn chưa thấy đâu. Guy Ritchie giải quyết điều này bằng các đoạn cắt cảnh chớp nhoáng, mạch phim tốc độ cao "rất Guy Ritchie" để tua nhanh sự kiện nhưng cuối cùng thì khán giả vẫn phải bối rối nhìn nhau: "Chuyện gì đã xảy ra vậy?".

Các cảnh reshoot (quay lại) tốn kém

7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé - Ảnh 3.

Nếu như bộ phim thành công thì có phải quay đi quay lại mấy lần cũng không còn là vấn đề nữa. Thế nhưng một khi bộ phim 175 triệu đô la "sấp mặt" ở rạp thì lại là chuyện khác. Guy Ritchie vốn là một đạo diễn tiết kiệm (The Man from U.N.C.L.E. làm hết 75 triệu đô), nhưng kinh phí làm phim cũng có đội lên tùy theo dự án (Sherlock Holmes và A Game of Shadows lần lượt tiêu hết 90 và 120 triệu đô la) tương ứng với quy mô cháy nổ trong phim. Một trong những lí do trực tiếp dẫn tới kinh phí của King Arthur tốn kém như thế là do rất nhiều cảnh phim được yêu cầu phải quay đi quay lại. Liệu điều đó có đáng không?

Khán giả không đói khát một phim về vua Arthur quy mô siêu anh hùng

7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé - Ảnh 4.

Khán giả biết về truyền thuyết thanh kiếm Excalibur không có nghĩa là người ta khao khát được xem một phim có quy mô khổng lồ về nó trên màn ảnh. Những người từng yêu thích những phim trước về vua Arthur chưa chắc đã muốn xem một phim nhồi nhét CGI bằng quái vật và phép thuật.

Những phần phim trước như First Knight, Quest for Camelot hay King Arthur đều không phải là các ví dụ thành công tại phòng vé. Excalibur có thể ăn khách đấy, nhưng cũng đã xưa lâu xưa lắc suốt từ năm 1981. Thậm chí bộ phim được đánh giá cao Monty Python and the Holy Grail cũng không thực sự ăn nên làm ra khi được ra mắt vào năm 1975.

Trước khi chuyển thể bất kỳ một thương hiệu giả tưởng nào, bạn nên dừng lại và đặt câu hỏi: "Liệu khán giả có thực sự muốn xem chúng với quy mô khủng hay không?". Đây có lẽ là bài học lớn nhất từ mùa phim hè năm ngoái, nhưng dường như ekip sản xuất của vua Arthur không cho đó là điều nên suy ngẫm.

Cho chúng tôi xem cái gì chúng tôi không được thấy trên tivi đi

7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé - Ảnh 5.

King Arthur: Legend of the Sword đã có thể trở thành niềm tự hào nếu nó được ra mắt vào thời điểm khác. Nhưng đó là khoảng thời gian ngày xưa khi mà Hollywood còn làm được những phim điện ảnh với tầm vóc và quy mô mà phim truyền hình không có được. Đó chính là một trong những lí do quan trọng người ta đi tới rạp.

Ngày nay, với sự phát triển và cạnh tranh của phim truyền hình, nhiều cái tên trên màn ảnh nhỏ đã tiệm cận sự mẫu mực và hoành tráng mà trước đây chỉ phim điện ảnh mới có được, như Game of Thrones, Westworld hay Vikings. Vì vậy, nếu bạn định làm một phim về vua Arthur, lần sau hãy cho chúng tôi thấy thêm nhiều hơn là voi khổng lồ, rắn khổng lồ. Tivi giờ đây còn có cả rồng kia kìa.

Đừng dùng kinh phí của Return of the King để sản xuất Fellowship of the Ring

7 lí do “King Arthur: Legend of the Sword” “sấp mặt” tại phòng vé - Ảnh 6.

Có một quy luật thường thấy đó là các nhà làm phim thường rất thận trọng và eo hẹp trong vấn đề ngân sách khi muốn làm một loạt phim chuyển thể dài hơi. Các phần đầu thường được tiết chế ở quy mô vừa phải để tiết kiệm ngân sách, nếu khán giả yêu thích thì dự án cho phần tiếp sẽ được bật đèn xanh.

Sẽ là nguy cơ thực sự nếu Bryan Singer tiêu hết 115 triệu đô (kinh phí của X – Men 2) cho phần một của X – Men thay vì 75 triệu đô như thực tế. Ngoài ra cũng phải kể tới Spider-Man (tăng từ 130 triệu lên 220 triệu), Pirates of the Caribbean từ 140 triệu lên 220 triệu) và các phần của The Matrix (từ 60 triệu lên khoảng 150 triệu). Và hãy nhìn đống hoang tàn mà King Arthur để lại trong phim cùng với 175 triệu chủ yếu rót vào kỹ xảo và quảng bá đi.