Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 13:30 19/05/2017

Ở kỳ trước, chúng ta đã khám phá chương huy hoàng của câu chuyện thương hiệu adidas và điểm lại những mốc son chói lọi trong hành trình Adi Dassler - Người thợ đóng giày xứ Bavaria, miền Nam nước Đức đưa adidas trở thành thương hiệu toàn cầu.

Khi người sáng lập qua đời năm 1978, thương hiệu ba sọc đối mặt với những biến chuyển mang tính lịch sử.

“Chỉ mang đến những gì tốt nhất cho vận động viên” – Adi Dassler

Trong suốt cuộc đời, Adi Dassler luôn trung thành với triết lý “Chỉ mang đến những gì tốt nhất cho vận động viên” và dùng chính triết lý này để xây dựng adidas. Công thức bí mật nhưng lại không khó đoán làm nên thành công của thương hiệu trong 58 năm đầu chính là công nghiệp hóa những thiết kế mà ông đã làm thủ công cho từng vận động viên. Dĩ nhiên, nếu không có tinh thần yêu thể thao chân chính, Adi Dassler sẽ không thể thu thập những đôi giày cũ của vận động viên rồi đem ra nghiên cứu, mổ xẻ để tìm ra cách cải tiến chúng.

Khi ông qua đời ở tuổi 78, quyền điều hành công ty được trao lại cho vợ ông – bà Käthe, con trai cả Horst Dassler và người con rể Alf Bente. Dưới sự lãnh đạo của Horst Dassler với vai trò CEO, adidas tiếp tục gặt hái thêm một số thành tựu khác như ra mắt đôi giày bóng đá Copa Mundial được yêu thích đến tận ngày nay, giày bóng rổ được các vận động viên tin dùng tại các giải đấu lớn như European Basketball Championships hay giày tennis giúp ngôi sao Ivan Lendl trở thành tay vợt số 1 thế giới năm 1985.

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 1.

Ông Horst Dassler, người kế nghiệp gia tài đồ sộ của Adi Dassler, bên cạnh ảnh cha mình.

Thế nhưng, Horst lại ra đi đột ngột ở tuổi 51 bởi căn bệnh ung thư, mở đầu cho một chương đầy chông gai cho adidas.

Khi những thiết kế của quá khứ bị “xếp xó” trong viện bảo tàng

Trong thời gian này, adidas đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của những đối thủ đáng gờm muốn đoạt vị trí số 1 trong lĩnh vực trang phục thể thao. Để bắt kịp xu thế, ban lãnh đạo mới của adidas đã ra sức sáng tạo nên những sản phẩm tách biệt với những thiết kế đã làm nên tên tuổi của Adi Dassler. Phần lớn các bản thảo thiết kế, các bộ sưu tập giày của ông bị đem đi đóng thùng, tặng lưu niệm cho các nhân viên “hoài cổ” hoặc đưa vào các viện bảo tàng thể thao. Những cuốn sách do Adi soạn thảo với những dòng ghi chú quý báu cũng bị phân tán khắp nơi.

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 2.

Những ghi chép về ý tưởng thiết kế của Adi Dassler (1900-1978)

Nhìn lại giai đoạn cuối thập niên 80, adidas mong muốn mở rộng thị trường bằng cách lấn sân sang lĩnh vực trang phục đời thường với phong cách thể thao. Nhưng hướng đi này khiến adidas không thể phát huy được thế mạnh về giày thể thao thi đấu chuyên nghiệp, khiến thương hiệu bỏ lỡ những cơ hội quý giá, điển hình là việc Michael Jordan ký hợp đồng với Nike khi anh được mời vào NBA năm 1984. Cũng chính vì phát triển thiết kế sản phẩm không có trọng tâm khiến cho adidas ngày càng xuống dốc bởi những hệ lụy nghiêm trọng: đội ngũ nhân viên hoang mang về định hướng của công ty, doanh thu sụt giảm, danh tiếng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Chìa khoá mỏ vàng nằm trong tay ai thấy được giá trị của quá khứ

Đứng trước những thử thách đầy chông gai tưởng chừng có thể đưa adidas đến bờ vực thoái trào, CEO lúc bấy giờ là René Jäggi đã có một bước đi táo bạo. Ông mời Peter Moore và Rob Strasser – hai cựu quản lý cấp cao của thương hiệu cạnh tranh trực tiếp lúc đó là Nike – đến tham quan adidas. “Tôi còn nhớ chuyến tham quan bắt đầu từ một viện bảo tàng nhỏ trong khuôn viên nhà máy adidas. Tôi thẫn người ra mất 5 phút và nhận ra rằng những con người này đang sở hữu một mỏ vàng trong tay mà họ chưa biết khai thác.” – Peter Moore hồi tưởng lại.

Ngay lập tức, Moore và Strasser bắt tay vào công cuộc cải tổ lại adidas, giúp người trong cuộc khai thác “mỏ vàng” ngay trong tầm tay nhưng lại khuất xa tầm mắt. Hai vị tướng cũ của Nike chỉ ra điểm làm nên sự khác biệt của mỗi thiết kế của adidas chính là giá trị cốt lõi đặt ở tinh thần thể thao chân chính của Adi Dassler.

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 3.

Peter Moore (trái) và Rob Strasser (phải) – hai cựu thành viên Nike đã có công khai quật “mỏ vàng” mà Adi Dassler để lại, xây dựng lại đế chế hùng mạnh một thời của adidas.

Chính điều này đã tạo tiền đề cho sự ra đời của dòng sản phẩm adidas Performance lừng lẫy. Thay vì chạy theo mẫu mã, màu sắc và kiểu dáng, Moore và Strasser đã táo bạo giới hạn tất cả những yếu tố phụ đó để hướng sự tập trung của người dùng vào chất lượng đôi giày. Cải tiến về công nghệ đi kèm với thiết kế thể thao khỏe khoắn người dùng vận động tốt hơn, tập luyện thể thao dễ dàng hơn theo đúng tinh thần của Adi Dassler. Chính sự kết nối với những thiết kế mang ý nghĩa thành tựu cả đời của người sáng lập đã giúp vực dậy adidas và còn mang ý nghĩa lớn lao hơn là giúp đội ngũ nhân viên đã từng tận tâm với gia đình Dassler lấy lại được tinh thần.

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 4.

adidas Equipment 1991 – thiết kế vực dậy adidas

Thêm vào đó, để giải bài toán về dòng sản phẩm thời trang thể thao thường ngày, Moore và Strasser đã xem lại hết các thiết kế xưa cũ của Adi Dassler và nhận ra một điểm thú vị rằng, chính những thiết kế nguyên bản, đặt công năng lên trên mẫu mã lại rất thời trang. Điển hình là nhóm hip hop đình đám lúc bấy giờ là Run DMC luôn mang giày adidas khi biểu diễn; và dĩ nhiên fan của họ cũng bị ảnh hưởng. Và bạn có đoán được không, đây lại là tiền đề để dòng Originals với những thiết kế giày phong cách thể thao thách thức thời gian ra đời, đáp ứng đầy đủ những nhu cầu của một đôi giày mang thường ngày: thoải mái, khỏe khoắn, thời trang với chất lượng bền bỉ.

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 5.

adidas Originals đã trở thành một biểu tượng thời trang thể thao. Hơn 3,000 fan hâm mộ đã giơ cao giày adidas trong buổi diễn của Run-DMC tại Philadelphia, Mỹ vào những năm 1980.

Kết nối quá khứ với tương lai

Điều quan trọng nhất mang đến thành công cho adidas trong cuộc lội ngược dòng ngoạn mục này cũng như phát triển bền vững trong suốt 2 thập niên sau đó chính là giữ cho nhiệt huyết và tinh thần thể thao chân chính của người sáng lập Adi Dassler chảy tràn trong từng khâu, từng bộ phận của công ty. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy những bước đi của adidas cho đến ngày nay vẫn bám sát vào giá trị cốt lõi: thể thao chân chính.

Không chỉ đem đến những sản phẩm thể thao đúng nghĩa, adidas còn thổi luồng gió “văn hóa thể thao” (sport culture) mới lạ đến làng thời trang, và phổ biến rộng khắp cho cả một thế hệ. Có thể thấy những gương mặt đại diện cho adidas không chỉ có những tượng đài thể thao khỏe khoắn mà còn là hình mẫu năng động như Pogba, Messi, Karlie Kloss, Ana Ivanovic… hay tại Việt Nam là những cái tên quen thuộc Quế Ngọc Hải, Mai Ngô, Lilly, Kelbin Lei...

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 6.

Tiền vệ Pogba là một trong những ngôi sao sáng giá của adidas

Thêm vào đó, adidas cũng không ngừng khẳng định vị thế trong lĩnh vực thể thao với hàng loạt chương trình truyền lửa nhiệt huyết cho cộng đồng nhằm nâng cao ý thức rèn luyện cơ thể như tài trợ giải chạy bộ quốc tế Boston Marathon, tổ chức chuỗi sự kiện Woman’s Monthly Workout khuyến khích phụ nữ Việt Nam tập thể thao, hay ra mắt cộng đồng chạy bộ adidas tại Việt Nam trong thời gian sắp tới…

Kỳ 2: adidas từng vượt qua khủng hoảng bằng cú lội ngược dòng trong thiết kế sản phẩm như thế nào?  - Ảnh 7.

Tất cả những hoạt động của adidas ngày nay thực hiện vẫn gắn liền với cái gốc thể thao mà Adi Dassler đã đặt ra từ thuở sơ khai

Nhìn lại chặng đường phát triển gần 100 năm của adidas với không ít những thăng trầm, chúng ta phần nào hiểu được điều gì khiến adidas trở thành di sản thể thao của nhân loại. Đó chính là tinh thần thể thao khỏe khoắn đằng sau mỗi thiết kế và sự kết nối với những giá trị trong quá khứ như một nguồn cảm hứng bất tận.

Sau tất cả những hào quang chói lọi, người sáng lập Adi Dassler chỉ gói gọn thành tựu đời mình vào một câu nói: “Người ta tung hô tôi là cha đẻ của ngành công nghiệp thể thao hiện đại, nhưng tôi chỉ xem mình là một vận động viên thấy được lợi ích của việc cải tiến các trang phục và thiết bị tôi dùng khi chơi thể thao.”