Ai cũng nên đi xem "Dạ cổ hoài lang", để hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà mình

Ngọc Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 06:34 26/03/2017

"Dạ cổ hoài lang" không chỉ thể hiện nỗi nhớ nhà của những người già cô đơn nơi đất khách quê người, mà nó còn phản ánh một cách chân thực những khác biệt, hiểu lầm, mâu thuẫn giữa những thế hệ trong một gia đình.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Khi trailer của "Dạ cổ hoài lang" được tung ra, tôi không dành nhiều sự quan tâm cho nó bằng các bộ phim khác. Là một phần của thế hệ Y, chúng tôi thích xem và đã quen thuộc với các bộ phim bom tấn của Hollywood. Những cảnh chiến đấu mãn nhãn trên nền đồ hoạ đẹp mắt, cùng âm thanh đã tai khiến chúng tôi không thể khước từ việc bỏ tiền mua vé ra rạp và tận hưởng sự hoành tráng đó trên màn ảnh rộng. "Dạ cổ hoài lang" với tôi mà nói cũng chỉ là một bộ phim Việt, giữa muôn ngàn các bộ phim Việt đã gây không ít thất vọng cho tôi trước đó. Có chăng, sự khác biệt duy nhất mà tôi biết về bộ phim là nó được chuyển thể từ vở kịch "Dạ cổ hoài lang" đã có tuổi đời hơn 20 năm.

Đưa một câu chuyện từ sân khấu kịch lên màn ảnh rộng, tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả hơn để nhằm mục đích gì? Ai dám chắc những người đi xem sẽ không chỉ toàn là lứa tuổi đã gắn bó với vở kịch trước đó? Để giải đáp cho những thắc mắc của mình, tôi quyết định mua vé ra rạp, dù như đã nói từ trước, tôi không có nhiều niềm tin vào phim Việt.

Ai cũng nên đi xem Dạ cổ hoài lang, để hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà mình - Ảnh 1.

Tôi đã khá bất ngờ khi thấy mình không phải là người trẻ duy nhất đến xem bộ phim. "Dạ cổ hoài lang" thu hút đủ mọi lứa tuổi tìm đến với mình. Có những gương mặt còn rất trẻ, cũng có những người trung niên, và sẽ thật thiếu xót nếu không kể đến những mái đầu đã bạc. Dù mỗi người họ đến xem "Dạ cổ hoài lang" vì lý do gì, thì có lẽ đây cũng là thành công bước đầu của nhà sản xuất.

Có thể nói, khán giả đến xem "Dạ cổ hoài lang" có thể chia thành hai dạng: một là đã từng xem vở kịch, hai là mới chỉ biết đến phim. Và tôi là kiểu thứ hai. Tôi không hề biết đến kịch "Dạ cổ hoài lang" trước đó, có lẽ vì thế mà tôi có thể tận hưởng bộ phim được trọn vẹn hơn, khi không có bất kỳ tiềm thức nào từ trước để so sánh.

Không nằm ngoài suy tính, quả thật tôi đã có hơn 90 phút đắm mình trong từng khung hình, từng lời thoại tuy chưa được vẹn tròn lắm (vì nhiều yếu tố khác để làm nên bộ phim), nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận được điều mà đạo diễn, và dàn diễn viên muốn truyền tải đến khán giả. Tôi đã cười, đã khóc, đã suy ngẫm được nhiều từ tình yêu của Tư Lành - Út Trong; nỗi nhớ của ông Tư Lành với quê hương, đất nước; và trên hết là tình cảm gia đình giữa ông Tư với cô cháu gái Tammy.

"Dạ cổ hoài lang" là một câu chuyện kể về tình yêu, nhưng không đơn thuần chỉ là tình cảm nam nữ, mà còn chứa đựng trong đó tình yêu quê hương nước mặn đồng chua, tình yêu giữa những thành viên trong gia đình dù khoảng cách tuổi tác là quá lớn. Tôi dám chắc những người trẻ khi đi xem bộ phim, sẽ đều cảm động trước những thước phim nói về gia đình, hay ngậm ngùi trước những hiểu lầm không đáng có giữa hai thế hệ ông và cháu.

Ai cũng nên đi xem Dạ cổ hoài lang, để hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà mình - Ảnh 2.

Chúng ta vẫn thường nói, cách nhau 3 tuổi đã là cách nhau cả 1 thế hệ, rất khó để hiểu và dung hoà được với nhau. Thế nên không khó hiểu khi giữa ông nội Tư Lành và Tammy lại có một khoảng cách quá lớn như vậy. Đặc biệt, mỗi người lại mang trong mình một nền văn hoá khác biệt, nên để thấu hiểu và thông cảm cho nhau càng khó hơn rất nhiều. Có những việc với ông nội Tư Lành là chuyện rất bình thường, "ở quê vẫn làm vậy" như bắt con vịt ở công viên về giết thịt, lấy bánh mà cháu gái làm tặng người yêu để đem cúng giỗ bà nội... thì trong con mắt của Tammy, tất cả những hành động ấy của ông nội là sai, là "chiếm đoạt tài sản" của mình.

Là một người trẻ, tôi hoàn toàn có thể hiểu được những suy nghĩ và tình cảm của Tammy. Thế hệ chúng ta đã khác rất nhiều so với ông bà mình ngày xưa. Đôi khi những quan tâm chăm sóc tận tuỵ của ông bà dành cho chúng ta không thể bằng được sự tôn trọng quyền riêng tư, cá nhân của mỗi người.

Hãy nghĩ lại xem, có phải chúng ta đã từng cáu kỉnh với lời hỏi thăm của ông sau một ngày làm việc đầy mệt mỏi, chúng ta đã từng vùng vằng nhăn nhó khi bà gắp thêm cho một miếng thịt kho?

Với người lớn, chúng ta lúc nào cũng bé bỏng, phải được chăm lo, dạy bảo. Nhưng với Tammy hay tôi, hay bạn, chúng ta thường vô tâm không nhận ra điều ấy, và đôi lúc lại làm tổn thương chính những người yêu chúng ta vô điều kiện.

Ai cũng nên đi xem Dạ cổ hoài lang, để hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà mình - Ảnh 3.

Hai thế hệ, hai nền văn hoá không tương đồng đã khiến một người ông không biết phải làm thế nào để bảo ban được cháu gái, còn cháu gái lại cho rằng ông mình là người kỳ cục, và ghét ông. Khi Tammy quá tức giận với việc ông nội lấy bánh của mình, cô đã gọi ông và ông Năm Triều là "hai ông già điên." Tôi đã rùng mình ở phân cảnh ấy. Tammy không hiểu rõ tiếng Việt, có thể cô gái chỉ vô tình sử dụng từ ngữ nặng nề đó, nhưng với ông nội Tư Lành, đó là cả một tảng đá lớn chặn ngang lồng ngực.

Một lời thoại đau xót được thốt ra "Thà để police bắt ông nội đi, còn hơn ông nội ở nhà mà phải nghe con cháu mắng chửi mình." Tôi nín lặng. Phải chăng dù tình cảm gia đình có lớn đến đâu, thì cũng không thể cưỡng lại được khoảng cách thế hệ; những mâu thuẫn, hiểu lầm cứ ngày càng bị đào sâu hơn, trở thành một vết thương không thể chữa lành?

Câu hỏi ấy tiếp tục giằng xé tâm can tôi, đẩy tôi lên đến cao trào của cảm xúc, khiến tôi không thể tiếp tục kìm giữ lòng mình được nữa mà nước mắt cứ thế tuôn ra khi Tammy thú nhận tất cả những gì cô nghĩ về ông nội.

"Buổi tối khi con đi ngủ, ông nội vào phòng con làm gì? Chúng ta là ông cháu mà."

Tôi thấy tim mình ngừng đập trong một khoảnh khắc.

Tôi thấy cơ thể mình như tan ra, rệu rã và bất lực.

Tôi thấy xót xa và đau đớn thay cho ông nội Tư Lành.

Và tôi giận Tammy đến phát điên.

Ai cũng nên đi xem Dạ cổ hoài lang, để hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà mình - Ảnh 4.

"Buổi tối nó đi ngủ hay quên đóng cửa sổ và tắt đèn, tôi sợ cháu bị lạnh, anh Năm ơi."

Lời thanh minh không đáng phải có ấy như lưỡi dao sắc ngọt cứa vào trái tim tôi. Tôi bật khóc nức nở khi ba chữ "anh Năm ơi" được thốt ra. Những hờn giận, tủi thân đều chứa đựng cả trong câu gọi nghẹn ngào ấy. Khoảng cách giữa ông và cháu có bao giờ xa đến thế này không? Tình cảm gia đình đã bao giờ khó thể hiện như lúc này chưa?

Tôi thật sự đã hiểu vì sao "Dạ cổ hoài lang" phải được lên màn ảnh rộng. Bởi chỉ có ở đây, những vấn đề về khoảng cách thế hệ ấy mới tiếp cận được đến với những người trẻ như chúng ta; cho chúng ta hiểu rõ hơn về ông bà mình. Bộ phim đã lột tả được cái sự cô đơn của những người già nơi đất khách quê người, luôn mong nhớ về quê hương; lẫn nỗi cô đơn trong chính tâm tư tình cảm của họ với con cháu trong gia đình.

Ông Năm Triều cũng phải chịu sự cô đơn, lầm lũi trong căn nhà to đẹp, rộng lớn, nhưng luôn thiếu đi hình bóng con cháu. Mọi trao đổi, chyện trò đều được để lại qua những tờ giấy nhớ viết tay. Không biết tận sâu đáy lòng ông Năm Triều, có bao giờ ông ước mình được là ông nội Tư Lành hay không? Dù luôn bất đồng quan điểm với con cháu đấy, nhưng được nói ra và bị phản bác đôi khi lại là hạnh phúc với ông bà mình.

Giống như đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã nói, vở kịch khắc hoạ nỗi cô đơn của hai người già xa xứ nhớ quê hương da diết, nhưng bộ phim lại nhấn mạnh về những đau đáu của khoảng cách thế hệ, để giúp giới trẻ hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà.

Tất nhiên, nút thắt nào rồi cũng được gỡ bỏ. Những hiểu lầm giữa Tammy và ông nội Tư Lành đều được ba Nguyễn tháo gỡ. Nhưng chính vào giây phút Tammy hiểu rõ được tấm lòng của ông nội thì ông cũng đã ra đi, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong tim Tammy cũng như khán giả.

"What is Quê hương? All you talk about Quê hương it’s totally strange to me!" là câu thoại day dứt nhất của cô cháu nội sinh ra và lớn lên nơi đất khách quê người. Trong tiềm thức của Tammy, cô không biết quê hương là gì, thế nên khi ông nội Tư Lành cứ mãi nhắc về hai chữ thiêng liêng ấy với một giọng điệu đầy thương nhớ và muốn Tammy cũng dành tình cảm cho nơi đó, cô không thể đồng cảm với ông.

Chỉ đến khi ông nội Tư Lành mất đi, Tammy cùng cha Nguyễn trở về nơi chôn rau cắt rốn, miền Tây Nam Bộ sông nước mặn mòi, cô mới biết thế nào là quê hương. Nhờ có quê hương, khoảng cách giữa Tammy với ông nội Tư Lành, Tammy với cha Nguyễn mới được xoá nhoà.

Ai cũng nên đi xem Dạ cổ hoài lang, để hiểu hơn về nỗi cô đơn của ông bà mình - Ảnh 5.

"Dạ cổ hoài lang" là một bộ phim phù hợp với mọi lứa tuổi. Từ người trẻ cho đến người đã bạc trắng cả mái đầu đều có thể tìm thấy hình bóng của chính mình trong từng nhân vật, từng thước phim. Dù còn nhiều thiếu sót nhưng không thể phủ nhận, "Dạ cổ hoài lang" rất đáng được giới trẻ dành nhiều sự quan tâm.

Hãy mua vé ra rạp, để được suy ngẫm về tình yêu gia đình, điều mà nhiều người trong chúng ta đang bỏ lỡ.

Hãy mua vé ra rạp, để được hiểu hơn về ông bà của mình, về những xót xa khi mà con cháu không chịu mở lòng thấu hiểu; về sự cô đơn nơi đất khách quê người; về nỗi nhớ thương quê hương khôn xiết của những người con xa xứ.

Hãy xem "Dạ cổ hoài lang" bằng tất cả trái tim và tình cảm của mình, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều quý giá ẩn chứa trong đó mà không sách vở nào dạy cho bạn biết.