Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong "Gone Girl"

Nguyễn Vân, Theo Trí Thức Trẻ 18:54 10/11/2017

Đầu tháng 11 này, Netflix tiếp tục đem đến cho các khán giả yêu phim một tác phẩm truyền hình mới vô cùng hấp dẫn - "Alias Grace".

Năm 2017 là một năm khá thành công với các nhà văn nổi tiếng. Ở phía các cây bút nam, nếu như Stephen King là tiểu thuyết gia có số lượng phim chuyển thể nhiều nhất năm (gốm 6 tác phẩm điện ảnh lẫn truyền hình là The Mist, Mr. Mercedes, The Dark Tower, It, Gerald’s Game và 1922). Thì về phía các cây bút nữ, Margaret Atwood chính là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 1.

Bộ phim truyền hình The Handmaid’s Tale (chuyển thể từ tác phẩm Chuyện người Tùy nữ) được trao giải Emmy cho Phim truyền hình chính kịch xuất sắc 2017 và là một trong những tác phẩm được bàn luận nhiều nhất năm nay. Alias Grace, một dự án chuyển thể khác từ tiểu thuyết của Magaret cũng là một câu chuyện đầy ám ảnh mà bạn không nên bỏ qua.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 2.

"The Handmaid’s Tale" và "Alias Grace" là hai bộ phim truyền hình đặc sắc về nữ giới trong năm 2017

Tái hiện lại vụ án gây xôn xao xã hội Canada thế kỷ 19

Alias Grace là tác phẩm được Margaret Atwood sáng tác dựa trên một vụ giết người có thật. Năm 1843, cô gái di dân người Ireland Grace Marks (Sarah Gadon) cùng với gã hầu James McDermott đã bị kết tội sát hại chủ nhà Thomas Kinnear cùng nữ quản gia kiêm tình nhân Nancy Montgomery (Anna Paquin). McDermott sau đó đã bị treo cổ, còn Marks thì bị kết án chung thân. Năm đó, Grace Marks chỉ vừa tròn 16 tuổi.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 3.

Phim lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật

Có rất nhiều phiên bản khác nhau về sự liên quan của Grace Marks với vụ án. Trước tòa, Grace thú nhận mình đã chứng kiến James giết người mà không có hành động can ngăn. Nhưng tòng phạm James McDermott trước khi bị treo cổ, đã không ngừng khẳng định, Grace chính là kẻ chủ mưu gây ra tội ác. Sau này, khi được chuyển từ trại giam sang bệnh viện tâm thần, Grace lại nói rằng, cô đã bị một linh hồn chiếm lấy cơ thể lúc án mạng xảy ra.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 4.

Nội dung của 6 tập phim xoay quanh cuộc đối thoại giữa Grace Marks với bác sỹ tâm lý Simon Jordan (Edward Holcroft) - người được tòa án lựa chọn để thẩm định, liệu cô thực sự có tội hay chỉ là kẻ ngây thơ bị ma quỷ dẫn đường.

Câu chuyện về nàng Scheherazade phiên bản đen tối

Trong loạt truyện dân gian Ả Rập Nghìn lẻ một đêm, để không bị chặt đầu vào mỗi sớm mai, nàng Scheherazade hằng đêm đều phải kể cho nhà vua Ba Tư nghe một câu chuyện thú vị. Các câu chuyện cứ nối tiếp vào nhau, truyện sau lồng vào truyện trước. Truyện này chưa hết truyện khác đã bắt đầu dường như vô tận. Alias Grace cũng có kết cấu truyện lồng truyện như thế.

Qua từng tập phim, Grace sẽ là người dẫn dắt, đưa Simon và khán giả quay lại từng chương trong cuộc đời mình. Bắt đầu khi cô rời bỏ vùng quê Ireland nghèo khó để đặt chân lên con tàu tha hương đến Canada, làm hầu gái cho hai gia đình giàu có, gặp gỡ những con người mới và kết thúc bằng chuỗi ngày trong viện tâm thần.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 5.

Mary Whitney là bạn thân của Grace và được cho là linh hồn đã "khống chế" Grace thực hiện tội ác

Người nghe nàng kể chuyện, là Simon Jordan - một bác sỹ trẻ, có xuất thân giàu có. Anh ta giống như vị vua Ba Tư, là người giữ tiếng nói quan trọng trong việc quyết định có nên trao trả lại tự do cho Grace. Còn khán giả, những kẻ được chứng kiến cuộc trò chuyện của họ lẫn quan sát cuộc đời của Grace, sẽ phải tự mình tìm ra câu trả lời cho vụ án, cũng như tự đưa ra sự nhìn nhận riêng về các vấn đề mà phim đặt ra.

Nhưng chuyện nào có dễ dàng cho cả Simon lẫn người xem, khi Grace không phải là người kể chuyện đáng tin cậy. Xuyên suốt từng chương trong câu chuyện của Grace, Simon đều đặt ra những nghi vấn về tính xác thực trong từng lời nói của cô gái.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 6.

Thomas Kinnear cùng người tình kiêm quản gia Nancy – những kẻ bị sát hại dã man trong vụ án

Đáp lại, Grace cũng liên tục thanh minh: "Ngài không chịu lắng nghe, ngài không chịu hiểu, ngài không chịu tin. Và ngài cũng như tất cả mọi người. Chỉ tin vào những tin đồn từ người khác". Nhưng chính cô gái ấy, trong phân đoạn cuối cùng của phim, đã thú nhận với Simon rằng: "Tôi đã chỉnh sửa một vài chi tiết trong câu chuyện, để hợp với kỳ vọng của ngài và để giúp tôi trở nên có giá trị hơn".

Trong đoạn kết của Nghìn lẻ một đêm, vua Ba Tư cuối cùng cũng đem lòng cảm mến và lấy nàng Scheherazade làm vợ, chấm dứt chuỗi ngày trở thành hôn quân đầy hận thù. Xen lẫn câu chuyện về vụ giết người tàn nhẫn, Alias Grace cũng đem đến vài khoảnh khắc mơ mộng giữa Grace và Simon, khi cả bệnh nhân lẫn bác sỹ đều không thể cưỡng lại sự hấp dẫn từ đối phương.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 7.

Bức tranh đa sắc về người phụ nữ trong quá khứ lẫn hiện đại

Margaret Atwood là nữ văn sĩ nổi tiếng người Canada. Đặc điểm lớn nhất trong các sáng tác của bà chính là hình ảnh người phụ nữ bị chi phối, kìm kẹp bởi chế độ gia trưởng. Bản thân Margaret cũng là một trong những người hoạt động rất tích cực cho phong trào nữ quyền.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 8.

Bác sỹ Simon Jordan do "chàng Kingsman hụt" Edward Holcroft thể hiện

Trong buổi công chiếu phim tại Liên hoan phim quốc tế Toronto, khi được hỏi liệu bà có tin Grace Marks là kẻ giết người hay không. Nhà văn đã trả lời: "Có bốn người trong căn nhà. Hai trong số đó bị giết, người thứ ba bị treo cổ và cô ấy là người còn sống duy nhất. Nhưng cô ấy chưa bao giờ tiết lộ sự thật". Khi được chuyển thể lên màn ảnh, Alias Grace vẫn giữ nguyên "sự mập mờ" trong vụ án lịch sử ấy.

Và Margaret cũng chỉ mượn vụ án của Grace Marks để viết nên câu chuyện về thân phận những người phụ nữ nghèo – những cô hầu gái. Ba cô gái với ba tính cách, số phận khác nhau nhưng tựu chung lại, họ đều phải sống trong cảnh bị quấy rối, bị chèn ép và phải phục tùng trước quyền lực và dục vọng của người đàn ông.

Nỗi đau khổ của những phụ nữ ở thế kỷ 19 trong Alias Grace cũng giống như ba người phụ nữ hiện đại trong The Girl on the Train. Cả thế giới của họ xoay quanh chữ tình và cũng vì chữ tình mà rơi vào vực thẳm. Nhưng qua hình ảnh của nữ chính Grace Marks, chúng ta lại thấy hoang mang trước sự tàn nhẫn và đáng sợ trong tâm lý của nữ giới, nhất là khi họ bị dồn đến đường cùng. Grace Marks, nhìn theo một cách nào đó cũng giống với nàng "Amy kì diệu" từng gây ấn tượng trong Gone Girl năm xưa.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 9.

Sarah Gadon trong vai Grace Marks

Alias Grace là dự án phim của những người phụ nữ Canada tài năng. Đảm nhận việc chuyển thể tiểu thuyết là biên kịch Sarah Polley. Hai mươi năm trước, khi chỉ mới 17 tuổi, Sarah đã gửi thư đến Margaret để xin quyền chuyển thể bộ phim. Bị từ chối nhưng không nản lòng, Sarah đã cật lực làm việc để biến giấc mơ "đưa" Alias Grace lên màn ảnh trở thành sự thật.

"Có những cảnh tôi viết nhưng lại không thể nghĩ ra cách để ghi hình. Tôi yêu quyển sách này và tôi không muốn nó bị hủy hoại, dưới bàn tay tôi". Và Sarah Polley đã tìm đến đạo diễn mà cô hằng ngưỡng mộ. Mary Harron, một người Canada nổi danh khác, từng tạo tiếng vang với tác phẩm điện ảnh American Psycho (2000) là sự lựa chọn không thể phù hợp hơn. Dưới lăng kính nghệ thuật của Mary, thi thoảng chúng ta lại bắt gặp bóng hình của gã tâm thần Patrick Bateman hòa trộn cùng tâm lý của Alice Marks.

Alias Grace - Chuyện về nàng hầu ghê gớm không kém gì Amy Dunne trong Gone Girl - Ảnh 10.

Nhà văn Margaret Atwood (ngồi giữa) cùng những người phụ nữ đã tạo nên bộ phim

Mảnh ghép cuối cùng, đóng vai trò quan trọng không kém trong sự thành công của Alias Grace chính là diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên Canada Sarah Gadon. Từng xuất hiện trong The Amazing Spider-Man 2, làm vợ của Dracula trong Dracula Untold hay đóng cùng với James Franco trong series 11.22.63 9 (chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen King), Sarah Gadon thực sự tỏa sáng với vai diễn chất chứa nội tâm đầy phức tạp - Grace Marks.

Không nổi tiếng bằng "người chị em" The Handmaid’s Tale với câu chuyện tình cờ phù hợp với bối cảnh xã hội đương đại, nhưng Alias Grace vẫn là một phim truyền hình hay có sức hút không hề kém cạnh. Ở đó, là một câu chuyện xưa cũ, phảng phất nhiều nỗi buồn, sự ám ảnh và điên loạn nhưng vẫn phản ánh trọn vẹn những vấn đề xuyên suốt mọi thời đại.

Alias Grace do đài cáp CBC của Canada thực hiện và được Netflix mua bản quyền phát sóng toàn cầu từ ngày 03/11/2017.