Ấn Độ: Một kỹ sư phần mềm ăn đòn nhừ tử vì bị đồn là kẻ "bắt cóc trẻ em" trên MXH

Cào Cào, Theo Helino 14:05 19/07/2018

Sau vụ một thanh niên 26 tuổi bị đánh chết oan hồi tháng 6 vừa qua, cư dân mạng Ấn Độ dường như chưa rút ra bài học gì về những thông tin giả mạo được tung lên MXH và các nhóm chat Whatsapp mỗi ngày.

Mohammad Salman, 32 tuổi, một kỹ sư phần mềm người Ấn Độ đã trở thành nạn nhân mới nhất trong "đại dịch tin giả" đang lan truyền khắp nơi tại quốc gia Nam Á này, để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Một tin đồn lan truyền trên WhatsApp rằng Mohammad là kẻ bắt cóc trẻ em, nguyên một làng đã kéo đến đánh anh nhừ tử.

Ấn Độ: Một kỹ sư phần mềm ăn đòn nhừ tử vì bị đồn là kẻ bắt cóc trẻ em trên MXH - Ảnh 1.

Salman với những vết khâu chi chít trên mặt

Ngày 13 tháng 7, Mohammad cùng 2 người bạn đã bị một đám người đánh cho thừa sống thiếu chết vì nghi ngờ các anh là đám bắt cóc trẻ em. "Họ đánh đập chúng tôi dã man và cứ hỏi tôi đã bắt cóc bao nhiêu đứa trẻ", anh nói, trong khi bản thân vẫn còn bị shock, mình mẩy đầy thương tích và khâu chi chít trên mặt. Điều cuối cùng anh còn nhớ được là hình ảnh bạn mình, Azam, bị luồn thòng lọng vào cổ và kéo lê đến chết. 

Ấn Độ: Một kỹ sư phần mềm ăn đòn nhừ tử vì bị đồn là kẻ bắt cóc trẻ em trên MXH - Ảnh 2.

Azam, người bị kéo lê đến chết vì nghi vấn bắt cóc trẻ em

Mohammad, Azam và một người bạn, sống ở Hyderabad, thủ phủ của bang Telangana. 3 người dành dịp cuối tuần để đến thăm họ hàng ở Handikera, một ngôi làng nhỏ ở phía nam bang Karnataka, Ấn Độ. Nhưng mới chỉ đặt chân xuống mảnh đất này có một tiếng đồng hồ, họ đã bị dân địa phương "cộp mác" "bắt cóc trẻ con" và bị hàng tá dân làng xông vào đánh. Cảnh sát ngay lập tức đã bắt giữ 22 người, bao gồm cả quản trị viên của nhóm chat WhatsApp, nơi khởi nguồn của tin đồn. Cảnh sát cũng cho biết thêm: họ đã xoá 20 nhóm chat khác chuyên tung tin đểu để phòng ngừa hậu hoạ.

"Chúng tôi đã thu giữ các đoạn băng quay lại bởi nhân chứng của vụ việc và xem xét kĩ từng khung hình một, đồng thời phân tích xem ai là kẻ cầm đầu, ai tấn công và ai tự vệ. Nếu tìm được thêm những kẻ có liên quan, chúng tôi sẽ bắt giữ hết", cảnh sát nói thêm.

Sự nguy hiểm của vấn nạn tin giả tại Ấn Độ đã đạt mức cảnh báo khi có ít nhất 17 người chết oan vì những tin đồn bắt cóc trẻ em, kể từ tháng 4 năm 2018. Hầu hết tin đồn được lan truyền qua WhatsApp. Những cuộc điều tra cho thấy mọi người lan truyền những tin tức kiểu này vào các nhóm cộng đồng với 100 thành viên trở lên. Các hội "du côn" dưới danh "liên minh công lý" nhanh chóng được thành lập để tấn công những người lạ mới đến địa phương, nhanh đến mức cảnh sát không kịp trở tay.

Không rõ tại sao người dân địa phương lại nghi ngờ ba người đàn ông này là những kẻ bắt cóc trẻ em. Theo lời Salman, khi họ đang lái xe đến nhà họ hàng thì gặp một nhóm học sinh vừa tan trường. Một người bạn của anh đã cho chúng kẹo sô cô la. Có lẽ chính vì thế mà người dân ở đây cho rằng các anh là đám bắt cóc trẻ em. Họ cứ lái xe đi cho đến khi dân làng bắt đầu xồ ra và ném đá vào xe họ, sau đó là lôi họ ra tẩn. Dân làng tấn công họ bằng dao, liềm và gậy, có cả phụ nữ trong số đó. Theo lời một nhân chứng, phải có đến gần 1000 người tham gia vào vụ tấn công này.

Ấn Độ: Một kỹ sư phần mềm ăn đòn nhừ tử vì bị đồn là kẻ bắt cóc trẻ em trên MXH - Ảnh 3.

Xe của ba người đàn ông bị đám đông quá khích tấn công.

Ấn Độ: Một kỹ sư phần mềm ăn đòn nhừ tử vì bị đồn là kẻ bắt cóc trẻ em trên MXH - Ảnh 4.

Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp với hơn 200 triệu người dùng. Bộ công nghệ thông tin Ấn Độ đã yêu cầu WhatsApp thực hiện các biện pháp để hạn chế sự lây lan của các thông tin giả mạo. WhatsApp cũng đã đưa ra các quảng cáo trên các tờ báo in ở Ấn Độ tuần trước nhằm tuyên truyền cho người dân cách phát hiện ra tin tức giả mạo.

Theo BBC