Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên "con đường dẫn tới bần cùng"?

Nguyệt An TT, Theo Trí Thức Trẻ 07:15 27/01/2021

Trong mắt nhiều bạn trẻ xứ Trung, ngày tháng sau kết hôn, hay thậm chí là sau ly hôn chính là những bước chân dẫn họ bước trên "con đường dẫn tới bần cùng".

Vay mượn để bù lỗ đám cưới

Một tháng trước hôn lễ, Trương Ngọc Triết đến nhà vợ chưa cưới ăn cơm. Trên bàn ăn, mẹ vợ tương lai hỏi han kế hoạch sau hôn nhân của đôi trẻ, đề tài cuối cùng cũng dẫn đến vấn đế sính lễ.

Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên con đường dẫn tới bần cùng? - Ảnh 1.

Cảnh trong phim truyền hình Tạm Thời Chung Sống

Hai năm trước, anh trai của Trương Ngọc Triết kết hôn, cha mẹ anh sau khi đưa ra 100 nghìn tệ (khoảng 360 triệu đồng) tiền sính lễ thì hiện tại tiền trong nhà chỉ đủ cho Trương Ngọc Triết tổ chức đám cưới mà thôi. Mẹ vợ yêu cầu phía gia đình anh đưa ra 80 nghìn tệ (hơn 285 triệu đồng) tiền dẫn lễ, anh hi vọng vị hôn thê có thể đỡ lời cho anh trước gia đình cô, nhưng chuyện này thực sự rất khó mở miệng, huống hồ 80 nghìn tệ ở địa phương anh cũng không phải số tiền lớn.

Hai gia đình đã thương lượng xong xuôi, tiền mừng cưới do nhà trai thu, tiền tổ chức hôn lễ tất nhiên cũng sẽ giao cho gia đình Trương Ngọc Triết phụ trách. Đêm trước khi lễ cưới diễn ra, Trương Ngọc Triết cùng cha mẹ tính toán tiền mừng cưới có thể thu về khoảng 100 nghìn tệ (khoảng 360 triệu đồng), cộng với 3-4 nghìn tệ (khoảng 14 triệu) tiền tiết kiệm, có lẽ sẽ đủ tiền tổ chức đám cưới lẫn tiền sính lễ nhà gái yêu cầu.

Không ngờ họ hàng bên vợ quá đông, tiệc rượu tăng thêm 11 bàn, khiến Trương Ngọc Triết phải bỏ ra thêm 26 nghìn tệ (gần 93 triệu đồng) so với tính toán ban đầu. Tổng cộng tiền mừng cưới thu về là 110 nghìn tệ (khoảng 392 triệu đồng), toàn bộ bù vào tiền tổ chức hôn lễ, không dư chút nào. Trương Ngọc Triết không nỡ mượn tiền của bố mẹ, nhưng cũng muốn tổ chức 1 lễ cưới tươm tất, anh bất đắc dĩ phải kiếm cớ thiếu tiền đầu tư làm ăn, vay của bạn học 50 nghìn tệ (hơn 178 triệu đồng).

Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên con đường dẫn tới bần cùng? - Ảnh 2.

Cảnh trong phim Tạm Thời Chung Sống

Hôn lễ chỉ mới là "khởi động" thôi, một chàng trai ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) cho biết, tiệc cưới cần chi tiêu đến 300 nghìn tệ (gần 1,07 tỉ đồng), không chỉ là chuyện ăn cùng nhau bữa cơm, còn cần chuẩn bị quà cho khách, thiệp mời, trang trí, thuê khách sạn... tất cả đều cần đến tiền. Nhưng cho dù là vậy, anh chàng vẫn cảm thấy chuyện này quá hoang đường, bởi: "300 nghìn tệ đủ để cho 2 người đi du lịch vòng quanh thế giới."

Một chàng trai khác đến từ Bắc Kinh (Trung Quốc) không ngại ngần công khai bản thân mắc chứng sợ kết hôn. Sính lễ và hôn lễ xem như có thể cố gắng thực hiện được, nhưng mua nhà thì thực sự hết cách. Lấy chính mình làm ví dụ, anh chia sẻ bản thân mỗi tháng lương 10 nghìn tệ (gần 36 triệu đồng), mua nhà là chuyện vô cùng viển vông, nếu không kết hôn và thuê nhà ở thì có thể sống thoải mái, cho nên với anh ấy mà nói, kết hôn chính là bước trên "con đường dẫn tới bần cùng".

Cuộc sống hôn nhân đầy áp lực

Hôn nhân của những người bình thường, nếu may mắn không khổ sở vì sính lễ thì lại phải đối mặt với mức sống giảm sút trầm trọng sau hôn nhân. Chương Tử Vân đi làm 8 năm, tiết kiệm được 100 nghìn tệ, mua nhà, trang trí nhà, mua nội thất... hai vợ chồng gộp lại cũng không còn dư bao nhiêu.

Năm đầu tiên sau khi kết hôn, các em họ lần lượt dựng vợ gả chồng, tiền mừng cưới cầm chưa nóng tay đã phải vội vã "hoàn trả", chưa kể đến chi phí đi lại, tháng trước em họ kết hôn, hai vợ chồng Chương Tử Vân mua vé máy bay về quê đã tiêu phí mất 1 nửa tiền lương.

Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên con đường dẫn tới bần cùng? - Ảnh 3.

Cảnh trong phim truyền hình Băng Keo Hai Mặt

Suy cho cùng, mua nhà là chuyện trọng đại trong cuộc đời mỗi người, nhưng sau khi kết hôn càng có nhiều việc phát sinh cần phải dùng đến tiền, khiến cho Chương Tử Vân áp lực chồng chất. Kết hôn đã nhiều năm, họ đều cảm thấy bản thân hoàn toàn không thể khôi phục trạng thái cuộc sống như trước.

Chương Tử Vân sau khi lấy chồng bắt đầu làm những chuyện trước đây cô không bao giờ làm, ví dụ như thay thế mỹ phẩm Esteé Lauder bằng các nhãn hiệu bình dân hoặc mua hàng giảm giá, nhịn uống trà sữa, ít mua quần áo mới, mỗi năm chỉ cần 2 bộ tươm tất để mặc ra ngoài là được.

Những thiếu nữ sống tùy ý, tự do đã không còn nữa, bởi một khi đã bước lên xe hoa tức là đã nhận lấy trách nhiệm làm vợ, làm con dâu, không còn là trẻ con sống theo sở thích của chính mình nữa.

Bài học hôn nhân

Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên con đường dẫn tới bần cùng? - Ảnh 4.

Cảnh trong phim truyền hình Đều Rất Tốt

Trương Văn theo học Tiến sĩ tại Mỹ, cô luôn tự nhủ bản thân phải làm 1 phụ nữ hiện đại, ôm theo nhiều lý tưởng bước vào cuộc sống hôn nhân, nhưng hôn nhân lại khác xa với những gì cô tưởng tượng.

Cuộc hôn nhân của Trương Văn chưa kéo dài được bao lâu đã kết thúc bằng 1 hiệp nghị ly hôn dài 18 trang. Cô vất vả cân bằng giữa việc học tập và chăm sóc con cái. Sau khi sinh con 2 tháng, cô dùng thuốc giảm đau để có thể tiếp tục lên lớp, thế nhưng chồng cô từ đầu đến cuối không có ý thức chia sẻ việc nhà và chăm sóc con với cô, tiền mà cô kiếm được lại đều phải chia cho chồng 1 nửa. Nếu như cô đột ngột qua đời thì tiền lương hưu, tiền bảo hiểm các loại đều sẽ thuộc về chồng.

Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên con đường dẫn tới bần cùng? - Ảnh 5.

Cảnh trong phim truyền hình Tiểu Hoan Hỉ

Lúc kết hôn, Trương Văn cùng chồng đã thỏa thuận chi tiêu gia đình sẽ chia 60:40, 10 phần mà cô trả ít hơn chồng được tính như chi phí khi sinh con. Gần đây, học bổng Tiến sĩ cũng không chống đỡ nổi cuộc sống của cô, sau khi sinh con lại gặp phải áp lực học tập, kinh tế bắt đầu túng quẫn, cô không thể không vay tiền để chi tiêu hàng ngày.

Nếu hỏi cuộc hôn nhân ngắn ngủi này cho cô được cái gì, Trương Văn sẽ trả lời đó là "một bài học". Ngô Kiệt Trăn - luật sư chuyên xử lý các vụ ly hôn - tổng kết: "Hiện nay mặc dù phụ nữ càng ngày càng độc lập, nhưng hôn nhân vẫn tồn lại 1 loại văn hóa quán tính 'đàn ông lo việc xã hội, đàn bà lo việc trong nhà', hơn nữa phụ nữ có thiên chức làm mẹ, đây là 1 điều hạn chế khách quan, dễ dàng khiến phụ nữ cam chịu và hi sinh, biến thành vai diễn bị động trong gia đình."

Con đường dẫn tới bần cùng?

Gắn bó hay chia ly, tiền luôn đóng 1 vai trò quan trọng, trừ yêu thương và lãng mạn, trong hôn nhân còn tràn ngập các suy tính kinh tế. Sổ đỏ nhà viết tên ai? Sính lễ như thế nào? Tiền sính lễ là tài sản của ai? Nếu ly hôn, tài sản phân chia ra sao?

Những toan tính tiền bạc đôi khi khiến người ta trở nên điên cuồng. Trương Kinh - Luật sư cố vấn pháp luật - chia sẻ rằng, từng có 1 đôi vợ chồng đến tìm bà ký hiệp nghị tài sản trước hôn nhân, người chồng muốn nhà của mình được công nhận là tài sản trước hôn nhân, cho dù sau này thu được bao nhiêu lợi nhuận cũng thuộc về người chồng hết.

Hôn nhân thời hiện đại ở Trung Quốc: Kết hôn đồng nghĩa với việc bước trên con đường dẫn tới bần cùng? - Ảnh 6.

Hình minh họa

Người vợ ngay lập tức cũng yêu cầu đưa 2 căn nhà mình được thừa kế từ bố mẹ vào danh sách tài sản trước hôn nhân, không có liên quan gì đến chồng. Bọn họ liên tục cãi vã, ngay cả việc tiền lương dư ra 10 nghìn tệ cũng muốn tính là tài sản trước hôn nhân, cuối cùng hai người đã chia tay do không đạt được thống nhất.

Lúc còn yêu đương, có thể chẳng ai nghĩ tới việc kết hôn sẽ giúp mình thoát khỏi nghèo khó, hay giàu lên nhờ lấy vợ lấy chồng, thế nhưng thực tế rõ ràng là những ngày tháng sau kết hôn, thậm chí là sau ly hôn, mỗi 1 bước đều có thể nói là đang tiến lên trên "con đường dẫn tới bần cùng".

Nguồn: QQ