Atelier - Nhiều hơn một câu chuyện về thiết kế đồ lót

Kẻ Hủy Diệt, Theo Trí Thức Trẻ 17:00 17/11/2017

Nếu như "Cô Ba Sài Gòn" chưa làm bạn thỏa mãn thì "Atelier" là một lựa chọn không tồi cho dịp cuối tuần này.

Hiện tại, Cô Ba Sài Gòn đang là bộ phim được công chúng quan tâm vì đây là lần đầu tiên điện ảnh Việt Nam xuất hiện một bộ phim nói về áo dài, một nét văn hóa đậm chất truyền thống của người Việt. Và nếu như bạn chưa thấy thỏa mãn sau khi xem, vẫn còn những tựa phim điện ảnh về thời trang khác như The Devil Wears Prada, Clueless hay Coco before Chanel. Nhưng đó cũng chỉ là những tác phẩm điện ảnh, mặt trận phim truyền hình cũng có khá nhiều tác phẩm đáng được chú ý và Atelier là một cái tên nổi bật bạn không nên bỏ qua.

Trailer của "Atelier" (Nguồn: YouTube)

Câu chuyện của Atelier xoay quanh Mayuko Tokita (Mirei Kiritani) khi cô trở thành nhân viên học việc Emotion – một cửa hàng đồ lót hạng sang tại Ginza. Vốn là một chuyên gia về các loại vải, Mayumi tưởng rằng sẽ có cơ hội để chế tạo ra những chất liệu mới. Nhưng Emotion vốn là một cửa hàng may đo đồ lót và ngay trong ngày đầu tiên đi làm, Mayuko nhận ra mình đã xin vào sai chỗ. Nhưng sau khi gặp bà chủ của Emotion, nhà thiết kế đại tài Mayumi Nanjo (Mao Daichi), nhân sinh quan của Mayuko đã hoàn toàn thay đổi và cô quyết định ở lại Emotion để học hỏi.

Atelier - Nhiều hơn một câu chuyện về thiết kế đồ lót - Ảnh 2.

Mao Daichi và Mirei Kiritani

Atelier đặt ra những câu hỏi về cái đẹp, tại sao chúng ta phải đeo đuổi cái đẹp? Có đáng hay không khi đồ lót phải đẹp rồi đằng nào chúng ta cũng sẽ mặc quần áo và che đi chúng. Một bộ phim về thời trang, quần áo không cần thiết phải miêu tả từng bước mình làm ra một cái áo cái quần nhưng phải nói được triết lý của công việc thiết kế, cái lý do căn bản dẫn đến việc phải đặt từng đường kim mũi chỉ như vậy. Mayumi Nanjo trong phim đại diện cho cái đẹp cổ điển, bà luôn dẫn nhân viên của mình đi viện bảo tàng để họ có cơ hội chiêm nghiệm về cái đẹp trong lịch sử thế giới. Với Mayumi, từ buổi hồng hoang, con người đã đi tìm cái đẹp, và cái đẹp của người phụ nữ được ưu tiên và đề cao hơn. Cho nên, khi bà làm một đồ lót cho khách hàng, trước hết phải đẹp và hoàn hảo và chắc chắn nó phải cực kì đắt tiền.

Atelier - Nhiều hơn một câu chuyện về thiết kế đồ lót - Ảnh 3.

Atelier không chỉ nói về nghề, nó còn nói về triết lý trong kinh doanh. Khi nói về việc khách hàng phải cảm thấy thế nào khi mua một sản phẩm của Emotion. Nhân viên của Nanjo đã nói rằng bạn sẽ cảm thấy ổn khi mặc cái này. Nanjo kịch liệt phản đối, bà nói rằng bà không thể nào làm ra một sản phẩm như vậy. Nếu kêu bà làm một chiếc áo lót theo mùa, bà sẽ chẳng biết phải may như thế nào. Nhưng nếu bảo bà may đồ lót cho một cô gái 17 tuổi mặc trong lần đầu hẹn hò thì nó quá đơn giản. Nanjo chỉ ra rằng cái khách hàng cần ở một sản phẩm chính là câu chuyện đứng đằng sau đó, là những ảo mộng mà người ta mơ tới khi mặc lên người. Chứ nếu nói rằng chỉ cảm thấy ổn khi sử dụng một sản phẩm, thì đó là một sự xấc xược của người bán hàng.

Atelier - Nhiều hơn một câu chuyện về thiết kế đồ lót - Ảnh 4.

Còn Mayuko Tokita, dù cho cô rất ngưỡng mộ tài năng của Nanjo và phải công nhận rằng đồ lót của Emotion là đẹp nhất thế giới. Mayuko đại diện cho xu hướng mới của thế hệ trẻ tại Nhật Bản, họ hướng tới sự tiện lợi, thoải mái trong quần áo chứ không cần một cái đẹp quá cổ điển mà Nanjo mãi đeo đuổi. Và theo từng tập phim của Atelier, sự khác biệt của Tokita và Nanjo sẽ càng được thể hiện rõ hơn nhưng nó vẫn được thể hiện một cách tinh tế và nhẹ nhàng.

Người xem có thể thấy được mối quan hệ của Tokita và Nanjo có phần tương đồng như mối quan hệ của Miranda Priestly và Andy Sachs. Nhưng ở The Devil Wears Prada, cả hai đến cuối phim vẫn chỉ dừng lại ở một mối quan hệ của sếp và nhân viên. Nhưng trong Atelier, Tokita còn giống như đứa con gái mà Nanjo hằng có được, hơn thế nữa, Tokita cuối cùng còn trở thành nguồn cảm hứng để Nanjo có thể tiếp tục bước đi trên con đường sáng tạo của mình.

Mirei Kiritani đã hóa thân vào vai cô nàng ham học hỏi Mayuko Tokita một cách khá xuất sắc và đầy thuyết phục. Từ một cô nàng không quan tâm đến những gì mình mặc giống như cô phóng viên Andy Sachs trong The Devil Wears Prada, Myuko dần dần lột xác với những bộ cánh xinh đẹp trong phim.

Atelier - Nhiều hơn một câu chuyện về thiết kế đồ lót - Ảnh 5.

Không dừng lại là một tác phẩm về quần áo, Atelier còn là một ví dụ sống động về đời sống công sở, của những con người làm trong ngành thời trang. Những nhân viên trong công ty Emotion đều là những người sống tình cảm, qua mỗi tập phim, chúng ta lại càng hiểu thêm về họ. Khi công ty Emotion trải qua khó khăn và có thể phá sản, những người tưởng như thờ ơ lại chính là những nhân viên đã hy sinh nhiều nhất cho tập thể. Hầu như không có một nhân vật nào là phản diện hay quá độc ác trong Atelier, tất cả đều chỉ làm những việc cần phải làm vì họ có một niềm tin mãnh liệt vào điều đó.

Atelier - Nhiều hơn một câu chuyện về thiết kế đồ lót - Ảnh 6.

Không có một bộ phim nào là hoàn hảo và Atelier cũng vậy. Đến gần cuối, câu chuyện còn đôi chỗ dài dòng và hướng đi không được rõ ràng. Tuy nhiên, điều này vẫn không quá đáng trách khi nó vẫn mang lại cho người xem một cái kết khá viên mãn và đầy cảm động.