"Bad Times at the El Royale": Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 21:07 19/10/2018

Đầy những cú twist (chi tiết bất ngờ) cùng dàn diễn viên sáng giá, "Bad Times at the El Royale" (Phút Kinh Hoàng tại El Royale) là thành công tiếp theo của Drew Goddard sau "Cabin in the Woods".

Bad Times at the El Royale (Phút Kinh Hoàng tại El Royale) là tác phẩm của đạo diễn Drew Goddard kể về cuộc chạm trán của 7 con người xa lạ tại khách sạn sang chảnh El Royal, từ đây những bí mật đen tối dần được lần giở. Đẹp mắt, bất ngờ và kịch tính, Bad Times at the El Royale khiến người xem không thể rời mắt khỏi hơn 2 tiếng đồng hồ, dù vẫn còn đôi chỗ "sạn" khó nhằn.

Trailer "Bad Times at the El Royale"

Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 2.

Bối cảnh của Bad Times at the El Royale là khách sạn El Royale nằm trên hai bang California và Nevada. Bản thân khách sạn cũng được chia làm 2 phần với phần trang trí và cả quy định, luật lệ khác biệt nhau tùy theo khách chọn ở nửa nào. Từ một tụ điểm sang trọng dành cho chính khách và những người nổi tiếng thường xuyên lui tới, El Royale chỉ sau một năm mất đi giấy phép đánh bạc đã trở thành nơi hoang vắng cho những kẻ chạy trốn vãng lai.

Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 3.

Một bộ phim với nhiều khúc quanh bất ngờ

Chọn lui tới khách sạn El Royale là một vị mục sư lú lẫn (Jeff Bridges), một đặc vụ đội lốt nhân viên bán máy hút bụi Laramie Seymour Sullivan (Jon Hamm), một cô ca sĩ da màu (Cynthia Erivo), một cô nàng xinh đẹp bí ẩn (Dakota Johnson) dưới sự trông nom của chàng lễ tân trẻ (Lewis Pullman). Từ đây những bí mật của khách sạn dần được phanh phui.

Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 4.

Khách sạn không hề đơn giản như người ta nghĩ.

Có thể nói "đặc sản" của Bad Times at the El Royale là những cú twist (chi tiết bất ngờ) xuất hiện với tần suất dày đặc trong phim. Các nhân vật hành động một cách dứt khoát và không thể đoán trước, tuy nhiên vẫn giữ được sự nhất quán trong tâm lý. Một cô gái sẵn sàng bắn người để bảo vệ cho em gái, một cảnh sát đạp tung cửa để giải cứu một vụ bắt cóc, một nhân vật "trở mặt" lộ bản chất đáng sợ mà trước đây không ai nghi ngờ... tất cả đều nằm ngoài dự liệu của người xem. Sự xuất hiện của Billy Lee (Chris Hemsworth) ở những phân cảnh cuối phim giống như việc đạo diễn Goddard tung ra một con bài hiểm làm xáo trộn cả sới bạc vốn đã rất khó lường của El Royale.

Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 5.

Cấu trúc phim chia theo từng lớp và mạch thời gian xáo trộn cùng phong cách "những kẻ lạ cùng tụ hội để tạo nên một buổi tối đẫm máu" của Bad Times at the El Royale khiến nhiều người liên tưởng đến Quentin Tarantino, thế nhưng bằng cách này hay cách khác Goddard đã đem tới cho đứa con đẻ của mình một hơi thở hoàn toàn khác với những Hateful Eight hay Pulp Fiction. Công bằng mà nói, các mạch truyện riêng của Bad Times at the El Royale không có sức nặng và mang tính liệt kê hơn là cố gắng đào sâu tạo điểm nhấn.

Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 6.

Bộ phim được cứu lại bởi diễn xuất chuyên nghiệp của dàn diễn viên sáng giá cùng hội tụ. Bad Times at the El Royale có cái chất lịch lãm của Mad Men nhờ Jon Hamm, một Jeff Bridges gạo cội quá lành nghề và biết mình phải làm gì kể cả khi vào vai một ông già lú lẫn. Rồi chúng ta có một Dakota Johnson gợi tình ngay cả khi cô ấy chỉ mới cất lời, một chất giọng cực kỳ ấn tượng của nàng Darlene Sweet ngọt ngào do Cynthia Erivo thủ vai.


Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 7.

Cuối cùng là một thân hình tượng tạc đẹp như photoshop của "Billy Lee" Chris Hemsworth.

Hơi thở thập niên 60

Từ trang phục, kiến trúc cho tới bối cảnh, Bad Times at the El Royale mang đậm hơi thở thập niên 60 đầy biến động của Nixon và phảng phất mùi thuốc súng của chiến tranh Việt Nam. Màu sắc trong phim được chọn lọc khá ấn tượng dưới tay thiết kế sản xuất Martin Whist, từ tông màu vàng của California tới màu tím xanh của Nevada trong nội thất và kiến trúc của khách sạn El Royale. Phong cách retro còn được vẽ nên trong chất liệu và họa tiết trang phục của các nhân vật nhờ công của nhà thiết kế Danny Glicker (mother!). Cuối cùng, bàn tay của quay phim Seamus McGarvey (We Need to Talk About Kevin) đã bắt lấy các chi tiết đó trong các khung hình đẹp mắt. Âm nhạc trong phim cũng rất đáng nhớ, với nhiều bài hát đã trở thành bất tử của những năm 60 như Can't Take My Eyes Off You (Frankie Valli) hay He's Sure The Boy Of Mine, The Letter...

Bad Times at the El Royale: Món ăn lạ đầy bất ngờ từ thập niên 60 - Ảnh 8.

Với thời lượng khá dài 140 phút, Bad Times at the El Royale không tránh khỏi nhiều phân cảnh dài dòng quá mức trong khi nhân vật phản diện của phim lại xuất hiện vội vàng mà không thể hiện được rõ động cơ tội ác. Tuy vậy, đây vẫn là một món lạ bạn nên thử khi đã quá ngán những bộ phim hành động, kinh dị lấy bối cảnh hiện đại.

Bad Times at the El Royale (Phút Kinh Hoàng tại El Royale) hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.