Bán những món đồ xa xỉ ''superfake'' là một tội ác

Sông Thương, Theo Phụ nữ Việt Nam 10:02 19/08/2023

Túi xách giả đã xuất hiện trên thị trường thời trang trong nhiều thập kỷ, nhưng thế hệ túi xách superfake gần đây mới thật sự khiến người ta bất ngờ.

Bạn có thể đang mang một chiếc túi Hermès Kelly trị giá 100.000 USD hoặc chỉ là một chiếc túi giả với vẻ ngoài “siêu thật”. Dù là chiếc túi nào, chỉ bạn mới có khả năng biết sự thật về nguồn gốc của nó.

Cuộc cách mạng "superfake" đã gây ra một cuộc tranh luận về đạo đức của người làm hàng giả, cũng như đặt ra câu hỏi về việc chúng ta có đang sống hợp lý khi chi hàng nghìn USD cho... một mẩu da.

Bán những món đồ xa xỉ superfake là một tội ác - Ảnh 1.

Túi xách superfake đang khuấy đảo thị trường Indonesia

Hàng giả không có nghĩa là rẻ

Hàng siêu giả thường được làm thủ công, sử dụng các vật liệu đắt tiền hơn và rất khó phân biệt với hàng chính hãng đắt tiền. Và tại chợ Mangga Dua của Jakarta, những chiếc túi "superfake" có giá rất cao.

Bản sao của những chiếc túi xách nổi tiếng như Hermès có giá khởi điểm trên 1.000 USD, còn một bản sao của chiếc túi da cá sấu Kelly có thể lên tới 10.000 USD. Thậm chí, bản sao cho một chiếc túi hiếm thuộc dòng Kelly cũng có thể lên đến 100.000 USD.

Một người bán hàng tại chợ chia sẻ với ABC rằng những chiếc túi có nguồn gốc từ các nhà máy ở miền Nam Trung Quốc và khách hàng có thể yêu cầu những kiểu dáng cụ thể.

Bán những món đồ xa xỉ superfake là một tội ác - Ảnh 2.

Túi xách giả nhưng có mức giá lên tới hàng trăm nghìn USD

Khu chợ này nằm trong danh sách "những khu chợ khét tiếng" về hàng giả. Hầu hết mọi hoạt động kinh doanh ở đây đều diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Sự gia tăng của hàng siêu giả có nghĩa là ở Úc và nước ngoài, một số doanh nghiệp đã xuất hiện với mục đích giúp người mua xác minh rằng những chiếc túi họ mua không phải là hàng nhái.

Chất lượng của hàng nhái đã được cải thiện tốt đến mức một số người bán hàng ở Indonesia đã cố gắng biến chúng thành hàng thật, thu của những khách hàng giàu có hàng chục nghìn USD cho mỗi chiếc túi superfake.

Đi tù vì túi superfake

Một trong số ít những người không bị đánh lừa bởi hàng superfake là Flowdea - một nữ doanh nhân sống tại thành phố Surabaya. Cô bắt đầu sưu tầm túi Hermès sau khi quá mệt mỏi với việc đầu tư tài sản vào bất động sản và xe hơi thể thao.

Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy túi Hermès có thể là khoản đầu tư an toàn hơn vàng hoặc thị trường chứng khoán.

Cô Flowdea có hơn 200 chiếc túi xách Hermès thật mà cô đã thu thập được bằng cách xây dựng mối quan hệ với các cửa hàng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các hạn chế đi lại do Covid-19 gây ra đã thôi thúc cô thử mua hàng từ một người bán địa phương ở Indonesia.

Bán những món đồ xa xỉ superfake là một tội ác - Ảnh 3.

Flowdea đã có kinh nghiệm trong việc phân biệt túi thật và giả

Năm ngoái, cô đã đặt mua bốn chiếc túi Hermès từ một người nổi tiếng với tổng số tiền là 130.000 USD. Tuy nhiên, cô đã nghi ngờ ngay khi vừa mở chúng ra: "Lần đầu tiên tôi nhìn vào chúng, chúng trông rất thuyết phục. Nhưng sau khi tôi chạm vào, tôi có thể cảm nhận được điều đó. Tôi đã sưu tập túi xách được 15 năm. Tôi có ấn tượng sâu sắc về chúng. Tôi sẽ biết ngay nếu có gì đó không đúng", Flowdea nói.

Những nỗ lực của Flowdea khi yêu cầu người bán hoàn lại tiền mua hàng đã dẫn đến một cuộc tranh chấp công khai, và thậm chí là các mối đe dọa đánh bom.

Đỉnh điểm là người bán, Medina Zein Azhari, đã bị bỏ tù 9 tháng ở Jakarta vì đã đe dọa Flowdea. Chưa hết, Azhari sẽ phải thụ án hai năm nữa vì tội lừa đảo ở thành phố Surabaya.

Tràn lan túi superfake

Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc do công ty tư vấn IP Rouse tổng hợp, Gucci là thương hiệu phổ biến nhất bị làm giả. Từ năm 2014 đến năm 2021, chính quyền Trung Quốc đã thu giữ hàng giả và ban hành số tiền phạt cho hơn 4 triệu mặt hàng.

Bán những món đồ xa xỉ superfake là một tội ác - Ảnh 4.

Do nhu cầu cao, số lượng túi xách giả vẫn tăng lên từng ngày

Trong những năm gần đây, Chanel, Louis Vuitton và Christian Dior cũng chứng kiến sự gia tăng của các vụ bắt giữ hàng giả. Nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều túi xách, đồng hồ, giày dép, thắt lưng giả và các mặt hàng khác thành công tìm đường ra khỏi Trung Quốc.

Ở Indonesia, những người bán hàng, cả trực tuyến và tại các chợ, rao bán các sản phẩm giả mà không sợ bị chính quyền đóng cửa. Họ cũng bất chấp hình phạt tối đa là 5 năm tù giam và khoản tiền phạt lên tới 200.000 USD.

Bán những món đồ xa xỉ superfake là một tội ác - Ảnh 5.

Theo Anom Wibowo, các chủ thương hiệu nên hợp tác với cơ quan chống hàng giả để giải quyết vấn đề này. Đồng thời, các nhân viên của ông cũng đến các chợ như Mangga Dua để giáo dục các chủ gian hàng bán sản phẩm địa phương chính hiệu thay vì hàng giả.

Ông Satrio Nugroho tin rằng việc bán những món đồ xa xỉ nhái là một tội ác, với nạn nhân không chỉ là các thương hiệu xa xỉ, mà nó còn mở rộng sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm suy yếu quyền sở hữu trí tuệ của tất cả mọi người.

Nguồn: ABC News