Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu?

Phúc Du, Ảnh: Vũ, Ngọt, Cá Hồi Hoang, da Lab, Đen, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 03/02/2018

"Mainstream", "indie", "underground" hay "overground", chưa bao giờ thị trường âm nhạc Việt Nam lại tồn tại nhiều "khái niệm" như thế này dù từ lâu vốn nó cũng đã vận hành như vậy. Thế nhưng, có rất nhiều người vẫn đang chơi vơi giữa những "định nghĩa" về các khái niệm trên.

Âm nhạc Việt Nam đang ở giai đoạn sôi động và phát triển trên nhiều mặt. Không chỉ là sự đầu tư mạnh về các sản phẩm, chiêu mộ những nhà sản xuất từ nước ngoài hay bản thân các sản phẩm "tiến ra biển lớn" mà âm nhạc Việt còn sôi động ở chính thị trường nghe nhìn.

Ngày nay, các khái niệm liên quan đến âm nhạc đã được phân biệt rõ hơn. Nếu như lúc trước chỉ có nhạc sĩ, ca sĩ, rồi sau đó là nhạc sang, nhạc "chợ", nhạc teen, nhạc thị trường thì bây giờ khán thính giả đã biết thêm những khái niệm rộng hơn như "underground", "indie" hay "mainstream". Nhưng, dường như số đông vẫn chưa phân biệt chính xác được 3 khái niệm này.

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 1.

Cả hai từ này đều xuất hiện muộn hơn "underground". Chính xác là muộn hơn đối với khán thính giả Việt Nam. Mainstream (chính dòng) ý chỉ các ca sĩ hoạt động chính thống, hướng đến thị trường và có mục tiêu, chiến lược rõ ràng, nói nôm na là ca sĩ đại chúng. Nhiều khi dùng từ ca sĩ đại chúng cũng không chính xác lắm, vì "đại chúng" là chỉ khoanh vùng những cái tên có sức ảnh hưởng với số đông, với giới trẻ - thị phần khán thính giả nhiều phần trăm nhất - như Mỹ Tâm, Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh... chẳng hạn.

Còn các tên tuổi kinh nghiệm hơn, lâu năm hơn, ít được giới trẻ quan tâm hơn như các diva, divo Mỹ Tâm, Hồng Nhung, Thanh Lam, Tùng Dương... tất nhiên không "đại chúng", nhưng họ vẫn là ca sĩ "mainstream" bởi hiện tại họ đã được xem là những "đền đài" hoặc đã nổi tiếng từ khi Việt Nam chưa có khái niệm "indie".

"Indie" hay tên đầy đủ là "Independent music", hiểu nôm na là "âm nhạc độc lập". Bạn hiểu rồi đấy, độc lập tức là không phụ thuộc. Theo định nghĩa của thị trường âm nhạc trên thế giới, indie music là chỉ những ca sĩ, nhạc sĩ, những ca khúc được ra đời/hoạt động một cách độc lập, không phụ thuộc vào các công ty hay chiến lược quảng bá, quảng cáo. Nhưng, cũng đừng nhầm indie là một thể loại hay dòng nhạc.

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 2.

Indie music bao gồm tất cả các dòng nhạc, nhưng nó thường không được sáng tác theo những "công thức tạo hit" mà bởi những cảm xúc hay chiêm nghiệm của bản thân nghệ sĩ, nên có chất riêng của từng người.

Ở Âu Mỹ, indie không phải một khái niệm xa lạ như ở Việt Nam bây giờ. Các bài hát của nghệ sĩ indie hoàn toàn vẫn có thể xuất hiện trên những bảng xếp hạng danh giá như Billboard, ví dụ như "Somebody that I used to know" của Gotye cũng là một ca khúc indie, nhưng có lẽ không nhiều khán giả Việt Nam hiểu điều này.

Nói nôm na thì nghệ sĩ indie cũng giống nghệ sĩ mainstream ở chỗ cũng là những người hoạt động âm nhạc, cùng kiếm tiền từ việc sáng tác hoặc hát. Nhưng ca sĩ mainstream có lớp áo hào nhoáng hơn, họ thuê những Producer đắt tiền, mặc những bộ trang phục hàng hiệu hoặc thiết kế riêng, đầu tư các Music video để quảng bá cho ca khúc và có chiến lược bài bản để đẩy mạnh hình ảnh. Nói chung mainstream có thể hiểu như một nghệ sĩ giải trí.

Nhưng cũng xin đừng lầm Adele hay Lana del Rey - những ca sĩ có dòng nhạc rất riêng và không nhảy nhót như những đồng nghiệp khác - cũng là ca sĩ indie. Vì dù thứ âm nhạc của họ lạ, mang màu sắc không phổ thông nhưng họ vẫn có cả ekip đằng sau để hỗ trợ và "brainstorm" ra những sản phẩm hay ho nhất.

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 3.

Trong khi đó, ca sĩ indie là những người chỉ hát hoặc sáng tác một cách bản năng, tiền đầu tư cũng là tiền túi, không bị ràng buộc bởi hợp đồng quảng cáo hay cam kết hình ảnh nào. Có những album tuy được các công ty, hãng đĩa phân phối nhưng vẫn được xem là indie music nếu như công ty đó không can thiệp vào phần sản xuất âm nhạc.

Trên thực tế, ca sĩ indie có thể lấn qua phần sân mainstream kia bất cứ lúc nào nếu có những nhà sản xuất ngỏ lời hợp tác, phát triển. Một cái gật đầu rồi bước vào guồng quay giải trí, cải tiến hình ảnh, nâng cấp chiến lược quảng bá, có thêm nhà tài trợ, v.v.. chính là những điều sẽ biến một ca sĩ indie thành ca sĩ mainstream.

Ở Việt Nam, chúng ta có một nghệ sĩ indie rất nổi tiếng là Lê Cát Trọng Lý. Từ khi Lý bắt đầu hát những ca khúc đầu tiên ở các quán cà phê chơi nhạc cho đến bây giờ đã phát hành 3 album, Lý vẫn là một nghệ sĩ indie. Không chỉ chất nhạc không đổi mà cách Lý hoạt động, đi hát vẫn thực sự là của riêng Lý, không bị những yếu tố khác can thiệp.

Một trường hợp đáng chú ý khác chính là Tiên Cookie. Bắt đầu sáng tác từ khi còn học cấp III, những ca khúc của Tiên Cookie được biết đến nhiều khi cô bạn thân Bích Phương trình bày. Có thể xem Tiên Cookie cũng là một nhạc sĩ indie vì thời gian đó cô cũng chỉ hoạt động độc lập, sáng tác rồi bán bài hát.

Nhưng giờ đây, Tiên Cookie đã có công ty riêng, có những chiến lược riêng. Cô nhạc sĩ nhỏ nhắn ngày nào đã bước vào "vùng sáng" nhiều hơn. Không chỉ là producer cho nhiều ca sĩ mà còn ngồi ghế nóng một chương trình gameshow, là nhạc sĩ mát tay cho nhiều nhãn hàng tiêu dùng có tiếng... những điều đó là thành tựu của Tiên, và cũng là chiến lược và những gì Tiên muốn làm, thế nên chúng ta không thể xem Tiên Cookie là nhạc sĩ indie nữa.

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 4.

Ở Việt Nam bây giờ rất nhiều người nhầm nhọt giữa indie và underground, hoặc tưởng cả hai là một. Tất nhiên nếu là một thì nó đã chẳng có hai cái tên. Underground music (dịch nghĩa đen: âm nhạc dưới lòng đất) là một khái niệm âm nhạc được đặt cũng để phân biệt với mainstream/overground, giống như cách người ta phân biệt "thế giới ngầm" với phe cảnh sát, hoàng gia ở Anh Quốc thế kỉ 19.

Âm nhạc "dưới lòng đất" đúng như tên gọi, nó khác hoàn toàn với thứ âm nhạc được trình diễn trong hàng trăm ngọn đèn giữa hàng nghìn khán giả. Một nghệ sĩ underground không trình diễn, không cần có khán giả, không cần vỗ tay, không cần nổi tiếng, đặc biệt là họ không cần kiếm tiền từ âm nhạc.

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 5.

Đối với họ, âm nhạc chỉ là một thói quen, cũng có thể là đam mê nhưng nó không bao hàm ham muốn nổi tiếng, có khi chỉ đơn giản là một cách để xả stress. Nhưng không phải vì thế mà họ không phải nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ underground sở hữu một loạt ca khúc nằm trong danh sách yêu thích của người nghe nhạc, nhưng đó không phải chủ đích của họ khi sáng tác.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, có rất nhiều người chưa hiểu rõ khái niệm đang nhầm lẫn indie là một thể loại nhạc, kiểu như pop, rock hay EDM. Đây là một cách hiểu sai. Như đã nói, indie là một định nghĩa về loại hình âm nhạc, không phải về thể loại. Ngay từ những năm mới xuất hiện, indie mang nặng phong cách của punk-rock. Nhưng ngoài ra indie cũng bao gồm nhiều thể loại khác như gothic rock, britpop hay indie-pop... Sở dĩ có sự nhầm lẫn này là vì các ca khúc indie thường ít khi là pop đại chúng hoặc r'n'b hay ballad mà nó gai góc, xù xì hơn. 

Tương tự, underground cũng không phải để chỉ riêng dòng nhạc rap, hip-hop như nhiều người (nhất là khán giả Việt Nam) vẫn nghĩ. Chẳng qua thứ âm nhạc "dưới lòng đất" kia quá tự do, chúng không có giới hạn về cách tư duy, cách thể hiện nên thường được thể hiện bằng rap để bộc lộ cá tính. Giả dụ có một ca khúc underground nhưng thuộc thể loại... ballad thì nó vẫn là underground mà thôi. 

Bên ngoài, underground và indie giống nhau ở chỗ đó là thứ âm nhạc tự do, không bó buộc về lượt nghe, về lượng đĩa tiêu thụ, về sự lan toả mà chỉ đơn giản là những cảm xúc được viết hoặc hát lên từ chính bản thân người nghệ sĩ. Nhưng bên trong lại khác, nghệ sĩ indie mang những ca khúc của họ đến những sân khấu nhỏ, thậm chí là những đài truyền hình nhỏ, các sân chơi âm nhạc chuyên dành cho nghệ sĩ indie để hát và nhận cát-xê, hoặc bán nhạc cho những trang nghe nhạc trực tuyến như Spotify để xoay vòng vốn đầu tư cho ca khúc khác, nói chung là vẫn đi hát kiếm tiền.

Còn nghệ sĩ underground thì khác, họ không kinh doanh âm nhạc. Cuộc sống mưu sinh của họ là một nghề nghiệp nào đó khác, hát chỉ là cách để họ giải trí. Vì vậy nên những bản nhạc underground thường sẽ gai góc hơn cả nhạc indie, nó mang cái tôi cá nhân rất nặng, thậm chí là hát cả những nội dung người ta không dám hát hoặc thấy phản cảm.

Cho dễ hình dung thì nếu xem "music" là một tập hợp lớn và "mainstream", "indie", "underground" là 3 tập hợp con thì "mainstream" với "indie" có thể giao nhau nhưng "underground" hoàn toàn là một tập hợp riêng rẽ. 

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 7.

Nói đến đây, hẳn bạn đã hình dung được sự nhầm lẫn của khán giả dành cho giới underground ở Việt Nam là như thế nào. Hơn chục năm trước, từ "underground" bắt đầu phổ biến với các bài hát rap-hiphop trên các diễn đàn âm nhạc online ở Việt Nam. Dần dần nó trở thành một trào lưu rõ ràng hơn, nhiều cái tên được biết đến hơn.

Hẳn bạn không xa lạ với Spacespeakers, "ngôi nhà" của những tên tuổi underground "lão làng" như Touliver, TripleD, Rhymastic hay JusatTee, BigDaddy, Mr. A... Thế nhưng, bây giờ mà vẫn cứ gọi họ là "underground" thì có đúng hay không? Chắc chắn là không. Những tên tuổi trên đều đã cộng tác với rất nhiều ngôi sao giải trí lớn, sáng tác hoặc sản xuất những ca khúc được đặt hàng, tham gia nhiều chương trình truyền hình thực tế, xuất hiện trong các thương vụ quảng cáo... Những hoạt động đó đã "kéo phăng" họ ra khỏi thế giới ngầm để bước vào lãnh địa của âm nhạc giải trí, âm nhạc kinh doanh.

Có thể điều khiến khán giả vẫn "đóng mác" underground cho họ chính là chất nhạc, phong cách sáng tác. Chứ một khi đã kiếm tiền từ sản phẩm âm nhạc, tiền cát-xê, tiền quảng cáo, tiền nhạc chuông nhạc chờ, thì chính là một nghệ sĩ overground.

Người Việt chúng ta thực chất vẫn ôm cái suy nghĩ rằng nghệ sĩ underground là những người chưa hoặc không có cơ hội lên sân khấu. Đây là một suy nghĩ sai lầm. Hoặc nếu họ không sai thì chính các nghệ sĩ underground kia đã bị gắn cho cái danh xưng sai. Khái niệm "chưa được nổi tiếng kia" là dành cho nghệ sĩ indie, chứ không phải underground. Nghệ sĩ underground không có nhu cầu kinh doanh từ âm nhạc. Và, nghệ sĩ indie cũng chưa chắc muốn trở thành mainstream.

Đây là những "quy tắc" hình thành từ cảm giác và lý tưởng của những người chơi nhạc, chứ không phải luật lệ. Thành thử một khi bản thân thay đổi thì cái danh vị cũng sẽ thay đổi, hãy chấp nhận nó chứ đừng ôm khư khư những khái niệm giờ đã thành sai. Nói đơn giản hơn thì khi nghe ai đó nói về đam mê, về quyết tâm đeo đuổi âm nhạc thì đó là nghệ sĩ mainstream, hoặc indie chứ dứt khoát không phải nghệ sĩ underground. Những "kẻ sống dưới lòng đất" kia không có nhu cầu trình bày, kể lể những điều quá lớn lao về âm nhạc. Bởi với họ, đó không phải nghề nghiệp hay lý tưởng để khoe khoang. Âm nhạc của underground tăm tối, âm ỉ và phớt đời, và đó là tất cả. Tiền bạc giống như "độc dược" đối với âm nhạc của thế giới ngầm, một khi chạm vào thì chắc chắn sẽ văng ra khỏi cái lãnh địa rất đặc biệt ấy.

Lấy ví dụ gần hơn, Ngọt , Thái Vũ, Trang, Đen, Linh Káo, Nguyên Hà... là nghệ sĩ indie, vì họ vẫn đi hát. Thậm chí là Mashew, "phù thuỷ" đã làm ra "Tuý âm" hay "Buồn của anh" cũng đã không còn là underground khi các sản phẩm kia đã mở ra những cơ hội nghề nghiệp về âm nhạc cho họ.

Một vài năm nữa, nếu Mashew trở thành nhà sản xuất nổi tiếng, được các ca sĩ đặt hàng, hợp tác như Hoaprox thì anh sẽ chính thức là một mainstream producer hẳn hoi, không indie, càng không underground.

Thật ra, có bao nhiêu khái niệm để phân biệt thì âm nhạc vẫn là thứ để giải trí mà thôi. Người ta nghe một ca khúc thấy hay thì nó sẽ được repeat, nổi tiếng là chuyện bình thường. Có người còn chả thèm quan tâm indie hay underground là gì. Nhưng phàm cái gì thuộc về định nghĩa, thì nó vẫn nên được gọi tên một cách chính xác. Không chỉ khán giả mà cả những người làm truyền thông, hay chính các nghệ sĩ cũng nên phân biệt và hiểu đúng nơi mình đang đứng là ở đâu. Một ca khúc kiếm ra tiền như "Đã lỡ yêu em nhiều", được trình diễn trên sân khấu thì không phải là một bài hát underground, Justatee giờ đây cũng đã thực sự là một nghệ sĩ mainstream rồi.

WeChoice Awards 2017 xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Auto Trường Hải (Thaco), các đơn vị đồng hành Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn TH, thương hiệu thức uống thảo dược TH true Herbal , các đối tác bảo trợ truyền thông VOV, VOH, Ticketbox - cùng nhiều đơn vị báo chí khác đã cùng chúng tôi đi hết hành trình truyền cảm hứng của giải thưởng năm nay!

Bạn thích nhạc Underground, tôi lại cuồng Indie, vậy 2 thứ âm nhạc đó khác nhau ở đâu? - Ảnh 10.