Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với bản truyền hình "Cô hầu gái" của nước Mỹ

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 17:51 19/09/2017

Phim truyền hình "The Handmaid’s Tale" là cái nhìn méo mó về một xã hội được xây dựng trên nỗi sợ hãi và đức tin mù quáng.

Khi nhà đài Hulu quyết định khởi động dự án làm sống lại cuốn tiểu thuyết hậu tận thế của nhà văn Margaret Atwood năm 1985, có lẽ họ chưa lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra một năm sau đó. Mới đây, bộ phim đã được vinh danh tại Lễ trao giải Emmy 2017 khi trở thành Phim truyền hình xuất sắc nhất năm và nữ chính của phim - Elisabeth Moss cũng mang về cho mình một giải Nữ chính xuất sắc nhất cho phim truyền hình dài tập.

Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với phiên bản truyền hình Cô hầu gái của nước Mỹ - Ảnh 1.

Táo bạo, đẹp mắt và cũng đau đớn không kém, The Handmaid's Tale bước từ trang giấy lên màn ảnh là hình dung quái gở nhưng hoàn toàn khả dĩ về một tương lai chờ đón loài người.

Trailer của "The Handmaid's Tale"

Một thế giới mù quáng và hà khắc

Bối cảnh trong phim là một nước Mỹ giả tưởng, nơi giờ đây là Cộng hòa Gilead. Những người Cơ đốc giáo cực đoan đã nổi dậy, giết chết tổng thống và đình chỉ bản hiến pháp. Phụ nữ không thể làm việc hoặc sở hữu tài sản. Ảnh hưởng của bệnh tật và chất độc hóa học, hầu hết mọi người đều bị vô sinh.

Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với phiên bản truyền hình Cô hầu gái của nước Mỹ - Ảnh 3.

Những người đàn ông ở tầng lớp thượng lưu, được gọi là các Tư lệnh có quyền sở hữu các Handmaids (Hầu gái). Đó là những phụ nữ đã chứng minh được khả năng thụ thai bằng việc cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Vì họ đã phạm vào "giới luật", vì thế họ phải chịu thân phận nô lệ với cái tên những Hầu gái.

Nhân vật chính của phim, Offred (Elisabeth Moss) là một trong những Hầu gái như thế. Cái tên của cô thực chất là "Of Fred" (Thuộc sở hữu của Fred), cho biết ai là chủ của cô. Họ không còn nhân dạng con người nữa. Những Hầu gái được coi như một thứ tài sản, sẽ bị tiêu hủy một khi không còn khả năng sinh nở.

Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với phiên bản truyền hình Cô hầu gái của nước Mỹ - Ảnh 4.

Đó là một thế giới của luật lệ và tôn giáo. Khái niệm tự do không còn tồn tại, nơi đây người ta lặp lại những câu cầu chúc dưới thứ niềm tin về sự cứu rỗi. Bác sĩ, người đồng giới bị giết hại, các biện pháp ngừa thai bị lên án, người ta chỉ còn nói với nhau về cuộc chiến và thắng lợi mà các Tư lệnh có được cho Gilead.

Bóng ma của hiện thực

Một trong những thách thức của The Handmaid’s Tale là đem tới một màu sắc khác biệt cho phiên bản truyền hình. Thành công của series đó là đã khắc họa câu chuyện bằng ngôn ngữ thị giác ấn tượng. Đó là sự đối lập giữa một thiên nhiên ngập tràn ánh sáng và tương lai đen tối của con người. Offred không thể tin bất kì ai, không có một giây phút nào được an toàn và ai cũng có thể là gián điệp. Đó là một bảng màu rực rỡ nhờ tà áo choàng đỏ rực của các Hầu gái, là những chiếc nón trắng, thảm cỏ xanh, là màu máu đỏ bầm chỉ chực vọt lên từ những kẻ tội lỗi.

Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với phiên bản truyền hình Cô hầu gái của nước Mỹ - Ảnh 5.

Để mang lại không khí thời đại cho The Handmaid’s Tale, những sự kiện xảy ra trong quá khứ trước khi June (Offred) bị bắt và sau khi trở thành một Hầu gái đều có hơi hướng gợi nhắc thế giới chúng ta đang sống. Đó là một thế giới giao thoa giữa các nền văn hóa, chủng tộc tiềm ẩn những sự va chạm dẫn đến hỗn loạn.

Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với phiên bản truyền hình Cô hầu gái của nước Mỹ - Ảnh 6.

Người Mỹ vẫn đang tranh cãi về quyền lựa chọn sinh sản của phụ nữ, một số bao gồm cả tổng thống đương nhiệm đang tìm cách cấm việc phá thai. Một số nhóm thiểu số thì tin rằng phụ nữ không nên sở hữu tài sản, đi làm hoặc được quyền bầu cử. Những gì xảy ra trong phim chính là khi những mâu thuẫn kia trở nên bùng phát và cực đoan thắng thế. Bằng việc tái cấu trúc chúng trong xã hội nước Mỹ, The Handmaid’s Tale cho thấy chúng ta có thể sai lầm tới đâu trong việc định hình tương lai.

Bạo lực và cưỡng bức: Sốc với phiên bản truyền hình Cô hầu gái của nước Mỹ - Ảnh 7.

Sau hơn 30 năm có lẻ từ khi xuất bản, tiểu thuyết của Atwood đã được chuyển thể thành phim điện ảnh, một vở kịch sân khấu, một chương trình phát thanh, thậm chí là cả một tiết mục ballet. Thế nhưng chỉ khi tới với tay đạo diễn Bruce Miller, tầm vóc và thông điệp của tiểu thuyết gốc mới được nâng cao.

Đó là chưa kể tới diễn xuất đáng kinh ngạc của nữ chính Elisabeth Moss, với ngoại hình và thần thái khác biệt đến ám ảnh. The Handmaid’s Tale là một câu chuyện chứa đựng tính nhân văn và thông điệp thời đại phức tạp. Đây có thể coi là một series truyền hình xuất sắc với chất lượng vượt trội, nhưng không phải là một món ăn dễ dàng đối với khán giả đại chúng.