Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London

Đinh Hương, Theo Thời Đại 19:54 05/09/2017

Tiếng tăm và sự kinh khủng của Bedlam khiến cho tên gọi của nó đến ngày nay đã trở thành một từ chung để chỉ các bệnh viện tâm thần hoặc miêu tả về khung cảnh hỗn loạn, điên rồ.

Ở đâu cũng vậy, vẫn luôn tồn tại những người không may mắn bị mắc kẹt hoặc bị hành hạ khổ sở trong chính tâm trí của mình. Đó là những người vốn sinh ra có vấn đề về tâm thần, hay cũng có người sau khi trải qua một chấn động tâm lý lớn mới bắt đầu nảy sinh ra tình trạng tâm thần bất bình thường. Sự hiểu biết của y học về những thứ đang thật sự xảy ra trong đầu các bệnh nhân tâm thần cũng như cách mà chúng ta tiếp nhận, đối xử với họ đã và đang thay đổi dần theo từng bước tiến của khoa học và xã hội.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Hiện nay những phương pháp điều trị tàn bạo của y học thời xưa đã bị cấm ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, những “nhà tù” tâm thần đã dần được thay thế bởi các bệnh viện tâm thần hiện đại. Thế nhưng, câu chuyện về cung điện - nhà thương điên khét tiếng Bethlem tại Anh cho đến tận ngày nay vẫn là một bóng đen ám ảnh khiến nhiều người khiếp sợ. Sự kinh hoàng bên trong khu nhà thương sang trọng này nổi tiếng đến mức biệt danh của nó - Bedlam - đã trở thành một danh từ chung chỉ các bệnh viện tâm thần hoặc dùng để miêu tả những điều điên rồ, hỗn loạn.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 2.

Ảnh: Internet

Được thành lập vào năm 1247, Bethlem là trung tâm điều trị bệnh tâm thần có lịch sử lâu đời nhất của châu Âu. Tuy nhiên khởi đầu, Bethlem vốn dĩ hoạt động như một cơ sở tôn giáo, thờ phụng thánh Mary vùng Bethlehem.

Đến khoảng trước năm 1400, Bethlem được biến thành bệnh viện thời Trung Cổ nhưng không nhằm để chữa trị y tế mà là nơi tị nạn cho những người cần sự giúp đỡ. Bất kỳ ai không có chỗ nương thân cũng có thể đến gõ cửa nhà nguyện.

Theo thời gian, Bethlem không chỉ là nơi chăm lo cho những người nghèo đơn thuần mà còn cả những người không thể tự chăm sóc cho bản thân mình, đặc biệt là những người bị xem là điên, tâm thần không ổn định.

Rất ít chi tiết về hoạt động bên trong của Bethlem trong thời kỳ này được kể lại nhưng đến khoảng những năm 1600 thì quyền kiểm soát Bethlem được chuyển từ nhà thờ về tay nhà nước.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 3.

Ảnh: Internet

Năm 1675, cơ sở Bethlem được dời về Moorfields, phía bắc London để cải thiện lại cơ sở vật chất và mở rộng diện tích. Công trình kiến trúc Bethlem được xây dựng nguy nga với các hàng cột theo kiểu Corinthia, những tháp cao có mái vòm hình bát úp được lấy cảm hứng từ Cung điện Tuileries của Vua Louis XIV ở Paris. Nhiều người thường so sánh sự nguy nga, lộng lẫy của Bethlem bấy giờ tựa như cung điện của Hoàng đế nước Pháp ở Versailles chứ không giống là một bệnh viện tâm thần. Thậm chí, có người còn cho rằng: "Thật điên rồ khi xây dựng một công trình tốn kém như thế cho những người có đầu óc không bình thường".

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 4.

Ảnh: Internet

Hai bức tượng gắn phía trên cửa vào bệnh viện, một tên là "Sự sầu muộn", một tên là "Tiếng gầm của sự điên rồ" với gương mặt giận dữ và tay chân bị xích chặt, như điềm báo u ám về mặt trái của một nơi được mệnh danh là "cung điện của những người điên".

Khi bệnh nhân đến bệnh viện ngày càng đông đúc, Bethlem bỗng biến thành Bedlam và việc điều trị bệnh biến thành những màn tra tấn tinh thần vô cùng kinh khủng.

Một trong những cách trị tâm thần nổi tiếng nhất của Bedlam là phương pháp ngồi ghế xoay được sáng chế bởi Erasmus Darwin. Người bệnh sẽ bị cột vào một chiếc ghế treo trên không, sau đó ghế xoay vòng liên tục đến hơn 100 vòng mỗi phút, liệu trình kéo dài lên đến hàng giờ. Các bệnh nhân bị choáng váng đến mức ói mửa và chóng mặt không đi nổi nhưng đó lại được xem là những phản ứng tích cực của quá trình điều trị.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 5.

Mỗi liệu trình chữa bệnh kéo dài hàng giờ, bệnh nhân phải ngồi trên ghế và xoay liên tục đến 100 vòng mỗi phút. (Ảnh: Internet)

Năm 1728, James Monro trở thành bác sĩ trưởng của Bethlem, bắt đầu một triều đại gia đình Monro kéo dài khoảng bốn thế hệ. Số phận của những bệnh nhân tâm thần tại Bethlem trở nên càng tồi tệ hơn. Họ bị đánh đập thường xuyên, bị bỏ đói và nhúng vào bể nước đá.

William Black, một bác sĩ đã viết cuốn luận án về bệnh tâm thần vào năm 1811 và nói về Bethlem như sau: "Phải sử dụng áo trói tay khi cần thiết và đôi lúc, các chất tẩy rửa cũng phải sử dụng như một biện pháp điều trị chủ yếu".

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 6.

Ảnh: Internet

Miêu tả của một người từng tới thăm Bethlem vào năm 1814 cho thấy đây là nơi địa ngục trần gian kinh hoàng nhất, “những người đàn ông trần chuồng bị bỏ đói và xích vào tường”.

Các bệnh nhân còn bị hút máu bởi những con đỉa, sử dụng cốc thủy tinh giác hơi gây ra những vết bỏng rộp nước. Sự tàn nhẫn của những người điều hành Bethlem không cho phép họ thừa nhận rằng phương pháp của mình quá khắc nghiệt đến nỗi các bệnh nhân không thể chịu đựng được. Rất nhiều bệnh nhân một khi bước chân vào Bethlem thì mãi mãi không bao giờ trở ra nữa. Những cuộc điều tra sau này đã phát hiện bên dưới nền đất của Bethlem là các khu mộ tập thể của những người từng bỏ mạng tại đây.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 7.

Hài cốt của những bệnh nhân bỏ mạng tại Bethlem được tìm thấy trong những khu mộ tập thể. (Ảnh: Internet)

Từng có thời kỳ Bethlem còn mở rộng cửa đón công chúng đến tham quan để giúp bệnh viện kiếm thêm thu nhập. Chính sách này ban đầu là để thu hút những người nhà bệnh nhân đến thăm bệnh nhưng cuối cùng những người giàu có lại bỏ rất nhiều tiền ra để mở rộng tầm mắt. Họ thích thú với cảm giác mạnh khi đi dạo các hành lang bệnh viện, thưởng ngoạn phong cảnh và xem bệnh viện tựa như một “vườn thú” với những người tâm thần gào thét, chạy nhảy xung quanh mình.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 8.

Bethlem từng là "vườn thú" cho tầng lớp quý tộc tham quan. (Ảnh: Internet)

Đến thế kỷ 19, Bethlem lại một lần nữa chuyển địa điểm đến Bromley. Thời kỳ này phụ nữ là bệnh nhân chủ yếu và bị nhốt vào trại thương điên với những tình trạng “tâm thần” như trầm cảm sau sinh, mất trí, nghiện rượu, và thậm chí là ngoại tình cũng bị chuyển vào trại.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 9.

Phụ nữ luôn là đối tượng chủ yếu bị tống vào nhà thương điên. (Ảnh: Internet)

Phụ nữ trong thời kỳ này bị cho là có nguy cơ đặc biệt mắc bệnh tâm thần do các rối loạn từ hệ thống sinh sản. Để có được tấm giấy xác nhận tâm thần với chữ ký của bác sĩ là một chuyện vô cùng dễ dàng. Và phụ nữ - những người có địa vị thấp và ít tiếng nói trong xã hội luôn là đối tượng dễ dàng bị vứt bỏ vào nhà thương điên, đôi khi đơn giản chỉ vì họ bị chồng chán ghét.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 10.

Phụ nữ có thể bị đẩy vào Bedlam nếu như bị chồng chán ghét. (Ảnh: Internet)

Bethlem cũng từng là nơi chữa trị của một số bệnh nhân nổi bật như John Frith - người tự nhận mình là Thánh Paul và ném đá vào vua Henry III vào năm 1790, Edward Oxford - người đầu tiên trong số tám người cố gắng giết Nữ hoàng Victoria vào năm 1840, Richard Dadd - một họa sĩ nổi tiếng đã đâm chết bố mình vì cho rằng ông ấy là ma quỷ, Margaret Nicholson - người đã có ý định ám sát vua George III năm 1786.

Bedlam: Nỗi kinh hoàng bên trong nhà thương điên xa xỉ bậc nhất London - Ảnh 11.

Richard Dadd, một họa sĩ nổi tiếng nhập viện sau khi sát hại bố ruột của mình. (Ảnh: Internet)

Cùng với sự phát triển của xã hội và y học, bệnh viện Bethlem Royal từ lâu đã xóa bỏ những phương pháp trị liệu đáng sợ của mình. Ngày nay, các bác sĩ và nhân viên tận tâm của bệnh viện luôn nỗ lực để điều trị, chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân của mình. Bethlem ngày nay còn nổi tiếng bởi một khu triển lãm các tác phẩm nghệ thuật cho chính các bệnh nhân sáng tác. Mặc dù vậy, danh từ “bedlam” vẫn tiếp tục tồn tại như một sự nhắc nhở về thời quá khứ vô cùng tồi tệ và đen tối.

(Nguồn: Hufftingtonpost, BBC, Dailymail)