Bí ẩn bộ lạc sống tách biệt với thế giới, cứ thấy khách là "đón tiếp" bằng cung tên, gạch đá

Marssu, Theo Thời Đại 19:00 16/10/2017

Bộ tộc sinh sống trên đảo Bắc Sentinel, Ấn Độ thường "chào mừng" khách ghé thăm, hoặc nạn nhân của các vụ đắm tàu, rơi máy bay bằng mưa tên và gạch đá.

Năm 2004, khi những cơn sóng thần gây ra chết chóc khắp nơi trên Ấn Độ dương thì số phận của những người dân trên đảo Andaman, Ấn Độ vẫn còn là một bí ẩn không lời đáp. Không một ai có thể tưởng tượng rằng những cư dân trên đảo này có thể sống sót, bởi hòn đảo nằm ngay giữa đường đi của những con sóng thần. 

Bộ lạc Sentinel là một trong những bộ lạc sống tách biệt nhất với thế giới loài người, thậm chí họ còn đe dọa sẽ "xử đẹp" những vị khách không mời mà tới. 

Điều kỳ lạ xảy ra khi một chiếc trực thăng cứu hộ thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ bay ngang trên bãi biển của đảo để quan sát thì những thổ dân trên đảo lao ra bãi biển với cung tên hướng thẳng vào máy bay. Họ gửi đi thông điệp rằng "chúng tôi không muốn các người tới đây". Đây có lẽ là bộ tộc duy nhất khước từ mọi sự trợ giúp từ bên ngoài. Họ là một số ít trong số mười triệu người chịu thiệt hại nặng nề từ thảm họa sóng thần.

Bí ẩn bộ lạc sống tách biệt với thế giới, cứ thấy khách là đón tiếp bằng cung tên, gạch đá - Ảnh 1.

Bất cứ ai có ý định tới gần bờ biển của hòn đảo đều bị đe dọa hoặc tấn công bằng mưa tên.

Bí ẩn bộ lạc sống tách biệt với thế giới, cứ thấy khách là đón tiếp bằng cung tên, gạch đá - Ảnh 2.

Hai cư dân trên đảo đang đe dọa máy bay trực thăng của lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ hồi năm 2004 (ảnh Indian Coast Guard).

Có lẽ, không ở đâu biệt lập với phần còn lại của thế giới như những người thuộc bộ lạc Sentinel. Các cư dân của bộ lạc được coi là những người tới từ châu Phi, cái nôi của văn minh nhân loại. Theo các nghiên cứu thì có lẽ người Sentinel đã sinh sống khoảng 55.000 năm ở quần đảo Andaman. Một sự thực là chính cư dân sống tại quần đảo Andaman cũng nói rằng ngôn ngữ của người Sentinel rất khác biệt. Điều đó cho thấy bộ tộc này có lẽ đã đóng cửa với thế giới bên ngoài hàng nghìn năm qua.

Cuộc sống của người Sentinel cũng giống như tổ tiên họ từ "thời kỳ đồ đá". Họ vẫn sinh sống chủ yếu bằng săn bắt và hái lượm. Công cụ chủ yếu của họ là đá, ngoài ra họ cũng tạo ra một số công cụ, vũ khí bằng kim loại thu được từ các vụ đắm tàu. Cư dân bộ tộc được miêu tả là khỏe mạnh, đặc biệt cảnh giác và rất hung hãn đối với người lại. Theo ước tính, hiện tại có khoảng 400-500 người dân sinh sống trên đảo.

Bí ẩn bộ lạc sống tách biệt với thế giới, cứ thấy khách là đón tiếp bằng cung tên, gạch đá - Ảnh 3.

Đảo Bắc Sentinel nhìn từ trên cao (ảnh AP).

Sự tách biệt và thù hằn với thế giới bên ngoài không phải đến từ bên trong bộ lạc Sentinel mà lại chính từ thế giới bên ngoài. Năm 1880, một đoàn thám hiểm từ Anh, do M.V. Portman dẫn đầu đã bắt cóc 6 người bản địa của hòn đảo. Sau đó thả về những người bị ốm kèm theo quà tặng. Vào những năm đầu 1980 và 1990, nhiều người Sentinel đã bị giết hại. Một số chủ tàu cho người quay lại đảo Bắc Sentinel với vũ khí, để trả thù cho nạn nhân của các vụ đắm tàu bị người Sentinel sát hại. Kể từ đó, người dân của bộ tộc không còn thân thiện với bất kỳ ai từ thế giới bên ngoài. 

Vào thập niên 1960, chính phủ Ấn Độ từng cố gắng thiết lập mối quan hệ với bộ tộc. Những chuyến đi bắt đầu vào năm 1967. Năm 1981, máy bay của một hãng hàng không Panama, bị mắc kẹt trên các rặng san hô của hòn đảo. Các thổ dân đã dội cơn mưa tên xuống xác chiếc máy bay. Phi hành đoàn phải đợi một tuần mới được giải cứu. 

Nhằm bảo vệ bộ tộc chính phủ Ấn Độ đã cho dừng mọi hoạt động nghiên cứu nhân chủng học, tiếp cận đảo Bắc Sentinel. Áp lực từ các tổ chức quốc tế đã buộc chính phủ Ấn độ nghiêm cấm mọi liên lạc với đảo Bắc Sentinel và tôn trọng quyền tự quyết của cư dân trên đảo.