Bị các tay "anh chị" đe dọa và đánh hội đồng, nạn nhân của bạo lực học đường phải bảo vệ mình thế nào?

Tứ Quý, Theo Trí Thức Trẻ 09:53 30/10/2016

Trình báo với cơ quan chức năng, nhà trường hoặc nhờ những người có tầm ảnh hưởng đối với hai bên… là những giải pháp mà chuyên gia tâm lý đưa ra để các nữ sinh có thể áp dụng nếu có những đối tượng "anh chị" dọa đánh.

Sự việc một nữ sinh V.N.T.U. (SN 2001, ngụ huyện Nhà Bè,TP. HCM) bị một đàn chị có "máu mặt" mang tên Nhí Tinô (tên thật T.N.H.Y.Y., SN 2001) đánh đập, bắt liếm chân khiến dư luận rất phẫn nộ. Hiện tại nhân vật Nhí Tinô đã bỏ trốn nên công an đã phát lệnh triệu tập.

3 hướng xử lý khi bị đối tượng "anh chị" hăm dọa đánh

Được biết ngoài T.U, còn có nhiều nữ sinh khác cũng bị Nhí Tinô dọa đánh nhưng không biết phải làm gì để phòng tránh.

Liên quan đến vấn đề này, theo chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Đào Lê Hòa An – Uỷ viên BCH TƯ Hội Tâm lý học Xã Hội Việt Nam, để ứng phó với tình huống bị đánh bởi những người có "máu mặt", cần phải bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo để giải quyết sự việc một cách hợp lý và an toàn nhất cho bản thân.

Bị các tay anh chị đe dọa và đánh hội đồng, nạn nhân của bạo lực học đường phải bảo vệ mình thế nào? - Ảnh 1.

Nữ sinh bị đánh hội đồng hết sức dã man. Ảnh cắt từ clip.

Chuyên gia tâm lý đưa ra 3 hướng xử lý như sau:

Thứ nhất, khi bị hăm dọa hoặc đã bị người khác đánh thì nên báo với cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc nhà trường vào cuộc để được họ bảo vệ mình. Phía nhà trường cần quan tâm hơn nữa để các em hiểu rõ vấn đề mình đang gặp là gì, và giải quyết theo cách nào là hiệu quả nhất.

Thứ hai, nếu chưa có sự vào cuộc của cơ quan chức năng can thiệp bảo vệ mình khi bị đánh hoặc bị hăm dọa thì nên chọn biện pháp thiết thực hơn đó nhờ người bên ngoài giải quyết. Có nghĩa là nên tìm một người có tầm ảnh hưởng đến người đánh mình đứng ra làm trung gian hòa giải mâu thuẫn.

Cụ thể ở đây là tìm một người bạn thân với người đánh mình để nhờ họ can thiệp, nói giúp mình. Nhờ họ đứng ra giải quyết vụ việc cho hợp tình hợp lý. Từ đó hai bên sẽ nhường nhịn nhau và có thể làm bạn với nhau được.

Thứ ba, cần chú trọng đến giáo dục tư duy cho các em rằng dùng hành động bạo lực để giải quyết sự việc là hoàn toàn sai lầm. Cần phải đưa nội dung việc giáo dục kỹ năng phòng chống bạo lực cho các em và xem đây là vấn đề quan trọng thì mới mong có sự thay đổi toàn diện được.

Bị các tay anh chị đe dọa và đánh hội đồng, nạn nhân của bạo lực học đường phải bảo vệ mình thế nào? - Ảnh 2.

Chuyên gia tâm lý, thạc sĩ Đào Lê Hòa An. Ảnh: NVCC

Về vấn đề phụ huynh cần phải xử lý như thế nào khi con họ bị hăm dọa và bị đánh, chuyên gia tâm lý Hòa An nói: "Nếu lấy oán báo oán thì oán sẽ mãi chồng chất, lấy đức báo oán thì oán kia tan biến".

Bởi vậy theo vị chuyên gia tâm lý, thông tin phụ huynh nữ sinh bị đánh đến tìm gặp đối tượng đánh con mình mà bị đối tượng này đánh tiếp thì trong trường hợp này phụ huynh cần phải xử lý thật nhẹ nhàng, thấu tình đạt lý giữa hai bên, tránh gây kích động đến tâm lý.

Hiện nay đa số các nạn nhân bị bạo lực học đường thường không tiết lộ với bất cứ ai về những chuyện đã xảy ra vì ngại, hay sợ bị la hoặc bị đánh tiếp mà không thông báo với người lớn, để tự mình giải quyết nên đôi khi phải nhận những hậu quả nghiêm trọng.

Chuyên gia tâm lý Hòa An đưa ra lời khuyên, phụ huynh là những người theo sát con mình nhất, nên những lời động viên, an ủi con là những liều thuốc trấn an tinh thần rất tốt. Hãy là chỗ dựa vững chắc và êm ái nhất, để con có thể thổ lộ hết những suy tư.

Nhóm đối tượng đánh nữ sinh, bắt liếm chân sẽ chịu hình phạt nào?

Liên quan đến vụ việc nghiêm trọng nhóm đối tượng đánh hội đồng nữ sinh T.U. sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia pháp luật Nguyễn Trung Tín phân tích, hành vi đánh đập người khác nếu gây thương tích từ 11% trở lên có thể xem xét về tội cố ý gây thương tích theo điều 104 bộ luật hình sự (BLHS) 1999.

Ngoài ra đối với hành vi yêu cầu người khác liếm chân là xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người khác. Hành vi này có thể xem xét về tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS 1999. Mức phạt theo Điều 121 cao nhất là 3 năm tù, đây được xem là loại tội ít nghiêm trọng theo Điều 8 BLHS 1999.

Bị các tay anh chị đe dọa và đánh hội đồng, nạn nhân của bạo lực học đường phải bảo vệ mình thế nào? - Ảnh 3.

Nữ sinh bị nhóm đối tượng bắt liếm chân. Ảnh cắt từ clip.

Đối với người từ 14 đến 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự với những tội ít nghiêm trọng, hoặc tội nghiêm trọng theo Điều 12 BLHS 1999. Trường hợp người đứng ra chỉ đạo, cầm đầu đánh là Nhí Tinô (SN 2001) tính đến thời điểm thực hiện hành vi là chưa đủ 16 tuổi, do đó nếu như hành vi đánh gây thương tích dưới 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp theo Điều 104 BLHS thì cũng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Người làm nhục người khác bằng hành vi bắt liếm chân là nữ sinh Đ.T.T.H. (SN 2001) nếu dưới 16 tuổi thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS.

Như vậy, với các nữ sinh đánh hội đồng người khác trong trường hợp trên có thể sẽ bị xử lý hành chính về tội gây rối trật tự công cộng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày