Biết ăn đường sẽ béo mà sao ai cũng thèm ăn? Hãy đổ lỗi cho tạo hóa đi

Khuê Trần, Theo Helino 22:47 16/01/2019

Hóa ra, chúng ta đã tiến hóa để thích ăn đường.

Chúng ta ngày nay quả thực có nhiều việc phải lo nghĩ: ăn, ngủ, yêu đương, deadline công việc... Đâm ra, có nhiều người còn tỏ ý ghen tỵ với tổ tiên ngày trước.

Nhưng tổ tiên của chúng ta - những người tiền sử cũng có những mối lo âu của riêng họ, và hơn tất cả là làm sao để sống sót được trong điều kiện khắc nghiệt. Ngoài nơi trú ẩn, tránh được thú dữ, vấn đề ăn uống cũng rất đáng phải quan tâm.

Chỉ là không ngờ rằng thói quen ăn uống của tổ tiên lại gây ảnh hưởng đến sở thích của chúng ta ngày nay. Đó là câu chuyện liên quan đến đường!

Biết ăn đường sẽ béo mà sao ai cũng thèm ăn? Hãy đổ lỗi cho tạo hóa đi - Ảnh 1.

Đường là món khoái khẩu của rất nhiều người. Chúng ta thích ăn đường, chỉ khổ là đường khiến bạn béo lên. Tóm lại, đường gây tích mỡ mà ai cũng thích ăn, và lý do dẫn về tận thời tiền sử cơ. Mà tóm lại, bạn cần đổ lỗi cho sự tiến hóa.

Vì sự thèm khát năng lượng?

Đầu tiên là vấn đề năng lượng để cơ thể vận động. Người tiền sử cho rằng thức ăn có vị ngọt là thức ăn chứa nhiều calo. Cũng vì thế mà con người dần tiến hóa để tiêu thụ đường bằng khả năng dự trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Khi thiếu thốn đồ ăn, glycogen sẽ được chuyển hóa thành glucose – dạng năng lượng có thể đáp ứng ngay lập tức cho yêu cầu của cơ thể. 

Biết ăn đường sẽ béo mà sao ai cũng thèm ăn? Hãy đổ lỗi cho tạo hóa đi - Ảnh 2.

Mặt khác, vị ngọt của thịt - mặc dù không liên quan đến đường mà là độ "đậm đạm" - chính là chất chỉ thị để người tiền sử phân biệt giữa thịt ngon và thịt không ngon. Chính vì vậy, những thực phẩm có vị ngọt nhanh chóng được con người ưa chuộng, và hệ quả là con người càng ngày càng trở nên hảo ngọt hơn.

Nhưng rõ ràng, đâu cứ phải thức ăn có vị ngọt mới là thức ăn giàu calo. Như cơm chúng ta ăn hằng ngày chẳng hạn, không ngọt nhưng chứa đầy carb và đương nhiên là cung cấp rất nhiều năng lượng. 

Như vậy, sự thèm đường bản chất không phải là "thèm năng lượng" mà là "thèm đường", mà cụ thể là fructose (đường có trong trái cây). Việc tiêu thụ trái cây thực sự rất quan trọng đối với người tiền sử, khi không chỉ có đường mà còn là nguồn năng lượng quý giá, chứa cả vitamin C và chất xơ. 

Biết ăn đường sẽ béo mà sao ai cũng thèm ăn? Hãy đổ lỗi cho tạo hóa đi - Ảnh 3.

Người tiền sử vì thế có một niềm khao khát kiếm tìm trái cây một cách mãnh liệt. Và thú vị là, sự tiến hóa để thèm đường kéo theo sự phát triển về khả năng leo trèo của con người do phải hái quả ở trên cao.

Để sinh tồn

Chúng ta còn tiến hóa để thèm đường bởi vì một lý do khác nữa trong ăn uống, đó là ngộ độc. Thực phẩm có vị ngọt được cho là có ít độc tố, trong khi đó nói đến vị đắng người ta đã nghĩ ngay đến loại vị khó nuốt và có liên quan trực tiếp đến độc tố có trong thực phẩm. 

Người hảo ngọt đương nhiên sẽ không ưa đồ đắng và nghiễm nhiên khả năng ngộ độc thức ăn cũng sẽ thấp hơn. Khuynh hướng hảo ngọt của họ sau đó sẽ truyền cho con cháu. Các thế hệ càng về sau, lượng lactose trong sữa càng cao, thiên hướng ăn đồ ngọt kể từ giai đoạn cai sữa cũng tăng theo. Phải nói là, nhờ sự "tiến hóa" hảo ngọt của con người, vấn đề ngộ độc đã phần nào là gánh nặng của sống còn.

Hơn nữa, khi ăn ngọt, não sẽ sản xuất ra dopamine - được mệnh danh là hormone hạnh phúc. Nói dễ hiểu hơn là con người sẽ trở nên vui hơn sau khi tiêu thụ đồ ngọt. Chẳng trách trẻ em ăn kẹo xong sẽ trở nên hiếu động hơn là phải (dù không có bằng chứng khoa học nào liên hệ giữa 2 hiện tượng này).

Biết ăn đường sẽ béo mà sao ai cũng thèm ăn? Hãy đổ lỗi cho tạo hóa đi - Ảnh 4.

Tuy nhiên, với thiên hướng ăn ngọt để tồn tại như thế, hẳn người tiền sử phải ăn nhiều đồ ngọt lắm nhỉ? Chẳng hạn như bộ tộc Hadza ở Nam Tanzania, mật ong được tiêu thụ nhiều hơn bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong chế độ ăn của họ. 

Nhưng Hadza lại được xếp vào một trong những bộ tộc khỏe mạnh nhất trên thế giới. Họ gầy, cân đối, và nhắc đến các loại bệnh thường gặp của người dân phương tây thì dường như họ thậm chí chẳng có tên gọi cho các bệnh đó. 

Để trả lời thì đơn giản thôi. Người Hadza dùng trực tiếp mật ong tự nhiên – khác hoàn toàn với mật ong tinh luyện phổ biến ngày nay. Những sản phầm chứa đường từ tự nhiên thường đi cùng với chất xơ, các loại vitamin và protein. 

Biết ăn đường sẽ béo mà sao ai cũng thèm ăn? Hãy đổ lỗi cho tạo hóa đi - Ảnh 5.

Hơn nữa, ngoài lề một chút đó là, người tiền sử không có thói quen ngồi nhiều như chúng ta ngàu nay đâu.

Sự hảo ngọt của con người thì luôn luôn tiến hóa. Nhưng tiến hóa nó không nhanh và không suôn sẻ, mà nó cứ sàng lọc, sai sẽ sửa, đúng sẽ lấy. Có lẽ một ngày nào đó trong tương lai, sự tiến hóa sẽ "nhận ra" sự hấp thụ quá nhiều đường của con người và sửa chữa lại mức độ hảo ngọt của con người. 

Bởi vì sau tất cả, thứ gì quá nhiều thì luôn không tốt. Nói chung, hãy đổ lỗi cho sự tiến hóa.

Tham khảo: Science ABC