Bộ Giáo dục Đào tạo lên tiếng về đề xuất cải tiến Tiếng Việt thành Tiếq Việt gây sốc

Thảo Nh, Theo Thể thao và Văn hóa 16:30 30/11/2017

Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT có thông cáo báo chí liên quan đề xuất cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông.

"Ý kiến của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ Quốc ngữ là đề xuất trong một hội thảo khoa học của ngành Ngôn ngữ học. Bộ GD&ĐT trân trọng tất cả các công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học.

Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của các tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ. Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay" - Bộ GD&ĐT cho biết.

Bộ Giáo dục Đào tạo lên tiếng về đề xuất cải tiến Tiếng Việt thành Tiếq Việt gây sốc - Ảnh 1.

Đề xuất tiếng Việt gây sốc dư luận của PGS.TS Bùi Hiền. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu, ý kiến cá nhân chưa được tổ chức nào chấp nhận.

Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền về cải tiến chữ viết tiếng Việt đưa ra tại Hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển” (do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức) từ tháng 7/2017.

Ban tổ chức Hội thảo đưa tham luận của PGS.TS Bùi Hiền vào hội thảo là do tôn trọng ý tưởng, ý kiến cá nhân vì đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho nghiên cứu này.

Trước đó, ngay sau ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS. TS Bùi Hiền, trên mạng internet đã xuất hiện công cụ chuyển đổi tiếng Việt sang Tiếq Việt cải tiến. Tại địa chỉ //tieqviet.surge.sh, người sử dụng có thể tuỳ ý chép một đoạn văn bản tiếng Việt vào đó, công cụ sẽ chuyển văn bản đó sang dạng "tiếq Việt" - dựa theo đề xuất cách viết tiếng Việt mới của PGS-TS Bùi Hiền.

Trên mạng xã hội, rất nhiều người đã sử dụng công cụ này để viết và chia sẻ các đoạn văn bản với nhiều nội dung khác nhau

Thực tế, trong lịch sử, trước đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra các ý tưởng tương tự mà nổi bật là học giả Nguyễn Bạt Tụy và GS. Hoàng Phê.

Năm 1949, nhà dân tộc học, ngôn ngữ học Nguyễn Bạt Tụy đưa ra cuốn sách Chữ và văn Việt khoa học, đề nghị dựa trên một số nguyên tắc âm học để thay đổi hệ thống chữ Quốc ngữ. Học giả này cũng đã đưa ra ví dụ bằng việc viết lại bài Thu điếu (Nguyễn Khuyến) theo hệ thống chữ cải tiến do mình đề xuất.

Ngoài ra, năm 1960, trong bản Dự thảo Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ bước đầu , GS Hoàng Phê đã dựa vào cơ sở phân tích hệ thống ngữ âm tiếng Việt (đã được các nhà Việt ngữ học cơ bản chấp nhận) để đưa ra những đề xuất cải tiến. Căn cứ vào những nội dung được phân tích trong dự thảo, GS Phê đã thử cụ thể bằng việc viết lại bản Tuyên Ngôn Độc lập (do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945).

So sánh giữa 3 phương án "cải tiến chữ viết" này không hề dễ dàng. Một cách cảm tính, có thể thấy các phương án của học giả Nguyễn Bạt Tụy và GS Hoàng Phê đơn giản hơn phương án của PGS Bùi Hiền, tuy nhiên vẫn khá khó khăn so với cách đọc sẵn có của chúng ta.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày