Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu

Tô Diệp - Ảnh: NVCC, Theo Phụ Nữ Mới 21:44 17/01/2024

Quá thích mở homestay nên Na Vi quyết định về Đà Lạt kinh doanh. Nhưng đời không như mơ!

Tháng đông khách nhất cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà

Sau 10 năm sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, Na Vi (sinh năm 1993) quyết định lên Đà Lạt kinh doanh homestay vào tháng 10/2022. Trước đó, cô bạn làm tại công ty dược nhiều năm, ổn định nhưng không còn sự mới mẻ. Có sở thích trồng chăm sóc hoa cỏ, decor nhà cửa nên cô bạn quyết định nghỉ công việc 8 tiếng, thu nhập ổn định để bắt đầu kinh doanh hơn 12 tiếng không lương.

Thích sự chỉn chu và khá cầu toàn, Na Vi cùng 2 người bạn đã đầu tư 500 triệu đồng cho sửa chữa và trang trí homestay. “Lúc mình quyết định làm homestay là vì quá thích. Trước đó, mình chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý thu chi, khá thoải mái khi chi tiền cho sửa chữa và trang trí”.

Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu - Ảnh 1.

Na Vi

Vào cuối năm 2022, lượng khách du lịch đến Đà Lạt rất nhiều, có thể nói là đạt đỉnh. Do vậy, mọi thứ bao gồm hàng quán, khách sạn, homestay, dịch vụ, giá cả đều tăng khá cao. Tuy nhiên, những tháng sau Tết Âm lịch 2023, lượng khách giảm rất nhiều vì một số thông tin không hay về Đà Lạt trên MXH và tình hình sạt lở do thời tiết. Như một điều tất yếu, các khách sạn, homestay đồng loạt hạ giá sàn.

Homestay của Na Vi có sức chứa khoảng 40 người. Khai trương từ cuối tháng 10/2022, lượng khách khá ổn định và vào cuối tuần có thể là “full nhà”. Đỉnh điểm vào ngày Tết Âm lịch năm 2023, homestay không còn phòng trống từ mồng 2 đến mồng 10. Bên cạnh đó, hè cũng là thời điểm homestay có nhiều khách hơn vì các gia đình đưa con đi chơi dịp nghỉ hè.

Mặt khác, thời điểm ế ẩm nhất rơi vào tháng sau Tết, khai giảng và mùa mưa ở Đà Lạt. Những tháng này, doanh thu không đủ để cô chi trả tiền nhà. Vào cuối năm 2023, cô bạn đã phải đóng cửa homestay do chi phí mặt bằng quá cao dù cô chủ đã quyết định hạ giá trong tình hình kinh tế đi xuống. Song, Na Vi vẫn cảm thấy không thể tiếp tục nên quyết định dừng hẳn. Trong những tháng đông khách nhất, doanh thu cũng chỉ vừa đủ trả tiền nhà và những chi phí khác.

“Mình bán thanh lý một số đồ trong nhà và lấy lại cọc được khoảng 100 triệu. Mình làm homestay với 2 bạn bằng tuổi, đã chơi với nhau 10 năm. Sau khi kết thúc việc làm ăn, tụi mình thống nhất là kết thúc trong vui vẻ. Coi như bỏ 400 triệu ra để có được bài học vô giá”.

Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu - Ảnh 2.
Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu - Ảnh 3.
Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu - Ảnh 4.
Bỏ phố về Đà Lạt mở homestay sau 1 năm phải đóng cửa: Doanh thu chỉ đủ trả tiền thuê nhà, mất trắng 400 triệu - Ảnh 5.

Một số hình ảnh homestay

Kinh doanh là phải biết đổi mới

Lý do lớn nhất dẫn đến ngừng kinh doanh homestay là do chi phí mặt bằng ở Đà Lạt quá cao. Homestay ở Đà Lạt mọc lên như nấm, một số nơi không phải trả tiền mặt bằng, tận dụng đất gia đình nên giá thuê khá thấp. “Lúc làm homestay, mình chủ yếu quảng cáo trên Facebook, không dùng TikTok, không gửi môi giới nhiều. Khách của mình chủ yếu là khách quen và được người khác giới thiệu. Tất nhiên cũng có những bạn khách lên Đà Lạt chỉ ghé nhà mình”.

Lý do thứ hai là ngoài duy trì homestay, Na Vi còn phải làm những công việc khác để trang trải nên thời gian dành cho kinh doanh không nhiều. Cô cho rằng nếu xác định làm homestay, các bạn nên ở trực tiếp và quản lý sẽ tốt hơn là theo dõi từ xa.

“Hiện nay, nhiều bạn trẻ mơ ước lên Đà Lạt mở homestay sống chill. Song, rất nhiều người vỡ mộng. Ở đâu hay bất cứ công việc nào cũng có những khó nhất định. Mọi người yêu thích Đà Lạt vì cuộc sống chậm, chill cộng với thời tiết dễ chịu. Tuy nhiên, sau một thời gian sống tại đây, mình cảm thấy bị chậm lại. Lâu lâu mình về TP Hồ Chí Minh chơi thật sự mình bị choáng ngợp với nhịp sống nhanh”.

Một người chưa bao giờ sống ở Đà Lạt, không quen biết ai, lập nghiệp là quyết định khá táo bạo. Nhưng nhờ vậy, Na Vi cũng rút ra khá nhiều bài học. Về phần chi phí sửa chữa, do không quá am hiểu giá cả Đà Lạt nên bị độn giá lên khá nhiều. Hơn thế nữa, cô bạn quen 1 anh thợ cây cảnh nên có thuê chăm bón phân và tỉa cây cảnh định kỳ. Sau làm 1 tuần, anh mượn 3,5 triệu đồng với lý do đi mua thêm mấy hồng trồng ngoài vườn và rồi Na Vi không bao giờ gặp lại người đó nữa. “Nghĩ lại vừa thấy buồn cười vừa thấy bản thân sao quá tin người”.

Sau những trải nghiệm cá nhân, Na Vi tin rằng kinh doanh là phải thường xuyên thay đổi tư duy và định hướng. Thế giới này bao gồm nhu cầu và sở thích luôn thay đổi, chúng ta đứng yên đồng nghĩa với việc bị tụt lại. “Tuy mọi người nói rằng yêu cái đơn sơ mộc mạc của Đà Lạt, mình chắc chắn các bạn luôn tìm đến điều mới mẻ trong những lần đi sau đó. Do vậy, việc thay đổi tư duy định hướng trong kinh doanh rất cần thiết”.

Đối với những bạn muốn bỏ phố về quê ngoài nhiệt huyết sẵn có của tuổi trẻ thì cần chuẩn bị tốt về tài chính. Bởi vì các bạn sẽ bị sốc về mức sống khá cao nhưng thu nhập lại bằng các thành phố lớn. Tuy nhiên, chỉ cần chuẩn bị đầy đủ thì Đà Lạt vẫn là một nơi khá tốt để các bạn bỏ phố về rừng.