"Bóc phốt" hai lý do khiến nhiều người xin vào Ban phụ huynh, bà mẹ gây tranh cãi dữ dội

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 18:16 21/10/2023

Bà mẹ này cho rằng nhiều người muốn vào Ban phụ huynh vì lợi ích riêng. Quan điểm này nhận về cơn mưa tranh cãi.

Trong buổi họp phụ huynh đầu tiên của năm học 2023-2024, anh Ngọc Ân (Bình Chánh, TP.HCM) tỏ vẻ ái ngại khi trưởng Ban phụ huynh (BPH) lớp con mình ngỏ lời "nhờ vả" anh vào vị trí Phó ban. Theo kế hoạch của lớp, BPH sẽ có 4 người: Một Trưởng ban, một Phó ban,một Thủ quỹ và một Thư ký. Tuy nhiên, mặc cho Trưởng ban hỏi lui tới về việc ai tự nguyện ứng tuyển, 15 phút đầu vẫn trôi qua trong... im lìm.

Bóc phốt hai lý do khiến nhiều người xin vào Ban phụ huynh, bà mẹ gây tranh cãi dữ dội - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Con gái năm nay học lớp 6, anh Ân có 5 năm thuộc BPH. Theo anh, đây là vị trí chẳng khác nào "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Thế nhưng, điều mà anh và nhiều phụ huynh khác nhận lại là không ít sự nghi kị, điều tiếng. Mỗi mùa đầu năm, khi công bố các khoản cần thu, dù là những khoản cần thiết cho các con, thì mỗi người trong BPH đều cảm thấy tâm lý rất nặng nề. Anh cho rằng, tốt nhất là tránh xa để khỏi thị phi, dành thời gian lo cho con cái.

Tham gia BPH có phải vì lợi lộc?

Trên thực tế, chuyện có bỏ BPH hay không đã gây tranh cãi nhiều năm. Người ngoài cuộc thì cho rằng, nếu không có BPH thì học sinh vẫn học bình thường, giáo viên vẫn dạy bình thường. Trong thời kỳ công nghệ phát triển, giáo viên chủ nhiệm có thể thông tin trao đổi với gia đình học sinh một cách dễ dàng. BPH không giúp gì cho phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con em mình cũng như sự kết nối giữa phụ huynh - học sinh với nhà trường.

Người trong cuộc thì nhận thấy, làm BPH "có tiếng mà không có miếng". BPH có "ti tỉ" thứ việc không tên mà những người "ở ngoài" đôi khi không nhìn thấy được. Ngược lại, họ hầu như không được nhận một quyền lợi nào cho bản thân hay con cái. Khi cần ứng tuyển các vị trí trong BPH (như trường hợp lớp con gái anh Ân) thì không một ai xung phong. Nhưng khi người khác làm, bỏ tiền bỏ công bỏ sức ra thì bị hiểu lầm.

Chẳng hạn mới đây trên một diễn đàn, có bà mẹ "gây bão" khi chia sẻ, một số phụ huynh cố gắng mọi cách để vào BPH vì có mục đích. Một là gần giáo viên hơn để còn "xin xỏ" ưu tiên cho con dễ hơn. Hai là mọi hoạt động phải chi tiền, người ta lại "kiếm chác" thêm phần thu nhập. Người này cũng cho biết, đây là thực tế lớp con mình. Chị làm trưởng BPH 1 học kỳ, sau đó không làm nữa, đồng thời cho con chuyển lớp.

Quan điểm của bà mẹ này khiến nhiều người giật mình. Họ đặt câu hỏi: Liệu cha mẹ như vậy thì sẽ dạy con mình ra sao? Đã làm BPH là lo nghĩ cho các con, đây lại vì chút lợi ích cá nhân mà bớt xén là không chấp nhận được.

Tuy nhiên, đa phần cho rằng, BPH lớp con mình toàn là những người nhiệt tình tâm huyết. Họ bỏ công bỏ sức ra lo các hoạt động ngoại khoá cho lớp, tổ chức các chương trình liên hoan dã ngoại. Phải mua đồ chuẩn bị chu đáo cho các con từ bữa ăn nhẹ đến bữa chính, còn phải bỏ thêm chi phí bù vào.

Thêm vào đó, một năm tiền quỹ lớp không nhiều, BPH 3, 4 người, nếu nói "kiếm chác" thì không biết được bao nhiêu. Mọi vấn đề chi tiêu cũng được công khai từng khoản một. Vì vậy, nói làm BPH để tư lợi có phần thiếu hợp lý.

Chị H.N chia sẻ: "Tôi có làm trong BPH 2 năm, nhìn cái gì trong lớp cũng thấy muốn thay muốn sửa; kêu gọi không được nên tôi bỏ tiền chi luôn cho nhanh. Mà tôi thấy BPH nào cũng toàn kiểu ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, trăm dâu đổ đầu tằm, thu tiền khó ngang lên trời, từng khoản: Số tiền: khoản chi… bị phụ huynh trong lớp soi toét mắt thì lấy đâu ra mà "kiếm với chác".

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Kim Phương, admin Nhóm Đồng hành cùng các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh (được biết đến qua nhiều bài viết, quan điểm về giáo dục với bút danh Trần Phương) và là một phụ huynh nhiều năm đảm nhận vai trò trong BPH cho rằng, mong muốn của anh là được đồng hành cùng phụ huynh và các con. Tất cả những việc làm đó chỉ nhằm giúp cho các con có được môi trường tốt nhất trong học tập, không có tham vọng hay đòi hỏi sự ưu tiên gì, đây là công việc mang tính tự nguyện.

"Ở đâu tôi không biết, nhưng ở trường con tôi thì không có việc BPH là "cánh tay" nối dài của giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, đó là sự thật không cần bàn cãi. Họ đa phần là những trí thức, không dễ điều khiển hay làm tay sai cho ai. Mọi người luôn sẵn sàng lên tiếng, nếu ai có những việc làm ảnh hưởng đến các con.

Mỗi vấn đề từ nhỏ nhất đều được Hội đưa ra trao đổi bàn bạc trước, bao giờ cũng có ít nhất 2-3 phương án để lựa chọn, sau đó Hội đưa lựa chọn của mình vào nhóm phụ huynh lớp để thông qua, cơ bản ai nấy đều hài lòng. Sau khi đạt được sự đồng thuận, lúc đó Hội sẽ báo cáo thầy cô chủ nhiệm và nhận được sự ủng hộ. Hội làm việc vì niềm vui chung của cả lớp nên mọi người gọi thế nào cũng thấy vui vẻ!

BPH khi đại diện cho lớp gần như không gắn với tên con. Trên lớp không có cô giáo nào biết BPH là cha mẹ của em nào, vì vậy các con đều không có sự ưu tiên (tất nhiên có thể không tuyệt đối, nhưng tôi chưa thấy trường hợp nào).

BPH đều là những người chẳng có lợi lộc cá nhân gì (cho bản thân và cả con), hi sinh thời gian cá nhân cho các con, thậm chí off bàn việc lớp hoặc tiền trạm cho các chuyến đi tham quan của lớp, mọi người trong Hội đều tự bỏ tiền túi ra trang trải các chi phí", anh Phương nói.

Vẫn biết ở đâu đó, một số BPH được lập ra chỉ với mục đích cho đủ ban bệ; một số khác lập ra chỉ để thu các khoản tiền được gọi là "tự nguyện đóng góp". Thế nhưng, cũng có rất nhiều BPH đã và đang đại diện cho tiếng nói của phụ huynh, lặng lẽ góp phần hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và nhà trường trong việc xây dựng môi trường học tập lành mạnh, tích cực cho con trẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày