"Bóng ma hooligan" và nỗi ám ảnh trong văn hóa cổ vũ của CĐV Việt Nam

ĐÌNH ANH, Theo Sport5.vn 10:59 11/12/2018

Với người hâm mộ bóng đá, hooligan là hiện trạng nhức nhối bởi mức độ phá hoại cũng như các hành vi quá khích. Tại Việt Nam, vấn nạn hooligan không còn mới mẻ nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm nó mang lại đang khiến những nhà quản lý bóng đá phải đau đầu.

Có lẽ người yêu bóng đá Việt Nam vẫn chưa quên việc CĐV quá khích của Malaysia đã tràn sang khán đài của các CĐV Việt Nam để gây gổ tại AFF Cup 2014.

Máu đã đổ trên Shah Alam. Sự hoảng loạn bao trùm, có cả tiếng khóc và nỗi sợ hãi, tất cả đều được tạo ra bởi sự hung hãn của một vài Ultras Malaysia.

Đó là lần đầu tiên, người hâm mộ Việt Nam hãi hùng bởi màn "chào đón" bằng bạo lực như thế trong khuôn khổ một giải đấu quốc tế. Tuy nhiên, nếu như nhìn lại "nạn Hooligan" trên sân cỏ Việt, có lẽ rất nhiều người sẽ phải ngạc nhiên trước vấn đề này.

Bóng ma hooligan và nỗi ám ảnh trong văn hóa cổ vũ của CĐV Việt Nam - Ảnh 1.

Nhiều CĐV Việt Nam có lẽ vẫn chưa thôi ám ảnh về "đêm kinh hoàng" trên sân Shah Alam giữa chủ nhà Malaysia và Việt Nam 4 năm về trước. Ảnh: Tùng Lê

Hooligan Việt - sự quá khích từ "cầu thủ thứ 12"

Điều gì đọng lại trong mắt người hâm mộ Việt Nam khi nhìn lại hành trình gần 20 năm của giải vô địch quốc gia V.League? Một câu hỏi khó và không dễ trả lời, nhưng nếu bỏ qua yếu tố chuyên môn, vấn đề "án phạt" liên quan đến CĐV có lẽ sẽ nhận được sự đồng tình lớn nhất. Mỗi năm, BTC V.League đưa ra khoảng 30 án phạt lớn nhỏ liên quan đến hành vi gây rối trên khán đài của những CĐV.

Tại V.League 2018, Hải Phòng là đội bóng "chịu trận" nhiều nhất khi để CĐV liên tục gây rối và đốt pháo sáng. Cụ thể, đội bóng đất Cảng bị phạt tới 310 triệu đồng (chiếm gần 30% tổng số tiền phạt ở V.League), trong đó có hai lần, VFF áp mức phạt kịch khung 70 triệu đồng, song chừng đó vẫn không đủ răn đe.

Bóng ma hooligan và nỗi ám ảnh trong văn hóa cổ vũ của CĐV Việt Nam - Ảnh 2.

CĐV Hải Phòng nổi tiếng với sự cuồng nhiệt, thậm chí là sự thái quá trong cách cổ vũ. Ảnh: Tiến Tuấn

Trong quá khứ, CĐV Hải Phòng luôn nổi tiếng bởi sự nhiệt tình trong phong cách cổ vũ. Sự thái quá được các CĐV đất Cảng thể hiện mỗi khi xuất hiện trên khán đài, dĩ nhiên điều này luôn gắn liền với sự quá khích. Nhiều người hẳn vẫn chưa quên sự vụ ẩu đả gây chết người trên sân Vinh giữa CĐV Hải Phòng với khán giả đội chủ nhà SLNA.

Mặt khác, V.League thường xuyên phải đối mặt với thảm họa vỡ sân. Tiêu biểu phải kể đến sân Thanh Hóa năm 2007, trong trận đấu tại vòng 6 V.League 2007 giữa Thanh Hóa với Đà Nẵng, cổ động viên xứ Thanh đã tràn vào sân rất đông, ước tính hơn 30.000 người trong khi sức chứa của sân chỉ là 10.000 chỗ ngồi.

Phút 75 của trận đấu, trọng tài chính Võ Minh Trí không công nhận bàn thắng của 1 cầu thủ Thanh Hóa. Tất nhiên, hàng nghìn cổ động viên Thanh Hóa không đồng tình và gây sức ép khiến trọng tài chính quá sợ hãi phải "bẻ còi" công nhận bàn thắng.

Có vẻ "bóng ma Hooligan" dường như đang trở thành nỗi ám ảnh đối với bóng đá Việt Nam. Sau trận bán kết lượt tại AFF Cup 2016, CĐV quá khích của Việt Nam còn khiến cả đội tuyển Indonesia một phen hoảng hốt khi ném đá thẳng vào xe bus chở đội.

Bóng ma hooligan và nỗi ám ảnh trong văn hóa cổ vũ của CĐV Việt Nam - Ảnh 3.

Chiếc xe Bus chở đội tuyển Indonesia bị tấn công bởi những phần tử quá khích bên phía chủ nhà Việt Nam. Ảnh: PSSI

Nhiều tờ báo Việt Nam xem đây là sự kiện xấu hổ nhất của thể thao trong năm 2016. VFF đứng mũi chịu sào khi mất 38 nghìn USD tiền phạt, song thật khó để bù đắp được những tổn hại về hình ảnh mà bóng đá Việt Nam phải gánh chịu.

Đi tìm lời giải cho vấn nạn Hooligan

Vậy đâu là nguyên nhân khiến cổ động viên hành động và cư xử bạo lực? Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về hành vi quá khích của một bộ phận cổ động viên trên sân bóng.

Dưới góc nhìn xã hội học, hành động bạo lực của "hooligan" xuất phát từ sự khác biệt văn hóa, tập quán, trình độ dân trí giữa nhiều nhóm cổ động viên.

Theo đó, sự kì thị giữa các chủng tộc, màu da hay tôn giáo sẽ dẫn tới hành vi kích động và thiếu kiểm soát của con người, đặc biệt khi có sự mâu thuẫn và đối đầu về lợi ích.

Dưới góc nhìn của chuyên gia bóng đá, ông Nguyễn Sỹ Hiển cho rằng: "Hooligan thực sự là vấn nạn, đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức về văn hóa cổ vũ và tinh thần fair-play trong thể thao. Nạn Hooligan không mới, tuy nhiên nó khiến hình ảnh bóng đá đẹp trở nên hoen ố.

Mặt khác, chính tư tưởng háo thắng của một bộ phận nhỏ CĐV làm kích thích căng thẳng. Sự mâu thuẫn, đối đầu trên khán đài có thể làm cho nhiều người không làm chủ được bản thân. Điều này có thể gây ra các sự cố đáng tiếc".

Bóng ma hooligan và nỗi ám ảnh trong văn hóa cổ vũ của CĐV Việt Nam - Ảnh 4.

Pháo sáng dường như đang trở thành "đặc sản" trên khán đài ở sân cỏ Việt Nam. Ảnh: Getty Images

Văn hóa ứng xử trong bóng đá dường như đang trở thành một điều xa xỉ đối với CĐV Việt Nam. Họ mua vé đến sân để theo dõi màn trình diễn của cầu thủ, nhưng họ lại không mua được văn hóa.

Có rất nhiều trường hợp ở V.League, CĐV lăng mạ trọng tài, cầu thủ, hay thậm chí lao vào sân chỉ vì cho rằng "trọng tài" xử ép.

Cứ thế, việc tiếp tay của không nhỏ bộ phận người hâm mộ khiến "nạn Hooligan" đi xa hơn. Họ thích phán xét và đặt điều. Họ cho rằng họ mua vé vào sân nên họ có quyền được làm mọi thứ. Pháo sáng, tiếng la ó, khiêu khích.

Tính chuyên môn của V.League vốn dĩ không cao, giờ lại ngày càng bị ảnh hưởng bởi "màn bạo lực tiếng ồn" của nhiều CĐV quá khích.

Đi tìm lời giải cho vấn đề này, chuyên gia bóng đá Nguyễn Sỹ Hiển phân tích:

"Đã đến lúc phải có những biện pháp mạnh tay hơn để trấn áp các phần tử gây rối trên khán đài. Việc cấm pháo sáng là bắt buộc, song điều đó nằm ở bản thân mỗi CĐV khi ý thức của con người là quan trọng nhất.

Bóng đá đẹp là khi không còn hình ảnh xấu, mang tính bạo lực trên khán đài. Đã đến lúc, mỗi CĐV phải học cách làm sao để có văn hóa xem bóng đá trên tinh thần thể thao"

Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần phải áp dụng các án phạt cứng rắn hơn trong trường hợp Hooligan "ngựa quen đường cũ". "Bóng đá là môn thể thao tập thể và không thể để một vài 'kẻ quá khích' phá vỡ hình ảnh của bóng đá Việt Nam".

Bóng ma hooligan và nỗi ám ảnh trong văn hóa cổ vũ của CĐV Việt Nam - Ảnh 5.

Cổ vũ bóng đá văn minh mang lại nét đẹp cho môn thể thao vua. Ảnh: Getty Images

Tuyển Việt Nam sẽ có trận chung kết lượt đi được đánh giá vô cùng khó khăn trên đất Malaysia vào ngày 11/12. 4 năm trước, máu đã đổ trên Shah Alam vì sự quá khích của Hooligan Malaysia.

4 năm sau, hy vọng sẽ không có sự cố nào đáng tiếc xảy ra bởi "bóng đá là cổ vũ đội bóng yêu thích, là thưởng thức những điều đẹp đẽ nhất của môn thể thao vua".

Tất cả 90 triệu trái tim người hâm mộ Việt Nam đang chờ câu trả lời của thầy trò HLV Park Hang-seo, dẫu trước mắt họ là sức ép của hơn 9 vạn CĐV Malaysia.