Các nhân vật của "Sống chung với mẹ chồng" chính là "tấm kính chiếu yêu" cuộc sống hôn nhân

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 11:20 18/06/2017

Giống như một bức tranh xã hội thu nhỏ, "Sống chung với mẹ chồng" phác họa chính chúng ta trong cơn bão cuộc đời.

Gần đây, nhắc đến phim Việt, chắc chắn ai cũng nghĩ ngay đến Sống chung với mẹ chồng, hoặc ít nhất đây cũng là một trong số những cái tên bạn có thể nhớ đến. Đơn giản vì nội dung bộ phim gần với tất cả chúng ta. Chẳng cần phải có chồng hay sống chung với mẹ chồng, bạn vẫn cảm thấy những câu chuyện mẹ chồng khắc khẩu nàng dâu nghe rất quen tai, vì nó được kháo tụng suốt bao đời.

Các nhân vật của Sống chung với mẹ chồng chính là tấm kính chiếu yêu cuộc sống hôn nhân - Ảnh 1.

"Mẹ chồng đối với nàng dâu

Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ"

Những cuộc cãi vả, sự dè chừng, thậm chí những bữa cơm không lành - canh không ngọt leo thang đỉnh điểm thành cảnh ẩu đả chính là thứ thu hút sự quan tâm của đại chúng ở bộ phim này. Ngoài tình tiết kịch tính "như phim Hong Kong", thì những tình huống này được người ta quan tâm vì chúng còn là chuyện xảy ra nhan nhản ngoài đời thực. Tất nhiên, có không ít khán giả phỉ báng bộ phim, rằng quá gượng ép, phi lý, quá lố, rằng ngoài đời làm gì có mẹ chồng nào như thế. Thậm chí, còn có ý kiến bảo rằng chẳng có một nhân vật nào trong phim tử tế. Như vậy có đúng không?

Không thể phủ nhận sự cường điệu trong bộ phim này, để tạo ra những tình tiết xung đột kịch tính. Nhưng nó không hoàn toàn không xảy ra trong đời thực. Hỏi chuyện những người từng làm dâu Bắc, không ít người bảo rằng "ngoài đời còn kinh hơn như thế". Chẳng qua là mỗi nhà mỗi cảnh, chúng ta chẳng thể đem chuyện mình so với chuyện người. Nếu may mắn có được người mẹ chồng thấu hiểu thì cứ xem đó là phước phần, vì ngoài kia thật sự vẫn còn nhiều nỗi thống khổ bị chôn chặt chẳng thể nói ra.

Các nhân vật của Sống chung với mẹ chồng chính là tấm kính chiếu yêu cuộc sống hôn nhân - Ảnh 2.

Các nhân vật trong Sống chung với mẹ chồng cũng vậy, họ giống như những tấm kính chiếu yêu soi ra những thứ cực đoan nhất trong mỗi người chúng ta, để khi ta nhìn thấy chúng xung đột sẽ nhận ra hậu quả mà chấn chỉnh lại cuộc sống thực.

Người ta trách bà Phương quá sức cay nghiệt, rằng chẳng có ai đang đêm tân hôn mà xông vào phòng con dâu la lối, rằng chẳng ai mang quà con dâu tặng đi trả lại cửa hàng vì đắt quá, rằng cầm cọc tiền vứt xuống sàn là đỉnh điểm của sự sứt mẻ nhân cách. Đó là một cách nghĩ, phản ánh đúng những gì mà bộ phim muốn truyền tải: sự cay độc của mẹ chồng.

Nhưng không thể vì những điều đó mà nói rằng bà Phương là một người ác hoàn toàn. Những gì bà làm cũng chỉ vì gia đình của riêng bà, vì lòng thương con hơi thái quá của một người mẹ. Chưa kể còn có một phần từ mối quan hệ vốn hơi cực đoan của bà Phương và mẹ chồng của mình.

Các nhân vật của Sống chung với mẹ chồng chính là tấm kính chiếu yêu cuộc sống hôn nhân - Ảnh 3.

Tâm tư bà Phương hầu hết ai cũng nhận ra, nhưng chẳng ai chấp nhận những chiêu trò mà bà đã làm. Người ta mong bà gặp quả báo khi rước cô dâu Diệp về nhà, để nhận lại những quả đắng khi bà đã hành hạ Vân. Đứng trước suy nghĩ này, một số luận điểm được đưa ra, cho rằng thiếu tích cực, rằng bộ phim không thể hiện được sự nhân văn hay tính giáo dục.

Tương tự như những nàng dâu là Vân và Trang, sự cứng đầu, không tinh tế và khéo léo của hai cô gái này cũng bị phê phán. Nhiều ý kiến cho rằng họ chính là nguyên nhân khiến cuộc chiến mẹ chồng - nàng dâu mãi không kết thúc. Tuy nhiên, đây mới chính là điều thể hiện tính thực tế, thức thời của bộ phim đấy chứ. Nếu là một nàng dâu nhịn nhục, chuyện gì cũng nghe theo răm ráp, suốt ngày nuốt lệ vào lòng như cô bé lọ lem thì còn gì thực tế ở thời buổi này? Chính vì bộ phim "lôi" được hết những ngóc ngách xấu xí từ cả mẹ chồng lẫn nàng dâu ra ngoài, cho những điểm xấu này "va chạm" nhau nên người xem mới cảm thấy được "gãi đúng chỗ ngứa" và quan tâm.

Các nhân vật của Sống chung với mẹ chồng chính là tấm kính chiếu yêu cuộc sống hôn nhân - Ảnh 4.

Hơn nữa, mỗi người trong Sống chung với mẹ chồng đều đại diện cho một vấn đề trong cuộc sống hôn nhân mà chúng ta có thể gặp phải. Bà Phương đại diện cho sự xét nét đến quá đáng của mẹ chồng, Vân là hình mẫu cho sự cứng đầu không nhượng bộ của con dâu, Trang là người cứ ôm lấy định kiến, bà Điều là nhân chứng cửa sự cổ hủ và lạc hậu, bố mẹ Vân lại chính là những rào cản đạo nghĩa trong công cuộc xây dựng hạnh phúc của con cái, còn ông Phương, Thanh hay Tùng chính là hiện thân của những nỗi khổ ở giữa ngã ba đường.

Các nhân vật của Sống chung với mẹ chồng chính là tấm kính chiếu yêu cuộc sống hôn nhân - Ảnh 5.

"Một người nịnh, một người lừa", nói thì dễ nhưng làm mới khó

Sống trong xã hội phải đối mặt với hàng trăm thứ kinh khủng, trong đó có phần lớn những mối quan hệ. Ta không thể chiều lòng tất cả mọi người, cũng không thể nào hùng dũng tuyên chiến với cả thế giới. Xã hội được xây dựng trên sự tin tưởng và thoả hiệp. Có chính kiến là tốt, nhưng cũng phải tuỳ lúc, tuỳ người, tuỳ môi trường mà ta phải có những cách ứng xử phù hợp thì mới mong yên ổn. Và cuộc sống cùng mẹ chồng chính là một ví dụ.

Sống chung với mẹ chồng đã mang gần hết những tiêu cực và nỗi khổ trong hôn nhân ra phô bày, để chúng ta - những khán giả xem phim - nhìn vào đó rồi soi lại cuộc đời mình. Bản thân chúng ta cũng đâu thể tốt đẹp hoàn toàn, vậy thì cớ gì lại trông đợi một nhân vật hoàn thiện tuyệt đối, nhân văn, giáo dục cho bộ phim càng thêm phi thực tế!?

Hẳn nhiên Sống chung với mẹ chồng vẫn còn đầy lỗi ra đó, plot hole nhiều vô kể, sạn to sạn nhỏ cứ gọi là cả rổ, cả việc cắt ghép gần đây cũng tạo ra ức chế nhưng không thể phủ nhận công sức của biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất khi quyết tâm trưng ra cho khán giả Việt cái nhìn trực diện đầy gai góc trong cuộc sống hôn nhân.

Các nhân vật của Sống chung với mẹ chồng chính là tấm kính chiếu yêu cuộc sống hôn nhân - Ảnh 6.

Ở cái mối quan hệ một trẻ - một già vốn đã luôn khác biệt về tuổi tác và thời đại thì xác định sẽ là một loại "trường kì kháng chiến". Mà đã là "chiến" thì cứ quyết liệt và lôi hết những cái xấu xí ra mà tố nhau. Qua được thì hoà hợp, còn không nổi thì thôi nhau, lại tìm một nơi mới mà tranh đấu. Muốn bình yên tất phải trải qua sương gió.

Xem Sống Chung Với Mẹ Chồng, vài lúc sẽ khiến ta nhớ lại một bài ca dao về mẹ chồng con dâu vừa chua cay mà cũng rất đúng:

"Nhà ai xay lúa ầm ầm,

Cho xin nắm trấu về hầm bà gia.

Bà gia mới chết hôm qua,

Trong chạy, ngoài bội tốn ba mươi đồng.

Không khóc thì tội bụng chồng,

Khóc thì lạt lẽo như đưa hồng mắc mưa.

Ớ chị em ơi !

Cho tôi xin tí nước mắt thừa,

Tôi về tôi khóc tiễn đưa bà mẹ chồng.

Khóc rồi, tôi đổ xuống sông,

Cá mương, cá diếc, cá hồng ních no... !"