Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách

Dark Thor; Design: Tún Max, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/12/2017

Khi thời đại công nghệ phát triển, Internet giăng khắp nẻo miền quê, việc người ta đổ xô đi mua một album âm nhạc bằng đĩa CD hoá ra lại thật lạ. Nhưng cũng thật đáng mừng.

Mấy ngày gần đây, dạo facebook sẽ thấy cứ 5 post là đến khoảng 2, 3 post nói về album mới của Mỹ Tâm. Không phải những chiếc link từ các trang nghe nhạc trực tuyến mà là những lời nhận xét về album, những hình ảnh chụp lại chiếc album phòng thu thứ 9 của cô ca sĩ. Nhìn cách người ta khoe nhau những chiếc đĩa CD vật lý thay vì những bài hát tải trên mạng, tự dưng tôi lại thấy bồi hồi.

Đã bao lâu rồi người ta mới lại nhắc đến đĩa CD nhỉ? Chắc chắn là cũng vài năm chứ không ít. Bây giờ ai cũng nghe nhạc số, còn đĩa CD đối với mấy bạn trẻ chắc giống như một thứ đồ cổ đem đi trưng bày, băng cassette thì thôi không cần nói, chắc nhiều bạn còn chưa được cầm. Nhớ cái thời còn chưa có quá nhiều trang nghe nhạc trực tuyến như bây giờ, những người yêu nhạc tất nhiên là chỉ biết đến băng cassette, sau đó là đĩa CD. 

Hồi còn bé tí, cứ đi học về là canh ông nội nghe xong xổ số trên đài là ôm miết cái máy cassette để nghe mấy cuộn băng ca nhạc thiếu nhi. Lớn lên chút nữa, người ta phát minh ra những chiếc máy to hơn vừa nghe được cassette, vừa nghe được đĩa CD. Rồi đến sự xuất hiện của những chiếc máy CD walkman xinh xinh, như một sự tiến hoá của công nghệ, tất nhiên là song song với việc băng cassette dần “chết đi".

Nhưng thời đó còn trẻ con, ai đâu bận tâm làm gì cái chuyện công nghệ, chỉ thích nghe nhạc thôi. Tầm khoảng năm 2000 trở đi, Đan Trường - Cẩm Ly chính là những cái tên “hot" nhất mà hầu như đứa học sinh tiểu học nào cũng mê. Cứ mỗi khi thi xong một học kì là tôi lại cố nài kèo bố mẹ dẫn đi nhà sách rồi vòi cho bằng được một album mới. Mua về rồi cứ nghe đi nghe lại bằng chiếc walkman màu bạc cho đến khi thuộc hết các bài hát mới thôi. Lớn lên một chút nữa, khi bắt đầu biết để dành tiền thì tôi mua nhiều đĩa album hơn, vì cái cảm giác thích sưu tầm đĩa chẳng hiểu có tự lúc nào.

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 2.

Cứ cuối tuần rảnh rỗi là lại đạp xe ra nhà sách Nguyễn Huệ, hoặc tiệm đĩa Bến Thành Audio & Video trên Lý Tự Trọng, không thì tiệm đĩa Uyên số 82 Nguyễn Thị Minh Khai để lượn lờ. Trước hết là mua đĩa của ca sĩ mình thích, nếu dư tiền sẽ mua thêm đĩa của ai đó mà thấy đẹp. Hồi đó một album chỉ khoảng 35 nghìn thôi, nếu có tặng kèm VCD thì sẽ đắt hơn chút nhưng cũng là cả một quãng thời gian nhịn uống dừa tắc, nhịn ăn mì trẻ em dưới canteen cả tháng trời mới có được. Nên những chiếc CD, những album của ca sĩ lúc đó là cả một gia tài. Đâu có dám cho ai mượn, mặc kệ chúng bạn mua đĩa lậu 5 nghìn một chiếc vì cứ sợ cho mượn sẽ bị hỏng mất. Gia tài mà, sao đem chia chác được!

Hồi đó, lâu lâu đọc Hoa học trò hay Mực tím, có thông tin mới về ca sĩ nào sắp ra album là hí hửng lắm, ghi luôn ngày vào lịch đặng bắt đầu để dành tiền. Rồi cứ canh đến ngày phát hành, vừa tan học là đạp xe mướt mồ hôi ra tiệm đĩa để mua. Về tới nhà chưa kịp tắm rửa đã bật lên vừa nghe vừa săm soi cuốn booklet rồi tự mãn rằng cái bọn chỉ nghe đĩa lậu thì làm sao được xem những tấm hình này!? Chúng chính là báu vật.

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 3.

Cứ như vậy, càng ngày cái gia tài băng đĩa ở nhà càng nhiều lên, đến mức chất kín cả bàn học. Đĩa cũng tăng dần lên 60 nghìn, rồi cả trăm nghìn một cái. Chịu thôi, thời buổi vật giá leo thang thì cái gì mà chả lạm phát. Bỏ một trăm nghìn ra để mang một album ca nhạc về nhà chắc chắn sẽ bị la, nên vừa mua xong là xé luôn mác giá. Nhưng cầm chiếc album đẹp đẽ cứng cáp trong tay, nghĩ đến việc ca sĩ đã bỏ bao nhiêu tiền để mua ngần này bài hát, rồi phối khí, thu âm, chụp hình mà chỉ bán có một trăm nghìn lại thấy rẻ quá! Giống như tự trấn an mình thôi, để tiếp tục nuôi dưỡng cái thói quen sưu tầm đĩa đã biến thành niềm đam mê lúc nào không hay.

Rồi thời đại nhạc số bùng nổ, thói quen nghe nhạc của giới trẻ cũng đa dạng theo. Không chỉ nghe nhạc của các ca sĩ nữa mà đám học sinh cấp III bắt đầu nghe những bản nhạc tự sáng tác, tự thu rồi post lên những trang như Diễn đàn Lê Quý Đôn. Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng cũng từ đó ra chứ đâu. Vào khoảng năm 2006, ai mà không biết danh Nhóc Ten với bài hit Cô bé mùa đông đình đám. Có thể gọi họ là những nền móng đầu tiên của dòng nhạc indie Việt, mà muốn nghe mấy bài như vầy thì chỉ có lên mạng mà thôi. Thế là thói quen nghe đĩa CD cũng bắt đầu mất dần từ đây. Phải rồi! Nhọc công bật CD làm gì khi mà chỉ cần lên mạng gõ vài chữ là đã nghe được, lại còn có thể chép thẳng vào mp3, iPod, điện thoại mà không cần phải rip từ CD vào máy vi tính. Chẳng mấy chốc mà đám học sinh xếp xó mớ walkman vào tủ, đầu đĩa thì dần bám bụi như những món đồ bất ngờ bị hắt hủi.

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 4.

Giờ ngồi nhớ lại mới thấy may mắn vì hồi đó gia đình tôi không có điều kiện như các bạn cùng lớp. Học lớp 10 nhưng nhà vẫn không có máy vi tính, cũng không được mua cho ipod hay mp3 nên vẫn “phải" trung thành với cái walkman nghe từ hồi lớp 7. Cuối tuần vẫn lót tót đạp xe ra cửa hàng tìm đĩa mới, những lúc muốn nghe nhạc indie giống các bạn thì phải ra hàng internet. Cũng có tủi thân chứ nhưng cảm giác mỗi buổi tối sau khi học bài xong, ngả lưng xuống giường và cắm tai nghe rồi bật walkman lúc nào cũng dễ chịu mà không thứ gì thay thế được. Có những hôm nhàm chán quá thì lôi một loạt CD Cẩm Ly từ vol.1 đến vol.9 ra để nghe, thế là vui.

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 5.

Ảnh fb Quân

Rồi thì nhà cũng có máy vi tính, mình thì cũng có iPod, điện thoại, cũng chép nhạc vào để theo kịp thời đại như các bạn nhưng cũng chẳng bỏ được thói quen mua CD. Bởi ngoài ý thức bản quyền luôn rất sôi sục trong bản thân thì khoảng thời gian đó (khoảng năm 2010) chỉ có cách mua CD gốc mới nghe được nhạc sớm nhất. Nhưng mấy ai có cái suy nghĩ đó đâu, thời đại công nghệ cái gì tiện thì xài, ai mà còn thích tốn công, tốn tiền đi mua đĩa nữa khi chỉ lên mạng tìm vài phút là có nhạc nghe rồi, lại còn “chùa".

Đã có một quãng thời gian rất dài thị trường băng đĩa ở Việt Nam giống như bị đứng lại vì không có sản phẩm ra mắt. Có khi mấy tháng quay lại hàng đĩa cũng thấy có bấy nhiêu đó album. Rồi người ta cũng bắt đầu bán thêm cái này cái kia cho đa dạng. Một lần nữa tôi lại cảm thấy may mắn vì ca sĩ mình yêu thích là Cẩm Ly vẫn đều đặn phát hành vài CD mỗi năm, hình thức cũng được cải tiến chứ không chỉ là hộp đĩa hình vuông bằng nhựa trong nữa. 

Trong khi những ca sĩ khác, nhất là những ca sĩ trẻ, gần như không ai muốn ra album vật lý. Thứ nhất là sợ không bán được, thứ hai là sợ ra cả album thì sẽ không dễ đẩy bài hit như ra từng bài riêng. Thế là không những ngó lơ CD mà ca sĩ bây giờ còn lười ra cả album, chỉ tập trung ra single để tìm kỉ lục.

Chuyện này không sai nhưng hãy nhìn sang thị trường USUK, ca sĩ vẫn ra single và tìm kỉ lục nhưng người ta vẫn phát hành cả album digital lẫn album vật lý. Không chỉ là vấn đề nghe nhạc thế nào mới tiện lợi mà là những chiếc CD cũng giống như những quyển sách giấy vậy, nó có những giá trị kỉ niệm không thể thay thế. Chưa kể, đối với ca sĩ thì album vật lý còn có tác dụng quảng bá trong các cửa hàng, các trung tâm thương mại chứ không hoàn toàn vô dụng. Nhưng hơn tất cả, người hâm mộ luôn muốn được sở hữu một sản phẩm cầm được trên tay, cất được trong tủ và lưu được trong đầu chứ không chỉ là nghe được bằng tai.

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 6.

Nhưng hãy nhìn thị trường ca nhạc Việt Nam bây giờ mà xem, không đơn thuần là chuyện ca sĩ không ra đĩa nữa mà cả những hàng đĩa cũng không còn. Những hàng đĩa lớn nhất, nổi tiếng nhất, tìm gì cũng có như Uyên 82 Nguyễn Thị Minh Khai, Bến Thành Audio & Video, Trống Đồng đều đã đóng cửa. Bạn thử tưởng tượng cái hàng đĩa hiếm hoi còn lại ở Sài Gòn, gắn bó với mình hơn một chục năm, là chốn nương nhờ cảm xúc ít ỏi cho những đứa say mê sưu tầm CD vật lý bỗng một ngày trở thành cửa hàng tiện lợi mà xem, buồn muốn khóc chứ không đùa.

Nhưng cũng đâu thể nào trách doanh nghiệp khi mà lượng người chịu mua đĩa càng ngày càng ít. Thậm chí nhìn qua nhìn lại, bây giờ chẳng còn bao nhiêu nhà dùng đầu đĩa, hoặc xài máy tính xách tay không có ổ đĩa. Nên việc đĩa không tiêu thụ được cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mà, buồn thì vẫn buồn thôi. Nhìn cách thế giới càng ngày càng thu nhỏ lại, từ chiếc CD trở thành những chiếc USB, rồi những phương tiện lưu trữ vô hình mà không khỏi cảm thấy mất mát, giống như một phần quá khứ buộc phải đoạn lìa.

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 7.

Thế nên khi nhìn thấy người người, nhà nhà nô nức khoe những chiếc album Tâm 9, tôi mới cảm thấy hạnh phúc. Tất nhiên không phải hạnh phúc dùm vì chị Tâm bán được đĩa mà cảm giác phấn khích giống như được sống lại những ngày xưa mà mình cứ ngỡ đã chẳng thể nào có được lần nữa, giữa cái thời đại số này. Còn vui vì thấy được hy vọng, rằng thực chất đĩa vật lý sẽ chẳng thể nào tuyệt chủng bởi những giá trị cốt lõi của nó, rằng rồi khán giả sẽ nhận ra tầm quan trọng trong việc cứu rỗi linh hồn những đêm trời trở gió bằng một chiếc máy nghe đĩa và một chiếc CD đơn thuần.

Sẽ không công bằng nếu ta chỉ “biết ơn" Mỹ Tâm khi đã đem cái văn hoá dung dị mà quý giá kia trở lại với khán giả Việt Nam, dù có thể chỉ trong vài tháng, mà bỏ quên những nghệ sĩ vẫn chọn hình thức phát hành CD suốt nhiều năm qua. Như Cẩm Ly, Đan Trường, Hồ Ngọc Hà, Lệ Quyên, Thuỷ Tiên… chẳng qua họ không quyết liệt như Mỹ Tâm trong việc chống nhạc lậu mà thôi. Thế nên vẫn phải cám ơn chị Tâm thật nhiều, vì cái cương quyết của chị vô cùng quý giá cho chất xám của nghệ sĩ, cho thói quen thưởng thức nghệ thuật văn minh và cho giá trị xứng đáng mà những chiếc CD nên có.

Hy vọng với một bầu trời hoài niệm mà Mỹ Tâm đã mở ra cho khán giả, chúng ta sẽ có lại được cái thói quen lưu trữ CD trong tủ, rời xa chiếc điện thoại và máy vi tính để nghe một album bằng đầu đĩa, cũng như những hàng đĩa sẽ vượt qua nạn “tuyệt chủng" và “hồi sinh". Giá trị truyền thống sẽ không bao giờ mất đi, bằng chứng chính là ngày nay vẫn có người tìm mua những chiếc máy phát đĩa than, những chiếc máy cassette cầm tay mặc cho rất nhiều ứng dụng nghe nhạc văn minh nhưng vẫn rẻ mọc lên mỗi ngày.  

Cầm album Mỹ Tâm vol 9 trên tay: Niềm tự hào với cả gia tài album truyền thống cất trên giá sách - Ảnh 8.