Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 11:28 31/12/2016

Háo hức chờ đợi loại phương tiện công cộng nhanh, giá rẻ đi vào hoạt động nhưng trước quy định cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên một số tuyến đường lớn có BRT đi qua đang khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng, cho rằng điều này sẽ gây ra nhiều bất tiện.

Những ngày cuối năm 2016, một trong những thông tin đang được người dân Thủ đô đặc biệt quan tâm là TP sẽ chính thức vận hành tuyến xe buýt nhanh BRT (lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa). Không giống như những tuyến xe buýt khác, BRT sẽ có đường chạy riêng và các phương tiện khác không được quyền dừng đỗ hoặc lấn sang làn của loại xe này.

Ngoài ra, để đảm bảo xe BRT lưu thông nhanh chóng, TP sẽ thực hiện lệnh cấm taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h00 - 9h00, chiều 16h30 - 19h30) trên các tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương. 

Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng - Ảnh 1.

Tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ đi vào hoạt động chính thức từ 1/1/2017.

Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng - Ảnh 2.

Khi đó, các loại taxi sẽ bị cấm lưu thông trong giờ cao điểm trên một số trục đường lớn có BRT chạy qua. Ảnh: Phương Thảo.

Bên cạnh niềm vui, sự háo hức mong đợi một loại phương tiện công cộng di chuyển nhanh, giá rẻ, hạn chế ùn tắc giao thông, lệnh cấm taxi hoạt động đang khiến nhiều người dân cảm thấy khó hiểu cũng như lo lắng sẽ gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Khách muốn đi taxi phải chờ qua giờ cao điểm?

Ông Mai Văn Sơn (50 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội) cho biết, dịp cuối năm, ông thường dùng taxi để di chuyển sang bến xe Giáp Bát. Tuy nhiên, khi xe buýt nhanh đi vào hoạt động, ông lo lắng việc này sẽ gặp nhiều bất tiện hơn.

"Xe buýt nhanh không đi về Giáp Bát nên tôi không sử dụng được. Mặc dù sáng, chiều mỗi buổi chỉ cấm taxi 3 tiếng nhưng tôi thấy vậy rất bất tiện, muốn đi taxi phải chờ qua giờ cấm mà lúc có việc vội thì không thể đợi được".

Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng - Ảnh 3.

Ông Sơn tỏ ra khá lo lắng trước quy định mới của TP.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khoa (Láng Hạ) lại cho rằng, việc cấm taxi đồng loạt trên những 3 trục đường lớn (Láng Hạ, Giảng Võ, Lê Văn Lương) có thể khiến loại xe này dồn sang các cung đường nhỏ đan xen, gây ra tình trạng ùn tắc ở hàng loạt tuyến đường khác.

"Hơn nữa nếu tất cả những người có nhu cầu đi taxi đều phải đợi đến qua giờ cao điểm mới có thể sử dụng thì có thể gây ra tình trạng "cháy" taxi, phải chờ đợi mất thời gian".

Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng - Ảnh 4.

Ông Khao cho rằng, quy định mới của TP sẽ khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều bất tiện.

Ông Khoa cũng tâm sự, nếu xe buýt BRT có thêm nhiều tuyến phong phú hơn, có lẽ ông sẽ chọn loại phương tiện này để thay thế taxi trong khung giờ cao điểm. "Tuy nhiên hiện tại, loại xe này mới chỉ có một tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa và không phải lúc nào, tôi cũng có nhu cầu đi qua lộ trình của nó. Vì thế hiện tại vẫn chưa thể dùng BRT thay thế cho taxi được".

Hơn nữa, ông Khoa cũng chỉ ra một điểm bất cập khác là xe buýt BRT có khá ít điểm dừng. Toàn tuyến dài 14,7km chỉ có 21 nhà chờ (tương đường 0,7km mới có một nhà chờ). "Vì thế nếu tha lôi nhiều đồ đạc mà muốn sử dụng loại xe này cũng phải gọi xe ôm đưa đón, như vậy rất bất tiện. Nếu không có đồ đạc, chỉ đi bộ thôi cũng khá xa, tôi lại già yếu, không có nhiều sức khỏe nên vẫn ngại sử dụng loại xe này".

Vì sao chỉ cấm taxi mà không cấm ô tô con?

Trước thông tin xe taxi sẽ bị cấm trong khung giờ cao điểm trên một số tuyến phố lớn, cánh lái xe tỏ ra lo lắng và khá khó hiểu về quy định mới của TP.

"Tôi không hiểu vì sao chỉ cấm taxi mà lại không cấm ô tô con vì hiện nay lưu lượng xe ô tô cá nhân ở Hà Nội cũng rất cao, có khi còn nhiều hơn cả taxi. Hơn nữa dịch vụ Uber hay Grab car cũng có các loại xe hoạt động như taxi nhưng lại không có dấu hiệu là taxi. Vậy thì không biết TP sẽ quản lý như thế nào", ông Long (một lái xe taxi tại Láng Hạ) chia sẻ.

Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng - Ảnh 5.

Ông Long cảm thấy khó hiểu vì sao chỉ có taxi bị cấm hoạt động.

Ông Long cũng chia sẻ, khung giờ đầu buổi sáng và cuối giờ chiều là lúc đông khách nhất trong ngày. "Nhưng chúng tôi lại bị cấm hoạt động, như vậy chắc chắn sẽ mất đi lượng khách không nhỏ".

Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, khi bị cấm, cánh lái xe phải chọn đi ở các trục đường phụ, như vậy có thể gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ ở đó. "Ví dụ cấm đường Giảng Võ - Láng Hạ thì để đi ra Khuất Duy Tiến, có thể tôi sẽ phải vòng qua Ngụy Như - Kon Tum, trục đường này vốn nhỏ và nếu đông xe hơn một chút có thể gây ách tắc. Như vậy vừa mất thời gian cho khách mà chi phí đi lại sẽ bị đội lên cao hơn".

Cấm taxi chạy trong giờ cao điểm trên tuyến đường có BRT: Nhiều bất tiện cho cả tài xế và khách hàng - Ảnh 6.

Nhiều người cũng không hiểu tới đây TP sẽ siết chặt quản lý như thế nào khi mà vẫn còn rất nhiều người dân thiếu ý thức như thế này.

Tương tự, ông Mạnh (một lái xe khác) cũng cho rằng cấm taxi trong khung giờ cao điểm là một quy định khiến ông cảm thấy khó hiểu. "Thực tế là không có xe taxi chạy thì các trục đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương vẫn sẽ xảy ra ách tắc do lưu lượng phương tiện đông đúc. Vì vậy tôi cho rằng giải pháp vừa có xe buýt nhanh, buýt thường và đủ mọi phương tiện khác di chuyển trên hạ tầng giao thông cũ mà lại chỉ cấm mình taxi trong khung giờ cao điểm là điều không hợp lý và có lẽ sẽ không đem lại hiệu quả".

Sở GTVT Hà Nội đã triển khai nhiều phương án phân luồng giao thông dành cho tuyến buýt nhanh BRT từ Kim Mã - bến xe Yên Nghĩa.

Đó là cấm xe taxi hoạt động trong giờ cao điểm (sáng 6h00 - 9h00, chiều 16h30 - 19h30) trên các tuyến Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương và cấm dừng đỗ tất cả phương tiện dọc tuyến đường hoạt động của xe buýt nhanh. Đặc biệt, vào khung giờ này, xe máy, xe thô sơ cũng không được phép di chuyển trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, nếu 2 làn bên cạnh làn xe buýt nhanh thông thoáng mà các phương tiện vẫn cố tình đi vào làn xe buýt nhanh thì sẽ bị lực lượng CSGT xử phạt.

Ngoài ra, tại các nút giao, nhà chờ đều có lắp đặt hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng sẽ căn cứ vào hình ảnh để xử phạt nguội. Với xe máy là mức phạt 300.000-400.000 đồng, với ô tô là 800.000-1.200.000 đồng.