Cảnh báo: Cẩn thận khi xem xong “Glass” bỗng... đa nhân cách vì đèn chớp loá liên hồi suốt phim

ĐÔNG SƯƠNG, Theo Helino 20:02 17/01/2019

Những ai từng mong chờ “Glass” tiếp nối được thành công và màu sắc như “Split” thì hãy cẩn trọng nếu bạn là người có đôi mắt "mong manh".

Split từng là một bộ phim kinh dị hay bất ngờ vào năm 2016 khi khai thác căn bệnh đa nhân cách của Kevin Wendell Crumb (James McAvoy). Tới cuối cùng, tác phẩm hóa ra là hậu truyện của Unbreakable từ tận… năm 2000 và được đạo diễn M. Night Shyamalan chốt hạ bằng phần ba mang tên Glass (Bộ Ba Quái Nhân). Tuy nhiên, phần phim cuối cùng này lại mang đến cho người xem cảm giác muốn… đa nhân cách theo phần lời thoại dài dòng và ánh đèn chớp tắt liên tục.

Trailer "Glass"

Có lẽ, M. Night Shyamalan xây dựng được một nhân vật đa nhân cách như Kevin Wendell Crumb hay như thế là vì ông cũng mắc chứng bệnh đó chăng? Nhìn vào bảng thành tích của vị đạo diễn này, người xem dễ dàng nhận ra chất lượng phim lên xuống đều đặn như đồ thị hàm số vậy. Ông có những phim xuất sắc ổn như Unbreakable (2000) rồi tới hay như Signs (2002) nhưng lại tiếp nối bằng thảm họa Lady in the Lake (2006).

Cảnh báo: Cẩn thận khi xem xong “Glass” bỗng... đa nhân cách vì đèn chớp loá liên hồi suốt phim - Ảnh 2.

"Bảng điểm" của M. Night Shyamalan lên xuống đều đặn theo chu kỳ.

Sau thành công của Split, nhiều người đã bắt đầu nghi ngại cho chất lượng của Glass nếu M. Night Shyamalan giữ "đúng phong độ". Cuối cùng thì tất cả những lo lắng đều trở thành hiện thực sau khi phim ra rạp. Thay vì một bộ phim siêu anh hùng pha lẫn kinh dị với những màn hành động màn nhãn giữa hai "quái thú", tác phẩm trở thành bài diễn văn dài lê thê về ý nghĩa của… truyện tranh của Tiến sĩ Ellie Staple (Sarah Paulson).

Cảnh báo: Cẩn thận khi xem xong “Glass” bỗng... đa nhân cách vì đèn chớp loá liên hồi suốt phim - Ảnh 3.

Việc các nhân vật nhìn "trân trối" vào màn hình như thế này không hề hiếm trong phim.

Vị đạo diễn dành tới hơn 1 tiếng đồng hồ chỉ để giải thích thông điệp nếu bạn tin rằng mình biết bay thì chỉ việc leo lên nóc Landmark 81 rồi nhảy xuống, trí tưởng tượng (hoặc trọng lực) sẽ làm phần việc còn lại. Tình tiết dài dòng, lê thê với phong cách quay cận mặt diễn viên kéo dài sẽ khiến bạn muốn chìm vào giấc ngủ. Đó là chưa kể Elijah (Samuel L. Jackson) và David Dunn (Bruce Willis) cũng chẳng có mấy biểu cảm trong hơn nửa đầu phim.

Cảnh báo: Cẩn thận khi xem xong “Glass” bỗng... đa nhân cách vì đèn chớp loá liên hồi suốt phim - Ảnh 4.

Hơn nửa đầu phim khá buồn ngủ bởi phần thoại dài lê thê.

Nhưng không, đúng lúc này thì những chiếc đèn bắt đầu chớp liên hồi. Số là nhân cách nào của Kevin muốn xuất hiện thì phải giữ được "cột sáng" trong tâm trí. Mỗi lần dùng đèn cao áp chớp tắt, Ellie Staple có thể buộc anh chàng thay đổi nhân cách ngay lập tức. Cùng với số lượng thoại dài dòng như hát ru thì số ánh đèn để bạn "không thể ngủ" cũng nhiều không kém.

Cảnh báo: Cẩn thận khi xem xong “Glass” bỗng... đa nhân cách vì đèn chớp loá liên hồi suốt phim - Ảnh 5.

Xem phim bạn sẽ được chứng kiến đèn chớp liên hồi như thế này đây!

Biết đâu chừng ánh sáng đó cũng giúp các bạn khám phá ra những nhân cách khác bên trong mình thì sao? Hoặc có khi chính M. Night Shyamalan cũng dùng tới ánh đèn này để làm Glass đấy. Bởi lẽ vài chục phút cuối phim lại chứa đầy những cảnh hành động và nút thắt liên hồi như một người khác chỉ đạo vậy. Khó trách nếu có khán giả nào xem xong lại muốn đa nhân cách như các nhân vật trong phim.

Glass công chiếu trên toàn quốc từ ngày 18/01/2019.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày