Cảnh báo chiêu trò lừa đảo cũ vừa khiến một người đàn ông mất 3,6 tỷ

Huỳnh Duy, Theo Nhịp sống thị trường 15:41 06/04/2024

Công an TP.HCM cho biết đây là chiêu lừa cũ, nhưng hiện nay vẫn có rất nhiều người bị lừa.

Bị chiếm đoạt 3,4 tỷ đồng vì chiêu lừa cũ

Ngày 5/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) tiếp nhận đơn của ông L.Đ.L. (62 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) tố giác về việc bị lừa đảo 3,6 tỷ đồng qua mạng.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo cũ vừa khiến một người đàn ông mất 3,6 tỷ - Ảnh 1.

Ông L. nhiều lần chuyển tiền cho đối phương với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Nội dung đơn tố giá cho biết, sáng 22/3, ông L. nhận cuộc gọi của một người tự xưng là Công an TP Thủ Đức, thông báo ông L có giấy triệu tập của TAND TP Đà Nẵng vì có liên quan đến vụ án ma túy. Người này sau đó nối máy cho ông L. làm việc với "cán bộ Công an TP Đà Nẵng".

Người tự xưng là công an thông báo số tài khoản ngân hàng của ông L. có liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu kết nối Zalo để làm việc. Qua cuộc gọi video với một người mặc sắc phục công an, ông L. được đối phương yêu cầu tải ứng dụng để theo dõi danh sách truy nã, lệnh bắt tạm giam.

Khi tải về ứng dụng, ông L. thấy tên mình kèm thông tin cá nhân trong danh sách tội phạm truy nã. Sau nhiều cuộc trao đổi, kẻ lừa đảo yêu cầu ông L. chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định để xác minh.

Chỉ trong ngày 22/3, ông L. nhiều lần chuyển tiền cho đối phương với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng. Khi biết bị lừa, ông L. đã đến công an trình báo.

Cẩn thận mất tiền vì chiêu lừa qua điện thoại

Theo phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, nhiều người bị dẫn dụ, cuốn vào cạm bẫy của đối tượng lừa đảo khi không có thời gian kiểm chứng thông tin.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo cũ vừa khiến một người đàn ông mất 3,6 tỷ - Ảnh 2.

Người dân cần cảnh giác với các số điện thoại lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ. (Ảnh minh hoạ)

Bộ Công an đề nghị người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.

Trong các trường hợp này, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở… cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định.

Lực lượng chức năng, nhất là công an, viện kiểm sát, tòa án nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc online qua mạng…

Nếu nhận cuộc gọi người xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án... cần báo ngay cho Cơ quan công an gần nhất.