Tình mẫu tử đã bao dung, chữa lành, dẫn dắt đứa trẻ ngược dòng bóng đêm, chào đón ánh sáng

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ Việt Nam 15:08 14/05/2023

Cha mẹ đương nhiên là người có thẩm quyền đối với trẻ khi chúng còn nhỏ, trẻ rất phụ thuộc và đánh giá cao sự chấp thuận, tình yêu, sự hỗ trợ mà chúng nhận được từ cha mẹ.

Bộ phim Call Me Number One dựa trên những con người và sự kiện có thật đã kể một câu chuyện như thế này: Nam chính Brad mắc phải hội chứng Tourette bẩm sinh hiếm gặp. Đây là một bệnh lý hệ thần kinh khiến bệnh nhân bị co giật, xuất hiện các cử động nhanh lặp đi lặp lại, đột ngột và không kiểm soát được và phát ra những tiếng động lạ. Nhưng vào thời điểm đó, ngay cả các bác sĩ cũng không biết biểu hiện của Brad là một căn bệnh.

Cậu bị bạn học chế giễu, thầy cô khiển trách, thậm chí bị đuổi học. Đáng thất vọng nhất là cha cậu cuối cùng đã mất kiên nhẫn và dọn ra khỏi nhà. May mắn thay, mẹ của Brad không bao giờ ngừng yêu thương và khuyến khích con mình.

Tình mẫu tử đã bao dung, chữa lành, dẫn dắt đứa trẻ ngược dòng bóng đêm, chào đón ánh sáng - Ảnh 1.

Nam chính Brad mắc phải hội chứng Tourette bẩm sinh hiếm gặp.

Không ai ngoài mẹ muốn tin Brad, kể cả bố, giáo viên, hay thậm chí là cố vấn và bác sĩ. Hầu hết mọi người đều cho rằng cậu bé đang cố tình gây rắc rối và sẽ trừng phạt cậu một cách nghiêm khắc. Chỉ có người mẹ tin chắc rằng con trai mình chỉ bị ốm, rằng mọi điều con trai nói đều là sự thật, rằng con đang đau khổ và cần sự giúp đỡ của mẹ.

Người mẹ mạnh mẽ và thông minh đã đến thư viện để mượn rất nhiều sách y học, một số thậm chí đã rất cũ. Bà muốn biện minh cho đứa con trai cô đơn của mình. Cuối cùng, sự cố gắng đã được đền đáp, bà tìm thấy câu trả lời trong một cuốn sách dày - Bệnh Tourette.

Bà đã đến gặp bác sĩ với cuốn sách và đã thuyết phục được ông tin rằng con mình quả thật đã mắc bệnh. Người mẹ chấp nhận sự thật rằng Tourette vẫn là căn bệnh nan y, đồng thời động viên con trai chữa bệnh, chăm chỉ học tập và đạt được mục tiêu của cuộc đời mình thay vì gục ngã và chọn một cuộc sống tuyệt vọng như bao người khác. Brad có khuyết điểm nhưng cậu muốn làm giáo viên, người bố phản đối nhưng mẹ cậu nói: "Mẹ tin con có thể".

Người mẹ trong phim luôn yêu thương và động viên con trai mình. Dẫu trải qua những điều không thuận buồm xuôi gió, trong quá trình tìm việc luôn có những tự trách và đau khổ, nhưng cuối cùng nhờ sức mạnh từ mẹ cùng nghị lực mà Brad vượt qua khó khăn trở ngại. Cậu hoàn thành tốt việc học, được nhận vào học thạc sĩ. Brad trở thành giáo viên tiểu học, anh không chỉ đứng trên bục giảng mà còn giành được giải thưởng Giáo viên của năm 1997, đồng thời thành lập Trại trẻ em mắc bệnh Tourette và được mời tham dự Oprah Show.

Cha mẹ "thôi miên" tích cực, con hưởng lợi đủ điều

Quyền tự do tối thượng mà con người có được là đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho dù họ đang ở trong hoàn cảnh khó khăn nào. Sự động viên và ấm áp của mẹ đã giúp Brad đi qua những ánh mắt lạnh lùng phán xét, để anh lớn lên như một đứa trẻ bình thường theo năm tháng. Tình mẫu tử đã bao dung, chữa lành, dẫn dắt đứa trẻ ngược dòng bóng đêm, chào đón ánh sáng.

Nói cách khác, đây chính là sức mạnh thôi miên của tình yêu thương, cho phép trẻ chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân và khám phá giá trị sống của chính mình với một trạng thái bình yên và hoàn toàn được tin tưởng.

Cha mẹ đương nhiên là người có thẩm quyền đối với trẻ khi chúng còn nhỏ, trẻ rất phụ thuộc và đánh giá cao sự chấp thuận, tình yêu, sự hỗ trợ mà chúng nhận được từ cha mẹ.

Dorothy Law Knott, chuyên gia giáo dục trẻ em, đã nói trong bài thơ Trẻ Em Học Được Gì Từ Cuộc Sống: Hãy khuyến khích những đứa trẻ lớn lên trong môi trường tự tin. Nhưng trong cuộc sống, không ít gia đình chủ trương giáo dục "đàn áp" trong quan niệm giáo dục của mình

Ví dụ, nhiều cha mẹ thích nói "Con không ngoan, sao con hư thế"... Có lẽ ý định của họ là để con cái tiến lên bất chấp khó khăn nhưng tâm lý trẻ lại ghi nhận một sự tiêu cực khác: "Tôi không đủ tốt, và tôi không xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp". Có lẽ ngay chính cha mẹ cũng không biết, những gì truyền sang đứa trẻ một cách vô thức thực chất là một kiểu "thôi miên tiêu cực".

Một nhà giáo dục nói: "Việc cha mẹ nuôi dạy con cái là một quá trình lâu dài và liên tục, trong quá trình này, kiểu thôi miên nào mà cha mẹ đưa ra thậm chí có thể quyết định cả cuộc đời của đứa trẻ. Chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ, hãy là một nhà thôi miên tích cực cho cuộc sống hạnh phúc của con cái, thay vì thôi miên tiêu cực khiến con mình đau khổ. Để giúp trẻ trưởng thành tốt hơn và trở thành một người lạc quan, tích cực, không sợ hãi, cha mẹ cần trở thành một nhà thôi miên có trình độ".