Câu chuyện tình "hồi sinh" gã nghiện khét tiếng Hải Phòng trở thành "hiệp sĩ cứu sốc": Tất cả đều xứng đáng được yêu thương

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 28/11/2019

Đó là một gã đàn ông mang bên ngoài vẻ phong trần, bụi bặm, từng nghiện ma tuý cả chục năm, từng ra tù vào tội, nhiễm HIV, cận kề cái chết. Nhưng đúc rút lại, tình yêu lứa đôi giản dị mà đẹp đẽ đã cứu gã một bàn thua trông thấy trước cuộc đời.

Trưa hôm đó, vừa về nhà, đang bưng dở bát cơm, anh Hiệp nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp: "Em ơi, em đến ngay ngã tư Nguyễn Đức Cảnh - Trần Nguyên Hãn, có 1 thanh niên bị sốc ma túy".

Nạn nhân được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh, môi tái xanh, móng tay tím ngắt, các cơ co quắp. Anh Hiệp sờ mạch, nghe thấy từng cơn đập chậm rãi. Anh ép tim, lay gọi nhưng nạn nhân không phản hồi. Anh tiêm 1 lọ dược phẩm Naloxone, kết hợp ép tim gây đau một lần nữa. 3 phút sau, nam thanh niên hồi tỉnh.

Người này cho biết vừa trở về từ trại cai nghiện 6 tháng, nhưng vì buồn bã nên lại tìm đến heroine, vừa chích xong thì rơi vào trạng thái bất tỉnh.

May mắn, cuộc đời anh ta còn được nối dài, nhờ "Hiệp sĩ cứu sốc" Hà Quang Hiệp (SN 1978).

Áo thun, quần jean bạc màu. Gương mặt sạm đen, có vẻ dữ dằn. Hình xăm chi chít, cộng thêm đôi khuyên tai "chất chơi". Trông gã chẳng khác gì một tay "giang hồ" khét tiếng khiến bao kẻ gặp lần đầu phải e ngại. Nhưng bù lại, gã có một giọng nói từ tốn và trầm ngâm.

Để tóm tắt về cuộc đời 41 năm qua của gã, có thể gói gọn trong một vài cụm từ chính như sau: "khuyết tật", "ma túy", "tù tội", "HIV", "cái chết", "SCDI" và "tình yêu".

Anh Hà Quang Hiệp mang đến cho chúng ta câu chuyện về một gã nghiện từ bỏ cái chết trắng để hoàn lương.

Chuyện anh Hiệp: Từ gã nghiện "khét tiếng" đất Hải Phòng đến "hiệp sĩ cứu sốc" khát khao hạnh phúc và yêu thương. Thực hiện: Minh Nhân.

Khuyết tật

Từ khi sinh ra, tay và chân gã đã không được bình thường. Người ta hay gọi gã là "Hiệp thọt", mỗi khi nhìn gã đi lại khó khăn trên phố.

Nhưng đó chưa phải là tất cả.

"Ma túy" và "Tù tội"

Năm 1995, khi vừa tròn 17 tuổi, gã học cách chích ma túy. Thời đó, không có kim tiêm riêng, cả xóm cùng cho thuốc vào một ống, rồi chích chung, chích "tập thể" từ ngày này sang ngày khác.

Một thời gian, gã bị bắt về tội "tàng trữ trái phép ma túy", không chỉ một, mà là 2 lần "vào tù ra tội". Trung tâm cai nghiện hàng chục lần "đón chào" gã nhưng cũng không khả quan hơn. Nghiện rồi tái nghiện, là một vòng tuần hoàn luẩn quẩn xung quanh đời gã.

"Tôi chẳng thiết tha sống nữa, làm không ra tiền mà con cái còn như thế"... - mẹ gã bật khóc. Số bà sinh ra 4 người con trai, anh cả mất năm 1995 - năm đó gã bắt đầu nghiện. Anh thứ sang HongKong sinh sống từ lâu, cũng nghiện, mãi chưa thấy về quê. Gã là con thứ 3. Em út ham chơi, từng một đời vợ, đã có 1 cô con gái lớn.

Mẹ năm nay đã ngoài 60, không có lương hưu, không công ăn việc làm. Bao nhiêu năm qua tiền bán hàng ngoài chợ, mẹ đều dồn hết cho gã chơi ma túy. Mỗi buổi sáng, đều đặn, mẹ đều cho 200 nghìn. Mẹ bảo không muốn nhìn con trai vì tù túng mà ra ngoài trộm cắp, rồi nhỡ đâu bị đánh "thừa sống thiếu chết". Vì thương con chân tay thiệt thòi hơn người khác, nên mẹ để gã trượt dài như thế, cho đến khi, mẹ cạn tiền.

Dân phố Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng từ đó thôi gọi gã là "Hiệp thọt", họ chuyển qua một danh xưng mới, ấy là "Hiệp xì ke".

"HIV" và "Cái chết"

Năm 2002, đời gã sang trang... đầy tăm tối. Khốn nạn thay, gã dính HIV sau một lần dùng chung kim tiêm với bạn nghiện.

Gã chợt nghĩ, "Bệnh rồi, thôi thì chơi đến đâu thì đến, không thiết tha gì nữa, cũng chẳng cần yêu đương, vợ con".

Năm 2008, trung tâm cai nghiện phát hiện gã nổi hạch, sức khỏe yếu, người ta trả về, dặn gia đình lo hậu sự. Gã chỉ còn chờ chết.

Về đến nhà, gã xin cha mẹ cho đi chữa lao hạch. Tối tối, mẹ đi lấy bông băng, bố lau rửa vết thương. Khi gã mới điều trị được 3 tháng, bố không may qua đời.

Gã nhiều lần chết hụt sau 9 tháng chữa lao hạch, nhưng không hiểu bằng thứ sức mạnh nào, gã vẫn vượt qua được cửa tử. Gã bắt đầu uống Methadone và ARV, hy vọng giết chết phần nào lượng virus HIV.

Năm 2013, trong một lần đi uống thuốc, gã tình cờ gặp nhóm "Vòng tay bè bạn" ở Hải Phòng. Khi đó, một vài người trong nhóm đang cứu sốc ma túy cho một thanh niên. Gã tò mò, đứng lại xem, rồi chợt thấy... "cũng ý nghĩa".

"Vòng tay bè bạn" do những người từng sử dụng ma túy thành lập, chuyên giúp đỡ người nghiện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Đơn vị điều phối hoạt động của nhóm là SCDI - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu, gã được gia đình vận động tham gia. Gã phải cam kết không được sử dụng ma túy và hơn hết, phải có nhiệt huyết với cộng đồng.

Gã đồng ý.

Lần này, đời gã lại sang trang, nhưng có vẻ tươi sáng hơn.

Câu chuyện tình hồi sinh gã nghiện khét tiếng Hải Phòng trở thành hiệp sĩ cứu sốc: Tất cả đều xứng đáng được yêu thương - Ảnh 3.

"Hiệp sĩ cứu sốc" Hà Quang Hiệp

Những tình nguyện viên như anh Hà Quang Hiệp được SCDI đào tạo kỹ năng chống sốc cho người nghiện, hàng tháng cấp bơm kim tiêm, thuốc Naloxone, sổ ghi chép... và hỗ trợ một khoản tiền nhỏ đủ để xăng xe, điện thoại.

Hàng tuần, anh cùng các đồng nghiệp trong nhóm thường đến những nơi được xem là "điểm nóng" nơi người sử dụng ma tuý tụ tập để trò chuyện, động viên, tuyên truyền từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời. Với những cá nhân có tinh thần hướng thiện, anh sẽ tư vấn, hướng dẫn họ tiếp cận những cơ sở cai nghiện bằng Methadone trong thành phố.

Từ đó, bất kể ngày đêm, cứ mỗi khi điện thoại rung lên, báo tin có người bị sốc thuốc, anh lại vội vàng dắt xe máy lao ra khỏi nhà. "Phòng cấp cứu" thường là gầm cầu, khu ổ chuột, bãi tha ma, khu đường tàu nhếch nhác,... - những nơi trước giờ đều chi chít ống kim tiêm. Nằm ngã gục, những người nghiện đang đứng giữa 2 bờ sinh từ, có khi co giật sùi bọt mép, có khi đã lịm đi tím tái...

"Vòng tay bè bạn" đã từng cứu sống 20 người chỉ trong một ngày. Còn bản thân anh Hiệp, từ năm 2013 đến nay, đã giúp đỡ hơn 600 trường hợp. Không còn là "Hiệp thọt", "Hiệp xì ke", nhiều người gọi anh với cái tên đầy trìu mến và trân trọng "Hiệp sĩ cứu sốc".

Anh coi SCDI là một gia đình, nơi bao anh em từng lầm lỡ có thể chia sẻ mọi buồn vui. Anh vẫn hay đùa, "Ngày xưa tôi vào "điểm nóng" với "cương vị" là một người nghiện ma tuý. Còn bây giờ, mỗi khi vào đó, tôi đã là một phó nhóm, chuyên hỗ trợ, cứu chữa những nạn nhân bị sốc thuốc".

- "Tại sao anh lại công khai bản thân là một kẻ từng nghiện ma túy và bị lây nhiễm HIV?".

- "Với bản chất con người mình, tôi nghĩ trước sau gì cũng không giấu được mọi người. Tôi công khai cho nhẹ nhàng. Nghĩ lại khoảng thời gian tuổi trẻ nông nổi, tôi không tiếc, vì quá khứ đen tối đó giúp tôi hiểu được xã hội, hiểu được hoàn cảnh của những người sử dụng ma túy, để giúp họ thay đổi cuộc đời".

"Để giúp họ thay đổi cuộc đời", vài ngày là không thể. Những người nghiện ma túy cần nhiều thời gian hơn thế, thậm chí là mấy năm. Anh chăm sóc, hỗ trợ từng "bệnh nhân", theo đuổi họ, cho đến khi họ nhận thức được đúng đắn.

Có ngày, anh gặp gỡ và tư vấn cho 60 đối tượng, cuốn sổ nhỏ ghi danh sách nạn nhân nhăn nheo từng trang giấy. Anh tự lấy mình ra làm tấm gương, "Kể cả tôi có bị HIV, tôi vẫn sống khỏe mạnh. Chơi bời, ma túy chỉ khiến các bạn mệt mỏi, vất vả hơn thôi". Gia đình có người thân bị nghiện, cũng dạy con họ rằng, "Đấy, mày nhìn thằng Hiệp, nó khuyết tật, nó nghiện ngập, bây giờ nó đi làm công việc xã hội rồi đó!".

"Tôi đối lập hoàn toàn với con người trước đây. Tôi không sử dụng ma túy, tôi sống vì gia đình, vì bản thân mình, vì cộng đồng. Chứng kiến từng người nghiện ma tuý dần thay đổi, tôi cảm thấy cuộc sống vui vẻ và có gì đó giúp ích cho xã hội".

Những người sử dụng ma túy không nhà cửa, người thân chối bỏ "loại đó thì cứu làm gì", anh Hiệp hỗ trợ họ tiền ăn uống, thuốc thang, còn bỏ tiền túi thuê xe ôm đưa họ đi khám. Có lần, người thân nghĩ anh là bạn chích, họ xông vào đấm anh thâm tím mặt mày, chảy cả máu miệng. Thậm chí, chính họ, trong cơn u mê không đủ bình tĩnh, khi tỉnh dậy đổ cho anh tội ăn cắp đồ đạc rồi vung tay. Anh giơ tay đỡ, vô tình chiếc nhẫn cưới va vào mắt, khâu 4 mũi.

Đối với nạn nhân bị sốc thuốc quá lâu, dù đã cố gắng cứu chữa, nhưng anh đau xót nhìn họ gần như đã chết, gục mặt trong xô nước. Cũng có người mới đi tù về, uống bia rồi tái sử dụng ma túy. Khi anh đến nơi, nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện, tim vẫn đập, nhưng hôn mê sâu. Mấy ngày sau, người đó chết não, bị trả về nhà.

"Nhiều ý kiến cho rằng "Đã nghiện ma túy thì việc gì phải cứu" nhưng ai cũng thế thôi, cả người sử dụng hay không sử dụng, đều là con người. Họ sa ngã, lao vào con đường tội lỗi, đến mức muốt dứt ra cũng không được, thì chúng tôi cứu họ. Dần dần họ sẽ từ bỏ "những cái chết trắng", rồi quay lại nhờ xin vào nhóm, tham gia công việc như tôi đang làm".

Tình yêu: Ước mơ ngôi nhà và những đứa trẻ

Năm 2016, chị Nguyễn Thị Hoàng Ngân (SN 1984) kết bạn với anh Hà Quang Hiệp. Hai người quen nhau qua mạng xã hội, thời gian đầu chỉ nói chuyện bình thường. Chị chủ động tìm hiểu cuộc sống, công việc của anh. Nói chung, chuyện tình cảm, có người thổ lộ trực tiếp, cũng có người lại ẩn bên trong. Chị tự nhận mình là trường hợp thứ 2.

Anh công khai với cộng đồng bản thân là một người từng nhiễm HIV. Thời điểm này, tải lượng virus trong cơ thể anh dưới ngưỡng không phát hiện. Anh gần như đã có thể là... một người bình thường.

Anh chị dần nảy sinh tình cảm đôi lứa. Nếu hỏi là từ lúc nào, thì anh cũng... không biết. Anh chỉ cười.

Năm đó, chị dọn nhà qua ở chung cùng anh trên Hà Nội, tính đến nay đã gần 3 năm, nhưng chưa hề có bất cứ xích mích hay một lời cãi vã nào. Khi anh chị đến với nhau, may mắn thay, gia đình 2 bên không hề ngăn cấm. Dẫu biết hoàn cảnh của anh, bố mẹ chị vẫn "nhiệt liệt" tán thành cuộc hôn nhân này. "Quyết định là ở hai con, miễn sao là hai đứa đến với nhau hạnh phúc là được".

Chị đi rút xương chân gà thuê, rời nhà từ 5h sáng, đến tận 17h30 chiều. Thu nhập 2 vợ chồng mỗi tháng được khoảng 10 triệu. Những lúc biết chị mệt, anh chủ động giặt giũ, nấu cơm, rửa bát, rồi quét dọn nhà cửa.

Câu chuyện tình hồi sinh gã nghiện khét tiếng Hải Phòng trở thành hiệp sĩ cứu sốc: Tất cả đều xứng đáng được yêu thương - Ảnh 4.

Tình yêu đẹp của anh Hiệp và chị Ngân.

"Nếu có cơ hội...", chị nói.

- "Thứ nhất, chúng mình sẽ tổ chức một đám cưới".

- "Thứ hai, mình sẽ sinh cho anh một đứa con. Với người bình thường, có con là điều quá đỗi dung dị. Nhưng với anh, niềm vui sẽ nhân lên rất nhiều lần".

Trước đây, anh từng quen mấy người. Nhưng, nếu mình đến với họ bằng tấm chân tình, thì họ lại đổ cho duyên số, nên mối tình chỉ kéo dài được vài tháng. Quen bất cứ ai, anh đều nói rõ tình trạng sức khỏe, bệnh tật. Anh không hề giấu giếm bản thân mình.

Và chị, là người phụ nữ duy nhất bên cạnh anh suốt 3 năm, cũng là người đầu tiên anh thổ lộ, "Hoàn cảnh của anh trước đây như thế, chân tay anh cũng không được lành lặn, anh không làm ra được nhiều kinh tế, nhưng anh có thể lo cho em một cuộc sống vui vẻ, đủ đầy. Tình cảm anh dành cho em không bao giờ thay đổi".

Rồi, chị nắm tay anh vào lễ đường trước sự chứng kiến của hơn 600 người. Ước nguyện đầu tiên của chị đã hoàn thành.

Ngày 9/11 vừa rồi, VCSPA Việt Nam - Diễn đàn Hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương Việt Nam, trong chương trình gặp mặt thường niên, đã tổ chức đám cưới cho các cặp đôi "đặc biệt". Chú rể Hà Quang Hiệp và cô dâu Nguyễn Thị Hoàng Ngân là 2 trong số đó.

"Bọn anh đã suy nghĩ rất nhiều, vì nếu tổ chức đám cưới giữa bà con nội ngoại như bao cuộc báo hỉ khác, thì nay ở với nhau, mai chia tay, là chuyện bình thường. Nhưng đây là buổi gặp gỡ của cộng đồng, 1 năm mới có 1 lần, khi mà hàng trăm người cùng chứng kiến đám cưới, rồi nhỡ đâu 2-3 ngày sau chia tay... Bởi thế, bọn anh quyết định hứa với cộng đồng sẽ gắn bó với nhau suốt đời".

Chính thức là vợ chồng, cuộc sống phía trước không thể hứa đủ đầy, nhưng anh biết mình sẽ là điểm tựa cho người phụ nữ này những tháng ngày tiếp theo. Chị thông cảm cho anh mỗi lúc điện thoại reo máy, không buồn tủi khi anh triền miên trong những chuyến công tác xa nhà. Chị còn muốn sinh cho anh một đứa con, dù kinh tế bây giờ chưa đủ điều kiện. 3 năm, và sau này, con cái là của ông trời ban cho, anh chị vẫn sẽ chờ đến ngày đứa trẻ xuất hiện, tiếng cười chan với nước mắt trong căn nhà nhỏ ấm cúng.

Họ quyết định cùng nhau gây dựng một gia đình hạnh phúc.

Tất cả đều xứng đáng được yêu thương

- "Trước đây và bây giờ, "Hiệp xì ke" và "hiệp sĩ cứu sốc", khác nhau như thế nào?".

- "Tôi thấy mình điềm đạm hơn, không còn nóng tính. Để chăm sóc một người sử dụng ma túy, cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn, có khi còn hơn cả chăm sóc người nhà. Không cần biện pháp mạnh, điều quan trọng nhất là tình cảm và tâm lý. Đến khi nạn nhân nhìn nhận mình, dù không phải ruột thịt, nhưng vẫn cố để thay đổi họ, họ sẽ cảm thấy áy náy và mong muốn được hướng thiện".

Công việc này không cần đền đáp bằng tiền bạc hay những lời cảm ơn, sự thay đổi của những người sử dụng ma tuý là điều vui mừng nhất đối với anh em trong nhóm. Nghĩa là, họ - từ những kẻ lầm lỡ - nay đã biết cách trở nên có ích với cộng đồng, đổi công sức để ngăn chặn những cái chết oan.

Ma túy nguy hiểm và tàn nhẫn.

Ma túy gây nên bao cái chết oan uổng.

Ma túy khiến bao gia đình tan nát.

Ma túy rất đáng sợ, vì nó không buông tha bất cứ ai. Nhưng không phải ai, một khi đã thử dùng ma túy, có thể dứt ra ngay lập tức.

"Họ bảo buồn chuyện gia đình, muốn tìm đến ma túy để giải tỏa tâm lý. Nhưng khi nghiện, họ mới biết cuộc sống khổ sở như thế nào. Lúc ấy, mọi chuyện đã quá muộn. Đừng tự biến mình thành nô lệ của ma túy. Như tôi, sống được đến ngày hôm nay, đều nhờ gia đình và anh em.

Mỗi ngày tỉnh dậy, tôi mong mình hẵng còn khỏe mạnh và có thể đi làm. Sống được ngày nào, tôi vẫn cống hiến cho cộng đồng ngày đó. Tôi hy vọng xã hội không kì thị những người nghiện ma túy muốn quay đầu, hay những ai đau đớn nhiễm HIV. Đối với họ, muốn quay lại làm người có ích, điều quan trọng nhất là thời gian. Tất cả đều xứng đáng được yêu thương. Xin đừng kỳ thị và phân biệt đối xử!".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày