Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 21:12 07/12/2017

Chính mình dứt ruột đẻ ra, nhưng Lydia Fairchild lâm phải một tình huống trớ trêu khi người ta chứng minh cô chẳng phải mẹ ruột của con mình, và thậm chí còn suýt ngồi tù vì điều đó.

Trong các trường hợp tìm lại thân nhân, người ta thường chỉ xét nghiệm huyết thống giữa mẹ và con. Tại sao thì có lẽ nhiều người cũng đoán được ra: cha đứa trẻ có thể thay đổi vì một vài lý do, nhưng mẹ đẻ thì không thể.

Thế nhưng cái sự không thể ấy bỗng xảy ra với Lydia Fairchild - một phụ nữ người Mỹ suýt bị tước mất quyền nuôi những đứa con mình dứt ruột đẻ ra, chỉ vì hội chứng mang tên Chimerism - hay gene Chimera.

Vụ lừa đảo kỳ lạ tại Washington

Năm 2002, Fairchild mới 26 tuổi nhưng đã là một bà mẹ 2 con, và đang mang bầu 1 đứa bé nữa. Bản thân đang thất nghiệp, Fairchild làm một việc như mọi phụ nữ thất nghiệp khác sẽ làm, đó là đăng ký trợ cấp từ sở An sinh xã hội.

Quy trình xin trợ cấp là tất cả các thành viên cần được xét nghiệm ADN để xác nhận huyết thống - một thủ tục tương đối đơn giản. Fairchild ung dung chờ kết quả, và rồi nhận được lệnh triệu tập của sở, với lời nhắn "ngay lập tức".

Tưởng như sẽ nhận được tin vui, nhưng không. Tại văn phòng, Fairchild bỗng trở thành nghi phạm cho một vụ lừa đảo thực sự vô lý, vì kết quả xét nghiệm cho thấy cô không phải mẹ ruột của các con mình.

Tôi ngồi xuống, họ đóng cửa ngay lại và bắt đầu tra khảo với những câu hỏi dạng như "Cô thực sự là ai?"

Lydia Fairchild

Có thể nói, kết quả xét nghiệm ADN đã làm đảo lộn cuộc đời của Lydia, cũng như mọi thứ cô tưởng như đã nắm rất rõ về gia đình mình. Theo đó, bạn trai cô - Jamie Townsend được xác nhận là cha của lũ trẻ. Nhưng cô thì không, dù chúng đều do cô dứt ruột đẻ ra.

Tin rằng đã có sự nhầm lẫn, nhưng các chuyên gia ngay lập tức khẳng định: "ADN không thể bị làm giả, nó cũng không thể nói dối."

Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con - Ảnh 2.

Lydia Fairchild và 4 người con

Kết quả, Fairchild không những bị từ chối trợ cấp chính phủ, mà còn đứng trước nguy cơ phải ngồi tù. Cô bị nghi ngờ đã dàn xếp cùng Townsend để gian lận tiền trợ cấp, thậm chí còn có thể bị tước quyền nuôi con vĩnh viễn. 

"Chúng tôi sẽ đến và đón con của chị bất kỳ lúc nào" - họ đã dọa Fairchild như thế.

Fairchild hoảng loạn thực sự, vì cô biết chắc chắn chúng là con của cô. Cha mẹ cô cũng vậy, tất cả cảm tưởng như đây là một trò đùa của các nhà cầm quyền.

"Tôi nghĩ con bé đùa, nhưng rồi nó bắt đầu khóc. Tôi đã ở đó, tận mắt thấy những đứa trẻ ra đời và bế chúng trên tay" - bà Carol Fairchild cho biết.

"Con gái tôi đâu phải kẻ nói dối?" - Rod Fairchild giận dữ nói.

Mọi chuyện sau đó được đưa ra tòa. Nhằm đảm bảo không có nhầm lẫn gì, Fairchild lại được xét nghiệm ADN thêm một lần nữa. Kết quả vẫn vậy, những đứa trẻ không phải con cô.

Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con - Ảnh 3.

Fairchild trong một lần trả lời phỏng vấn

Fairchild và gia đình hoảng sợ thật sự. Họ sợ mọi tiếng gõ cửa, vì đó có thể là âm thanh mang các con đi mất. Tất nhiên, vì mọi bằng chứng - đặc biệt là xét nghiệm ADN, thứ không thể làm giả - đều đang chống lại cô. Cô cũng chẳng thể tự biện minh vì bản thân cũng chẳng hiểu được chuyện gì đang xảy ra.

Nhưng rồi mọi chuyện đã được làm sáng tỏ. Năm 2006, một trong số các bác sĩ thân cận đã lục tìm trong kho tư liệu khổng lồ của ngành y, và tìm ra một trường hợp tương tự xảy ra vào năm 1998, với người phụ nữ tên Karen Keegan.

Hai người phụ nữ, chung một số phận

Đó sẽ là một ngày rất đẹp trời vào năm 1998, nếu như Keegan không nhận được một cuộc gọi "lạnh sống lưng" từ bệnh viện. Bà cần phải ghép thận.

2 con trai bà là những người đầu tiên được xét nghiệm để kiểm tra độ phù hợp trước khi cấy ghép. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lại chỉ ra một sự thật thực sự bất ngờ: Keegan không phải mẹ đẻ của con mình. 

"Mọi đứa trẻ sẽ thừa hưởng gene di truyền từ bố, mẹ hoặc cả hai. Trong trường hợp của Keegan, cả hai đứa trẻ đều không chia sẻ ADN của bà. Chúng không phải con trai bà, dù thực sự bà đã đẻ ra chúng" - trích lời Lynne Uhl, bác sĩ từ Bệnh viện Beth Israel Deaconess tại Boston.

Keegan cũng đã nghe những lời tra khảo giống như những gì Fairchild từng trải qua. Nhiều giả thuyết được đưa ra: sai sót từ bệnh viện, do thụ tinh ống nghiệm, thậm chí Keegan có thể là kẻ lừa đảo. 

Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con - Ảnh 4.

2 người phụ nữ, chung số phận (Ảnh minh họa)

Các bác sĩ sau đó đã nỗ lực đi tìm lý do. Họ lấy rất nhiều mẫu ADN trên cơ thể Keegan: máu, tóc, niêm mạc miệng... Chẳng có thứ gì trùng khớp với ADN của con trai cô. Tuy nhiên, Keegan chợt nhớ ra mình đã từng phải cắt một phần tuyến giáp, và nó vẫn được giữ trong một phòng thí nghiệm tại Boston. Không ngờ rằng, đó lại là chìa khoá phá giải mọi vấn đề. 

Uhl cho biết, Karen Keegan là một "chimera" - hiện tượng người có nhiều hơn một kết cấu di truyền. Hóa ra mẹ của Keegan đã mang song thai, nhưng trong giai đoạn đầu hai trứng đã hợp làm 1. Đứa trẻ sinh ra có đến hai bộ mã ADN: một của Keegan, một của người chị em song sinh. Và khi cô sinh con, đứa trẻ lại thừa hưởng mã di truyền của người chị em song sinh kia.

Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con - Ảnh 5.

Fairchild và đứa trẻ thứ 4 - em bé đã dập tắt hoàn toàn nghi ngờ của các nhà chức trách

Chuyện tương tự cũng được xác nhận đã xảy ra với Fairchild. Tuy nhiên vào thời điểm đó, quan tòa cũng không tin. Chỉ đến khi trực tiếp đến quan sát cô sinh đứa con thứ 4, sau đó thực hiện xét nghiệm huyết thống, họ mới chính thức "chào thua": đứa trẻ sinh ra vẫn không phải con sinh học của Fairchild.

Có thể chính bạn cũng mang trong mình 2 bộ gene 

Chimerism đến nay vẫn là một hiện tượng rất hiếm, với chỉ 30 trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới. Những trường hợp như Lydia Fairchild và Karen Keegan có thể nói là cực kỳ hy hữu trên cuộc đời này. 

Tuy nhiên, cũng có thể nó không hiếm như chúng ta tưởng. Khoa học đã từng chứng minh rằng khi mang thai, mẹ và thai nhi xảy ra sự trao đổi tế bào theo hai chiều. Nên trong một số trường hợp hy hữu, người mẹ sau khi mang thai có thể trở thành một Chimera.

Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con - Ảnh 6.

Chúng ta có thể mang trong mình một bộ gene khác

Tất nhiên, chuyện các bào thai hấp thụ lẫn nhau là điều khá hiếm, nhưng nó có thể trở nên phổ biến hơn. 

Công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm đang phát triển, kéo theo tỉ lệ các cặp sinh đôi, thậm chí là sinh ba tăng lên, và hiển nhiên tỉ lệ xuất hiện Chimera cũng vậy. 

Người phụ nữ sinh ra con nhưng chẳng phải mẹ ruột, suýt ngồi tù và bị tước cả quyền nuôi con - Ảnh 7.

Những đứa trẻ chimera có thể có 2 màu mắt, 2 màu da chỗ đậm chỗ nhạt

Hơn nữa, Chimera hiếm cũng một phần là vì không phải ai sinh ra cũng được mang đi xét nghiệm. Chỉ có những trường hợp hy hữu, với nhiều sự kiện trùng hợp xảy ra cùng lúc, người ta mới nhận ra điều đó mà thôi.

Thế nên biết đâu đấy, có thể chính bạn đang mang trong mình một bộ gene của người anh em song sinh thì sao nhỉ?

Tham khảo: ABC, BI, Extraordinary People