Cha qua đời, cô gái quyết định không mua gì mới suốt 200 ngày để rồi rút ra được bài học cuộc đời

Skye, Theo Thời Đại 20:00 23/06/2017

Chúng ta không cần quá nhiều đồ đạc, vật chất để sống một cuộc đời hạnh phúc. Đó là chân lý mà cả đời mải miết, chúng ta mới thực sự hiểu được.

Cuộc sống vật chất - cuộc sống tinh thần, điều gì quan trọng hơn? 

Trăn trở với câu hỏi này suốt cả cuộc đời mà chẳng ai tìm được câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta luôn nghĩ rằng những giá trị vật chất sẽ giúp thỏa mãn đời sống tinh thần. Nghe có vẻ đơn giản, có tiền mua quần áo, đồ hiệu thì sẽ vui, sẽ hạnh phúc?

Vậy nhưng có những thứ, chúng ta chẳng động tay vào đến lần thứ hai. Có một muốn hai, có hai lại muốn hơn nữa, cứ thế, chúng ta không bao giờ thỏa mãn. Để rồi đến khi qua đời, chẳng ai mang theo được hết những thứ vô nghĩa như vậy trong cuộc đời ta. 

Cha qua đời, cô gái quyết định không mua gì mới suốt 200 ngày để rồi rút ra được bài học cuộc đời - Ảnh 1.

Lúc đó, chúng ta mới hiểu rằng, con người bị ám ảnh về sở hữu vật chất như thế nào. Như cô con gái trong câu chuyện này đã nhận ra sau khi người cha mình qua đời:

"Một vài tháng trước, tôi đã trải qua một điều tồi tệ nhất của cuộc đời mình: Cha tôi qua đời.

Căn bệnh ung thư đã cướp ông và cả một khoảng trong tâm hồn tôi đi mãi. Khi tôi nhìn lại quãng thời gian sau khi ông qua đời, mọi thứ thật sự khó khăn. Và điều đau khổ nhất là việc bạn không thể có thời gian một mình để đau khổ cho sự ra đi của cha mình.

Trong xã hội này, bạn không thể ngồi than khóc cho một người ra đi - bạn cần phải làm việc. Không chỉ công việc của bạn mà còn cả một đống giấy tờ, thu xếp gặp mặt nhiều người rồi các thủ tục pháp lý khác. Cuối cùng, khi mọi thứ đã xong, tôi phải dọn dẹp căn nhà của cha mình. Tôi không biết rằng, đây là một công việc đầy cay đắng đến vậy

Khi nhìn lại từng món đồ cũ của cha mình, tôi cảm thấy niềm đau mất cha và sự hiện diện của ông ở mọi nơi. Tôi mất tới vài tuần để dọn dẹp, phân loại đồ đạc trong nhà của cha mình. Có những thứ bán, quyên tặng, tái sử dụng; có những thứ chỉ đơn giản là vứt đi...

Vứt đi những thứ đó, tôi đã vứt đi cả một cuộc sống với thói quen tích lũy mà cha mình từng có. 

Bố tôi đã đổ ra nhiều thời gian, tiền bạc và nỗ lực để có được những món đồ này - chỉ để rồi lại phải vứt chúng đi đầy khó nhọc. Chúng ta đang phá hủy hành tinh của thế hệ tương lai chỉ để tận hưởng những niềm vui vật chất ngắn ngủi mà nhiều lúc, chúng ta còn chẳng dùng tới nó.

Tôi quyết định rằng tôi sẽ không sống một cuộc đời như vậy. Vì vậy, tôi quyết định một thử nghiệm cho cuộc sống của mình: 200 ngày không mua sắm gì mới, ngoại trừ hàng tiêu dùng, thuốc men, các đồ cá nhân cần thiết.

Như bao người với mức thu nhập ổn định, tôi chưa bao giờ cảm thấy phải tuân thủ theo phép tắc chi tiêu nào hết. Nếu tôi có thể mua, và thậm chí là không thể thì tôi cũng nghĩ "sao không mua?". Tôi có thể sống 200 ngày mà không mua sắm gì không?

Tôi có thể, chắc chắn vậy. Và sau 200 ngày, tôi đã nhận ra được nhiều điều:

1. Có quá nhiều thứ trên thế giới này. Khi tôi vào xem thử các cửa hàng, các trang bán hàng trực tuyến, các nhóm mua sắm Facebook, tôi cảm thấy khá shock trước lượng hàng hóa mà con người tạo nên. Hàng đống quần áo, nội thất, đồ gia dùng... Rồi tất cả chúng sẽ bị quẳng đi để nhiều thứ mới khác được sản xuất. Chúng ta không cần nhiều như thế.

2. Mọi người mua đồ đạc như một sự "cưỡng ép". Chúng ta mua sắm đôi khi không phải vì chúng ta cần nó, hay thậm chỉ là muốn. Nó như có gì đó thôi thúc và bắt chúng ta phải mua.

3. Người ta luôn cảm thấy không muốn dùng những thứ đồ secondhand. Nhiều người nghĩ rằng mua quần áo, nội thất cũ là cái gì đó không văn minh và bẩn thỉu. Tôi thấy gần như không có gì khác biệt cả.

4. Thừa thãi, đi đâu cũng ngập tràn sự thừa thãi. Trong suốt 200 ngày, tôi nhận ra rằng tôi không cần đến những cửa hàng lớn để mua những thứ tôi cần. 

5. Tôi sẵn sàng trả tiền cho những người bán đồ cũ, thay vì cho các doanh nghiệp. Khi đi mua sắm tại những nơi như vậy, tôi thấy rằng phần lớn mọi người đều chân thành và nhiệt tình. Họ không làm giàu được vì công việc này mà chỉ muốn chia sẻ một phần trong cuộc sống của mình với người khác. 

200 ngày của tôi không phải là một trải nghiệm để thử lối sống bền vững hay tối giản. Đó là một hành trình thay đổi bản thân cần thiết. Khi ai đó qua đời, bạn hy vọng rằng mọi thứ rồi sẽ qua đi để trở lại với cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, trải nghiệm này đã thay đổi tôi một cách sâu sắc. Có lẽ ít nhất, đó là cách tôi nhìn nhận cuộc sống vật chất xung quanh khi nghĩ về việc mua đồ".