Chàng trai mang món "pháp khí" đi kiểm định khiến cả trường quay kinh hãi, chuyên gia lắc đầu: Cầm về đi, tôi không định giá!

TAMMY, Theo Pháp luật 14:26 19/07/2021

Khi nghe tới vật liệu làm nên món "pháp khí", toàn bộ khán giả trong trường quay đều "toát mồ hôi hột".

Trong 10 năm trở lại đây, các chương trình kiểm định bảo vật trở nên cực kỳ phổ biến tại đất nước tỷ dân, mỗi đài truyền hình địa phương đều sản xuất những show kiểm định riêng, nổi bật phải kể tới Kiểm định bảo vật (CCTV), Hoa Dự Chi Môn (Đài truyền hình tỉnh Hà Nam) hay Thiên hạ sưu tầm (Đài truyền hình Bắc Kinh).

Điều tạo nên sức hấp dẫn của chương trình này không phải giá trị vật chất mà chính là những câu chuyện lịch sử, văn hóa đằng sau mỗi bộ sưu tập, điều chỉ những chuyên gia hàng đầu mới có khả năng khơi gợi nên.

Trong tập phát sóng lần này của Kiểm định bảo vật, một chàng trai trẻ tuổi đã phát hiện ra câu chuyện khó tin bên trong món bảo vật mà cha con anh luôn trân trọng cất giữ.

Chàng trai mang món pháp khí đi kiểm định khiến cả trường quay kinh hãi, chuyên gia lắc đầu: Cầm về đi, tôi không định giá! - Ảnh 1.

Chàng trai trẻ mang tới Kiểm định bảo vật một món "pháp khí" của Mật Tông Tây Tạng (Ảnh: Sohu)

Chàng trai mang tới sân khấu một món "pháp khí" có hình dạng giống cái bát. Anh cho biết vào những năm 1950, cha anh là một trong những bác sĩ xung phong lên vùng cao nguyên Tây Tạng giúp đỡ người dân nghèo. Tại đây, ông đã cứu chữa cho rất nhiều người bệnh, được người dân địa phương quý mến.

Để tỏ lòng biết ơn với người y sĩ, một vị lạt ma (cao tăng Mật Tông - pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn độ giáo và Phật giáo Đại thừa) đã trao cho ông một món "pháp khí". Theo đó, "pháp khí" là những dụng cụ để kính lễ, tán tụng, cúng dường... nay vị lạt ma tặng lại cho ân nhân như một lời chúc phúc.

Món "pháp khí" trong chương trình có hình dạng giống cái bát, màu trắng hơi trong như làm bằng nhựa hoặc thủy tinh. Song cảm giác khi chạm vào vật liệu rất lạ, chàng trai thú nhận mình cũng không rõ nó làm từ chất liệu gì.

Vị chuyên gia quan sát món "pháp khí" rồi từ tốn giải thích: "Không phải nhựa hay thủy tinh đâu, món đồ này được làm từ pha lê, vàng và sọ người!"

Bát Ca Ba Lạp - chiếc bát làm bằng sọ người

Nghe tới đây, cả trường quay đều kinh hãi, tại sao lại có món đồ được làm từ sọ người?

Chuyên gia cho biết thật ra đây không phải điều bất thường. Từ xa xưa, Mật Tông Tây Tạng đã thịnh hành việc dùng xương người để chế tạo các loại pháp khí, với ý chỉ sinh mệnh con người là ngắn ngủi, vô thường.

"Pháp khí" này có tên chính xác là bát Ca Ba Lạp hay còn được gọi là "cúng lư pháp khí", thường dùng để cúng dường. "Ca Ba Lạp" dịch từ âm tiếng Phạn, nghĩa là "giữ gìn niềm vui", tượng trưng cho "đại bi" và "tính không".

Chàng trai mang món pháp khí đi kiểm định khiến cả trường quay kinh hãi, chuyên gia lắc đầu: Cầm về đi, tôi không định giá! - Ảnh 2.

Theo các ghi chép trong các thư tịch truyền lại của Mật Tông Tây Tạng, có không ít những "pháp khí" được chế tạo từ xương người

Hộp sọ dùng làm bát thường được hiến bởi một vị lạt ma lỗi lạc, uyên thâm để trí tuệ của họ được lưu truyền tới hậu thế. Bát Ca Ba Lạp có thể được dùng trong các nghi lễ hoặc để người tu hành dùng khi đi khất thực.

Nghe tới đây, chủ nhân món bảo vật và cả trường quay đều ngỡ ngàng, không ai ngờ rằng đằng sau chiếc bát tưởng như bình thường lại có câu chuyện đặc biệt tới vậy.

Bát Ca Ba Lạp chàng trai mang tới ngày hôm nay còn có đế bằng vàng ròng, bên trong bát khảm những hoa văn hình ngọn lửa, bông hoa, tượng trưng cho công đức và trí tuệ. Đây chắc chắn là một bảo vật thật, không thể là hàng nhái!

Chàng trai mang món pháp khí đi kiểm định khiến cả trường quay kinh hãi, chuyên gia lắc đầu: Cầm về đi, tôi không định giá! - Ảnh 3.

Chuyên gia khuyên chàng trai đừng đem bán một bảo vật có giá trị văn hóa, tâm linh (Ảnh: CCTV)

Chàng trai vui mừng hỏi thêm chiếc bát của mình đáng giá bao nhiêu tiền. Chuyên gia chỉ mỉm cười lắc đầu: "Món pháp khí này có giá trị văn hóa, tâm linh rất lớn. Không dễ gì mà một cao tăng trao pháp khí của mình cho người khác, cậu nên trân trọng nó chứ đừng đem đổi lấy tiền bạc. Cậu về đi, tôi sẽ không định giá!"

Chàng trai trẻ nghe câu trả lời thì hơi ngại ngùng, xấu hổ anh cúi đầu cảm ơn chuyên gia rồi hứa sẽ mang bảo vật về gìn giữ cẩn thận.