“Chê” vàng biến động, mang tiền đi đầu tư chứng khoán: Lỗ gần 50 triệu trong 4 tháng, lãi duy nhất là một bài học xương máu

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 11:09 19/04/2024

“Phải mất tiền mới nhận ra không có thị trường nào ngon ăn”.

Nếu là người quan tâm tới biến động của thị trường vàng, chắc hẳn bạn sẽ biết từ tháng 12/2023 đến nay, giá vàng gần như liên tục tăng, những đợt giảm cũng có nhưng không đáng kể.

Là một người đã có thói quen mua vàng hàng tháng từ cách đây 2 năm, Ngọc Thắng (27 tuổi) cho biết đã ngưng mua vàng từ tháng 12 năm ngoái, vì giá vàng quá cao. Số tiền dùng để mua vàng hàng tháng, Ngọc Thắng “đổ” vào chứng khoán.

Sau 4 tháng “chân ướt chân ráo” nhảy vào thị trường, Ngọc Thắng cho biết bản thân không lãi được đồng nào.

Quyết định rời khỏi thị trường sau khi lỗ gần 50 triệu trong 4 tháng

Trước đây, khi giá vàng vẫn còn ổn định ở mức 59-65 triệu đồng/lượng, tháng nào Ngọc Thắng cũng mua 1 chỉ. Tuy nhiên, khi giá vàng vọt lên “đầu 7”, anh đã quyết định không mua vàng nữa. Lúc ấy, Ngọc Thắng cũng băn khoăn không biết nên gửi tiết kiệm, hay cứ để tiền ở đó, đợi giá vàng xuống rồi “mua một thể”.

“Mình không phải người chi tiêu hoang phí hay mua sắm quá nhiều, đàn ông con trai mà cũng chẳng có nhiều thứ phải tiêu. Nếu duy trì thói quen mua 1 chỉ vàng/tháng với mức giá cao như từ tháng 12/2023 đến giờ, chi tiêu hàng tháng của mình cũng bị ảnh hưởng. Gửi tiết kiệm thì lãi hơi thấp, để tiền đó thì lại thấy cứ tiêng tiếc. Cuối cùng mình quyết định đầu tư chứng khoán” - Ngọc Thắng kể lại.

“Chê” vàng biến động, mang tiền đi đầu tư chứng khoán: Lỗ gần 50 triệu trong 4 tháng, lãi duy nhất là một bài học xương máu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong hai tháng đầu năm 2024, số vốn mà Ngọc Thắng dùng để mua cổ phiếu là 20 triệu đồng. Đây là một phần khoản tiền thưởng Tết cùng với khoản tiền mà lẽ ra anh đã dùng để mua vàng.

Đến ngày 18/3, khi TTCK lao dốc, giảm 30 điểm về mức 1230 điểm, Ngọc Thắng đã “lỗ nhẹ”. Tuy nhiên, thay vì bán tháo, Ngọc Thắng lại dùng thêm 28 triệu để bắt đáy.

“Mình nhận lương vào ngày 15 hàng tháng, số tiền 28 triệu mà mình dùng để bắt đáy ngày 18 ấy, một phần là tiền lương, một phần là tiền mình đi vay. Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản là thị trường xuống dốc là cơ hội để mình mua vào nên mình cứ mạnh dạn chi tiền và vay mượn trong khả năng thôi” - Ngọc Thắng chia sẻ.

Sau phiên giảm điểm ngày 18/3, thị trường bắt đầu hồi phục và tăng trở lại. Ngọc Thắng vui ra mặt vì quyết định bắt đáy của mình. Tuy nhiên, tới ngày 15/4 vừa qua, khi TTCK giảm tới 60 điểm, Ngọc Thắng đã phải bán tháo cắt lỗ.

“Chê” vàng biến động, mang tiền đi đầu tư chứng khoán: Lỗ gần 50 triệu trong 4 tháng, lãi duy nhất là một bài học xương máu - Ảnh 2.

Sắc đỏ ám ảnh các nhà đầu tư chứng khoán vào ngày 15/4 vừa qua

"Suốt từ 18/3 tới 15/4, mình chỉ quan sát thị trường và không mua vào cũng không bán ra do phải trả nợ khoản tiền đi vay để bắt đáy. Trong phiên giao dịch sáng 15/4, nếu bán lúc đó là mình lỗ khoảng 35 triệu so với số vốn đã bỏ ra, cũng xót nên mình vẫn cố giữ. Nhưng đến phiên buổi chiều, khi thị trường giảm gần 57 điểm thì mình không giữ nổi nữa, đành phải cắt lỗ” - Ngọc Thắng ngậm ngùi kể và không quên thốt ra một câu giá như “biết thế đã bán từ phiên sáng”.

Vì “một chút đắn đo”, Ngọc Thắng cho biết bản thân đã lỗ khoảng 48 triệu đồng trong phiên giao dịch chiều 15/4. Khi được hỏi về các mã cổ phiếu mà bản thân đã mua, Ngọc Thắng từ chối chia sẻ, chỉ khẳng định anh không đầu tư quá nhiều vào nhóm cổ phiếu Penny.

“Mình dành khoảng 75% cho các mã Bluechips, 25% cho các mã Penny. Cái này cũng là do kiến thức mình học mót được ở trên mạng, biết chắc Bluechips an toàn hơn Penny, nhưng lúc mà thị trường đã giảm sâu quá thì tất Bluechips cũng lỗ như Penny thôi” - Ngọc Thắng chia sẻ.

Lãi một bài học đắt giá: “Không có thị trường nào là ngon ăn”

Hiện tại, Ngọc Thắng đã rời khỏi TTCK. Nhìn lại 4 tháng ngắn ngủi với khoản lỗ 48 triệu đồng của mình, Ngọc Thắng cố an ủi bản thân rằng mình không lãi tiền nhưng lãi bài học.

“Mình có 2 cái may. Cái may thứ nhất là tiền mình mang đi đầu tư chủ yếu là tiền của mình, có vay nhưng không đáng kể và không quá khả năng trả nợ. Cái may thứ hai là mình tỉnh ngộ sớm” - Ngọc Thắng kể.

Sự tỉnh ngộ mà anh đề cập có thể gói gọn trong hai gạch đầu dòng dưới đây.

1 - “Đừng ỷ lại vào môi giới chứng khoán”

Ngọc Thắng nhấn mạnh điều này và khẳng định trong những lúc thị trường giảm điểm, chính người môi giới cho anh cũng không dám đưa ra một lời khuyên cụ thể và chắc chắn.

“Chê” vàng biến động, mang tiền đi đầu tư chứng khoán: Lỗ gần 50 triệu trong 4 tháng, lãi duy nhất là một bài học xương máu - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

“Môi giới có tâm và chuyên nghiệp sẽ không bao giờ phím hàng, đưa cho mình một danh mục chắc ăn để mình mua vào, cũng không khuyên mình nên giữ hay nên bán. Họ chỉ giúp mình phân tích, quyết định ra sao mình vẫn phải là người đưa ra. Cái sai của mình là ngay từ đầu đã có tư duy ỷ lại vào môi giới, thế nên lúc thị trường giảm mình càng luống cuống hơn” - Ngọc Thắng chia sẻ.

2 - “Đừng đợi đến lúc mất sạch mới đi học”

“Xung quanh mình cũng có nhiều người tay ngang và thành công, nên mình nghĩ chứng khoán cũng dễ chơi, ngon ăn chứ có gì đâu mà sợ. Đến lúc lỗ và rút chân khỏi thị trường rồi, mình mới nhận ra nếu đã lỗ thì chẳng ai muốn kể ra đâu. Họ chỉ hào hứng lúc đang lãi thôi. Mình cũng thế, nên là chẳng trước thì sau, kiểu gì cũng phải học thôi” - Ngọc Thắng kể.

Hiện tại, Ngọc Thắng cho biết anh không mua vàng, cũng không “rót” thêm tiền vào TTCK mà đã dùng tiền để đi học - như những gì anh vừa chia sẻ.