Chính trị gia Hàn Quốc gây tranh cãi vì màn xuất hiện như minh tinh tại sân bay

Trang Đỗ, Theo Thời Đại 11:37 26/05/2017

Có mặt tại sân bay Gimpo ở Seoul, chính trị gia Hàn Quốc Kim Moo-sung đã khiến dư luận chú ý khi tỉnh bơ đẩy vali cho trợ lý xách giùm mà không hề cất tiếng nhờ vả hay nhìn ngó xung quanh xem có ai sẵn sàng giúp đỡ mình.

Đoạn video quay lại màn xuất hiện đầy phong cách của chính trị gia Hàn Quốc Kim Moo-sung đã gây bão cộng đồng mạng những ngày qua.

Có mặt tại sân bay Gimpo ở Seoul vào ngày thứ Ba (23/5) sau chuyến đi tới Nhật Bản, ông Kim Moo-sung đã tỉnh bơ khi đẩy chiếc vali của mình cho trợ lý xách giùm. Điều khiến người ta bất ngờ đó là bởi ông Moo-sung thản nhiên đẩy chiếc vali ra xa mà không hề cất tiếng nhờ vả hay nhìn ngó xem có ai sẵn sàng giúp đỡ mình hay không. Tất cả mọi việc diễn ra như thể là một điều hiển nhiên, không cần bàn cãi.

Chính trị gia Hàn Quốc gây tranh cãi vì màn xuất hiện như minh tinh tại sân bay - Ảnh 2.

Toàn bộ cảnh tượng đặc biệt này đã lọt vào ống kính phóng viên và nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người lên tiếng chỉ trích và cho rằng dù chỉ là hành động nhỏ nhưng nó cũng cho thấy thái độ quan liêu cũng như lạm quyền của ông Moo-sung.

Đứng trước những lời chỉ trích, ông Moo-sung cho biết "Tôi chẳng thấy có vấn đề gì. Phóng viên nên dành thời gian và tâm trí cho những tin tức quan trọng hơn".

Chính trị gia Hàn Quốc gây tranh cãi vì màn xuất hiện như minh tinh tại sân bay - Ảnh 3.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Moo-sung (nghị sĩ quốc hội từ năm 1996 và cũng là thành viên của đảng bảo thủ Baerun) khiến dư luận bức xúc.

Vào năm 2015, trong một sự kiện từ thiện, ông Moo-sung đã nói với sinh viên 26 tuổi người Nigeria rằng "Màu da của bạn cũng như màu của chiếc bánh mì này vậy".

Ông Moo-sung sau đó đã phải xin lỗi vì bình luận khiếm nhã này của mình. "Đó là lời nhận xét khiếm nhã và tôi đã không nhận ra rằng một lời thể hiện sự thân tình cũng có thể gây tổn thương cho người khác".

Ở Hàn Quốc, hiện tượng người có vị trí cao bắt nạt người cấp thấp có tên là "gapjil". Vào năm 2016, có 1.289 ca "gapjil" được ghi nhận, trong đó, 90% người có hành vi cư xử thô lỗ là nam giới.