Christopher Nolan - "Cái tôi" đắt giá giữa lòng Hollywood

Nguyễn Vân, Theo Trí Thức Trẻ 17:02 04/08/2017

Ở tuổi 46, Christopher Nolan này là người hiếm hoi có thể tự tạo ra một thế giới điện ảnh mang đậm tính cá nhân giữa lòng Hollywood thực dụng.

"Có nhiều nhà làm phim thường tự hào với việc một cho hãng phim, một cho cá nhân nhưng bản thân tôi thì khác. Tôi có cơ hội mà rất ít người có thể có được, đó là thực hiện những dự án lớn mà người đạo diễn có quyền kiểm soát hoàn toàn và biến nó thành một sản phẩm mang đậm tính cá nhân. Vậy nên, tôi cũng cảm thấy trách nhiệm to lớn là phải tận dụng nó một cách tối đa" - Christopher Nolan chia sẻ.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 1.

Khởi nghiệp bằng phim ngắn Following, một tác phẩm hình sự - bí ẩn vào năm 1998, Nolan đã tiến xa hơn trên con đường sự nghiệp bằng nhiều dự án phim khoa học - viễn tưởng, tâm lý – siêu anh hùng. Gần 20 năm sau, với sự ra đời của Dunkirk, Christopher Nolan đã có dịp bổ sung thêm yếu tố lịch sử - chiến tranh vào thế giới điện ảnh riêng. Một thế giới được dựng lên bởi hai "thành tố" quan trọng: những anh hùng bất hạnh và mê cung thời gian.

Bi kịch của những người hùng đơn độc

Chủ nghĩa anh hùng luôn hiện diện trong hầu hết các tác phẩm của Christopher Nolan. Nhưng không giống với cách khắc họa của nhiều đạo diễn khác, hình tượng người hùng qua góc nhìn điện ảnh của Nolan mang nhiều sự trầm mặc, đớn đau và thường bị nhấn chìm trong biển dài bi kịch.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 2.

Batman - một siêu anh hùng của thế giới truyện tranh dưới bàn tay "hồi sinh" của Nolan trên màn ảnh đã trở thành một biểu tượng mới gần gũi, chân thật nhưng cũng dằn vặt hơn. Xuyên suốt ba phần phim Batman, hình ảnh Bruce Wayne hiện ra là một người đàn ông cô độc luôn phải trải qua nhiều bi kịch đau đớn: từ việc mất cha mẹ cho đến những dằn vặt giữa bạn bè và tình yêu hơn là một tỷ phú rảnh rỗi với sở thích làm siêu anh hùng bóng đêm.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 3.

Phi hành gia Cooper trong Interstellar (2014) chọn cách ra đi, bỏ lại hai đứa con thơ bé nơi Trái đất đang chết dần để tìm kiếm sự sống giữa vũ trụ bao la. Khoảnh khắc Cooper chứng kiến con gái mình càng lúc càng già đi theo năm tháng trong khi bản thân anh thì chỉ mới trải qua vài giờ ngắn ngủi là cả một bi kịch chua xót không thể nói nên lời.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 4.

Không cha mẹ nào nên chứng kiến cảnh đứa con yêu thương của mình mất đi."Đặc biệt là phải nhìn chúng già đi khi mình vẫn còn trẻ

Anh chàng "đánh cắp giấc mơ" Copp của Inception (2010) hay Leonard của Memento (2000) đều là những gã đàn ông mạnh mẽ, quyết đoán nhưng trong thâm tâm lại bị hủy hoại trước cái chết của người yêu thương.

Trong bộ phim chiến tranh sử thi Dunkirk, Nolan chủ đích không xây dựng nên một hình tượng người anh hùng cụ thể nào. Toàn bộ diễn biến phim được dùng để khắc họa cuộc đào tẩu "vĩ đại" của quân đội Anh trước sự dồn ép khốc liệt của lính phát xít Đức trên chiến trường Dunkirk bi thảm. Một cuộc chiến giành giật sự sống và trở về nhà trở thành mục tiêu tối thượng.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 5.

Dù vậy, Dunkirk vẫn là một bộ phim phảng phất dấu ấn người hùng của Nolan. Nếu những người dân thường tình nguyện đem thuyền cá nhân di tản lính Anh là người hùng vô danh nói chung thì anh phi công thuộc Không lực Hoàng gia Anh Farrier chính là mẫu anh hùng cá nhân trên chiến trường. Bất chấp việc bình xăng đang cạn kiệt, Farrier vẫn cương quyết truy đuổi và hạ gục máy bay kẻ thù, giúp cho đồng đội phía dưới có thêm cơ hội sống sót. Âm thầm, lặng lẽ và sự hy sinh ở cuối phim đã góp phần đưa Farrier trở thành "người hùng" mới nhất trong thế giới của Nolan.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 6.

Anh hùng trong chiến đấu…

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 7.

Và anh hùng trong sinh tồn

Chủ nghĩa anh hùng trong phim Christopher Nolan gắn liền với bi kịch và sự lựa chọn. Những người đàn ông trải qua nhiều đau khổ, bất hạnh nhưng vẫn giữ vững ý chí kiên định của bản thân, thậm chí là có phần cố chấp. Chất anh hùng trong phim Nolan nằm trong sự lựa chọn của chính nhân vật, rồi từ đó hình thành nên những khoảnh khắc khó quên.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 8.

Bản thân Nolan cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt của James Bond - một biểu tượng anh hùng lớn của nước Anh

Mê cung xoắn vặn của thời gian

Không thể tạo ra cỗ máy thời gian, thế nên Christopher Nolan chọn cách "khống chế" thời gian trên màn ảnh và buộc nó phải phục vụ cho mục đích kể chuyện của mình.

Bộ phim đem lại tiếng vang đầu tiên cho Nolan là Memento nổi tiếng với khả năng "nhảy cóc" giữa hai dòng thời gian, một hiện tại và một nằm ở quá khứ, trong việc kể lại câu chuyện về một người đàn ông mất trí nhớ ngắn hạn.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 9.

Memento (2000)

The Prestige không chỉ xoay quanh hai nhân vật chính với hai hành trình khác biệt nhau, mà nó còn chọn cách kể chuyện xoắn vặn giữa quá khứ, hiện tại với tương lai để đánh lạc hướng khán giả. Trong phần phim đầu tiên, Batman Begins, Nolan cũng chọn cách mô tả quá khứ - thực tại để khắc họa quá trình Bruce Wayne trở thành Batman.

Mới đây nhất trong Dunkirk, người xem lại tiếp tục được "chiêm ngưỡng" niềm đam mê bất tận của Nolan dành cho "anh bạn" thời gian trên màn ảnh. Ông chọn cách kể lại câu chuyện di tản ở Dunkirk qua ba góc nhìn khác nhau (trên trời, dưới biển và trên đất liền) với ba dòng thời gian hoàn toàn tách biệt. Chỉ đến 30 phút cuối cùng, sau khi đã "thử thách" người xem, Nolan mới làm họ "vỡ òa" khi liên kết ba dòng truyện riêng biệt tại một điểm chung duy nhất.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 10.

"Interstellar" và "Inception"

Theo dõi tất cả các nhân vật ở ba tuyến truyện tách biệt nhau cùng hội ngộ trên chiếc tàu du lịch nhỏ bé giữa bom lửa chiến tranh khiến khán giả cảm thấy nghẹn ngào, thỏa mãn. Điều đó chẳng hề kém cạnh việc chứng kiến "kẻ cắp giấc mơ" Leonardo cùng đồng bọn chạy trốn khỏi cơn mộng mị trong đầu chàng tỷ phú trẻ khi thời gian dần cạn kiệt của Inception.

"Tôi luôn bị thu hút với những thứ tương tự như mê cung. Tôi không muốn nhìn ngắm nhân vật bị mắc kẹt trong mê cung và bực bội nhìn họ đưa ra những lựa chọn sai lầm. Tôi muốn được ở trong mê cung với họ, đứng trên góc nhìn của họ, điều đó thật hấp dẫn làm sao…"

Không giống như hai thần tượng điện ảnh Stanley Kubrick và Ridley Scott - những vị đạo diễn thích tạo ra những tác phẩm triết học trừu tượng, phim của Nolan có sự cân bằng tốt giữa giải trí với nghệ thuật. Ông không muốn người xem phân tích ý nghĩa tác phẩm của mình qua các tình tiết. Điều mà Nolan muốn, với tư cách là một người kể chuyện, chính là làm sao đem đến những tác phẩm điện ảnh có khả năng buộc người xem tưởng tượng xa hơn những hình ảnh mà ông đã dày công phô bày.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 11.

Có lẽ nhờ thế mà phim của Nolan không quá đơn giản với những nhà phê bình nhưng cũng vừa đủ uyên thâm với khán giả đại chúng. Còn với những người say mê điện ảnh, các tác phẩm của Nolan là làn gió khác biệt mang theo cái tâm và nhiệt huyết nóng bỏng của một con người thật sự yêu phim ảnh.

"In Nolan,we trust"

Christopher Edward Nolan sinh ra tại thủ đô Luân Đôn, nước Anh vào ngày 30/7/1970. Ông là con trai thứ hai trong một gia đình có cha là một nhà quản lý quảng cáo người Anh, còn mẹ là một giáo tiếng Anh kiêm tiếp viên hàng không người Mỹ. Tự mày mò làm phim từ năm lên 8 với chiếc camera Super-8 của cha, đến năm 11 thì Nolanđã xác định ước mơ lớn nhất trong cuộc đời chính là phải trở thành một nhà làm phim.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 12.

The Prestige (2006)

Chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo điện ảnh chính quy nhưng giờ đây, sau hơn 15 năm trong nghề với 10 bộ phim tự viết kịch bản kiêm đạo diễn, Christopher Nolan có thể tự hào vì những thành quả mà ông đạt được. 8 trên 10 bộ phim của Nolan luôn được đánh giá cao về mặt chuyên môn, từng nằm trong danh sách nhiều bộ phim hay nhất trong thế kỷ 21. Về doanh thu phòng vé, các phim do Nolan làm đạo diễn từ năm 2005 đến 2014 đã thu về xấp xỉ con số 4,2 tỷ USD.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 13.

Christopher Nolan luôn xuất hiện với phong cách thời trang lịch lãm đậm chất quý ông.

Từ vị trí đạo diễn của những phim độc lập kinh phí thấp, Nolan đã dấn thân và trở thành một trong những tên tuổi đủ khả năng cầm trịch dòng phim kinh phí lớn. Không những thế, tự thân Christopher Nolan còn trở thành một thương hiệu riêng đáng giá hàng tỷ đô.

Trong khi các đạo diễn khác vẫn loay hoay tìm cách "dung hòa" giữa dấu ấn riêng với thị hiếu người xem. Thì ở thế đối lập, Christopher Nolan lại trở thành người gần như duy nhất tạo ra những bộ phim mang đậm tính cá nhân nhưng vẫn vô cùng ăn khách.

Christopher Nolan - Cái tôi đắt giá giữa lòng Hollywood - Ảnh 14.

"Là một nhà làm phim, bất luận những điều tiêu cực nặng nề ra sao, bạn luôn phải chú ý tới những bình luận không tốt, những điều khiến khán giả yêu và ghét mà không thể phản ứng lại. Với tôi thì, tất cả chỉ đơn giản là làm theo những gì bản thân bạn thấy tin tưởng mà thôi".