Chung thuỷ trong thời đại Tinder

Linh K. Tran - Design: Tuấn Maxx, Theo Trí Thức Trẻ 22:40 04/08/2017

Trong thời đại ứng dụng hẹn hò nhiều như lợn con thế này, khi bạn đang tay trong tay với một người khác, liệu trong điện thoại bạn có nên cài sẵn Tinder - dù là chỉ để dòm-ngó-xung-quanh một cách vô hại?

*Đầu tiên là phải làm rõ điều này: Mình không phản đối Tinder vì bản thân mình cũng dùng và hiểu mỗi người có một mục đích khác nhau. Mình chỉ có vấn đề với những người có người yêu, vợ chồng hợp pháp rồi mà vẫn viện dẫn đủ lí do để tiếp tục dùng Tinder vì đối với mình như thế khá đạo đức giả.*

Hè này tôi về Việt Nam, cũng dùng Tinder như bao người trẻ khác trong cái thời đại mà hẹn hò qua mạng đang là xu thế mới này. Quẹt được vài lần thì bắt gặp không biết bao nhiêu gương mặt thân quen, trong đó đáng ngạc nhiên là nhiều người tôi biết rõ đã kết hôn từ lâu hoặc có người yêu lâu dài.

Không tính những người nhìn qua là biết profile lâu rồi không dùng, chủ yếu là ảnh cũ, có khả năng được lập ra từ trước khi họ bước vào mối quan hệ hiện tại và quên không xoá đi. Nhưng có những người profile mới được cập nhật gần đây, thông tin và các hình ảnh được chăm chút bóng loáng, nhưng hiển nhiên không có một dấu vết nào về vợ/người yêu họ.

Tôi đã từng hỏi một vài người bạn về chuyện này. Một chị có người yêu đang dùng Tinder bảo rằng chị biết anh ý dùng Tinder, nhưng chỉ quẹt thôi chẳng làm gì đâu, và chị thấy bình thường với chuyện đó. Còn một anh khác thì mặc dù đã có hôn thê, chuẩn bị cưới nhau đến nơi, nhưng vẫn dùng Tinder thường xuyên và giải thích rằng anh ở đây chỉ để swipe và "nói chuyện với bạn cũ."

Cơ mà. Thẳng vào vấn đề. Tinder là một ứng dụng điện thoại để hẹn-hò. Hẹn-hò. Tình thoáng qua. Tìm tri kỉ. Tìm người yêu. Tìm vợ/chồng. Tìm bạn đời. Tìm cái gì cũng được nhưng nếu nói là dùng Tinder để tìm bạn/nói chuyện với bạn bè thì, bạn đang cố lừa ai vậy?

Chung thuỷ trong thời đại Tinder - Ảnh 1.

Hơn thế là bản chất của việc quẹt. Đúng là cảm giác ngồi một chỗ vuốt màn hình trái phải có vẻ vô hại thật, nhưng tại sao bạn cảm thấy khó chịu khi phát hiện ra người yêu mình nhìn chằm chằm một cô gái đẹp đi đối diện, mà lại bằng lòng với chuyện anh ta, nói thẳng ra là, ngắm gái trên Tinder và match với một đống người sẵn sàng nhảy vào tán tỉnh anh ta ngay lúc nào? Vì nó chưa phải tiếp xúc vật lý nên chưa đáng lo ngại?

Trong quyển "Nghịch lý của sự chọn lựa – Tại sao nhiều hơn lại là ít hơn" (The paradox of choice – Why more is less), nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz phân tích rằng nhiều lựa chọn hơn chưa chắc đã khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, một người dù có chọn gì cũng sẽ khó cảm thấy hài lòng hơn vì ý thức được tất cả những thứ xung quanh mình đang bỏ lỡ.

Đặt vào trong bối cảnh Tinder, bất kể bạn có tuyệt vời bao nhiêu, bạn và người yêu có yêu nhau đến đâu, nếu cứ tiếp tục tìm kiếm và so sánh nhau với những con người tuyệt vời khác (ít nhất là về bề mặt) trên ứng dụng này, sẽ khó mà cảm thấy hài lòng với cái mình đang có. Chi phí cơ hội là quá cao.

Chung thuỷ trong thời đại Tinder - Ảnh 2.

Nếu mối quan hệ này của bạn có vấn đề gì, thì người kia đã có sẵn kế hoạch B (thật ra là cả CDE…XYZ) – một danh sách mấy chục match họ có thể với tay ra và gặp gỡ bất kì lúc nào. Khi người ta không sợ mất, luôn có những phương án dự phòng trong đầu, liệu người ta có đầu tư thời gian, tình cảm và công sức vào bạn?

Vậy điều gì khiến nhiều người trong chúng ta không thể ngừng quẹt?

Tinder cho bạn trưng ra 6 bức ảnh và viết 500 kí tự về bản thân. Nghiên cứu chỉ ra mỗi người khi dùng Tinder dành trung bình 2 giây để đánh giá một ứng cử viên, nên dễ hiểu thôi, ai cũng cố gắng nhồi nhét những điều tốt đẹp và thu hút nhất về bản thân mình lên đây. Con người bạn trên Tinder, cũng như trên nhiều trang mạng xã hội khác, có thể là hình ảnh phản chiếu chân thực của bạn, nhưng thường cũng là lát cắt có giá nhất của bạn được chọn lọc cẩn thận một cách có chủ đích.

Trên Tinder, bạn có thể "gặp" những người mà có lẽ ngoài đời sẽ chẳng có cơ hội. Hành động quẹt cho bạn một cảm giác của sức mạnh – vuốt trái, phải hay lên trên, bạn đang âm thầm dán nhãn, đánh giá nhân phẩm, ngoại hình của người khác một cách một chiều. Bạn an toàn phía sau màn hình điện thoại của mình, nếu có "quẹt phải" ai mà không match thì hơi đơ tí (vì ôi giồi ôi tôi đẹp tôi sang thế này sao anh không thích tôi được *đùa thôi*) nhưng bạn tự bảo mình rằng có thể họ chưa nhìn thấy profile của bạn giữa biển người ngoài kia, và cũng chẳng có trọng tài nào ở đó để chứng kiến vụ thả thính không thành này nên chả sao cả.

Còn nếu bạn match, lại còn là match với một người bạn cảm thấy hấp dẫn hơn mình nhiều lần, thì tự nhiên cái tôi của bạn được đẩy lên chín tầng mây. "Ồ, một người có vẻ hoàn hảo như họ cũng thích mình cơ à?" Và đó là một cảm giác dễ gây nghiện. Thế là bạn cứ quẹt, trước khi đi ngủ, trong quán cafe, lúc đứng đợi taxi, khi say mèm vào một tối cuối tuần và muốn có người nói chuyện.

Chung thuỷ trong thời đại Tinder - Ảnh 3.

Trong thời đại mà các mối quan hệ mở (open relationships) dần được chấp nhận hơn và monogamy (dịch ra là chế độ một vợ một chồng, nhưng rộng hơn là mối quan hệ truyền thống thông thường mà chỉ có HAI người cam kết, gắn bó với nhau) không còn là lựa chọn duy nhất, định nghĩa của xã hội về sự chung thuỷ cũng thay đổi dần theo thời gian.

Tuy nhiên, đừng vì những sự công nhận nhất thời và bề mặt này mà đánh đổi lại hạnh phúc bền vững hơn trong mối quan hệ của mình. Đối với cá nhân mình thì mấu chốt ở đây là cách hai bạn trò chuyện với nhau, dù bạn có làm gì thì hãy đảm bảo hai người hiểu và đồng thuận về lựa chọn của nhau. Nếu chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ rõ ràng, hãy nói rõ từ đầu thay vì để người còn lại nghĩ rằng đây là một mối quan hệ độc quyền (exclusive) và rồi một ngày được bạn bè kể là thấy bạn trên Tinder (hay bất kì ứng dụng hẹn hò gì khác).

Lúc ấy bạn rõ là chẳng ra gì.