"Cô Ba Sài Gòn": Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 08:53 09/11/2017

Bằng một câu chuyện bất ngờ nhưng lại giàu cảm xúc cùng tổng thể tròn trịa, "Cô Ba Sài Gòn" thực sự là một tác phẩm hay và đáng được đón nhận.

Cô Ba Sài Gòn chắc chắn là từ khoá "hot" nhất hiện nay với khán giả yêu điện ảnh. Bởi nó có quá nhiều yếu tố khiến người ta quan tâm và kì vọng như phần hình ảnh của phim được chăm chút kĩ lưỡng, mang phong cách hoài cổ đang thịnh hành cũng như việc nhà sản xuất mang hình ảnh Sài Gòn xưa ra để gõ hồi trống đầu tiên từ lúc phim còn chưa bấm máy.

Từ tấm áp-phích (poster) khởi động cho đến từng hình ảnh được tung ra, khán giả đều háo hức trông đợi và không ngại bày tỏ sự kì vọng. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có những thái độ còn dè chừng, nào là "làm sao thể hiện được một Sài Gòn những năm 60 đúng nhất" hay "chẳng dám trông đợi phim của Ngô Thanh Vân làm nữa từ sau Tấm Cám: Chuyện chưa kể".

Teaser 2 Cô Ba Sài Gòn

Nhưng, càng nhiều luồng ý kiến thì càng được quan tâm, chính bộ phim càng có lợi. Một tấm áp-phích mà cũng được mổ xẻ từ khán giả đến giới chuyên môn thì không phải phim nào cũng làm được. Cộng thêm hành trình "viễn chinh" ở xứ kim chi tại LHP Busan vừa rồi, bộ phim bán sạch 1000 vé cho khán giả tại đó và nhận cơn mưa lời khen, người trong nước càng tò mò hơn. Và rồi, thật nhẹ nhõm khi phản ứng của khán giả sau suất công chiếu đầu tiên tối qua đều tích cực. Đến lúc này đã có thể khẳng định: Cô Ba Sài Gòn là một phim không chỉ đẹp mà còn hay!

Bất ngờ nhưng thỏa mãn với câu chuyện xuyên không

Gần như 95% khán giả đều tưởng mình sẽ được xem một cuộn phim (nói theo cách quảng bá của Cô Ba Sài Gòn) về Sài Gòn thập niên 60 với những tà áo dài bay rợp phố, những cô gái búi tóc sang trọng và kẻ mắt đậm cùng hàng nghìn những thứ hay ho khác về một quãng kí ức đẹp đẽ của "hòn ngọc viễn đông" qua những hình ảnh, đoạn phim đã công bố. Ấy nhưng, thực chất thời lượng của bối cảnh Sài Gòn năm 1969 trên phim chỉ chiếm khoảng 30%.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 2.

Cụ thể, Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc), con gái rượu của Thanh Mai (Ngô Thanh Vân) chủ nhà may Thanh Nữ, được mệnh danh là Cô Ba Sài Gòn vì phong cách thời trang thanh lịch. Như Ý nổi tiếng khắp Sài Gòn vào năm 1969 giống như những ngôi sao hạng A thời nay. Thế nhưng, cô chỉ đặc biệt thích Âu phục dù truyền thống của gia đình là may áo dài. Mặc cho người mẹ nghiêm khắc, khó tính bắt cô phải học cách may cho được chiếc áo dài nhưng Như Ý luôn tìm cách thoái thác, viện lý do để mình được may những bộ Âu phục mà chính cô thiết kế. Tất nhiên là Thanh Mai không đồng ý, vì Như Ý là truyền nhân tiếp theo của nhà may Thanh Nữ và Thanh Nữ chỉ may áo dài suốt bao đời nay, nổi tiếng nhất Sài thành. Xung đột cứ thế diễn ra cho đến một ngày kia, khi Như Ý vô tình mặc chiếc áo dài gia truyền của nhà Thanh Nữ và bất ngờ "xuyên không" đến năm 2017.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 3.

Viên ngọc này thực sự khiến Như Ý xuyên không...

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 4.

...đưa cô đến năm 2017...

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 5.

...chứ không phải biến cô thành Thuỷ thủ Mặt trăng, tất nhiên!

Vâng, bạn không nghe lầm đâu! Cô Ba Sài Gòn chính là một phim xuyên không! Chắc chắn những ai đang trông đợi một câu chuyện gì đó diễn ra ở Sài Gòn xưa nghe thấy chi tiết này sẽ thất vọng. Nhưng, bộ phim sẽ tiếp tục khiến bạn bất ngờ khi câu chuyện của Như Ý trong thời hiện đại lại thú vị và nhiều thứ hay ho mà có thể bạn chưa nghĩ đến. Điều này đã khiến bộ phim trở nên hấp dẫn theo một cách nguyên bản nhất: kịch bản tốt, diễn viên tốt, tổng thể tốt.

Nội dung cụ thể của phim sau đó như thế nào thì đành để khán giả tự khám phá, vì nó chiếm đến gần 70% thời lượng phim còn lại.

Kịch bản phim được xây dựng theo cấu trúc truyền thống nhưng chắc chắn, khiến bộ phim không bị "gãy" như Tấm Cám: Chuyện chưa kể năm vừa rồi. Ý tưởng nhân vật đối diện với tương lai của chính mình, khinh thường nó, rồi phấn đấu để vượt qua nó nhưng thực chất là để cho chính mình trưởng thành được truyền tải tròn trịa và nhiều cảm xúc qua cặp đôi Lan Ngọc - NSND Hồng Vân. Bộ phim đặt ra được vấn đề ngay từ đầu và bám theo đó để giải quyết, đặt Như Ý làm trung tâm và mọi chuyện xoay quanh cô ấy cùng quá trình thay đổi. Kể cả chuyện tình cảm của Như Ý và Tuấn (S.T 365) trong phim cũng được giản lược, và đó là quyết định hoàn toàn sáng suốt. Có lẽ Ngô Thanh Vân cũng đã rút được kinh nghiệm sau khi nhồi nhét quá nhiều thứ vào Tấm Cám: Chuyện chưa kể và cuối cùng khiến nó thành một nồi lẩu lộn xộn.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 6.

Một bộ phim biết mình muốn thể hiện điều gì, kể câu chuyện gì dù chỉ là một câu chuyện cũ luôn hấp dẫn hơn những bộ phim thích thể hiện những điều to tát nhưng càng đi càng lạc. Cô Ba Sài Gòn thuộc dạng thứ nhất, nhưng giá trị của câu chuyện mang lại không nhỏ, xem như càng thêm thành công.

Đánh dấu những cột mốc mới của điện ảnh Việt

Nghe có vẻ lớn lao nhưng Cô Ba Sài Gòn không chỉ mang lại cảm giác phấn khởi, sảng khoái sau khi xem mà còn đặt những dấu mốc mới cho phim Việt. Như biên kịch chính, cũng là đồng đạo diễn của phim, Kay Nguyễn chia sẻ Cô Ba Sài Gòn thuộc thể loại "coming of age" (tạm dịch: phim nói về sự trưởng thành của một nhân vật) chứ không phải rom-com (hài lãng mạn) hay một phim tài liệu về áo dài. Thể loại này không xa lạ với điện ảnh thế giới nhưng mới với điện ảnh Việt Nam, giống như 4 năm trước cô đã làm với Tèo Em và khiến một loạt phim hài hành trình ra đời sau đó. Bộ phim nói về nghề may áo dài, về chiếc áo dài và những giá trị truyền thống, nhưng đó chỉ là chất liệu để kể về câu chuyện trưởng thành của nhân vật Như Ý.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 7.

Một cột mốc thứ 2 mà bộ phim đã làm được, chính là những kiến thức nhất định về nghề nghiệp được truyền đạt trong phim. Cụ thể ở Cô Ba Sài Gòn là một núi kiến thức thời trang cùng những gì tinh hoa nhất của chiếc áo dài. Điện ảnh Việt lâu nay luôn thiếu những bộ phim mang đặc thù của nghề nghiệp trong khi nước mình có hàng khối thứ hay ho. Mùi ngò gai ca ngợi phở nhưng cách nấu phở cũng không được nhắc đến một lần, Cá rô em yêu anh nói về nghề nông nhưng cũng chỉ sơ sơ, Gọi giấc mơ về đưa vào nghề làm nước mắm rất truyền thống nhưng cũng chỉ là kiểu cho có vì phim vẫn xoay quanh chuyện yêu đương.... Dần dần, người Việt chẳng có khái niệm về một bộ phim nội địa sẽ nói về một ngành nghề hay "đặc sản" nào đó nữa.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 8.

Nhưng Cô Ba Sài Gòn đã làm được điều mà giới mộ điệu luôn canh cánh kia. Bộ phim nói nhiều về những giá trị truyền thống của áo dài nhưng không nói suông, mà dùng chi tiết để chứng minh. Là sự chối bỏ áo dài của Như Ý vì cô cho rằng nó không còn gì để sáng tạo cho đến khi cô nhận ra tầm quan trọng và niềm đam mê đến từ sự sáng tạo của mình, như một bài toán chứng minh bằng phản biện đầy thuyết phục. Ngoài ra, kiến thức về sự phát triển và thay đổi của ngành thời trang thế giới cũng như một số thương hiệu nổi tiếng toàn cầu cũng được đưa vào phim rất nhiều. Có thể khán giả sẽ không nhớ hết, thậm chí là không hiểu hết, nhưng cam đoan những thứ quan trọng nhất thì vẫn nhớ được. Đó chính là thành công của bộ phim này, khi nó khiến người ta nhận được kiến thức nhưng không phải xem phim tài liệu.

Dàn diễn viên từ tốt đến cực tốt

Nếu như khán giả từng than trời vì "cô Tấm" Hạ Vi quá đơ hay hụt hẫng vì "cô Cám" Lan Ngọc không ác như mong đợi thì với Cô Ba Sài Gòn, dàn diễn viên sẽ khiến ai cũng mát lòng vì họ được đặt đúng chỗ.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 9.

Lan Ngọc đã tìm được một vai diễn thuộc về mình, đúng với khả năng của mình nhất sau vai Nương trong Cánh đồng bất tận và từ đó đến nay cô lao đao trong một đống vai dở. Như Ý là trung tâm của bộ phim, là vai diễn đầy thách thức với rất nhiều sắc thái cảm xúc, được tạo ra để Lan Ngọc chứng minh năng lực, và cô đã hoàn thành xuất sắc. Từ những lúc nhí nhảnh cường điệu cho đến khi trải qua một loạt cảm xúc ở thời hiện đại, Như Ý đều khiến người xem cảm thông được.

NSND Hồng Vân trong vai Lan Ngọc 48 năm sau cũng đã có những màn diễn ít nhưng cực kì chất lượng. Những đoạn diễn tay đôi với Lan Ngọc cô không chỉ thể hiện xuất sắc mà còn khiến Lan Ngọc bung được nội lực của mình. Cái gì hay ho nhất, kinh nghiệm nhất của lứa diễn viên gạo cội cần phô ra chính là ở những vai diễn có vai trò như thế này. Nên mới nói Cô Ba Sài Gòn đặt diễn viên đúng nơi đúng chỗ.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 10.

Nhưng có lẽ người sẽ khiến khán giả bất ngờ nhiều nhất là Diễm My 9x. Trong phim cô là đối trọng của Lan Ngọc về tất cả mọi thứ. Thoạt nhìn và nghĩ, vai Helen của Diễm My 9x lần này cũng không khác lắm với Linh San trong Gái già lắm chiêu, nhưng ở phim này Diễm My đã biết tiết chế hơn ở cách biểu đạt cũng như tận dụng những lợi thế về hình thể và đặc biệt là ánh mắt. Người ta thực sự trông thấy một Helen quyền lực, quyết đoán và có mọi thứ trên đời trong tầm tay chứ không phải là một Diễm My chỉ xinh xinh đẹp đẹp và đôi khi "over" nữa.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 11.

Hình tượng Diễm My 9x trong phim

Còn lại, dàn diễn viên phụ cùng khách mời từ Ngô Thanh Vân, Oanh Kiều, Diễm My 6x, Tùng Leo, S.T 365, Hải Triều, Kaylee Hwang hay Kim Thư, Trác Thuý Miêu cho đến nhân vật cô lao công... đều xuất hiện vừa vặn nhưng đủ để ghi nhớ. Biên kịch và đạo diễn kiểm soát đất diễn cũng như nhân vật khá tốt để ai có vai trò nấy, tôn được vai chính và bảo vệ được vai phụ.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 12.

Nếu phải chê diễn xuất của ai đó trong phim này thì chính là S.T 365, rất tiếc phải nói sự thể hiện của anh vẫn chưa được mượt mà, càng lép vế hơn khi anh diễn tay đôi với Lan Ngọc và Diễm My. Thế nhưng vì nhân vật này cũng không sắm vai trò quá quan trọng, lại còn là kiểu đàn ông điềm đạm nhàn nhạt nên cũng chả có vấn đề. Khán giả vẫn dư sức tận hưởng không khí đa sắc màu của dàn "hậu cung" mỹ nữ từ già đến trẻ mang lại.

Những điểm cộng và trừ khác

Nhạc phim Cô Ba Sài Gòn là một điểm nhấn khác của phim khi sử dụng loạt ca khúc từ cũ đến mới nhưng được bố trí hợp lý. Ngoài ca khúc Cô Ba Sài Gòn được viết riêng cho phim, do Đông Nhi thể hiện, thì những ca khúc cũ nhưng mang đậm không khí Sài Gòn cũng được xuất hiện đúng nơi đúng chỗ, khiến cho không khí rất đặc trưng của Sài Gòn luôn hiện hữu và phảng phất khắp phim chứ không "tắt ngúm" khi nhân vật xuyên không đến tương lai. Rất tiếc khi ca khúc "Biển tình" từng xuất hiện trong teaser lại không có trên phim như nhiều khán giả từng mong chờ, vì ca khúc này từng bị cấm lưu hành nhưng năm 2009 đã được cấp phép khi ca sĩ Cẩm Ly sử dụng và phát hành album. Ngoài ra thì bản "Tân thời" do Jun Phạm thể hiện cuối phim cũng mang đậm không khí retro.

Đoạn teaser với bài hát "Biển tình"

"Cô Ba Sài Gòn" do Đông Nhi thể hiện

Các chi tiết sáng tạo nho nhỏ trong phim cũng là một điểm cộng. Chẳng hạn như cách Như Ý luôn đặt câu hỏi "... là cái gì?" sẽ khiến khán giả bật cười như lúc cô nàng Wonder Woman tập hòa nhập với xã hội vậy. Hay như những chi tiết mà biên kịch đã sáng tạo ra xoay quanh Google, nhân vật lao công... cũng khiến người xem tâm đắc.

Nói về điểm trừ, tất nhiên là có. Kịch bản nhìn chung vẫn có những điểm lợn cợn chưa thực sự thoả mãn trong tình tiết nhưng cũng không đáng kể lắm. Điểm đáng tiếc lớn nhất chính là cách giải quyết cái "gút" trong lòng Helen ở đoạn cuối vẫn chưa đã. Dù biên kịch cố tình xây dựng Helen như một nhân vật đối trọng với Như Ý chứ không phải vai phản diện, nhưng cách cô ngả mũ trước đối thủ vẫn còn an toàn, khiến cho phim bị phí mất cái xung đột kịch tính nhất.

Một cái kết đẹp và đủ

Đoạn kết của Cô Ba Sài Gòn không khó đoán, cũng không hẳn là bùng nổ hay tưng bừng kiểu đại đoàn viên nhưng nó đủ đẹp và đủ vui. Có đến hai đoạn kết được diễn ra và cả hai đều khiến người xem cảm nhận được năng lực tích cực mà nó tỏa phát. Đoạn kết giữa Như Ý và Helen là cái kết đẹp của một sự giao thoa, giữa những cái cũ và cái mới. Còn đoạn kết giữa Như Ý và Thanh Mai là một cái kết đẹp của tình cảm gia đình và sự trưởng thành. Cả hai đoạn kết đều "thường thôi" nhưng nó vừa vặn với khuôn khổ kịch bản, cũng như đặt kế nhau nên toả ra sự cộng hưởng. À, thực chất là còn đoạn kết thứ 3 gọi là after-credit nữa, những ai muốn cười thêm một tràng rồi về thì cứ ngồi lại.

Cô Ba Sài Gòn: Cảm giác xem một bộ phim đẹp cũng không sướng bằng xem một phim hay! - Ảnh 15.

Vì thế, đoạn kết của bài viết này cũng sẽ vừa đủ nếu dừng lại ở đây. Bởi những gì hay nhất mà Cô Ba Sài Gòn mang lại không nằm ở những câu chữ này, mà ở chính cảm xúc và không khí, thông điệp mà bộ phim truyền tải. Đây thực sự là một tác phẩm đáng xem của điện ảnh Việt trong năm nay, không chỉ bởi những hình ảnh đẹp, những giá trị truyền thống hoài cổ mà còn bởi bản thân bộ phim xứng đáng như thế. Bởi vì xem một phim đẹp không bao giờ sướng bằng xem một bộ phim hay!

Phim sẽ chính thức khởi chiếu từ 10/11/2017.