"Cô Ba Sài Gòn" hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp?

Hoài Nam, Theo Trí Thức Trẻ 10:59 17/11/2017

Cô Ba Sài Gòn đơn giản là một phim chick-flick thời hiện đại. Một Devil Wears Prada phiên bản Việt, đẹp đẽ và thú vị, nhưng chưa thật sự truyền tải được tâm hồn Việt lên màn ảnh.

*Bài viết mang quan điểm cá nhân và tiết lộ nội dung phim, cân nhắc trước khi đọc

Từ poster, trailer và các bài quảng bá trước khi công chiếu của Cô Ba Sài Gòn đều hứa hẹn về một Sài Gòn xưa cũ hoa lệ. Nhưng nếu bạn mong chờ được chứng kiến "hòn ngọc Viễn Đông" thời quá vãng, hãy sẵn sàng để thất vọng. Nếu bạn mong chờ một bộ phim nêu bật được vẻ đẹp và ý nghĩa của chiếc áo dài truyền thống, cũng xin đừng kì vọng quá cao.

Cô Ba Sài Gòn đơn giản là một phim chick-flick thời hiện đại. Một Devil Wears Prada phiên bản Việt, có đẹp đẽ, nhưng chưa thật sự truyền tải được tâm hồn Việt lên màn ảnh.

Không có Sài Gòn xưa như ấn tượng ban đầu

Cô Ba Sài Gòn mở đầu ở năm 1969, tại nhà may áo dài Thanh Nữ nức tiếng Sài Gòn. Ở đó, Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc) là đệ nhất thanh nữ, con gái của bà chủ Thanh Mai (Ngô Thanh Vân). Một tiểu thư yêu kiều đỏng đảnh và có phần ương bướng. Bà Thanh Mai mong chờ con gái sẽ kế nghiệp may áo dài, nhưng Như Ý tỏ ra chống đối, vì yêu thích Âu phục hơn. Trong khi đó, cô con nuôi Thanh Loan (Oanh Kiều), truyền thống ngay từ nếp ăn mặc và trang điểm, luôn bên cạnh bà Mai như một sự cứu rỗi.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 1.

Sau khi thất bại trong việc giới thiệu trang phục cho đệ nhất ca sĩ Kiều Bảo Hân, Như Ý càng trở nên quá quắt. Vì quá nóng giận, bà Mai đã tát cô con gái, cho thấy sự bất lực với đứa con kế nghiệp. Không còn cách nào khác, bà đành truyền bí kíp may áo lại cho Thanh Loan, với hi vọng gìn giữ cơ nghiệp gia đình.

Trong khi mâu thuẫn giữa mẹ và con gái chưa được giải quyết, bộ phim bất ngờ chuyển hướng sang… xuyên không. Tình cờ mặc vào bộ áo dài có đính viên đá quí của dòng họ, Như Ý thấy mình đã du hành thời gian đến năm 2017. Ở đó, cô gặp phiên bản của chính mình ở tương lai là bà An Khánh (Hồng Vân), một phụ nữ thất bại toàn tập và đang chuẩn bị tự tử.

Đó là một tương lai vô cùng u ám. Như Ý phát hiện ra mẹ mình đã qua đời, tiệm may Thanh Nữ đã đóng cửa, còn ngôi nhà sắp sửa bị siết mất. Trong khi đó, cửa hàng của em gái nuôi Thanh Loan vô cùng ăn nên làm ra. Con gái của bà Loan là Helen còn trở thành đệ nhất thiết kế của Sài Gòn hiện đại. Để cứu lấy nghiệp may của gia đình, Như Ý phải đầu quân cho công ty thiết kế thời trang của Helen, với sự giúp đỡ của em trai cô là Tuấn (S.T 365). Từng chút một, cô vừa phát huy tài năng của mình, vừa học cách yêu lấy chiếc áo dài truyền thống.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 2.

Cái tứ của phim là như vậy, thoạt nghe có vẻ khá ổn. Nhưng đáng tiếc, bộ phim lại không khai thác được hiệu quả nội dung này. Vấn đề lớn nhất, và là chuyện muôn năm cũ của phim Việt, là kịch bản. Cô Ba Sài Gòn là một kịch bản vụng về, giáo điều, tuân thủ một cách cứng nhắc các qui tắc trong biên kịch, nhưng thiếu vắng sự thấu hiểu về chủ đề và thể loại đang khai thác.

Ở yếu tố xuyên không, hay dùng từ cổ điển hơn là du hành thời gian, Cô Ba Sài Gòn mắc những lỗi đáng tiếc của thể loại. Sự phức tạp và thú vị của du hành thời gian là ở tính "du hành" và quan hệ nhân – quả. Ở tính du hành, rõ ràng chúng ta sẽ thích thú khi được trở về Sài Gòn năm 69, hơn là từ năm 69 đến hiện tại. Tuy nhiên, Sài Gòn xưa trong phim chỉ là đôi ba cảnh nội và các đoạn phim tư liệu. Dù có bổ sung thêm các đoạn nhạc hơi hướng quá vãng, vẫn không tạo ra được không khí mà bộ phim cần đến.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 3.

Trong khi đó, có biết bao điều có thể làm, có thể khai thác ở Sài Gòn ngày xưa. Không chỉ là âm nhạc hay đôi ba bộ điệu lai Pháp (ô la la), Sài Gòn trước 75 là cả một nền văn hóa mà người xem luôn mong muốn được trở lại, được ngắm nhìn. Con người thời đó sinh sống và làm việc ra sao? Họ đối xử với nhau như thế nào? Họ có suy nghĩ gì về thời cuộc hay chính thành phố của mình? Mâu thuẫn giữa bà Thanh Mai và Như Ý đại diện cho mâu thuẫn giữa các thế hệ và ý thức hệ, giữa truyền thống và tân thời. Muốn khai thác sâu sắc phải gắn cho nó một bối cảnh, một thời đại đang ở giữa những biến động.

Có lẽ do nhiều vấn đề khác ngoài màn ảnh, việc phục dựng này rất khó có khả năng được chấp thuận. Do đó, "hòn ngọc Viễn Đông" đành phải trở thành vài hình ảnh thoáng qua một cách đáng tiếc. Xuyên không trở thành giải pháp, chứ không hẳn là lựa chọn tối ưu, chỉ để đưa bối cảnh trở lại thời hiện đại, vốn dễ thở hơn.

Các nghịch lý chưa được giải quyết

Tuy nhiên, "dễ thở" chỉ dành cho việc tạo dựng bối cảnh, còn sử dụng yếu tố thời gian một cách hợp lý thì không dễ dàng chút nào. Từ trước đến nay, không ít phim Việt chọn đề tài du hành thời gian, mà gần nhất là Fan Cuồng (2016). Dù vậy, có vẻ đây vẫn là thể loại chúng ta còn cần phải học hỏi nhiều. Bởi lẽ, để khai thác hiệu quả về thời gian, cần phải nắm vững được các lí thuyết thời gian.

Hành trình xuyên không trong Cô Ba Sài Gòn tạo cảm giác góp nhặt từ các phim nước ngoài, nhưng lại chưa làm chủ được cốt lõi, dẫn đến thiếu thuyết phục. Có hai lí thuyết mà bất kì ai sử dụng yếu tố thời gian đều phải nhớ đến: Nguyên nhân – hệ quả và các dòng thời gian song song. Cái sau là để giải quyết cho cái trước. Nắm vững hai điều này sẽ giúp xây dựng tâm lí nhân vật đáng tin hơn, và tránh đi các nghịch lý.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 4.

Một nghịch lý cơ bản mà bất kì biên kịch phim du hành thời gian nào cũng phải giải quyết trước tiên, đó là "nghịch lý ông nội" – cái thanh chắn khó chịu nhất. Nghịch lý này nói rằng, nếu một người trở lại quá khứ và giết chết ông nội mình trước khi cưới bà nội thì anh ta có được sinh ra hay không? Nếu có, thì ông nội anh ta hẳn đã không chết, nhưng rõ ràng là ông đã chết. Nếu không, vậy ai là người giết chết ông nội? Do đó, người ta viện đến các dòng thời gian song song. Mỗi lựa chọn trong các sự kiện sẽ dẫn đến các vũ trụ khác, nơi dẫn đến các kết quả khác cùng tồn tại.

Rất nhiều nghịch lý tồn tại trong phim này không được giải quyết, hoặc giải quyết rất ngô nghê. Như bà An Khánh năm 2017 là thuộc dòng thời gian nào? Nếu cùng dòng thời gian với Như Ý, dĩ nhiên bà đã từng du hành đến tương lai, và dĩ nhiên, đã thay đổi tương lai. Vậy làm sao bà có thể tồn tại? Nếu thuộc dòng thời gian khác, làm sao bà nhận ra Như Ý ngay khi cô vừa xuất hiện? Chưa kể rằng, theo khoa học, một người không thể chạm vào chính mình ở dòng thời gian khác, vì vi phạm các định luật vật chất, và cả hai sẽ tan biến ngay lập tức.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 5.

Ngoài ra, nguyên nhân của việc du hành thời gian là rất thiếu thuyết phục. Là phim giả tưởng, chúng ta có thể chấp nhận bất kì dụng cụ xuyên không nào, từ chiếc xe hơi (Back to the Future) cho đến một chiếc tủ (About time), hay thậm chí cả bồn tắm (Hot Tub Time Machine), nhưng nó phải thuyết phục. Chiếc xe phải là nỗ lực của một nhà bác học nào đó. Chiếc tủ phải liên quan đến khả năng di truyền của dòng họ. Ngay cả nhảm nhí như cái bồn tắm, cũng phải có một gã sửa chữa bí ẩn xuất hiện. Chúng phải đáng tin, phải là một chiếc ốc vít kết nối các phần câu chuyện.

Trong khi đó, viên ngọc lục bảo của bà Thanh Mai được "quăng" ra chỉ để Như Ý đến tương lai. Không lịch sử, không liên quan gì đến yếu tố thời trang, không được sử dụng để làm gì khác. Trong suốt bộ phim, nó nằm lăn lóc dưới gầm tủ, và không còn tham gia vào cốt truyện. Một chi tiết vô duyên hết sức.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 6.

Một bộ phim có rất nhiều nỗ lực, và cả thiếu sót

Dù vậy, chúng ta hoàn toàn có thể bỏ qua các nghịch lý đó, nếu như được thỏa mãn về cảm xúc. Nhưng Cô Ba Sài Gòn chưa chinh phục người xem cả về mặt này. Ngô Thanh Vân là một nhà sản xuất thông minh và thức thời. Có lẽ kể từ sau Dòng Máu Anh Hùng (2008), cô đã nhận ra rằng muốn thành công luôn phải gắn với yếu tố văn hóa Việt. Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể (2016) là một ví dụ.

Tuy nhiên, từ biết đến hiểu là cả một quá trình dài, và đưa được cái hiểu đó vào phim ảnh, lại là một công việc đầy khó khăn. Nếu Tấm Cám có thể xem là một thử nghiệm về kĩ xảo đồ họa, thì Cô Ba Sài Gòn được chờ đợi là một phim thật sự khai thác yếu tố dân tộc, cụ thể là áo dài. Nhưng không, đây chỉ là một phim chick-flick thông thường gán vào chiếc áo dài, chưa đủ tầm để nêu lên vẻ đẹp ở cả mặt thời trang lẫn biểu tượng của trang phục này. Các trang phục trong phim hầu hết là âu phục hiện đại, chiếc áo dài xuất hiện rất hiếm hoi và chưa đủ sức để mang đến nhận thức quí giá và trân trọng cho người xem. Một phần vì hành trình thấu hiểu của Như Ý quá nhanh và dễ dàng. Nói một cách vui vui thì Cô Ba Sài Gòn giống như một chiến dịch quảng cáo về một loạt những chiếc áo dài được may công nghiệp, đúng công thức đúng quy trình mà bỏ quên yếu tố đặc thù của trang phục truyền thống, thứ được dùng làm trọng tâm để thu hút "khách hàng".

Các giá trị về áo dài, về truyền nhân không thể mất chỉ được nói miệng mà không được chứng minh. Ngay cả khi Như Ý học được bí quyết may áo dài từ người mẹ đã mất cũng chỉ bằng một tờ giấy được truyền lại là có thể thành công. Điều này tự dưng khiến cho chiếc áo dài trở thành một loại trang phục ai cũng có thể thực hiện nếu có tờ giấy kia, trong khi trang phục năm 2017 lại là một mớ kiến thức kết hợp cực kì phức tạp. Vô tình, áo dài trở nên lép vế và chỉ trịnh trọng như một kiến thức buộc phải chấp nhận.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 7.

Bộ phim chỉ quanh đi quẩn lại những câu thoại sáo rỗng và mang tính trả bài, sách giáo khoa. Vẫn vướng một điểm yếu mãi vẫn chưa được khắc phục ở phim Việt nói chung là xây dựng nhân vật. Vẫn là các nhân vật không có chiều sâu, không thật, không đáng quan tâm, từ bà Thanh Mai, Như Ý, Thanh Loan, Helen… Trừ bà An Khánh là có nét sinh động, nhờ diễn xuất kinh nghiệm của Hồng Vân. Các cao trào đẩy lên quá nhanh mà không hề có sự chuẩn bị. Các mối liên hệ mờ nhạt và mang tính lắp ghép.

Ngô Thanh Vân có lẽ sẽ hợp hơn ở các vai trò sau ống kính, sản xuất hoặc đạo diễn, nhưng rất khó trong vai trò diễn viên. Đài từ của cô rất tệ, và phá hỏng tất cả ấn tượng diễn xuất có thể mang đến. Cô cũng không hợp và không có khí chất của những vai già hơn tuổi. Trong Cô Ba Sài Gòn, Thanh Mai và Như Ý giống chị em hơn là mẹ con. Ninh Dương Lan Ngọc tiếp tục vào một vai nhiều năng lượng. Với Như Ý, cô có vẻ hơi thiếu tiết chế và hơi làm quá trong một số tình huống. Tuy nhiên, phần lớn là do lỗi của kịch bản, khi "bắt" Như Ý phải thay đổi từ đỏng đảnh đến nghiêm túc, từ ngơ ngác đến quyết tâm, từ nông cạn đến thấu hiểu, chỉ trong "một nốt nhạc". Cô không có những đoạn chuyển để thuyết phục hơn.

Trích đoạn Helen của Diễm My 9x

Diễm My 9x có cảnh xuất hiện khá hoành tráng, "lấy cảm hứng" từ phân cảnh nổi tiếng của Meryl Streep trong Devil Wears Plada. Nhưng càng về sau, nhân vật Helen của cô nàng càng đuối, với tâm lí lộn xộn lúc yêu lúc ghét, mất dần đi sự cuốn hút. Các mâu thuẫn nội tại không được khai thác rõ, vì thế, các quyết định là rất khó hiểu. Dường như cô chỉ hành động để tạo cao trào, như gây ra nguyên nhân cho đoạn phát biểu đậm chất "Ai là triệu phú" ở cuối phim. Chỉ có một nhân vật nam duy nhất trong phim là Tuấn, nhưng lại bị bỏ rơi không khai khác.

Trong khi đó, không phải Cô Ba Sài Gòn không có những hướng đi khác sáng sủa hơn. Đầu phim, chúng ta thấy một mối quan hệ có phần cạnh tranh giữa Như Ý và Thanh Loan. Vì sao không phải là một cuộc ganh đua giữa truyền thống và tân thời giữa cả hai, và có thể kéo dài đến đời con ở hiện tại? Vì sao cảnh gặp gỡ cuối phim lại diễn ra dễ dãi và nhanh chóng như thế? Sao lại bỏ qua tình huống rằng Như Ý có thể không bao giờ trở về quá khứ được nữa, và vì thế, không thể gặp lại mẹ? Điều đó có thể thêm vào rất nhiều gia vị cảm xúc cho phim? Phim hoàn toàn thiếu các tuyến truyện phụ để có được một độ dày cần thiết.

Cô Ba Sài Gòn hay tà áo dài truyền thống được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp? - Ảnh 9.

Cô Ba Sài Gòn có đôi chút điểm sáng đến từ công tác đạo diễn của Trần Bửu Lộc, màu phim khá đẹp và phần nhạc nền du dương. Khó nói rằng phần dẫn truyện có gì ấn tượng hay sáng tạo, nhưng chúng ta có thể cảm thấy sự cố gắng. Thế nhưng, phần còn lại của phim là một tập hợp nhốn nháo và thiếu kiểm soát về thể loại cũng như định hướng. Một nỗ lực cố gắng dung hòa giữa nghệ thuật và thị trường, giữa sâu sắc và thời thượng, giữa vẻ đẹp truyền thống và sự hào nhoáng hiện đại, nhưng có vẻ hơi quá sức. Kết quả là một bộ phim không trọn vẹn về cảm xúc. Như một chiếc áo dài đẹp nhưng thiếu điểm nhấn, lọt thỏm giữa vô vàn bộ áo quần sặc sỡ khác, không có gì đọng lại.