Có phải càng sợ bị đuổi, chúng ta càng làm việc tốt hơn?

Ta Ta, Theo Helino 10:49 20/03/2018

Cố ý tạo ra môi trường làm việc bất an là một chiêu thường được sử dụng trong một số ngành nghề. Thế nhưng, liệu đây có phải là cách tốt nhất để thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả hay không?

"Không có áp lực. Không có kim cương."

Đây là một câu nói nổi tiếng của Thomas Carlyle - nhà triết học người Scottland. Và đó cũng chính là "kim chỉ nam" trong cách thức đào tạo nhân viên của một số công ty.

Cụ thể, nhiều công ty trong ngành luật ở Hoa Kỳ thường đặt ra một chiến thuật mang tên "Tiến lên hoặc phải ra đi." Điều này có nghĩa rằng, những người không tiến bộ, đạt kết quả kém trong công việc thường ít có cơ hội sửa chữa mà phải "cuốn gói ra đi" ngay lập tức.

Có phải càng sợ bị đuổi, chúng ta càng làm việc tốt hơn? - Ảnh 1.

Jack Welch, cựu chủ tịch tập đoàn đa quốc gia General Electric nổi tiếng với quy tắc quản lý nhân sự 20 – 70 – 10 của mình.

Jack Welch, cựu chủ tịch của tập đoàn đa quốc gia General Electric cũng gây xôn xao trong giới doanh nhân với quy tắc quản lý nhân sự 20 – 70 – 10. Quy tắc này vận hành như thế nào? Rất đơn giản, vào mỗi đợt tổng kết của công ty, nếu bạn không may nằm trong số 10% những người làm việc kém hiệu quả nhất, bạn chắc chắn bị sa thải.

Việc sa thải đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Nhà tuyển dụng có thể hủy hợp đồng với nhân viên mà chỉ cần thông báo trước trong vòng vỏn vẹn… hai tuần.

Tuy người lao động ở châu Âu có phần được bảo vệ tốt hơn, nhưng theo bà Tinne Vander Elst - một nhà tâm lý học về tổ chức tại ĐH KU Leuven ở Bỉ, có đến hơn 31% trong tổng số người lao động ở Bỉ luôn bị dày vò bởi những nỗi lo lắng, sợ hãi thường trực trong công việc. 

Dù cho sự bất an vì bị sa thải đã giảm đi nhờ được luật pháp bảo vệ, họ luôn canh cánh trong lòng những nỗi lo về các thay đổi tiêu cực trong công việc hay trong quan hệ với đồng nghiệp.

Có phải càng sợ bị đuổi, chúng ta càng làm việc tốt hơn? - Ảnh 2.

Dường như, đa số các công ty ngày nay đều vận hành bằng cách áp đặt thêm các yêu cầu và gánh nặng lên nhân viên, với niềm tin rằng sẽ khiến nhân viên làm việc tốt hơn. Nhưng sự thực có phải như thế không?

Đã đến lúc cần phải lựa chọn: Đi nhanh hơn hay đi xa hơn?

William Schiemann, lãnh đạo của Metrus Group, một công ty chuyên nghiên cứu về các tổ chức tại Hoa Kỳ nhận định: "Quả thật viễn cảnh có thể bị mất việc sẽ khiến nhân viên làm việc hiệu quả hơn trong thời gian ngắn. Một điều bất an gì đó liên quan đến công việc có thể trở thành động lực giúp mọi người tập trung và làm việc chăm chỉ hơn để chứng tỏ khả năng với ban lãnh đạo."

Tuy nhiên, theo David Creelman, một nhân viên tư vấn nguồn nhân lực ở Toronto cho biết: "Các tình huống quá căng thẳng không bao giờ tốt cho công việc về lâu dài."

Cụ thể, David chỉ ra rằng, sự bất ổn thường trực gây ra rất nhiều phiền toái về sau. Đầu tiên, khả năng làm việc của những người bị căng thẳng cao độ kém hơn rất nhiều so với những người cảm thấy thoải mái. 

Thứ hai, những người luôn lo âu có xu hướng bị sa sút về mặt tinh thần và đạo đức.

Có phải càng sợ bị đuổi, chúng ta càng làm việc tốt hơn? - Ảnh 3.

Khi công ty sử dụng chiêu thức gia tăng cường độ áp lực, điều đó đồng nghĩa với việc nguy cơ chia rẽ, hủy hoại niềm tin ở chốn công sở sẽ tăng lên. Mức độ của hành vi bắt nạt, chèn ép và tỷ lệ nghỉ việc sẽ cao hơn.

Không những thế, nghiên cứu gần đây của nhà tâm lý học Tinne Vander đã chứng minh rằng trong vòng ba năm sau khi về hưu, các nhân viên luôn căng thẳng với công việc có nguy cơ bị trầm cảm gấp đôi những người khác.

"Thường xuyên đối diện với sự bất ổn cao độ trong công việc chính là điểm bùng phát gây trầm cảm" - bà nói.

Do vậy, nếu muốn giữ chân nhân viên về lâu về dài, có lẽ đã đến lúc, các doanh nghiệp cần phải thay đổi lại cách thức quản lý của mình.

Nguồn: BBC