Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa?

A.D, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 11/07/2017

Đã bao giờ bạn ngồi nhìn lại mình cùng tình trạng hiện tại của mình mà thở dài một cái rất chán chưa? Rằng tại sao công việc hiện tại của bạn không có sự đổi mới, cũng không có hứa hẹn được thăng tiến trong tương lai.

Vậy mà bạn vẫn đến công ty đều đặn mỗi ngày, làm công việc một cách chống đối và uể oải, sau đó lại ra về với một ca khúc chán chường bất tận: “Bao giờ thì mình sẽ có công việc mới thú vị hơn?”.

Đã bao giờ bạn cảm thấy mình có tí “hơi hèn” khi nhìn sang và đối chiếu với cuộc đời của người khác chưa? Tại sao người ta cũng bằng tuổi bạn (thậm chí còn nhỏ hơn), lại dám bất chấp tất cả để đầu tư một sự nghiệp lớn lao, còn bạn thì không? Để rồi sau đó, khi đã trải qua không ít khó khăn và thử thách, người bạn bằng tuổi bạn đang thành công, sự nghiệp phát triển rực rỡ và sáng lạn, còn bạn thì… vẫn không.

Tôi thì đã và thậm chí là đang như thế. Không ít lần tôi để tâm trí mình rơi tõm vào một khoảng không và bị một cái hố đen ngòm nuốt chửng. Cái hố đen ấy hỏi tôi, tại sao lại cứ “giá như” mãi thế? Và tại sao sau mỗi lần “giá như” thì lại cứ “nhưng mà” mãi thế?

Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa? - Ảnh 1.

Cái hố đen ngạo nghễ ấy cười ha hả vào mặt tôi và nó cho rằng nếu như tôi cứ ngủ quên trong một cái hộp an toàn vô hình do tôi tự tạo ra, thì cuộc đời tôi sẽ mãi chán. Nó chắc chắn thế, và tôi thì cũng công nhận rằng nó nói đúng.

Tôi từng nghĩ mình chỉ cần sống một cuộc đời bình thường, hưởng thụ những thứ bình thường rồi sau đó cứ giản dị để đi qua những năm tháng son trẻ. Tôi cũng từng mơ về những điều tốt đẹp, những khát khao đi đến nhiều nơi, gặp nhiều người mới hay làm những công việc khác nhau để thoả mãn đam mê. Thế nhưng, lúc đó tôi lại chần chừ. Tôi không dám bước đi ra khỏi vùng an toàn bởi tôi sợ mình sẽ thất bại. Tôi cứ muốn chui trong vỏ bọc mà không dám đương đầu với những thử thách ở ngoài kia. Lúc đó, tôi thực sự không dám bước đi.

Cho đến khi tôi nhìn lại mình và những mối quan hệ xung quanh, tôi bắt đầu tự hỏi: Tại sao người ta có thể còn mình thì không thể? Tại sao cũng là những người trẻ, nhanh nhạy với xu hướng và có cả một quãng thời gian dài đủ để phấn đấu, mà tôi lại chọn cách… tự rút lui?

Phải chăng là tôi lui về phía cánh gà quá sớm, khi sân khấu còn chưa kịp buông rèm, khi những ánh đèn vẫn còn đang sáng rỡ? Phải chăng tôi đã ngủ mê quá lâu trong giấc mơ êm như ru về cuộc đời tươi đẹp mà thực ra tôi chưa đứng dậy để bước đi, để biến nó thành hiện thực? Và phải chăng tôi đã tự mài gọt cho trái tim mình hoàn toàn không góc cạnh, để không còn tha thiết với mọi sự đổi thay trên đời này? Để rồi tôi cảm thấy chênh vênh, cảm thấy sợ hãi về sự thất bại mà không dám bước đi để khẳng định mình.

Tôi đem những trăn trở của mình ra để hỏi một vài người bạn, và họ cho rằng không chỉ riêng tôi, còn rất nhiều người trẻ giống như tôi. Ngỡ như là đang được sống trong an toàn, hóa ra lại tự làm mình trở nên nhụt chí và mất hết khả năng chiến đấu với cuộc đời. Mà như thế thì thường đáng buồn hơn là đáng vui…

Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa? - Ảnh 2.

Mang hành trang trên vai là “tuổi trẻ”, thì cứ đi là sẽ đến!

Tôi đã đọc được ở đâu đó một câu nói đại loại như thế này: Tuổi trẻ không có đặc quyền nào hơn ngoài đặc quyền được phép mắc sai lầm. Làm sai thì làm lại, đi sai hướng thì chuyển hướng, còn hơn là không làm mà cũng chẳng đi.

Và tôi thiết nghĩ, hình như tôi cùng những người trẻ như tôi vốn bị cản trở bởi cái tâm lý “ngại sai ngại sửa”, cho nên chúng tôi còn chẳng thiết tha đổi mới, còn chẳng thiết tha khám phá những điều hay ho. Đơn giản là chúng tôi sợ mình sẽ vấp ngã, sợ mình sẽ không thể đứng lên. Cứ ôm ấp nỗi sợ hãi về những điều chưa biết trước, chúng tôi co ro trong một vùng an toàn của riêng mình.

Chúng tôi vẫn ngỡ trưởng thành là sự lớn lên của tuổi tác, và chúng tôi cứ mặc nhiên chọn một cuộc sống nhàn nhạt, để ôm phần tuổi tác dần già nua theo tháng năm, sau đó tự mặc định rằng mình đã trưởng thành. Nhưng không, trưởng thành không được tính bằng tuổi tác, mà tính bằng sự trải nghiệm của bản thân.

Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa? - Ảnh 3.

Minh chứng là có những người đã thật sự lớn, nhưng lại chưa thật sự “có khôn”. Chỉ bởi vì họ ngại bước chân ra ngoài thế giới, họ chọn cuộc sống an toàn không cần phải chinh phục thử thách hay khó khăn. Họ xác định cuộc đời là một con đường nhiều ngã rẽ, nhưng họ sẽ chỉ đi ngã rẽ nào ít quanh co nhất, ít sỏi đá nhất, để họ được đến đích an toàn.

Trong khi đó, có những người trẻ khác lại chọn sống phần đời sôi nổi và náo nhiệt hơn nhiều. Họ cứ đi, không ngại những khó khăn thử thách gì đang chờ mình phía trước. Đối với họ, nếu có khó khăn hay thử thách, thì cũng chỉ được giăng ra để cho họ vượt qua chứ không phải là khuất phục. Và với cơ số lần vấp ngã, lại tự đứng lên, họ làm chủ cuộc đời mình với một rương kho báu đầy ắp những trải nghiệm.

Thiết nghĩ, trong sáu mươi năm cuộc đời, chúng ta đã mất hai mươi năm đầu để lớn lên, hai mươi năm cuối để tận hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu, vậy thì chẳng vì cớ gì lại để hai mươi năm còn lại bị chìm nghỉm trong những tháng ngày nhạt nhẽo vô ưu?

Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa? - Ảnh 4.

Hãy tưởng tượng xem, sẽ đáng chán thế nào nếu như cuộc đời là những con đường thẳng tắp không có lấy một quãng thời gian nào được “nhấp nhô”. Huống hồ tuổi trẻ lại là lứa tuổi giàu sinh lực nhất, can trường nhất, đủ khả năng để chống chọi với mọi thứ gian truân được giăng trải trên đời. Nếu không sống hết mình một lần, không đủ can đảm để cất những bước đi đầu tiên để chinh phục đam mê khát vọng thì e rằng sau này có hối tiếc cũng muộn màng.

Xin được mượn lại câu nói nổi tiếng của Lỗ Tấn để gửi gắm đôi lời tới những trái tim tuổi trẻ đang cần-được-tiếp-lửa để ra khỏi vùng an toàn, để đi những bước đi đầu tiên như tôi và những người giống tôi: “Trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Và gần đây nhất, tôi cũng một lần nữa muốn cảm ơn đến Sơn Tùng M-TP – người đã cho tôi cảm hứng với câu nói “Đi rồi sẽ đến”.

Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa? - Ảnh 5.

Tôi đã hiểu rằng mình là người trẻ, mình không được tự đóng kín bản thân trong một cái vỏ bọc mà không dám bước ra để chinh phục thế giới. Tôi cũng biết rằng phải tự tin vào chính bản thân mình. Hãy đi những bước chân đầu tiên, hãy vượt qua những nỗi sợ vô hình, hãy cứ đi đi, cứ đi rồi sẽ đến, sẽ chạm tay được đến với thành công. Đường mà không do mình tạo, thì còn trông chờ vào con đường từ người khác và lò dò theo sau bước chân của họ đến bao giờ?

Cứ bảo “Đi rồi sẽ đến”, nhưng giới trẻ Việt đã dám “đi” chưa? - Ảnh 6.