Cùng phát thảo chân dung người mẹ Việt Nam qua 4 bộ phim tự cổ chí kim

Ngân Long, Theo Trí Thức Trẻ 14:49 13/05/2018

Nhân ngày của Mẹ, hãy cùng đi tìm chân dung người mẹ Việt Nam qua những thước phim trải suốt lịch sử Việt Nam.

Nhắc đến những bà mẹ Việt, người ta thường nhắc đến những từ đầy cao đẹp như: đảm đang, trung hậu, vị tha… Nhưng để có thể khắc họa sâu hơn thế, người ta sẽ cần thật nhiều tác phẩm nghệ thuật từ đủ mọi bộ môn. Điện ảnh có lẽ là bộ môn làm tốt nhất nhiệm vụ đó khi đã đem đến cho đám đông khán giả một hình ảnh người mẹ xuyên suốt các giai đoạn lịch sử.

Nhân ngày của Mẹ, hãy cùng đi tìm chân dung người mẹ Việt Nam qua những thước phim trải suốt lịch sử Việt Nam.

Người mẹ cam chịu, hi sinh vì con cái trong những ngày đen tối

Lịch sử dân tộc ta là một chuỗi dài đấu tranh dẫn đến đau thương. Trong những ngày cùng cực dưới ách đô hộ của giặc Pháp, người mẹ Việt Nam lại càng vất vả hơn khi vừa phải chịu sự đày đọa, vừa phải dang tay che chở đàn con thơ dại.

Cùng phát thảo chân dung người mẹ Việt Nam qua 4 bộ phim tự cổ chí kim - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Lê Vân trong vai chị Dậu.

Nhân vật điển hình nhất cho hình tượng người mẹ trong giai đoạn này có lẽ không ai khác ngoài chị Dậu. Vì nhà không có tiền đóng sưu thuế, chị Dậu phải đem bán chó, rồi bán cả đứa con gái lớn. Nhưng rồi gia đình chị lại sớm quay lại cảnh quẫn bách khiến chị phải đi làm vú nuôi cho một lão già trên tỉnh. Cảnh chị Dậu đến nhà Nghị Quế là một phân cảnh đầy cảm xúc: ánh mắt thảng thốt, đôi môi mím chặt của nghệ sĩ Lê Vân thể hiện sự tức giận, niềm đau khổ cứ nghẹn ngào nhưng không thể thốt ra của chị, khiến người xem dù không sống cùng thời với chị Dậu cũng có thể hiểu và thương cho các bà mẹ ngày ấy. Đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đóng góp rất lớn cho hình tượng kinh điển này: ông đã chờ đến 5,6 năm cho đến khi tìm được nghệ sĩ Lê Vân mới bắt đầu quay chị Dậu.

Mẹ anh hùng bước ra tiền tuyến

Đất nước vùng lên giành độc lập, mẹ âm thầm hỗ trợ đứng sau. Nhưng đúng như câu "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", mẹ cùng cha ôm súng ra trận, hi sinh xương máu để con mình được tự do. Sự vĩ đại đó biến mẹ thành một hóa thân của hi vọng, một người biến giấc mơ thành hiện thực. Trong tác phẩm "Khi mẹ vắng nhà", đạo diễn Nguyễn Khánh Dư chọn cách kể về người mẹ qua các con: đám con của chị Út Tịch thì giành nhau xem đứa nào giống mẹ; con Bé, chị lớn trong nhà, thì vừa dàn hòa các em, vừa chăm sóc đứa em còn bế trên tay, hệt như một người mẹ thực thụ.

Cùng phát thảo chân dung người mẹ Việt Nam qua 4 bộ phim tự cổ chí kim - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim Khi mẹ vắng nhà

Khi vắng nhà, mẹ là nỗi nhớ, khi về nhà, mẹ lại là niềm vui trong ngày loạn lạc. Chị Út Tịch chỉ xuất hiện trong một vài phân cảnh, nhưng khi chị xuất hiện, đám trẻ con đang lao nhao cãi nhau, hay đang buồn vì cảnh chiến tranh khói lửa lại ánh lên nét hân hoan rạng rỡ, niềm vui, sự bình yên mà chị mang lại cho chúng khiến trái tim chúng cảm thấy đủ êm dịu để mơ về một ngày mai, khi tất cả được mặc đồ đẹp đi học chứ không còn phải lấy lá cây, mảnh gỗ vụn để chơi đồ hàng.

Sự thành công trong việc khắc họa vai chị Út Tịch của nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu có lẽ là ở sự thấu hiểu dành cho tấm lòng người mẹ Việt. Cô chia sẻ:

"Theo tôi nghĩ, người phụ nữ dù ở miền Bắc hay miền Nam thì vẫn là người phụ nữ của Việt Nam. Tình yêu thương các con và tình yêu đất nước đều sâu sắc như nhau, nhưng mỗi nơi có cách biểu hiện hơi khác một chút. Như hình ảnh chị Út Tịch, đó là người phụ nữ rất quyết liệt, gặp kẻ thù nào cũng sẵn sàng đánh. Còn phụ nữ nơi khác có thể biểu hiện sự quyết liệt theo cách khác".

Yêu con quá mức, mẹ ở mãi trong đời con

Hòa bình lặp lại, người mẹ không còn chịu cảnh mất con, cũng không phải xa con để ra mặt trận. Thế nhưng tình yêu quá lớn của bà mẹ Việt dành cho con, đôi khi đã chặn mất con đường trưởng thành của chính đứa con. Cũng chỉ vì thương con trai, mà bà Phương (NSND Lan Hương) đã can thiệp quá sâu vào đời sống vợ chồng của con trai mình là Thanh (Anh Dũng) và cô con dâu Vân (Bảo Thanh) trong Sống Chung Với Mẹ Chồng.

Cùng phát thảo chân dung người mẹ Việt Nam qua 4 bộ phim tự cổ chí kim - Ảnh 3.

Được nhớ tới với những câu nói hay nhức nhối, bà Phương là điển hình của người mẹ làm hư con với tình yêu của mình

Bà Phương đã khiến cho bao cô gái phải khiếp hãi trước viễn cảnh lấy chồng. Không khó để nhận ra, sự cay nghiệt mà bà dành cho con dâu Minh Vân xuất phát từ cảm giác "mất đi" đứa con trai bé bỏng Thanh. Cộng với sự mù quáng của bà Phương là sự nhu nhược và khờ dại của Thanh, khiến cho gia đình phải đi vào bế tắc. Dẫu cho kết phim là sự tha thứ mà Vân dành cho bà Phương, thì hạnh phúc gia đình đã mất đi sẽ không bao giờ quay lại được. Tất cả chỉ vì tình thương đầy cảm tính mà mẹ Việt dành cho con.

Mẹ dành cả đời chờ con quay về

Kém may mắn hơn bà Phương, bà Tư của nghệ sĩ Kim Xuân đã phải khắc khoải chờ con suốt 30 năm chỉ vì một sự cố của đứa con thơ dại trong Có Căn Nhà Nằm Nghe Nắng Mưa.

Cùng phát thảo chân dung người mẹ Việt Nam qua 4 bộ phim tự cổ chí kim - Ảnh 4.

Bà Tư ra đi thanh thản sau khi tìm thấy con mình

Câu chuyện bắt đầu khi Nam, con trai bà Tư đi nhậu cùng bạn. Sáng hôm sau khi mọi người phát hiện ra người bạn của con bà đã chết đuối, mọi nghi vấn đổ dồn về Nam, trong khi đứa trẻ dại dột chẳng nhớ gì sau chầu nhậu. Lo sợ, bà Tư cho Nam tiền vàng để trốn lên nhà họ hàng. Thế nhưng bà không bao giờ ngờ được, đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy con mình. Phải đến 30 năm sau, con trai của bà mới đến tìm bà trong hình hài của Sơn (Dương Cường).

Bộ phim có một cốt truyện khá đơn giản. Nhịp phim chậm giúp khắc họa sự trôi đi của thời gian. Trong bối cảnh đó, bà Tư của nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân hiện ra đầy vị tha và thương yêu. Sự vội vàng, bấn loạn của bà Tư đã gián tiếp hại chết Nam, nhưng cũng chính sự lo toan không nghĩ suy đó là một nét đặc trưng khác của lòng mẹ. Bà hiểu rằng con mình không phải kẻ xấu, nhưng cũng không đành lòng để con chịu cảnh tù tội nếu nó thực sự có trách nhiệm với cái chết của bạn mình. Thế nên bà chọn cách ở lại khu chung cư cũ 30 năm, chỉ để chờ con về và nấu một bữa cơm "Râu tôm nấu với ruột bầu". Chính nét đẹp đó của lòng mẹ, đã giúp bộ phim là một trong số ít các phim lấy nước mắt khán giả thành công trong năm 2017.

Nhân ngày của mẹ, mong rằng tất cả những người mẹ Việt, dẫu mạnh mẽ như chị Út Tịch, hay tảo tần như chị Dậu, dẫu nóng tính như bà Phương hay đằm thắm như bà Tư, cũng đều tìm được sự bình yên bên gia đình.