Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 21:04 12/04/2018

Bạn có từng thắc mắc rằng những món đồ chơi thời cổ đại có hình dáng như thế nào hay chưa? Có lẽ không có nhiều sự khác biệt, khi mà búp bê thời xưa được làm ra với hình thù giống hệt ngày nay. Đối với con quay Yo-yo, với tuổi thọ lên đến hàng thế kỷ, đằng sau nó là cả một lịch sử phát triển thú vị.

Nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc 

Con quay yo-yo được cho là bắt nguồn từ đất nước Trung Hoa với tên gọi ban đầu là Diabolo. Kể từ đó, con quay bắt đầu được phổ biến theo hai hướng. Đầu tiên là du nhập sang phương Tây, mà cụ thể ở đây chính là xứ Hi Lạp cổ đại. Sau đó, chúng cũng được người dân Philippines ở Đông Nam Á ưa chuộng.

Ở Hi Lạp, ta có thể bắt gặp những nét vẽ chạm khắc hình thù của con quay yo-yo trên những bình lọ hoa cổ có niên đại từ 500 năm trước Công nguyên. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự xuất hiện đầu tiên của một món đồ chơi giải trí trong cuộc sống của người dân Hi Lạp. 

Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ - Ảnh 1.

Ở Hi Lạp, ta có thể bắt gặp những nét vẽ chạm khắc hình thù của con quay yo-yo trên những bình lọ hoa cổ có niên đại từ 500 năm trước Công nguyên.

Xã hội Hi Lạp khi đó còn mang tính lệ thuộc vào các nghi lễ tôn giáo, và có nhiều ý kiến cho rằng, những con quay làm từ gỗ, đất sét hay thậm chí là kim loại này, được sử dụng như một lễ vật dâng lên các vị thần nhằm báo hiệu sự chào đời của một đứa trẻ. Do đặc tính dẻo và mỏng manh, đất sét được sử dụng chủ yếu để làm vật hiến tế, trong khi trẻ em thường chơi những con quay bằng gỗ hoặc kim loại. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy rằng, con quay yo-yo cũng xuất hiện trên những nét vẽ điêu khắc ở Ai Cập, chứng tỏ một điều rằng sức phổ biến rộng rãi của nó không chỉ lan tỏa theo từng khu vực, mà còn tạo sự thu hút đối với cả người lớn lẫn trẻ em.

Những chiếc bình hoa còn sót lại, cộng với những chiếc đĩa bằng đất nung được sử dụng để làm ra con quay yo-yo, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia ở thành phố Athens, Hi Lạp.

Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ - Ảnh 2.

Hình chạm khắc đứa trẻ đang chơi yo-yo trên tay, niên đại 400 năm TCN

Riêng về phần Châu Á, không những được sử dụng như một món đồ chơi mà con quay yo-yo còn được dùng như một món vũ khí hiệu quả dành cho các trận chiến hay những buổi đi săn. Vào thế kỷ 16, những chiến binh người Philippines thường có thói quen trèo lên cây cao và chờ đợi con mồi xuất hiện. Trên tay họ sẽ là một cục đá được mài sắc, nối kèm với một sợi dây, cách nó hoạt động tương tự như món đồ chơi nói trên. 

Thực chất, từ "yo-yo" cũng có nguồn gốc từ đây, có nghĩa là "quay trở về" trong tiếng Philippines, đấy cũng là đặc tính nổi bật nhất của nó. Nên có thể nói, chính người Philippines đã khai sinh ra khái niệm về con quay yo-yo, như cách chúng ta gọi ngày nay.

Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ - Ảnh 3.

Người chơi yo-yo tại Charlottenstrasse, Berlin, những năm 1920

Sức lan tỏa rộng ra khắp toàn thế giới 

Vào năm 1765, yo-yo bắt đầu xuất hiện tại Ấn Độ, và sau đó lại một lần nữa được du nhập vào Châu Âu như một món đồ kì ảo và huyền bí của xứ Đông Phương. Trong thời kỳ Cách mạng Pháp năm 1789, giới trí thức và thượng lưu rất ưa chuộng món đồ chơi này, vì chúng có tác dụng giảm stress và khiến con người bớt căng thẳng, thông qua những động tác xoay yo-yo lặp đi lặp lại. 

Lẽ dĩ nhiên người Pháp không gọi nó dưới cái tên yo-yo thông thường, mà thay vào đó là những từ ngữ địa phương chẳng hạn như "L’emigrette" (đồ ngoại lai), "Bandalore" hay "joujou de Normandie" (đồ chơi của xứ Normandy). Nhiều người cho rằng, chính từ "joujou" (đồ chơi) trong tiếng Pháp là nguồn gốc dẫn đến cách gọi của con quay yo-yo này, khi nó được trở nên phổ biến hơn trong xã hội phương Tây. Tuy vậy, nguồn gốc của nó vẫn được cho là xuất phát từ Philippines từ trước đó.

Cuối thế kỷ thứ 18, yo-yo được sử dụng phổ biến ở Anh Quốc và được phổ cập bởi Hoàng tử xứ Wales, dần dà trở thành thú vui của giới sành điệu của như tầng lớp trí thức. Nó tiếp tục được nhà soạn kịch người Pháp, Beaumarchais, đưa vào vở kịch Figaro, khi nhân vật chính nhắc đến công dụng của yo-yo như một công cụ giảm stress:

"Nó quả là một thứ đồ chơi dành cho quý tộc, nó giúp ta tránh khỏi sự phiền não".

Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ - Ảnh 4.

Thiếu nữ bên con quay yo-yo, phía Bắc Ấn Độ. Bức họa được vẽ vào năm 1770 với chất liệu màu nước đục và vàng nguyên chất.

Riêng ở Mỹ, phải mất đến cả thế kỷ để con quay yo-yo mới có thể du nhập vào xã hội phồn hoa này. Vào năm 1866, phiên bản "Bangalore" cải tiến của 2 người đàn ông đến từ bang Ohio được giới thiệu ra công chúng, mở đầu cho sự xâm nhập của con quay yo-yo vào thị trường Mỹ.

Sau đó khoảng 50 năm, vào năm 1916, tờ báo Scientific American Supplement đã đăng một bài viết lấy tựa đề "Đồ chơi của người Philippines", trong đó mô tả chính xác hình dáng cũng như tên gọi của con quay yo-yo như chúng ta biết ngày nay. 12 năm sau đó, Pedro Flores, một người Philippines nhập cư, đã khai trương cửa hàng sản xuất yo-yo đầu tiên tại bang California, và điều này đã tạo nên một hiệu ứng lan tỏa rất mạnh trong cộng đồng người dân nước Mỹ thời đó.

Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ - Ảnh 5.

Louis Charles, Pháp

Không lâu sau đó, một doanh nhân có tiếng mang tên Donald F. Duncan Sr. đã mua lại toàn bộ cửa hiệu của Flores, có lúc năng suất lên tới 300 nghìn con quay được làm ra mỗi ngày. Lẽ dĩ nhiên, ông này cho phép cải thiện thêm nhiều công đoạn sản xuất hơn nữa, sáng tạo thêm nhiều cách thức và nhiều thủ thuật để chơi yo-yo hơn, chẳng hạn như các động tác kĩ thuật kiểu "ru ngủ" hay "dắt chó".

Nhờ có óc kinh doanh lão luyện của Duncan cùng với việc áp dụng quảng cáo đại trà, yo-yo trở thành một món hàng cực "hot" không chỉ ở nước Mỹ mà cả khắp Châu Âu, ai cũng đều cảm thấy hứng thú muốn mua món đồ chơi này. Thị trường lúc này cũng bắt đầu xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, nhưng do bản quyền thương hiệu "Yo-Yo" đã được chính Duncan đăng ký nên gần như không có công ty nào khác dám so kè cùng với đế chế "con quay" này. Và thế là nhiều tên gọi khác nhau được sử dụng đến, chẳng hạn như "come-back," "return," "returning top," "whirl-a-gig," và cả "twirler" nữa, nhưng tất cả đều không thể đánh bại được sức ảnh hưởng sâu rộng mà "Yo-yo" mang tới.

Cuộc chu du khắp thiên hạ của Yo-yo: Loại đồ chơi lâu đời, phổ biến nhất thế giới và từng được mang ra ngoài vũ trụ - Ảnh 6.

Bức vẽ năm 1791, minh họa hình ảnh một người phụ nữ đang chơi yo-yo phiên bản gốc, thường được gọi với cái tên là "Bangalore".

Cái gì vui rồi cũng có lúc tàn, và điều đó không phải là sự ngoại lệ với con quay yo-yo. Dần dần người ta không còn cảm thấy món đồ chơi này có sức hút nữa. Công ty của Donald Duncan cũng vì thế mà buộc phải tuyên bố phá sản vào năm 1965, sau khi đã đạt được doanh số hơn 45 triệu con quay bán ra trên khắp thế giới.

Tuy vậy, không thể phủ nhận một điều là hiện nay thứ đồ chơi này vẫn còn tương đối phổ biến và đã trở thành một biểu tượng về văn hóa. Hàng năm, cuộc thi yo-yo toàn thế giới vẫn được tổ chức, thu hút hàng ngàn người hâm mộ tham gia chiêm ngưỡng và tranh tài, phô diễn những kĩ năng chơi yo-yo điêu luyện. 

Hiện tại, yo-yo vẫn còn rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản, Mỹ và Cộng hòa Séc, nơi tổ chức cuộc thi yo-yo toàn thế giới vào năm 2014 – cũng là lần đầu tiên cuộc thi này được tổ chức ngoài lãnh thổ nước Mỹ. Bên cạnh đó, yo-yo cũng là món đồ chơi đầu tiên được đem ra ngoài vũ trụ, chính xác là khi nhà du hành vũ trụ David Griggs mang theo bên mình trong chuyến thám hiểm không gian vào năm 1985.

Nguồn: The Vintage News

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày