Cuốn sách tí hon chứng tỏ các sĩ tử Trung Quốc thời xưa đã biết dùng "phao" quay bài

Hiền Phan, Theo Thời Đại 11:28 20/04/2017

Có vẻ dù là ở thời kỳ lịch sử nào chăng nữa, các sĩ tử cũng nghĩ ra lắm chiêu trò nhất để vượt vũ môn thành công.

Việc mang tài liệu không được phép vào phòng thi đã không còn xa lạ gì với những ai đã trải qua thời học sinh sinh viên dữ dội. Tuy nhiên, ít ai biết rằng cách đây hàng trăm năm lịch sử, các thí sinh Trung Quốc cũng phải nhờ đến "phao" để làm bài thi. Mới đây, viện bảo tàng của thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã cho trưng bày một tập vở chép tay siêu nhỏ được cho là "phao" của các sĩ tử thời xưa.

Cuốn sách tí hon chứng tỏ các sĩ tử Trung Quốc thời xưa đã biết dùng phao quay bài - Ảnh 1.

Những trang sách tí hon là phao cứu trợ của các sĩ tử ngày xưa.

Được biết, những trang sách chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay này ghi lại nội dung của Tứ Thư, Ngũ Kinh - bộ sách Nho giáo nổi tiếng của Trung Quốc mà bất cứ một sĩ tử nào muốn thi đậu kì thi Trạng Nguyên đều phải học thuộc. Có lẽ, do lượng kiến thức quá lớn trong bộ sách này khiến nhiều người không thể nhớ nổi nên họ đã nghĩ ra cách sao chép lại chúng với kích thước nhỏ hơn để mang vào phòng thi.

Chủ của món đồ cổ này cho biết, nó ra đời từ thời nhà Minh hoặc nhà Thanh của Trung Quốc cổ đại. Ngoài ra, những thanh niên ngày xưa sẽ may chiếc phao này vào bên trong áo quần của họ để che mắt giám thị. Thậm chí, có những người còn dán chúng vào bên trong đế giày cho chắc ăn.

Các du khách đến tham quan viện bảo tàng tỏ ra khá thích thú với món đồ cổ này và bất ngờ khi biết ông cha xưa cũng nhất quỷ nhì ma như chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, không có tài liệu ghi chép cho thấy các giám thị thời đó dùng cách nào để có thể phát hiện ra hình thức gian lận này.

Cuốn sách tí hon chứng tỏ các sĩ tử Trung Quốc thời xưa đã biết dùng phao quay bài - Ảnh 2.

Các du khách rất thích thú với món đồ cổ thú vị này.

(Nguồn: S.H)