"Đại Chiến Thành Ansi" trên phim và thực tế liệu có cách nhau quá xa?

Nguyên Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 11:30 10/10/2018

Mặc dù dựa trên sự kiện lịch sử xoay quanh cuộc xâm lược nước Cao Câu Ly của vua Đường Thái Tông, những tình tiết xuất hiện trong bom tấn "Đại Chiến Thành Ansi" đến nay vẫn còn gây tranh cãi về mức độ tin cậy.

(Bài viết tiết lộ nội dung phim)

Lên ngôi vào năm 626, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã thực hiện hàng loạt chính sách cải cách, giúp đất nước ngày càng phát triển hưng thịnh. Mang tham vọng mở rộng bờ cõi, ông bắt đầu chuẩn bị kế hoạch chinh phạt các quốc gia láng giềng. Tháng 4 năm 645, lấy cớ tể tướng Yeon Gaesomun giết Vinh Lưu Vương rồi tự ý lập Bảo Tạng Vương làm vua xứ Cao Câu Ly, Lý Thế Dân liền đích thân thống lãnh 20 vạn tinh binh xâm lược vùng đất này. Dẫu sở hữu lực lượng hùng hậu, nhưng quân đội nhà Đường lại bị chặn đứng dưới chân pháo đài Ansi, chốt phòng thủ nằm trên đường tiến về kinh đô Bình Nhưỡng suốt 88 ngày trời.

Kỳ tích quân sự ấy đã truyền cảm hứng cho đạo diễn Kim Kwang Sik bắt tay thực hiện The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi), bộ phim sử thi hoành tráng có kinh phí sản xuất lên tới 21,5 tỷ won (khoảng 440 tỉ VND). Tuy nhiên, những tài liệu xoay quanh trận đánh thuở ấy do hai bên Trung – Hàn ghi chép lại khác biệt nhau ở rất nhiều chỗ. Ngoài ra, chính bản thân tác phẩm The Great Battle cũng đề cập một số tình tiết thiếu chính xác so với thực tế.

Đại Chiến Thành Ansi – Trên phim và thực tế liệu có cách nhau quá xa? - Ảnh 1.

Dương Vạn Xuân, vị mãnh tướng có thật hay nhân vật hư cấu?

Xuyên suốt chiều dài lịch sử chiến tranh Trung - Hàn, chỉ có hai hoàng đế Trung Hoa từng đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc là Tùy Dạng Đế (nhà Tùy) và Lý Thế Dân. Mong muốn tiêu diệt nước Cao Câu Ly bằng mọi giá, thế nhưng bọn họ đều phải chuốc lấy thất bại thảm hại. Riêng trong cuộc viễn chinh của nhà Đường năm 645, 5 ngàn binh sĩ tại pháo đài Ansi đã chống cự thành công trước kẻ thù đông đảo hơn mình gấp 40 lần. Đáng tiếc thay, theo các pho chính sử nổi tiếng, danh tính vị mãnh tướng trấn giữ nơi đây lại hoàn toàn bị thất lạc.

Tuy nhiên, ít nhất có hai tài liệu Hàn Quốc gọi tên Yang Man Chun là thành chủ Ansi. Đó là cuốn Đồng xuân đường tiên sinh biệt tập của Song Jun Gil, biên soạn năm 1768; và Nhiệt hà nhật ký của Park Ji Won. Thời gian trôi qua, hình tượng thành chủ Yang Man Chun dần được dân gian chấp nhận rồi lưu truyền rộng rãi. Giống như The Great Battle mô tả, ông là người văn võ song toàn, rất giỏi bắn cung lẫn tính toán mưu lược. Sau khi giành thắng lợi vang dội trước Đường Thái Tông, số phận Yang Man Chun cũng không được các sử gia làm rõ. Chúng ta chỉ biết ông góp mặt và tỏa sáng đúng một lần duy nhất tại chốt chặn Ansi huyền thoại.

Đại Chiến Thành Ansi – Trên phim và thực tế liệu có cách nhau quá xa? - Ảnh 2.

Chân dung thành chủ Yang Man Chun, vị mãnh tướng bị lịch sử lãng quên dưới sự thể hiện của Jo In Sung.

Đắp núi diệt thành, kế hoạch điên rồ từ Đường Thái Tông hay miệng đời thêu dệt?

Trong phim, Lý Thế Dân (Park Sung Woong) đã linh hoạt vận dụng nhiều chiến thuật khác nhau nhằm triệt hạ pháo đài, từ xe thang leo, trục phá cổng cho tới tháp công thành đồ sộ. Tuy nhiên, nhờ có sự dẫn dắt tài ba của Yang Man Chun (Jo In Sung), nhân dân Ansi lần lượt khiến mọi nỗ lực mà quân Đường bỏ ra đều trở nên vô ích. Quá tức giận, hoàng đế Trung Hoa ra lệnh đắp một quả núi sừng sững. Với chiều cao vượt xa tòa thành, ông sẽ dùng nó làm bàn đạp để kỵ binh lao xuống theo thế đổ dốc, quét sạch toàn bộ nghĩa sĩ Cao Câu Ly.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, do am hiểu về địa hình nơi đây, Yang Man Chun sai nhóm thợ mỏ âm thầm đào hầm vào lòng quả núi, đồng thời phá hủy tất cả số cột chống. Chẳng mấy chốc, phần đỉnh núi nhanh chóng đổ sập và ngang bằng với tường thành. Nhân cơ hội đám lính nhà Đường còn đang hoảng hốt, ông liền dẫn thuộc hạ đột kích, đánh chiếm luôn vị trí quan trọng này. Bất chấp quân Đường liên tục tràn lên, nhân dân Ansi đã anh dũng đẩy lui từng đợt tấn công, giữ vững cứ điểm trên suốt 3 ngày 3 đêm.

Đại Chiến Thành Ansi – Trên phim và thực tế liệu có cách nhau quá xa? - Ảnh 3.

Căn cứ theo sử sách, Lý Thế Dân từng cho người xây dựng cái gò lớn ở góc đông nam pháo đài. Huy động hơn 50 vạn nô lệ lẫn phu dịch để hoàn tất, nó chỉ cách bờ tường chừng vài chục mét và có thể quan sát hết thảy khung cảnh bên trong. Đáp trả lại điều đó, binh sĩ Cao Câu Ly cũng lập tức sửa sang, nâng cao thành quách. Thế rồi, phép màu đã bất ngờ xảy ra. Vào ngày nọ, một phần gò bỗng nhiên bị sạt lở. Khối đất đá đè lên bờ tường và tạo nên chiếc cầu giúp Yang Man Chun kéo quân sang phản công.

Dương Vạn Xuân bắn mù mắt Lý Thế Dân, sự thật hay câu chuyện đồn đoán?

Quay lại nội dung The Great Battle, vì nhận thấy kẻ địch quá mạnh, thành chủ Ansi quyết định cá cược cùng vận may. Sử dụng cây cung huyền thoại của Đông Minh Vương Jumong (vị vua sáng lập nên vương quốc Cao Câu Ly), Yang Man Chun nhắm bắn hắc thạch tiễn vào "đầu não" Lý Thế Dân. Bị trúng tên ngay mắt, hoàng đế nhà Đường liền phát lệnh rút quân trong đau đớn, pháo đài nhờ vậy mà được an toàn. Cuốn Nhiệt hà nhật ký cũng đề cập tới chi tiết này. Nhưng kì lạ ở chỗ, những bộ sử ký uy tín bên phía Trung Quốc thời ấy đều không hề nhắc đến chi tiết lý thú này.

Đại Chiến Thành Ansi – Trên phim và thực tế liệu có cách nhau quá xa? - Ảnh 4.

Park Sung Woong trong vai Lý Thế Dân, hoàng đế Trung Hoa cuối cùng thân chinh đem quân chiếm đất Hàn.

Theo họ, Đường Thái Tông vẫn hoàn toàn lành lặn lúc trở về Trường An. Ông chấp nhận lui binh khỏi lãnh thổ đối phương do lo sợ mùa đông khắc nghiệt đang tới gần. Thậm chí, trước khi rời đi, người đứng đầu Thiên Triều còn ban tặng Yang Man Chun 100 tấm lụa quý nhằm vinh danh lòng dũng cảm của vị mãnh tướng. Giai thoại xung quanh sự kiện thành chủ bắn mù mắt Lý Thế Dân chủ yếu xuất hiện trong các bài thi ca và lời truyền miệng. Tuy nhiên, hoàng đế Trung Hoa đã qua đời chỉ 4 năm sau cuộc viễn chinh nhục nhã. Ngoài ra, việc ông ta từng yêu cầu sửa chữa quốc sử khiến nhiều nhà nghiên cứu nghi ngại rằng, mức độ tin cậy của số tài liệu kể trên là không cao.

Kết cục buồn đối với triều đại Cao Câu Ly

Cuối bộ phim, dòng chữ tóm lược trên màn hình cho thấy, Lý Thế Dân đã để lại di thư, dặn dò con cháu không được phép đem quân đến vùng đất đó. Tất nhiên, thực tế chẳng hề đẹp đẽ như thế. Trong bản di chúc ngoài đời, Đường Thái Tông chỉ nhắn nhủ quần thần hãy tạm ngưng quá trình chuẩn bị lương thảo, chờ đợi thời cơ phù hợp hơn. Nối nghiệp vua cha, Đường Cao Tông Lý Trị tiếp tục hoàn thành giấc mộng hùng bá. Ông bắt đầu thiết lập liên minh với Tân La, kẻ thù truyền kiếp nằm cạnh Cao Câu Ly và thường xuyên tổ chức hàng loạt kế hoạch tiêu diệt quốc gia đang ngày càng suy yếu này.

Đại Chiến Thành Ansi – Trên phim và thực tế liệu có cách nhau quá xa? - Ảnh 5.

Cuối cùng, Cao Câu Ly cũng không thể tránh khỏi họa mất nước.

Năm 668, hơn hai thập niên kể từ "phép màu Ansi", Lý Trị đã chính thức đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của đất nước Cao Câu Ly, khiến vua Cao Tạng Vương phải đồng ý quy phục Thiên Triều. Rốt cuộc thì, việc đánh bại nhà Đường năm 645 chỉ giúp nhân dân nơi đây hưởng thụ thêm chừng hai mươi năm yên bình ngắn ngủi. Hiện nay, di tích pháo đài Ansi huyền thoại được cho là trực thuộc thị xã Hải Thành, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Đại Chiến Thành Ansi hiện đang chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.