Đạo diễn của "Searching" thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính?

Minh Phong, Theo Helino 16:27 08/12/2018

"Searching" để lại cho người xem một cái kết cực kỳ bất ngờ, nhưng nếu bình tĩnh và nhìn lại cách mà đạo diễn kể lại câu chuyện phim, người xem sẽ thấy bàng hoàng và bất ngờ trước mối hiểm họa tiềm ẩn trong thông điệp của phim.

Đạo diễn Aneesh Chaganty đã lựa chọn cách kể lại câu chuyện phim của Searching một cách cực kỳ sáng tạo. Đó là thông qua màn hình máy tính và các thiết bị số của các nhân vật trong phim. Chính điều này đã giúp cho khán giả có một trải nghiệm thú vị khi xem phim, nhưng nếu nhìn từ tổng thể, cách mà đạo diễn chọn để kể chuyện lại gợi nhớ đến một mối nguy hiểm khá thực tế đến từ mạng internet. Đó là khả năng mà mỗi màn hình máy tính của chúng ta bị theo dõi và điều khiển bởi những hacker thông qua mạng wifi và internet.

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 1.

Xuyên suốt câu chuyện phim, không có một cảnh quay nguyên liệu (footage) nào được quay từ thực tế. Tất cả chỉ là những đoạn quay màn hình được ghi lại từ máy tính của nhân vật chính, David Kim (John Cho). Nhưng sẽ ra sao nếu người kể chuyện của phim, thực sự là một hacker và hắn đã xâm nhập vào máy tính của phim thông qua mạng internet để chiếm quyền điều khiển và ghi lại màn hình (Screen Recorder) thông qua một phần mềm điều khiển máy tính từ xa? Điều này là hoàn toàn khả thi khi mà ngày nay trên mạng tràn ngập những ứng dụng cho phép hai người sử dụng truy cập vào máy tính của nhau. TeamViewer là một ví dụ. Người dùng phần mềm này cho phép người khác hoàn toàn truy cập vào máy tính của mình thông qua một thao tác đơn giản. Hãy để ý nội dung phim, bạn sẽ thấy. Xuyên suốt nội dung phim, khán giả được xem những cảnh screen record đến từ nhiều thiết bị thuộc nhiều người khác nhau.

Máy tính bàn dùng chung của nhà họ Kim

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 2.

Một ảnh chụp màn hình từ máy tính bàn của gia đình họ Kim.

Mở đầu phim là phần quay lại màn hình trên chiếc máy tính bàn dùng chung của cả nhà họ Kim. Mỗi thành viên trong gia đình có một tài khoản riêng trên chiếc máy. Thông qua màn hình của chiếc máy tính này, đạo diễn đã ghi lại toàn bộ những thao tác, hành động của Pamela Kim (Sara Sohn), người vợ, người mẹ trong gia đình. Chưa hết, phần danh bạ còn chứa đầy thông tin cá nhân của cô và bạn bè, các mối quan hệ xã hội khác. Pamela lưu trữ khá nhiều thông tin vào chiếc máy tính này từ sinh nhật, lịch hẹn và các video + hình ảnh kỷ niệm của gia đình.

Chiếc laptop của David Kim

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 3.
Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 4.

Màn hình ghi lại máy tính của David Kim mặc dù anh hoàn toàn ý thức được chuyện đó.

Tiếp theo là đến màn hình laptop của David Kim. Thông qua màn hình của chiếc laptop này, người kể chuyện, đạo diễn hay tay hacker đã hoàn toàn có thể nắm được tình hình gia đình nhà họ Kim. Ông bố của gia đình, David Kim phụ thuộc nặng nề vào chiếc máy tính của mình đến mức anh đồng bộ mọi thứ trên cả điện thoại của mình vào máy tính. Từ tin nhắn, cuộc gọi đến, facetime... Tệ hơn là anh để máy tính mở cả ngày đêm mà không hề biết rằng kể cả khi anh đi ngủ, chiếc máy tính cũng thực hiện một số thao tác mà anh không hề hay biết. Ví dụ như tự kích hoạt màn hình, tự bật webcam khi David Kim đang ngủ v.v... Và trong một phân cảnh khi David đã đi ra ngoài tìm con gái, chiếc laptop... tự động bật một đoạn video đang chiếu trực tiếp nơi David tìm đến?

Máy tính bàn tại nơi làm việc của David

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 5.
Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 6.

Màn hình máy tính ở nơi David Kim làm việc cũng bị ghi lại.

Kể cả máy tính bàn ở nơi làm việc của mình, David Kim cũng đồng bộ với mọi cuộc gọi, tin nhắn từ điện thoại. Đây là một chiếc máy tính khác so với laptop bình thường anh sử dụng. Khán giả xem có thể sẽ để ý thấy chiếc máy tính này sử dụng hệ điều hành Ubuntu thay vì MAC như laptop của anh. Chiếc máy tính bàn này đã ghi âm những cuộc gọi mà anh thực hiện kể từ khi cô con gái mất tích. Bằng những đoạn phim quay ở màn hình của chiếc máy tính này trong quá trình David đi tìm con gái, người xem có thể hiểu được rằng hacker hay bất kỳ ai đã thành công trong việc xâm nhập và âm thầm quay lại màn hình của chiếc máy tính bàn này. Đây là một nguy cơ thực sự khi chiếc máy tính bàn này là nơi chứa mọi bí mật công việc của công ty nơi David làm việc.

Laptop của Margot Kim

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 7.

David truy cập vào trang livestream của con gái và phát hiện thói quen riêng của cô.

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 8.

David ngồi trong phòng con, truy cập máy tính của con gái mình để tìm manh mối.

Chiếc laptop của cô con gái mất tích, Margot Kim (Michelle La) cũng không là ngoại lệ. Khi cô bé mất tích, bố của cô, David Kim đã sử dụng laptop của cô bé để tìm kiếm manh mối để giải cứu con gái. Và cái máy tính này cũng hoàn toàn bị ghi lại màn hình. Mọi động thái của bố cô bé trên máy tính đều bị quay hình lại và chuyển tới khán giả. Từ việc David lục lọi mớ hồ sơ cũ, mớ bài tập, tài liệu v.v... Kể cả những liên lạc của bạn trai của cô nàng tuổi teen... cũng bị bại lộ. Tình tiết này nhắc đến một thói quen phụ thuộc vào mạng internet nguy hiểm khác. Đó là khi bạn tham gia vào quá nhiều các mạng xã hội, trang web khác nhau và lưu lại mật khẩu, thông tin cá nhân của mình trên máy tính. Chỉ bằng một việc đơn giản đó là đăng nhập vào hộp mail của con gái, David Kim đã phát hiện ra toàn bộ bí mật, đời tư, những mối quan hệ của con gái mình. Từ đó, anh lần ra manh mối để giải cứu con gái. Nhưng vấn đề là trong trường hợp này thôi, những manh mối đó được dùng để cứu người. Còn những trường hợp khác thì chưa chắc.

Và vô số những màn hình laptop vô danh khác

Đạo diễn của Searching thực ra là một... hacker nằm vùng theo dõi cả gia đình của nhân vật chính? - Ảnh 9.

Khi David ra ngoài tìm kiếm con gái, anh không hề sử dụng máy tính hay điện thoại. Thế nên những màn hình laptop của những người khác đã bị "trưng dụng" tường thuật lại chuyện này.

Càng về cuối phim, khi David Kim không còn sử dụng laptop và điện thoại quá nhiều để lần ra manh mối đi tìm con gái nữa. Đạo diễn (Hay tay hacker) phải chuyển qua sử dụng những màn hình máy tính khác để theo dõi nhà họ Kim. Vô số những màn hình máy tính, điện thoại khác được dùng để trình chiếu những bài báo, những đoạn video ghi lại cảnh ông bố tuyệt vọng lao đi tìm con. Đây có thể là một phân đoạn khá cảm động của phim, nhưng không cảm động đối với những nạn nhân đang bị chiếm quyền sử dụng máy tính.

Đây không phải là một nguy cơ ảo do đạo diễn tự... tưởng tượng ra chỉ để hù dọa mọi người. Mà nó là một vấn nạn, một nguy hiểm đang rình rập có thật trong các ngóc ngách của mạng internet và người dùng cần phải sớm ý thức được chuyện này. Trên mạng, có hẳn một website tên là Opentopia cho phép người truy cập theo dõi hơn 2600 camera được lắp trên toàn thế giới. Website này không hề sở hữu một chiếc camera nào cả, tất cả những gì họ làm là... hack vào các hệ thống quản lý mà thôi!

Thông điệp của Searching không chỉ dừng lại ở vấn đề cuộc sống ảo trên mạng xã hội và những người bạn giả tạo, mà nó còn vươn xa hơn nữa khi được nhìn theo một cách khác. Có thể đạo diễn Aneesh Chaganty không phải là một tay hacker mà chỉ là một người kể chuyện, nhưng cách ông tập hợp nguyên liệu cho câu chuyện của mình thực sự khiến chúng ta phải suy ngẫm. Searching hiện đang được trình chiếu trên các rạp toàn quốc.