Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm

Hoan Ca, Theo 14:46 05/09/2022

Đấu Trí là bộ phim truyền hình mới nhất lấy đề tài điều tra tội phạm, tập trung khắc hoạ cuộc chiến đấu của các chiến sĩ công an được lên sóng VTV. Tuy nhiên, bộ phim vẫn đang loay hoay với nhiều vấn đề.

Trong Đấu Trí, nam diễn viên Thanh Sơn thủ vai Đại uý Lê Anh Vũ. Anh là chiến sĩ cảnh sát kinh tế được giao nhiệm vụ điều tra, triệt phá các đường dây tham nhũng, buôn lậu lớn tại tỉnh Đông Bình. Sát cánh bên anh trên hành trình cam go là những người đồng đội kiên trung. Trên hành trình ấy, họ phải đương đầu với vô số hiểm nguy và cám dỗ. Một nước đi sai lầm có thể khiến Vũ và đồng đội phải trả những cái giá đắt đỏ.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 1.

Cuộc chiến thầm lặng của các chiến sĩ cảnh sát đã được khai thác từ rất sớm trên truyền hình, với đỉnh cao là series phim Cảnh Sát Hình Sự. Phải tới những năm gần đây, mà cụ thể là với Đấu Trí, khán giả mới có cơ hội tìm hiểu một phần công việc của các chiến sĩ công an kinh tế. Ăn điểm nhờ chọn đúng đề tài được dư luận quan tâm, nhưng tác phẩm của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Danh Dũng lại gặp vấn đề trong cách dẫn dắt câu chuyện.

Bối cảnh mịt mờ, nội dung dàn trải

Đấu Trí được giới thiệu là "lấy cảm hứng từ những sự kiện mang tính thời sự, những đại án tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu sinh phẩm y tế, phơi bày nhiều mưu mô thủ đoạn, những hoạt động ngầm của nhóm tội phạm ‘cổ cồn trắng’, những liên minh lợi ích giữa doanh nghiệp và quan chức" (theo website của VTV Giải trí). Một trong hai vụ "đại án" có thật, truyền cảm hứng cho tác phẩm, chính là vụ đẩy giá sinh phẩm kit test Covid-19 của Công ty Việt Á vừa bị phanh phui.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 2.

Tạo hình Thanh Sơn trong vai Lê Anh Vũ

Giống như nhiều bộ phim thuộc thể loại điều tra, phá án từng được VFC thực hiện, Đấu Trí đã xây dựng được hình tượng người chiến sĩ công an quả cảm, liêm chính đối lập với tập đoàn tội phạm nham hiểm. Bên cạnh đó, những bộn bề trong cuộc sống riêng của các chiến sĩ cũng được tác phẩm dày công xây dựng, tạo nên một bức tranh đời sống muôn màu muôn vẻ.

Tuy ăn điểm về ý tưởng, Đấu Trí để lộ điểm yếu về cách kể khi đưa vào câu chuyện nhiều nội dung quá lớn, mang tính nhạy cảm. Nhà làm phim phải cân nhắc và tính toán kỹ càng nên kể điều gì và giữ lại điều gì song song với việc chuẩn bị đủ sự kiện và tình tiết để lấp đầy 60 tập. Kết quả, phim thường xuyên mang đến cho người xem cảm giác mông lung về thời gian, đứt gãy giữa các sự kiện và trúc trắc trong dẫn chuyện.

Tập 1 của Đấu Trí dùng tình huống người dân đi qua chốt kiểm dịch Covid-19 và than trời vì chi phí mỗi lần xét nghiệm quá đắt đỏ làm tiền đề cho cả bộ phim, song song với cảnh đội điều tra họp bàn về kế hoạch triển khai điều tra vụ nâng giá kit test. Đây là một mở bài quá sơ sài so với bối cảnh cả nước cùng chung tay chống dịch mà phim lựa chọn khai thác. Thiếu đi một góc nhìn từ đại cảnh, người xem bối rối khi tìm kiếm những dấu hiệu để xác định không gian và các mốc thời gian của bộ phim từ đó về sau.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 3.

Đấu Trí sở hữu dàn nhân vật đồ sộ, với nhiều ràng buộc lợi ích phức tạp

Sau 1/3 chặng đường, Đấu Trí đang dẫn dắt khán giả dấn sâu hơn vào mê cung mịt mùng những mối quan hệ chồng chéo và lợi ích nhóm của giới doanh nhân cũng như lãnh đạo tỉnh Đông Bình. Đại uý Vũ là người tham gia điều tra vụ nâng giá kit test. Nhưng sau khi bị một tên tội phạm mình từng tống vào tù gửi đơn tố cáo, Vũ đã bị điều chuyển sang tổ điều tra án buôn lậu tại cục xuất nhập khẩu.

Có đến hai vụ án nghiêm trọng cùng diễn ra trong đấu trí, nhưng chỉ có một nhân vật chính duy nhất. Điều này dẫn đến việc từ tập 13, 14 của series, sau khi Vũ nhận án mới, trọng tâm của phim cũng thay đổi. Những tình tiết mới xoay quanh vụ điều tra kit test thưa vắng dần, trong khi diễn biến xoay quanh đường dây buôn lậu phát triển ngày một phức tạp.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 4.

Tình tiết họp giao ban được sử dụng nhiều lần xuyên suốt các tập phim

Mạch phim bị rối loạn khi án này chưa xong án khác đã đến, khiến khán giả dễ mất tập trung, thậm chí hụt hẫng vì đang theo dõi dở dang vụ án đầu tiên. Xung quanh vụ điều tra nâng giá sinh phẩm là dàn nhân vật đồ sộ với các mối quan hệ chồng chéo, không dễ để nắm bắt và ghi nhớ ngay lập tức. Việc xâu chuỗi sự kiện càng khó hơn khi phim chuộng lối kể nhát gừng, thiên về liệt kê sự kiện mà thiếu các khoảnh khắc mang tính xâu chuỗi, kết nối mọi thứ thành âm mưu lớn hơn.

Việc kịch bản Đấu Trí đột ngột "chèn" một án thứ hai vào giữa vụ đầu tiên và chỉ tập trung khai thác nó trong những tập gần đây có thể khiến khán giả quên mất mạch tình tiết hay những gương mặt xuất hiện từ đầu phim. Không rõ việc đột ngột "nhấc" Vũ sang một vụ án mới có phải ý đồ của biên kịch và đạo diễn nhằm hướng đến cái kết "tuy hai mà một" - các vụ án tưởng chừng đơn lẻ lại dẫn đến một trùm phản diện duy nhất - hay chỉ thuần tuý nhằm mục đích câu giờ, đánh lạc hướng khán giả cho đủ 60 tập phim.

Phim điều tra phá án hay tâm lý xã hội?

Trong các tập vừa qua của Đấu Trí, khán giả cũng có cơ hội khám phá đời sống cá nhân của Vũ. Anh vừa mắc kẹt giữa mâu thuẫn của mẹ và chị gái vừa phải xoay sở để làm tròn vai trò người yêu hoàn hảo với Lam (Lương Thu Trang). Trong lúc đại án nâng khống giá kit test chưa có diễn biến mới, cuộc điều tra án buôn lậu vẫn đang ở giai đoạn tìm kiếm thêm manh mối, đời tư của Vũ dường như là mạch truyện duy nhất có phát triển đều qua mỗi tập.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 5.

Vũ là người con hiếu thảo, nhưng anh đã làm trái ý mẹ khi trở thành công an

Không chỉ biết về Vũ, khán giả giờ đây còn tưởng tận cảnh đời của chị anh - một phụ nữ phải bỏ lại con gái riêng cho mẹ đẻ để đi lấy chồng. Thái độ lạnh nhạt, ruồng rẫy con gái của cô khiến mẹ muộn phiền. Đây có thể là mở bài thú vị cho các bộ phim tâm lý xã hội dài tập, cũng có thể là một sự gia giảm cảm xúc thú vị cho Đấu Trí. Nhưng hiện vẫn chưa rõ mạch truyện phụ này sẽ đóng góp gì cho diễn biến chính của loạt phim.

Trước khi Đấu Trí lên sóng, Thanh Sơn từng chia sẻ chuyện tình giữa Vũ và Lam trong phim sẽ có nhiều "drama" (thăng trầm). Trên màn ảnh, thời gian Vũ ở bên người yêu có thể sánh ngang quãng thời gian anh dùng để tra án. Thay vì những khoảng nghỉ giúp cuộc đấu trí giữa cảnh sát và tội phạm bớt căng thẳng, chuyện tình Lam - Vũ đã trở thành diễn biến chính trong những tập phim gần đây.

Sau khi Vũ bị điều chuyển công tác, anh và Lam có một chuyến du lịch cùng nhau. Chuyến du lịch kéo dài ba tập phim, với đủ các cung bậc yêu đương, cãi vã, giận hờn, làm lành… Thậm chí, trong chuyến đi, trong lúc Vũ mải mê đuổi theo manh mối mới, Lam đã gặp lại người yêu cũ. Anh này hy vọng nối lại tình xưa, nhưng Lam từ chối. Tất nhiên, anh chàng không vì thế mà bỏ cuộc. Diễn biến này được thuật lại chi tiết trên màn ảnh, như thể Đấu Trí trong khoảnh khắc đã trở thành Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 6.

Chuyện tình giữa Vũ và Lam chiếm thời lượng đáng kể trong mọi tập phim

Đối tượng tình nghi hàng đầu của cuộc điều tra buôn lậu do Vũ cùng đồng đội đang tiến hành là ông Cửu, chi cục trưởng cục hải quan. Ông Cửu thể hiện mình là một viên chức sống đời khổ hạnh. Nhưng đó chỉ là vỏ bọc để che đậy việc ăn tiền đút lót từ doanh nghiệp. Khác với cách tiếp cận chân dung các nhân vật phản diện trong vụ án nâng giá kit test - chỉ kể chuyện làm ăn, không nói về đời tư - mạch truyện về vụ án buôn lậu lại dành nhiều thời lượng để đi sâu mô tả mối bất hòa giữa ông Cửu và con gái trong đời sống thường nhật thay vì các mánh khóe phạm pháp.

Trong diễn biến mới nhất, con gái ông Cửu còn phát sinh tình cảm với một chiến sĩ trinh sát sau khi được anh này cứu giúp và đến tận nhà để "bắt đền". So với tập đầu tiên, tập mới nhất của Đấu Trí đã trở nên giống với bất kỳ tác phẩm tâm lý xã hội nào từng lên sóng khung giờ vàng thay vì một phim thể loại tội phạm. Đấu Trí đang sa đà vào việc kể những câu chuyện vụn vặt trong cuộc sống hàng ngày như mâu thuẫn gia đình, rắc rối tình cảm của các nhân vật.

Việc phá án diễn ra dễ dàng tới mức nhàm chán. Các manh mối thi nhau từ trên trời rơi xuống, khiến khán giả không biết chúng có xác tín không hay chỉ là chiêu tung hỏa mù của phe phản diện. Việc các chiến sĩ phải đối mặt với những khó khăn gì, hay dùng cách nào để có được những bước tiến trong việc điều tra cũng không được tiết lộ. Sự thiếu manh mối này khiến khán giả trở thụ động chờ đợi, không bị thôi thúc "bắt tay" vào suy luận cùng các nhân vật chính, qua đó xây dựng cảm giác gắn bó với phim.

Đấu Trí: Bỏ quên phá án, sa đà vào rắc rối tình cảm - Ảnh 7.

Nghệ sĩ Đức Khuê đảm nhận vai diễn tay viên chức hai mặt tên Cửu

Điểm thú vị, cũng là lý do khán giả chọn xem các bộ phim về lực lượng cảnh sát chính là diễn biến cuộc điều tra, lật tẩy chân tướng kẻ thủ ác của các chiến sĩ công an. Cuộc chiến cam go ấy đã làm nên sức hút cũng như tầm ảnh hưởng văn hóa đại chúng to lớn cho thương hiệu phim truyền hình Cảnh Sát Hình Sự trong thập niên 2000. Người xem cũng không khỏi kỳ vọng điều tương tự với Đấu Trí, dù rõ ràng cuộc chiến của các chiến sĩ công an kinh tế chống lại giới tội phạm cổ cồn trắng không thể nhiều pha truy đuổi giật gân hay hiểm nguy nghẹt thở như những người đồng nghiệp hình sự.

Tuy nhiên, với những gì Đấu Trí đã thể hiện trên màn ảnh, khán giả dường như đang phải đọc một tập hồ sơ với quá nhiều chi tiết liên quan đến nghiệp vụ điều tra hay hậu trường ngành công an bị mã hóa. Để lấp đầy khoảng trống này, nhà làm phim buộc phải "độn" thêm các câu chuyện bên lề, khiến phim đang có xu hướng trôi xa khỏi điểm khởi đầu là một tác phẩm điều tra tội phạm.

Thông tin chính thức từ nhà sản xuất cho biết Đấu Trí sẽ có độ dài 60 tập. Nhưng qua những gì tác phẩm đưa lên màn ảnh vừa qua, rất có thể khán giả sẽ phải xem nhiều tập phim dài dòng, lan man, mang tính câu giờ trước khi các đại án được Vũ và đồng đội của anh phá giải.

Nguồn ảnh: VFC

https://kenh14.vn/dau-tri-bo-quen-pha-an-sa-da-vao-rac-roi-tinh-cam-20220905113451938.chn