Đây có thể là con chim cánh cụt hiếm nhất thế giới: cả hành tinh có đúng 1 con

J.D, Theo Helino 13:19 21/02/2019

Đó là những gì được các nhà khoa học đánh giá qua hình ảnh BBC thu được từ Nam Cực.

Tháng 2 năm nay quả là một của hiếm đối với cộng đồng đam mê thiên nhiên hoang dã. Trong tuần trước, chúng ta đã có những bức hình đầu tiên trong 100 năm về sinh vật huyền thoại hiếm bậc nhất châu Phi là báo đen.

Và mới đây, khoa học còn ghi nhận được một sinh vật còn hiếm hơn thế, cũng có màu đen nhưng không phải báo. Đó là chim cánh cụt! Một con chim cánh cụt màu đen tuyền.

Đây có thể là con chim cánh cụt hiếm nhất thế giới: cả hành tinh có đúng 1 con - Ảnh 1.

Cụ thể thì con chim này thuộc giống cánh cụt hoàng đế, được ghi lại trong một video do BBC thực hiện. Trong đó là cảnh tượng chú chim cánh cụt đen tuyền đang đi lại lững thững giữa một rừng cánh cụt lông đen nhưng bụng trắng.

Theo các chuyên gia lý giải thì cũng giống như báo đen, con chim này bị đột biến melanin (còn gọi là melanism) - một dạng đột biến hiếm gặp khiến cơ thể tăng hắc tố melanin, khiến toàn thân chuyển thành màu đen. Có thể xem đây là một dạng đột biến ngược với bạch tạng.

"Phải chăng đây là con cánh cụt hiếm nhất Trái đất?" - trích lời người phát ngôn của BBC.

Đây có thể là con chim cánh cụt hiếm nhất thế giới: cả hành tinh có đúng 1 con - Ảnh 2.

Trên thực tế, đó là nhận định hoàn toàn có cơ sở. Đột biến melanin từng được ghi nhận ở một số cá thể chim cánh cụt, nhưng đó là đột biến một phần. Chưa bao giờ có con cánh cụt hoàng đế nào mắc phải chứng đột biến này. Và đồng thời, đột biến khiến cánh cụt hoá đen toàn thân cũng là cực kỳ hiếm.

Theo các chuyên gia, đột biến melanin một phần có mức độ hiếm rơi vào khoảng 1:250.000. Và đột biến toàn phần như vậy còn hiếm hơn thế nữa.

"Con cánh cụt này có thể là con duy nhất bị như vậy,"

Cách cụt hoàng đế trưởng thành thông thường có lông đầu và cánh màu đen, nhưng lưng màu xám và bụng màu trắng, kèm một vòng tròn vàng cam quanh cổ. Trong khi con cánh cụt mới phát hiện lần này thì toàn thân màu đen, dù có một vài khoảng trắng kỳ lạ trên ngực và cánh. Ngoài ra, nó vẫn có một vài khoảng vàng (dù ít) quanh cổ.

Đây có thể là con chim cánh cụt hiếm nhất thế giới: cả hành tinh có đúng 1 con - Ảnh 3.

Việc trở nên quá đặc biệt cũng không phải là điều tốt. Nếu như ở báo đen, dạng đột biến này giúp chúng dễ dàng hòa lẫn vào màn đêm hơn, thì con chim cánh cụt này không được hưởng điều đó.

Sinh sống tại nơi băng tuyết phủ trắng, việc có một bộ lông đen khiến chúng dễ bị phát hiện trong tuyết. Hơn nữa, chiếc bụng trắng của chim cánh cụt còn giúp chúng nguỵ trang khi bơi và săn mồi, nên rõ ràng chú chim này sẽ gặp khó khăn hơn.

Nhưng đó là lý thuyết. Còn theo thực tế được ghi nhận bởi BBC, con cánh cụt vẫn đang khá ổn. Nó trông rất khỏe mạnh và đang đi tìm bạn tình.

Cánh cụt hoàng đế là loài cao và nặng nhất trong họ nhà cánh cụt, với chiều cao trung bình là 1,22m, nặng 45kg. Hienej tại, nó đang được xếp vào diện "cận đe dọa" trong sách Đỏ, với số lượng đang giảm dần vì biến đổi khí hậu và các hoạt động của con người.
Tham khảo: BBC, IFL Science