Đây là bức ảnh màu sâu và sắc nét đầu tiên về vũ trụ

Phương An, Theo Trí Thức Trẻ 11:31 13/07/2022

Bức ảnh vũ trụ này được chụp bởi kính viễn vọng James Webb và nó mất chỉ 12,5 tiếng đồng hồ để cho ra thành phẩm.

Các nhà thiên văn học đã đặt tên cho bức ảnh này là "Webb's First Deep Field", trong đó chứa hình ảnh của cụm thiên hà SMACS 0723. Đây được xem là bức ảnh màu đầu tiên và sắc nét nhất từng được công bố ra công chúng.

Bức ảnh ấn tượng hé lộ một phần nhỏ của vũ trụ ở thời điểm vài trăm triệu năm sau vụ nổ Big Bang, khi các thiên hà bắt đầu hình thành và các vì sao bắt đầu tỏa sáng. Những tia sáng đầu tiên này mất khoảng 13,5 tỷ năm để truyền tới kính viễn vọng không gian James Webb (JWST). Điều này đồng nghĩa với việc, những hình ảnh mà chúng ta đang được nhìn thấy ngay bên dưới chính là vũ trụ này, nhưng của hàng tỷ năm về trước. Đây đồng thời cũng là bức ảnh xa nhất về vũ trụ mà con người từng chụp được cho đến hiện tại.

Đây là bức ảnh màu sâu và sắc nét đầu tiên về vũ trụ - Ảnh 1.

Bức "Webb's First Deep Field" chụp lại cụm thiên hà SMACS 0723 vốn đã 13,5 tỷ năm tuổi

"Chúng ta đang ngược dòng thời gian khoảng 13,5 tỷ năm", giám đốc NASA Bill Nelson chia sẻ trong họp báo trực tuyến hôm 11/7. Trong bài viết của mình, NASA còn viết: "Hãy nhặt một hạt cát lên, đặt nó ra xa khoảng một sải tay, phần bầu trời mà hạt cát này che phủ chính là những gì bạn thấy trong bức ảnh này", điều này cho thấy, dù bức "Webb's First Deep Field" chứa hàng trăm thiên hà bên trong nó, nhưng thực tế nó chỉ là một phần vô cùng nhỏ của vũ trụ bao la.

Đây là bức ảnh màu sâu và sắc nét đầu tiên về vũ trụ - Ảnh 2.

Kính viễn vọng không gian Hubble, tiền thân của James Webb

Kỷ lục trước đây về bức ảnh vũ trụ xa nhất thuộc về kính viễn vọng không gian Hubble với hình ảnh của vũ trụ 700 triệu năm sau vụ nổ Big Bang, đây là thời điểm mà các thiên hà đã hình thành và các hệ sao đã bắt đầu hoạt động tương đối ổn định.

Đây là bức ảnh màu sâu và sắc nét đầu tiên về vũ trụ - Ảnh 3.

Một bức ảnh gần đây nhất của Hubble, trong đó một ngôi sao đang hút các mảnh vỡ thiên thể xung quanh lại phía mình

Kính viễn vọng thiên văn James Webb (JWST) là thế hệ tiếp theo của kính viễn vọng huyền thoại Hubble. Đây là kết quả của sự hợp tác giữa nhiều cơ quan hàng không vũ trụ lớn trên thế giới bao gồm NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ, ESA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu) và CSA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Canada).

Kính viễn vọng James Webb có thể phát hiện vật thể mờ gấp 100 lần mức Hubble có thể quan sát. Nó cũng có thể thể quét vũ trụ bằng tia hồng ngoại, từ đó quan sát những thiên hà ra đời chỉ 200 triệu năm sau vụ nổ Big Bang.

Đây là bức ảnh màu sâu và sắc nét đầu tiên về vũ trụ - Ảnh 5.

Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST)

Hiện nay, JWST đang hoạt động ở vị trí ổn định về lực hấp dẫn ở ngoài quỹ đạo Mặt Trăng hay còn gọi là điểm Lagrange sau khi được phóng thành công vào ngày 25/12/2021. Trong 6 tháng tiếp theo, các kỹ sư NASA đã hiệu chỉnh thiết bị và gương của kính viễn vọng để chụp loạt ảnh đầu tiên. Bức ảnh vừa được công bố bên trên mới cũng nằm trong loạt ảnh này. Vào 22h30 ngày 12/7, NASA sẽ tiếp công bố thêm 4 bức ảnh nữa, hứa hẹn sẽ hé lộ thêm nhiều điều thú vị về vũ trụ nơi mà chúng ta đang sống.

https://kenh14.vn/day-la-buc-anh-mau-sau-va-sac-net-dau-tien-ve-vu-tru-20220712193453359.chn