Đến cả Thạc sĩ Harvard cũng cho rằng nếu thiếu điều này thì bao nỗ lực kiếm tiền làm giàu của bạn đều là vô nghĩa

Ngọc Linh, Theo Nhịp sống thị trường 20:15 11/03/2024

Đây là công thức có thể giúp bạn cải thiện mối quan hệ với tiền bạc, đồng thời gia tăng cảm giác viên mãn trong cuộc sống.

Kiếm bao nhiêu tiền cũng cảm thấy không đủ, không phải bởi sức tiêu gấp nhiều lần sức kiếm, mà vì luôn so sánh thu nhập của bản thân với những người khác, bạn đã bao giờ trong trạng thái đó chưa?

Manisha Thakor - Người vừa nhận bằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) của trường Kinh doanh Havard (Havard Business School) đã đặt ra câu hỏi trên và đưa ra một lời tự thú: "Tôi đã từng trong trạng thái ấy, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình làm được nói chung, và số tiền mình kiếm được nói riêng".

Đến cả Thạc sĩ Harvard cũng cho rằng nếu thiếu điều này thì bao nỗ lực kiếm tiền làm giàu của bạn đều là vô nghĩa - Ảnh 1.

Manisha Thakor

Cảm giác bất mãn của Manisha bắt nguồn từ công thức mà cô luôn "ghim" trong đầu: Giá trị của bản thân mình = Số tiền mình đang có.

"Suốt nhiều năm trời, tôi tin rằng đó là công thức đúng. Chẳng phải các công ty, doanh nghiệp đều dựa vào lợi nhuận sau thuế hoặc tổng doanh thu sau thuế để đo lường hiệu quả hoạt động hoặc tốc độ phát triển của họ hay sao? Tôi đã suy nghĩ theo hướng ấy mà quên mất một sự thật rằng mình chỉ là một người bình thường, hoàn toàn không phải một vật thể như một công ty hay doanh nghiệp nào đó" - Manisha giải thích.

Sau khi nhận ra cách suy nghĩ có phần sai lầm của mình, Manisha đã tìm ra một công thức đúng đắn hơn.

Sức khỏe tài chính + Sự trù phú trong tâm hồn = Trạng thái giàu có ổn định

"Tôi nhận ra nếu mình không có sự trù phú trong tâm hồn, hay nói cách khác là những cảm xúc tích cực như hạnh phúc, hứng khởi, nhiệt huyết,... Dù có kiếm được bao nhiêu tiền, hay đạt được thành tựu trên con đường học vấn, sự nghiệp, tôi cũng không thể cảm thấy bản thân mình đang giàu có và phát triển" - Manisha lý giải về công thức cô đã đưa ra.

Manisha định nghĩa sức khỏe tài chính là khả năng kiếm được tiền và sử dụng tiền để đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống như: Trả tiền thuê nhà, mua đồ ăn, dành tiền cho việc nghỉ hưu và quỹ tiết kiệm khẩn cấp. Trong khi đó, sự trù phú trong tâm hồn là những trải nghiệm sống mang lại cho bạn những cảm xúc ý nghĩa mỗi ngày.

Phải làm sao để xây dựng sự trù phú trong tâm hồn?

Trong khi phần lớn mọi người đều biết để có tiền trang trải cho các nhu cầu cơ bản hàng ngày, cho quỹ nghỉ hưu và quỹ tiết kiệm khẩn cấp, chúng ta cần làm việc, đồng thời biết cách quản lý chi tiêu.

Sự trù phú trong tâm hồn lại là khái niệm có phần mông lung hơn, và không phải ai cũng biết cách để đạt được trạng thái này.

Đến cả Thạc sĩ Harvard cũng cho rằng nếu thiếu điều này thì bao nỗ lực kiếm tiền làm giàu của bạn đều là vô nghĩa - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Hãy tưởng tượng tới viễn cảnh bạn có nguồn tài chính dồi dào vô cùng nhưng lại chỉ còn 1 tháng để sống trên đời này, lúc đó, bạn sẽ muốn làm những việc gì? Danh sách câu trả lời chính là các hoạt động mà bạn đam mê, khao khát, có thể khiến tâm hồn bạn trở nên trù phú" - Manisha chia sẻ.

Sau đó, Manisha cũng khuyên bạn nên bắt đầu thực hiện những điều trong danh sách câu trả lời bạn vừa tìm ra. Cô cũng khẳng định danh sách này có thể sẽ thay đổi tùy vào từng độ tuổi, từng giai đoạn trong cuộc đời.

"Tôi có thể liệt kê rất nhiều hoạt động miễn phí giúp bạn xây dựng sự trù phú trong tâm hồn như dành thời gian bên những người bạn thực sự thương yêu, hòa mình vào thiên nhiên, đọc sách,... Nhưng đương nhiên, bạn vẫn phải là người tự tìm ra con đường để chạm vào sự trù phú trong tâm hồn của mình" - Manisha chia sẻ.

Theo CNBC