Điểm danh 4 loại trái cây gây nên bao "sóng gió" trong thần thoại Hy Lạp

Quỳnh Đào, Theo Trí Thức Trẻ 23:45 08/02/2019

Trong thần thoại Hy Lạp, có người vì một quả nho mà trở thành thần, cũng có người vì lỡ cắn một miếng lựu mà "há miệng mắc quai"!

Thần thoại Hy Lạp vẫn luôn là một chủ đề hấp dẫn, là một kho tàng văn hoá thế giới và là tiền đề của nhiều ý tưởng triết học sau này. Trái với khái niệm thần "không ăn khói lửa nhân gian" của người châu Á, những vị thần Hy Lạp cổ xưa rất "người", họ có hỉ nộ ái ố, sở thích cũng như ham muốn và một trong số những sở thích của họ là ăn. Những vị thần Hy Lạp thích ăn uống xa hoa, đến mức người dân Hy Lạp xưa cứ mỗi lần thịt con gì, thu hoạch gì là đều phải chừa một phần dâng lên cho các thần, nếu không sẽ lãnh hậu quả.

Có rất nhiều món ăn Hy Lạp hiện tại được nhắc đến trong thần thoại năm xưa, có những món ăn ảnh hưởng lớn đến lịch sử của các vị thần. Và nếu phải nhắc đến những món ăn có ảnh hưởng lớn, gây không biết bao "sóng gió" thì không thể không kể đến 4 loại quả sau đây:

Táo

Không thể nghi ngờ gì, trận chiến thành Troy là một trong những trận chiến khốc liệt và kịch tính nhất của thần thoại Hy Lạp, thế nhưng hiếm ai biết điều dẫn đến trận chiến này thực ra là... một quả táo. Táo là một loại quả ngon và nổi tiếng, táo có biết bao công dụng tốt cho sức khoẻ. Từ quả táo, ta có thể tạo ra biết bao món ăn ngon. Thế nhưng cũng vì một quả táo, mà trận chiến khốc liệt nhất nhì thần thoại Hy Lạp đã diễn ra như thế này đây:

Nữ thần thù hận sau khi không được mời dự tiệc, đã "thù dai" nên gửi một quả táo sang cho ba vị nữ thần khác được mời là Hera, Aphrodite và Athena kèm lời nhắn đại ý "táo này dành cho người xinh đẹp nhất". Thần Zeus thấy thế bèn ném quả táo đầy nguy hiểm này cho Paris, hoàng tử của thành Troy, chàng này đắn đo đủ kiểu, nhưng khi Aphrodite hứa sẽ cho chàng cô vợ đẹp nhất thì anh trao luôn táo cho nữ thần này. Cô vợ đẹp này tình cờ là hoa đã có chủ, "chủ" của nàng là vua Melenaus, vì mất vợ mà ôm hận khởi quân đánh chiếm thành Troy.

Và như thế, quả táo ngon lành của chúng ta đã trở thành biểu tượng của sự "thù hằn" và "ghen tỵ" trong thần thoại Hy Lạp.

Ô-liu

Có thể nói, quả Ô-liu gần như là "linh hồn" của rất nhiều những món ăn phương Tây, bao gồm pizza, các loại salad dùng dầu ô-liu, các loại mì, nước sốt... Quả ô-liu trong thần thoại Hy Lạp cũng đóng vai trò quan trọng không kém, ấy chính là yếu tố khiến nữ thần Athena thắng ông chú thần biển Poseidon trong cuộc chiến tranh giành quyền bảo hộ thành phố Athens. Để làm đẹp lòng người dân và thắng "bầu cử", thần biển Poseidon "cục mịch" suy nghĩ đơn giản làm cho người Athens một... bờ biển, vì nghĩ họ thiếu nước. Song biển của ông mặn, chẳng dùng nấu ăn được. Lúc này, Athena không hổ danh là nữ thần trí tuệ, đã tặng ngay cho người dân một cây ô-liu. Người dân Athens sau khi thấy công dụng tuyệt vời trong ẩm thực của ô-liu thì đã "ưng ngay cái bụng", thế là Athena "đắc cử".

Điều này cho thấy, dù là đời trước hay đời sau, là thần hay người, thì ăn được vẫn là quan trọng nhất.

Nho

Nhắc đến quả nho, ta nhớ ngay đến thần Dyonysus. Ông thần này vốn là "con ngoài giá thú" của thần Zeus nên cũng chẳng được phong thần tiên như các anh em, song ông cũng không ham làm thần mà chỉ thích... trồng nho. Tuy nhiên trong một lần thu hoạch nho, ông lơ đễnh dẫm chân vào chậu nho tươi, khiến các quả bị... bẹp lép. Chán nản, ông cứ thế để chậu nho nát ở đấy rồi... đi du ngoạn. Sau một thời gian, lúc trở về, ông bị choáng ngợp bởi mùi hương ngọt ngào hiếm thấy của quả nho lên men. Cảm thấy thức uống này thật thần kì, ông dâng lên cho Zeus và các vị thần khác. Những vị thần nhanh chóng bị thức uống này chinh phục, ngon đến mức ai nấy cũng đồng ý lập Dyonysus lên làm thần.

Ngoài ra thì nhiều phiên bản khác cho hay là món nước ép nho lên men đã chinh phục được nhiều người dân thường đến mức chẳng cần tới các vị thần khác cho phép mà tự lập ông lên làm thần.

Lựu

Quả lựu lại là đại diện cho một trường hợp kinh điển minh chứng cho câu "há miệng mắc quai". Ai cũng biết Pepserphone là vợ của thần âm phủ Hades, con của nữ thần mùa màng Demeter, tuy nhiên vụ cưới gả này vốn là "bằng mặt không bằng lòng".

Ban đầu, Hades bắt cóc Pepserphone và ép nàng cưới mình. Mẹ nàng là Demeter thấy thế thì quyết định phản đối bằng cách đình công, khiến nông dân cả năm thất thu, không ai thu hoạch được gì. Mà không thu hoạch được gì thì cũng đồng nghĩa không có phần cho các vị thần, ai nấy cũng đói meo. Trước tình hình này, thần Zeus mới bèn gây áp lực bắt Hades thả người. Hades thấy thế thì bắt đầu chuyển sang kế hoạch B, ấy là trên đường tiễn Pepserphone về lại với đất mẹ, ông tặng nàng một quả lựu như món quà chia tay. Nhìn quả lựu bóng bẩy xinh đẹp, Pepserphone không kiềm được ăn vài miếng nhỏ và điều này cũng "chốt" luôn số phận làm dâu xa xứ của nàng, bởi thức ăn âm phủ của Hades khiến người ăn bị trói buộc với thế giới ngầm.

Bài học ta học được ở đây cho các thực thần là, dù hấp dẫn đến đâu cũng không nên "bạ gì ăn nấy" vô tội vạ nhé!